Xưa rồi chuyện “chồng giận vợ phải bớt lời”



Giờ đây, ở nhà, vợ tôi là “cấp trên”, tôi và thằng con là “cấp dưới”. Mọi chuyện cứ thế mà duyệt theo “cấp trên”, cấm cãi.

Từ xưa các cụ vẫn nói: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê” nhằm khuyên răn những người làm vợ biết cách mà thu vén hạnh phúc gia đình. Nhưng đến nay, chuyện vợ bớt lời có vẻ không còn đúng lắm. Thay vào đó, hình ảnh “Vợ giận thì chồng bớt lời” có vẻ phổ biến hơn.

Vì đâu nên nỗi?

Chẳng nói đâu xa, ngay ở nhà tôi, chính vợ chồng tôi đây. Tôi “tốt số” lấy được cô vợ xinh đẹp, giỏi giang ngang tôi. Chẳng gì tôi cũng là cái thằng đẹp trai nhất làng, học giỏi nhất huyện và khéo mồm nhất tỉnh. Danh sách những cô gái mê tít tôi có thể viết kín đến cả hai trang giấy. Ấy thế mà cũng chẳng thấm vào đâu so với vợ tôi. Hồi mới yêu nhau, tôi phải mất hai tối mới nghe nàng kể hết tên những “cây xi” như tôi nhưng đã bị bật gốc.

Thế nên lấy được nàng là tôi đã “trúng số độc đắc” lắm rồi. Tôi lại là cái thằng được mệnh danh có tư tưởng “cấp tiến” nên chẳng có lẽ gì tôi bắt vợ phải chịu lép vế trước tôi. Tôi nói một câu, tôi cũng cho vợ nói một câu, tôi quát một câu tôi cũng để vợ được “quyền” quát một câu. Vợ chồng tôi cãi nhau cũng có lần lượt và nguyên tắc. Đến nỗi mà bố mẹ tôi còn phải lắc đầu: “Vợ chồng thằng này như phường chèo cả lượt”.

Vợ chồng, bình đẳng?
Cuộc sống quy củ và trật tự như vậy có lẽ sẽ cứ êm ấm trôi đi nếu như không đến một ngày vợ tôi mang bầu và sinh một thằng ku kháu khỉnh. Hồi bầu bí, thấy vợ có vẻ nặng nhọc và mệt mỏi, tôi ga lăng chiều chuộng hết mình. Vốn biết tính khí phụ nữ thay đổi khi mang bầu nên tôi đành “nhịn” vợ mỗi khi cô ấy nổi xung. Thì cũng bởi vợ mang bầu con trai mình chứ con ai. Thế là tôi ngấm ngầm “quy tắc” cho mình: Vợ nói hai câu thì mình nói một câu. “Nhịn” vợ đi đâu mà thiệt.



Rồi đến ngày vợ sinh, vợ ở cữ, vợ thức đêm chăm con. Mọi chuyện có vẻ lung tung và bất quy tắc hơn tôi tưởng.Thằng con hay quấy đêm khiến cả hai vợ chồng quay như chong chóng. Vợ hay phải dậy hơn vì chỉ có mẹ bế và ru thì nó mới im. Vậy là tôi lại được ngủ ngon trong khi vợ “đầu bù tóc rối” vì con. Tính khí vợ tôi cũng thay đổi từ đó. Thay vì nói hết hai câu rồi chờ tôi nói thì nàng nói liền tù tì một tràng mà tôi cũng chẳng kịp đếm xem bao nhiêu câu. Chỉ kịp nghỉ lấy hơi, không chờ tôi nói là nàng lại tiếp tục “ca”. Hết đổ lỗi cho tôi là lười nhác không chịu thay bỉm cho con, đến trách tôi không còn yêu vợ, không dỗ dành mỗi khi vợ khóc, không chải đầu cho vợ mỗi khi đầu tóc vợ rối tung vì bế con cả đêm. Chán rồi nàng đổ cho tôi không yêu con, vì đêm không chịu dậy bế con. Mà khổ quá, tôi bế, thằng con có nín đâu.

Ngẫm lại cũng thấy mình đang “sướng” hơn vợ nên tôi lại “nhường” nàng cái quyền được nói. Nàng cứ nói bao nhiêu nàng muốn, còn tôi thì chỉ cười cười phụ họa mà thôi. Nhiều khi không chịu nổi nữa, tôi chỉ kịp quát lên: “Thôi im đi” là cái mặt vợ tôi lại xị ra và mắt ngân ngấn nước. Không đành lòng, tôi lại dịu giọng: “Anh xin lỗi, em cứ nói tiếp đi”.

Ai bảo cứ chồng giận thì vợ bớt lời?

Cái thằng đàn ông như tôi có dại không? Tôi cứ cả nể vợ và thầm nghĩ: Chăm con vất vả nên vợ thay đổi tính tình, chờ khi con lớn một chút là ta lấy lại bình đẳng: chồng một câu, vợ một câu ngay thôi mà.

Ấy thế nhưng đến nay con trai đã 4 tuổi rồi mà tình thế không có chiều hướng thay đổi theo hướng “bình đẳng” như tôi nghĩ. Vợ tôi vẫn nói và tôi vẫn là người nghe. Ngay cả khi biết vợ vô lý rành rành nhưng sao tôi cũng không muốn “cãi”, bởi tôi biết rằng, thế nào đêm ấy vợ tôi lại thủ thỉ xin lỗi mà thôi. Tôi quen rồi mà.

Giờ đây, ở nhà, vợ tôi là “cấp trên”, tôi và thằng con là “cấp dưới”. Mọi chuyện cứ thế mà duyệt theo “cấp trên”, cấm cãi. Mấy chiến hữu của tôi bảo tôi sợ vợ, bảo tôi là phải bắt vợ phục tùng chứ sao lại phục tùng vợ. Các cụ vẫn bảo: “chồng giận thì vợ bớt lời” mà.

Nhưng tôi nghĩ, có nhất thiết phải thế không nhỉ. Tại sao lại không thể là: “Vợ giận thì chồng bớt lời”? Nhìn nhà tôi đấy thôi, vẫn hạnh phúc lắm, cả nhà biết yêu thương, đùm bọc nhau chứ có ai cạnh tranh quyền lực gì đâu. Mấy ông bạn tôi tỏ ra “lắm chữ”, thế mà một ông đã li dị vợ 2 năm, một ông đang li thân, và một ông nữa ngót nghét 40 rồi mà đã lấy được vợ đâu. Thử hỏi, có nhất thiết phải tuyệt đối tuân theo những gì các cụ dặn không?

Theo afamily.vn