Như Tác giả đã viết :" là những bài viết ngắn của hành giả trên bước đường...tu học để tự cảnh sách mình, để định hướng tham thiền,để lập chí trường cữu...và cảm nghiệm trong tham thiền...". lotus74 gởi đây không biết có giúp ích gì cho các bạn chăng? KÍNH .

(Tr 277, THAM THIỀN TỰ CẢNH SÁCH VĂN, Tác giả: Thanh Lương Thích Thiện Sáng).

Cuộc sống với nhiều phồn tạp,mà khuynh hướng dục nhiễm quả thật là trầm trọng làm con người sống trong trì trệ,tội lỗi và đau buồn. Thế nên thiện pháp là pháp đối mà có khuynh hướng làm cho đời sống an lạc,tuy không phải là cứu cánh tuyệt đối, nhưng rất đáng bỏ công để thực hành,vì cuộc sống được hướng dẫn bằng con đường thiện pháp chắc chắn sẽ đem hành giả một cuộc sống an lành, vì lợi ích cho mình và cho người, đáng được ca ngợi và tán thán , bất cứ ai thắp sáng cuộc đời bằng thiện pháp đều là những bông hoa đẹp của cuộc đời, đều là ngọn gió mát thổi tan sự nóng bức cháy khô của tội lỗi, đều là ánh sáng soi rọi đường đi cho nhân sinh đau khổ. Cuộc sống sẽ có ý vị thâm trầm khi có thiện pháp, niềm vui sẽ thấm thía nhẹ nhàng với tác động của nó, nên người xưa nói “Vi thiện tối lạc”(làm điều thiện là vui hơn hết).
Hành giả tìm chân lý phải nghiêm túc thực hành thiện pháp,chân lý chưa biết nơi đâu, nhưng chân lý gần gũi nhất để giúp hành giả không bị đau khổ chính là thiện pháp. Thật là phi lý khi đi tìm chân lý mà không giải trừ những ham muốn thấp hèn, tội lỗi và phát huy thiện pháp.Vì nhân quả phải tương ưng nhau,không thể với nhân xấu ác mà lại đưa đến một quả thiện lành được.cho nên hành giả phải thật sự tin vào sự chắc thật của kết quả thiện pháp để giải trừ những tập nghiệp xấu xa và phát huy những đức hạnh tốt đẹp.
Còn về nội lạc lại đặc sắc hơn và khó đạt được. Người bình thường thế gian thật khó mà nghĩ ra đều gì đó làm cho mình cực vui mà không phải từ bên ngoài đưa đến,vì người đời thường chỉ nghĩ đến những niềm vui giác quan luôn luôn phải có đối tượng làm chất xúc tác kích thích.Nội lạc đòi hỏi phải có sự tĩnh lặng tâm hồn, được thực hành qua các pháp tọa thiền.khi tâm trí bớt vọng động và chuyên nhất thì ai ai cũng đều cảm nghiệm được một lạc thọ vô ưu từ trong tâm thức tuôn tráo ra, trong khi lạc thọ giác quan lệ thuộc vào đối tượng bên ngoài nên luôn luôn đi theo lạc thọ đó là lo âu , phiền muộn.lạc thọ nội tâm cũng có thể củng cố và tăng trưởng bằng sự tọa thiền siêng năng cũng như sự tỉnh giác trong sinh hoạt bình thường, càng giũa mài thì sự thâm diệu của nội lạc càng rõ ràng phát triển và đáng ưa thích, điều này làm hành giả sống lạc quan dù không cần nương tựa vào đối tượng bên ngoài,và tâm thức sẽ càng mở rộng đón nhận tất cả hiện hữu với tinh thần không chiếm hữu.Nội lạc còn gọi là thiền lạc, hành giả nào có công phu miên mật đều có thể cảm nghiệm được điều này một cách chân thật rõ ràng.Thật là điều vui mừng lớn khi tâm thức hành giả đã trở nên bình thường,dể dàng đi vào nội lạc để nuôi lớn tâm thức.
Còn về vô tâm lạc thì sự phi thường mầu nhiệm còn độc đáo hơn nhiều, nhưng sống được với vô tâm thật là bình sanh hạn hữu, chỉ một lần cảm nghiệm vô tâm hành giả sẽ không bao giờ quên, ấn tượng này sẽ ảnh hưởng và hướng dẫn hành giả trong cuộc sống hằng ngày. Mọi ước vọng mong cầu , chiếm hữu ,lo toan…đều là sự biểu lộ của hữu tâm,trong đó có sự ngăn ngại, bất bình, sợ hãi.Còn vô tâm tức là mọi hiện hữu của ngã tính đều vắng bặt, tâm thức hành giả sẽ bao la vô tận, tình thương thật dạt dào. Nếu hành giả không thường trực sống được với vô tâm thì vẫn phải công phu tự giác nuôi dưỡng và phát triển nó, càng sống được với tâm thức vô tâm thì sự tự tại an vui thật vô cùng tận.
Thiện lạc, nội lạc và vô tâm lạc hỗ trợ nhau để cuộc sống đúng nghĩa là niết bàn lạc. Cái an lạc vĩnh cữu mà hành giả có thể đạt được ngay trong cuộc sống này chứ không đâu xa xôi cả.