CÓ HAY KHÔNG GIẤC MỘNG 'TIÊN TRI'?

Ngày xưa, người ta rất hâm mộ những cuốn sách Giải Mộng - đó là loại sách giải thích bất kỳ giấc mộng nào. Mơ thấy cừu được trọng vọng, thấy chong chóng gió tất sẽ có chuyện ly dị, thấy rắn rết là điềm chẳng lành, thấy bánh mì sẽ được tiền, thấy mua bán heo là sẽ có tin vui …

Đôi khi sự giải mộng chỉ đơn thuần bắt nguồn từ những trùng hợp bề ngoài: VD thấy chó sói xâu xé đàn súc vật nuôi có nghĩa là có chuyện rủi ro; VD thấy rụng răng trong mơ thì có sự mất mát… Thậm chí còn đơn giản hơn nữa, người ta dựa vào sự trùng âm, chẳng hạn như thấy cây tiêu là Tiêu Tùng, hoặc chẳng hạn thấy trái bí là Bế Tắc v.v…

Tuy nhiên, những cuốn sách giải mộng đã được bán rất chạy mà không cần quảng cáo gì đặc biệt. Người ta vẫn có cơ sở để tin vào những giấc mộng "tiên tri" thật chắc chắn. Vì sao như vậy? Lý do là người ta có rất nhiều bằng chứng không thể chối cãi rằng giấc mơ sau đó đã trở thành hiện thực.

Một bác sĩ người Đức Ghexner một lần mơ thấy mình bị rắn cắn. Sau đó ở chỗ "rắn cắn" xuất hiện vết loét. Khi Ghexner nằm mơ đâu đã có vết loét, nhưng quá trình sinh bệnh đã diễn ra.

Giải thích hiện tượng này, ta biết rằng bệnh phát những tín hiệu đau đớn tới não người cả ban ngày lẫn ban đêm, nhưng vào ban ngày những tín hiệu đó bị chìm lấp đi bởi những sự kiện, những cảm giác khác mạnh mẽ hơn, vì vậy ta không nhận thấy những tín hiệu đó.

Khi ngủ vào ban đêm, những kích thích bắt đầu bộc lộ rõ. Chúng ta "nhận ra" dưới dạng giấc mơ bị rắn cắn. Điều đó có nghĩa là giấc mơ không báo trước mà chỉ phản ánh thực tế. Những giấc mơ "tiên tri" như thế hoàn toàn không phải là hiếm.

LÝ GIẢI GIẤC MỘNG "TIÊN TRI"

Một phụ nữ trẻ đi công tác xa nhà, chị chào tạm biệt mẹ. Buổi tối hôm ấy trên xe lửa chị mơ thấy một giấc mơ hãi hùng: mẹ ốm nặng và gọi điện thoại con gái trở về nhà. Hôm sau giấc mơ lặp lại, lần này chị thấy đám tang mẹ. Vô cùng lo lắng, chị điện thoại ngay về nhà. Người em trai trả lời: "Mẹ đang bệnh". Người phụ nữ quay về nhà thấy mẹ bệnh rất nặng, tuần lễ sau bà mẹ ra đi vĩnh viễn.

Ở đây không có gì là huyền bí. Khi tạm biệt mẹ, người con gái nhận thấy khuôn mặt ốm yếu của mẹ mình. Chị thấy nhưng không nghĩ là điều hệ trọng. Trong suy nghĩ lúc ấy còn bận với chuyến đi sắp tới, nên não chị đã cất hình ảnh bà mẹ đau ốm một góc nhỏ trong trí nhớ. Trên xe lửa, chị nghĩ vẩn vơ không biết có còn được gặp mẹ hay không, bởi bà cụ đã già rồi. Trong trí nhớ lại hiện lên cảnh tiễn biệt, ánh mắt buồn của người mẹ. Và đêm đầu tiên trên tàu, trong giấc mơ não đưa ra hồi ức về gia đình dưới dạng một hình ảnh rõ ràng, kế tiếp sau đấy là giấc mơ đám tang cũng là điều chị suy nghĩ lúc ban ngày.

Chúng ta đều biết rằng không phải bất cứ giấc mơ nào cũng thành hiện thực. Vì vậy nếu người ta thấy sự việc khớp với giấc mơ thì gọi đó là giấc mơ "tiên tri"; không khớp thì đó chỉ là giấc mơ bình thường. Cách giải thích ấy thật là tiện lợi!

Có giả thuyết rằng chỉ thấy giấc mơ "tiên tri" vào những ngày nhất định trong tuần, chẳng hạn như vào thứ sáu, hoặc thậm chí vào ngày bắt đầu tuần trăng là "xác thực", vào ngày cuối sẽ "không hiện thực" v. v…

Bạn thấy rằng có biết bao khả năng khiến cho một điều trong giấc mơ thành hiện thực, người ta vẫn tin chắc vào sự tồn tại của những giấc mộng "tiên tri".

Tuy nhiên khi con người bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, chắc chắn sẽ hiểu được tại sao người ta vẫn tin vào những giấc mơ.

(Sách Những Điều Bí Ẩn)