Làng Hồ tháng chạp nhớ nghề buôn tranh...

24/01/2011 06:50

(VTC News) - Một vài tờ tranh bên cạnh mâm ngũ quả ngày Tết sẽ là thứ mà các bà, các chị không thể quên khi đi chợ trong những ngày giáp Tết. Đó là thói quen, hay cũng là chút tâm linh gắn kết trong tư duy tín ngưỡng, tình cảm của mọi người dân Việt Nam.



Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh...


Tết đến xuân về, không thể bỏ qua thú chơi tranh. Bởi "Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc" đó là 4 thú chơi tao nhã của người Việt xưa. Ngày nay, thú chơi thứ nhì này có phần không thực sự được chú trọng hoặc cách chơi tranh cũng khác. Khác về cả cách chơi và loại tranh chọn chơi. Có lẽ một phần do tác động của nền kinh tế thị trường, của thời đại công nghiệp? Hay do người ta (nhất là lớp trẻ) không được hướng dẫn cách chơi? Chỉ biết, những dòng tranh dân gian truyền thống nổi tiếng Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống... được du khách nước ngoài đặc biệt thích thú, nhưng đối với nhiều người Việt hiện nay lại trở nên xa lạ.





"Trang hoàng trên vách bức tranh gà" (Thơ Tú Xương)

Việt Nam mở cửa và đón nhận nhiều luồng gió mới về mặt văn hóa, thị trường tranh Tết theo đó cũng vô cùng phong phú với nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau. Tuy nhiên chọn một bức tranh ưng ý thì không dễ dàng chút nào. Tranh được chọn là tranh trừu tượng, phong cảnh hay tĩnh vật, màu sắc thế nào… còn thể hiện “gu” thẩm mỹ và phong cách riêng của người chọn nó.



Vài năm gần đây, việc chơi tranh Tết dân gian có xu hướng quay trở lại khi những bức tranh dân gian vẫn được người sành chơi tranh ưu tiên lựa chọn bên cạnh sự xuất hiện của rất nhiều dòng tranh hiện đại. Vẫn với nét đẹp giản dị mà tinh tế, những bức tranh dân gian Đông Hồ được cải tiến với việc đóng khung tre để phù hợp với cách bố trí một phòng khách hiện đại. Đó là nỗ lực của những người chơi tranh để những chân giá trị, cái tinh cái quí nhất của Tranh Việt cùng với nền văn hóa dân tộc vẫn luôn được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại.



Nằm ấp mình bên bờ đê phía nam của dòng sông Đuống hiền hoà, nghiêng trôi “một dòng lấp lánh”, làng tranh Đông Hồ đã trải qua biết bao những thăng trầm để giữ cho “hồn dân tộc” mãi được “sáng bừng trên giấy điệp”.



Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.



Không phải tự nhiên tranh Đông Hồ được nhà thơ Hoàng Cầm nhắc đến đầy tự hào và kiêu hãnh trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” như một đặc sản nghệ thuật của vùng quê Kinh Bắc. Cái làm nên nét đặc sắc độc đáo của tranh Đông Hồ chính là chất liệu làm tranh, được chế biến thủ công từ các nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên: Giấy làm từ cây dó, màu đỏ từ gạch non, màu vàng từ hoa điệp vàng, màu đen từ lá tre đốt, màu trắng được nghiền từ vỏ sò, ốc… Trên cơ sở những màu sắc cơ bản ấy, người dân đã tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau từ việc trộn lẫn các màu.





Phơi tranh (Ảnh: Thanh niên)


Để hoàn thành một sản phẩm, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp; khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi…

Cứ thế, dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh từng hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân, những hình ảnh của cuộc sống thường ngày... như bừng sáng trên giấy dó. Mọi giai đoạn đều thật công phu nên đòi hỏi người làm tranh luôn cẩn trọng, cầu kì, chú ý đến từng chi tiết nhỏ để có được một bức tranh đẹp.



Tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và có sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài cũng bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn liền với văn hoá người Việt. Một vài tờ tranh bên cạnh mâm ngũ quả ngày Tết sẽ là thứ mà các bà, các chị không thể quên khi đi chợ trong những ngày giáp Tết. Đó là thói quen, hay cũng là chút tâm linh gắn kết trong tư duy tín ngưỡng, tình cảm của mọi người dân Việt Nam.



Lê Nho Việt