Ba tạng Kinh, Luật, Luận của Phật giáo là một kho tàng văn học khổng lồ, phản ảnh mọi phương diện của cuộc sống. Đặc biệt, văn học Phật giáo rất đa dạng về thể loại và giàu có về hình ảnh.
Hầu như mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống đều trở thành đề tài hay hình ảnh để Đức Thế Tôn diễn bày đạo lý, và hình ảnh nào đi vào kinh điển cũng đều trở nên sâu sắc, lung linh khiến người đọc, người nghe nhớ mãi.

Nhân dịp Xuân Mậu Tý, xin giới thiệu một vài ảnh dụ về chuột trong kinh Phật để bạn đọc suy niệm.

Chuột ăn trộm sữa mà chết

Xưa có ông trưởng giả dùng bình đựng sữa, đặt ở trên gác, do đậy nắp không kỹ nên chuột chui vào bình. Do tham ăn, chuột ngày đêm ở luôn trong bình ăn sữa, thân thể lớn dần. Đến khi sữa hết, toàn thân chuột đã lớn chật cả cái bình và trắng như sữa.

Một hôm, có người đến nhà trưởng giả mua sữa. Bấy giờ trưởng giả lên gác lấy bình sữa xuống, nghĩ rằng sữa đã đông, nên đặt trên bếp. Khi chuột vào bình, đầu chui xuống dưới, đuôi ở bên trên, đến khi lớn dần, thân chật cả bình nên chẳng thể nhúc nhích quay đầu được. Chuột ở trong bình bị chết, thân thể tan ra lại hóa thành sữa, người mua người bán lấy được khoảng chừng một thăng sữa thì thấy xương cốt chú chuột nằm ở dưới đáy bình.

Bấy giờ trưởng giả thấy như vậy liền suy nghĩ, lúc ta cất sữa đậy nắp không kỹ, ắt chuột đã chui vào, do quá tham ăn, chuột ở luôn trong bình không chịu ra, sữa hết chuột chết, sự việc ắt như vậy. Rồi trưởng giả lại nghĩ, những người phóng dật, tạo nhiều tội lỗi (như tham lam, ăn cắp tài sản của mọi người) thì cũng như vậy.

(Kinh Xuất Diệu, Đại 4, N00212, p.0637a02)

Chuột cứu vua thành Tì-xá-li

Đức Phật kể rằng: Ca-lan-đà là tên một con chuột núi. Bấy giờ, vua Tì-xá-li dẫn các mỹ nữ vào núi dạo chơi. Rồi vì mệt mỏi, vua ngủ say dưới một gốc cây, các mỹ nữ chạy chơi bốn phía.

Lúc ấy, dưới gốc cây có một cái hang, trong hang có một con rắn độc rất lớn, nghe mùi rượu từ vua thở ra, liền ra khỏi hang muốn cắn vua. Trên cây có một con chuột trông thấy liền nhanh chóng chạy xuống kêu chút chít đánh thức nhà vua dậy. Con rắn bèn lùi lại. Vua chợt tỉnh rồi lại ngủ tiếp. Con rắn lại bò ra. Chuột lại kêu chút chít đánh thức nhà vua. Vua mở mắt, thấy con rắn độc cực lớn thì kinh sợ, kêu cứu bọn mỹ nữ. Khi quay lại thì không thấy con chuột đâu nữa.
Vua liền nghĩ: Ta nay còn sống là nhờ ơn cứu mạng của chú chuột. Nghĩ vậy, vua liền tìm cách báo ân. Bấy giờ, bên núi có một thôn làng, vua liền ra lệnh cho muôn dân trong làng: Từ nay về sau, bổng lộc của ta đều trả lại cho dân chúng để cung cấp cho chuột. Nhân sự kiện này, thôn làng ấy có tên là Ca-lan-đà. Trong thôn có một trưởng giả, tiền vàng hơn bốn mươi ức. Vua phong vị ấy làm trưởng giả của làng, nhân đó có hiệu là Ca-lan-đà trưởng giả.

(Kinh Luật Dị Tướng, Đại 53, N02121, p.0253a23).

Chuột ăn nội tạng mèo

Thuở xưa, có một con mèo đói khát, gầy yếu, rình con chuột ở trong hang. Nếu chuột ra thì nó sẽ bắt lấy mà ăn. Một hôm, chuột ra khỏi hang rong chơi, chú mèo kia liền chộp nuốt nhanh. Thân chuột nhỏ, bị nuốt chửng vào bụng. Khi vào bụng rồi, nó cắn nội tạng mèo. Bị cắn nội tạng, mèo điên cuồng chạy lung tung khắp nơi, từ nhà trống đến gò mả, không biết dừng lại nơi nào, dần dần cho đến chết.

Cũng vậy, Tỳ kheo, có người ngu si nương nơi làng xóm mà sống, sáng sớm đắp y, ôm bát, vào thôn khất thực mà không khéo hộ thân, không giữ các căn, tâm không cột niệm, thấy các nữ nhân, khởi tư duy bất chánh, liền nắm bắt tướng sắc mà phát khởi lòng tham dục.

Khi tham dục đã phát khởi, lửa dục cháy bừng, thiêu đốt thân tâm. Khi thân tâm bị thiêu đốt, tâm dong ruổi cuồng phóng, không thích ở tinh xá, không thích nơi rừng vắng, không thích dưới bóng cây; bị tâm ác bất thiện ăn vào pháp bên trong mà xả giới, thối thất. Người ngu này chịu khổ đau lâu dài, không lợi lạc. Cho nên, Tỳ kheo, cần phải học như vậy: Khéo hộ thân mình, giữ gìn các căn, buộc tâm chánh niệm mà vào thôn khất thực. Cần phải học như vậy”

(Kinh Tạp A Hàm, quyển 47, số 1260).

Chuột ăn hạt dẻ

Chuột có cái biệt tài ăn hạt dẻ. Số là khi ăn hạt dẻ, chúng chỉ dùng cái răng nhọn xuyên vào bên trong ruột hạt dẻ lấy đi phần nhân, cho đến khi lấy hết sạch phần nhân bên trong, mà hạt dẻ vẫn còn nguyên vẹn không sứt mẻ (cái vỏ bên ngoài). Hình ảnh này dùng để chỉ hai thứ chân lý: chân đế và tục đế. Bản tánh của tất cả các pháp là không có tự tánh (phần nhân trống rỗng), chỉ có giả danh (cái vỏ).

(Nhị đế nghĩa, quyển thượng, Cát Tạng tuyển, Đại 45, N01845, p.0081c28).

Bốn loại chuột

Có bốn loại chuột: Chuột sống trên nóc nhà, chuột trong nhà, chuột ngoài đồng ruộng, chuột sống nơi nhà xí. Chuột sống trên nóc nhà thì không thể sống ngoài đất bằng. Chuột sống trên đất bằng không thể sống trên nóc nhà. Chuột sống nơi đồng ruộng thì không thể sống nơi nhà người và ngược lại. Chuột sống nơi nhà xí thì không thể ra khỏi nhà xí, không biết trong kho có nhiều lúa thóc.

Cũng vậy, con người cũng có bốn hạng. Những gì là bốn?
Người tâm ý ngay thẳng, trì giới không khuyết phạm, muốn được đạo quả A la hán. Người trì giới tinh tấn, muốn được đạo Bích Chi Phật. Người trì giới học hỏi nhiều, hiểu rõ kinh, có trí tuệ, mong muốn độ tất cả chúng sinh, muốn được thành Phật. Người mượn danh đệ tử Phật, không thể trì giới, không muốn học hỏi, tâm ý vẫn còn do dự sợ không đắc đạo. Bốn hạng đệ tử trên cũng như bốn loại chuột kia.

(Kinh Hằng Thủy, Đại 1, N00033, p.0817a06).

Thích Nguyên Hùng (Theo Giác Ngộ Xuân Mậu Tý)