Những cách tiếp cận Cao Đài Giáo

Hệ thống tư tưởng Cao Đài Giáo phức tạp đến mức một người bình thường bỏ ra cả cuộc đời nghiên cứu, tu tập cũng chỉ như bơi trong một cái vịnh nhỏ. Có lẽ, người ấy không biết bên ngoài cái vịnh bé tí kia là đại dương, sóng cả gào thét trùng trùng. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho tôn giáo Cao Đài bị phân hóa ngay từ thời kỳ đầu mở đạo. Ngoại trừ các bậc tiền bối sống chết với đạo ra, những người khác tiếp cận hệ tư tưởng này giống như những người mù đứng trước con voi. Họ sờ soạng voi, rồi dù chỉ tóm lấy được cái tai hoặc cái vòi voi gì đó, nhưng họ cứ tưởng rằng mình đã biết rõ về loài voi! Cứ thế, họ khư khư ôm riết lấy ý tưởng đó, cương quyết không chấp nhận những cái mà bạn của họ chộp được! Hệ quả hết sức oái oăm: Cao Đài là một tôn giáo có tôn chỉ kêu gọi đoàn kết và dung hợp, nhưng trong nội bộ, hạt mầm chia rẽ, chống đối lại có thể nhanh chóng bám rễ rồi vươn lên thành cổ thụ. Vậy mà hiện nay, vẫn còn một số người cổ võ cho tình trạng chia rẽ này, bảo rằng Cao Đài này tịnh luyện, Cao Đài kia phổ độ. Điều đó cũng giống như chuyện một kẻ quê mùa kia mua bình hoa về, đập vỡ, dùng keo gắn lại rồi bảo rằng bình như vậy mới quí!!!

Có lẽ người ta đã quên một điều rất cơ bản là: muốn có được tư tưởng dung hợp mọi tôn giáo, thì điều cần phải có và ắt phải có là một đầu óc mở rộng không một bợn định kiến. Không được phép ngộ nhận đáng tiếc rằng những điều cá nhân mình hiểu là “chơn truyền” còn điều người khác hiểu là “sái chơn truyền”! Đức Chí Tôn lập ra một tôn giáo mới để dung hòa các tôn giáo cũ chứ không phải tạo ra một thực thể khác cô lập hơn, gây phức tạp thêm cho bức tranh tôn giáo ở địa cầu 68 vốn đã chia rẽ cùng cực. Cũng có thể người ta không đủ tỉnh táo để nhận ra khác biệt giữa những hệ tư tưởng cũng giống như chuyện các cụ già cảm động khi xem tuồng hát bội, trái lại giới trẻ chỉ rung động khi xem phim tình yêu “Hàn Quốc”!

Thật ra, có rất nhiều cách để tiếp cận một vấn đề. Điều cần làm là hãy kiên nhẫn, bình tĩnh và rộng mở để theo dõi kết quả của những cách tiếp cận đó. Muốn băng ngang một khu rừng, có thể dùng sức người mở một đường mòn, cũng có thể dùng xe ủi, tùy theo điều kiện hiện có. Vậy thì cứ tiến lên, xông vào rừng đi, chứ đừng đứng ở bìa rừng mà chỉ trích người khác là mở đường mòn như thế lâu lắm; hoặc dùng xe ủi tốn kém lắm! Trong tôn giáo, hành động đi qua cánh rừng quan trọng hơn phương tiện mở đường và kết quả cũng không phụ thuộc vào phương tiện.

Đối với hệ tư tưởng Cao Đài, có thể tiến vào bằng nhiều phương pháp mà loài người đã dùng từ lâu. Có thể đi vào bằng con đường nghiên cứu thần học. Tức là tìm hiểu nguồn gốc của Đức Chí Tôn Thượng Đế và triều nghi của Ngài, suy tưởng cho thấu đáo những nguyên tắc Ngài điều hành vũ trụ hoặc trả lời câu hỏi về mối quan hệ giữa Ngài và nhân loại. Cũng có thể dùng triết học đào sâu, phân tích tìm câu trả lời cho những câu hỏi cổ xưa nhất nhưng không kém phần hóc búa nhất: Có Thượng Đế hiện hữu hay không? Con người có linh hồn không? Con người đi về đâu sau khi chết? Thậm chí có thể dùng kinh tế học để nghiền ngẫm bộ máy điều hành vô cùng tinh xảo của Cao Đài.

Nếu không biết hay không muốn dùng bất cứ một phương pháp nào hết thì sao? Thì đến với Cao Đài bằng một tấm lòng vậy. Nhưng tấm lòng ấy đừng quá khắt khe, quá sẵn sàng tự vệ đến độ công kích ngay những ý tưởng nào khác có dấu hiệu “không-giống-điều-mình-đã-biết”. Nói cách khác, hãy dụng một tấm lòng biết “dựa-cột-mà-nghe” để suy ngẫm những điều chưa biết. Chớ vội kết luận “Đúng” hay “Sai”, bởi vì đối với những người thật tâm học đạo, thì kết luận một quan điểm “Đúng” hoặc “Sai” là một việc làm quan trọng còn hơn cả sinh mạng của chính mình!

Nói tóm lại, bằng một phương thức nào đó: thần học, triết học hay kinh tế học, người tu tập có thể thu được những kết quả nhất định. Rồi từ những kết quả đó, người học đạo sẽ tiếp tục đi vào những ý tưởng tinh tế hơn cho đến khi đạt được chân lý (tức đạt pháp). Điều cần khắc ghi trong lòng người tu học là: nếu thật lòng muốn dấn bước trên con đường vạn dặm tìm chân lý, thì không có thời gian đâu mà dừng lại để so sánh ai đi chậm ai đi nhanh, hoặc chỉ trích, “chỉnh sửa” người khác, hoặc lập ra thêm một “nền đạo Cao Đài mới nữa”! “Hãy đi, đi mãi bằng một tấm lòng rộng mở và rực lửa yêu thương”, đó là nguyên tắc của Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống mà cũng là lời nhắc nhở cho con cái của Đức Chí Tôn trên đường trở về hiệp một cùng Ngài.

Tiếp cận Cao Đài Giáo bằng tâm lý học

Cũng như phần lớn các tôn giáo từ cổ chí kim, đối tượng của hệ thống tư tưởng Cao Đài Giáo là con người. Tiền đề “Vạn linh thống khổ vì ngập chìm trong tối tăm tội lỗi, nên Đức Chí Tôn Thượng Đế mở đạo lần thứ ba để cứu rỗi” cho phép suy ra một định hướng quan trọng. Đó là hệ tư tưởng Cao Đài có mục đích giải thoát con người khỏi mọi niềm đau nhân thế. Nhưng Cao Đài không cứu con người giống như trực thăng kéo người bị nạn ra khỏi chỗ nguy hiểm. Con người cũng phải vận động cho phù hợp theo nguyên tắc “Trời Người Hiệp Một”. Vậy, người học đạo vận động thế nào? Bước khởi đầu cơ bản là: đọc thánh ngôn và làm theo những lời dạy đó.

Vấn đề là thánh ngôn và các biểu tượng của Cao Đài đôi khi rất khó hiểu, cần chú giải thêm. Đã có nhiều bậc tiền bối chú giải thánh ngôn cũng như các biểu tượng của Cao Đài Giáo thông qua nhiều quan điểm khác nhau. Không những thế, hiện nay và trong tương lai sẽ có nhiều bậc trí thức tiếp tục làm điều đó không ngưng nghỉ. Người thì dùng Dịch Lý của triết học phương đông, người thì dùng Toán Học Nhị Phân của văn minh phương tây. Dĩ nhiên, mỗi phương pháp đều đem lại cho chúng ta một số kết quả nhất định, tùy theo trình độ kỹ thuật của người phân tích cũng như người tiếp nhận. Cũng nên để ý rằng chính tính chất đa nguyên tôn giáo (Religious Pluralism) của triết lý Cao Đài đã phần nào tạo điều kiện cho một số người, hoặc vô ý thức hoặc cố tình lợi dụng hay cũng có thể do trình độ hiểu biết thấp kém, có thể tạo ra cái-hiện-tượng-gọi-là-“chi-phái”, vốn đã khiến cho những tín đồ thuần thành nhức nhối từ khi mở đạo đến nay.

Bây giờ, trong giới hạn nhỏ bé của bài viết này, mời các bạn đạo đi vào Cao Đài Giáo bằng một con đường khác với những con đường mà các bạn đã từng đi: con đường phân tâm học. Phân tâm học là lý thuyết nhằm phân tích tâm lý của con người để phục vụ cho một mục tiêu nào đó. Ví dụ như nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud (1856-1939), rất nổi tiếng của thế kỷ 20, đưa ra những phân tích tâm lý con người để trị bệnh rối loạn tâm thần. Còn chúng ta, tín đồ Cao Đài, sẽ dùng phân tâm học để tìm đường thoát khổ.

Chọn phân tâm học không phải vì hệ luận lý này đúng hơn hay lý thú hơn những cách phân tích khác, mà để chứng minh rằng hệ thống tư tưởng Cao Đài Giáo rất phong phú. Bằng mọi cách phân tích sẵn có hoặc sẽ có, ai cũng có thể đi vào trọng tâm của hệ tư tưởng này và thu được những lợi ích về mặt tinh thần cho bản thân. Xin những vị thích hiểu mọi thứ bằng nghĩa đen của từ điển hay dễ dị ứng với cách dùng từ khác với Thánh Ngôn Hiệp Tuyển lưu ý! Dù có dùng một hệ thống phân tích khác, nhưng những lời bàn luận ở đây vẫn “tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ”, không đi ra ngoài Tân Luật Pháp Chánh Truyền, Ngũ Giới Cấm và Tứ Đại Điều Qui. Tác giả cũng không có ý định tạo ra một điều gì mới mẻ đến mức độ …nảy sinh thêm “một-chi-phái-mới” đâu!

Bản chất tâm lý của con người

Muốn dựa vào lý thuyết Cao Đài để phân tích tâm lý con người, trước hết cần phải thống nhất một số quan điểm dùng làm tiên đề cho những lý luận kế tiếp.

- Một, tình cảm của con người trong kiếp sống là một hỗn hợp buồn, thương, giận, ghét, vv… Bản chất của con người là luôn luôn có khuynh hướng tìm đến niềm vui và tránh xa đau khổ. Ý chí này không ngừng chi phối mọi hành vi con người từ lúc sinh ra đến lúc chết đi.

- Hai, lời dạy của Đức Chí Tôn Thượng Đế trong Cao Đài là những hướng dẫn giúp cho con người tìm đường thoát khỏi những khổ đau trần tục, tìm ra hạnh phúc chân thật.

- Ba, những lời dạy này đều hàm chứa những phương pháp mà một người bình thường có thể thực hiện được trong thực tế đời sống.

- Bốn, nguyên tắc “Thầy là Các Con, Các Con là Thầy” giúp suy ra được ngôn ngữ miêu tả Đức Chí Tôn cũng miêu tả những gì có trong bản thân một con người.

Bây giờ, mời các bạn đạo đọc lại thánh ngôn sau đây:

“Khi chưa có chi trong càn khôn thế giới thì khí Hư Vô sinh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra càn khôn thế giới.

Có thể chia thánh ngôn ra làm hai phần.

Phần thứ nhất: Khi chưa có chi trong càn khôn thế giới thì khí Hư Vô sinh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Lúc này, chỉ có Đức Chí Tôn Thượng Đế và ngôi Thái Cực. Thế giới chưa sinh ra, con người chưa xuất hiện, chưa có những tình cảm buồn vui giận ghét, và dĩ nhiên không có đau khổ. Phần này được gọi là Thái Cực hay Nhất Nguyên (tức là Cái Một).

Phần thứ hai: Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra càn khôn thế giới. Trong phần này có thế giới sinh ra, con người xuất hiện cùng với những tình cảm buồn vui giận ghét vốn là nguồn gốc của đau khổ. Phần này gọi là Lưỡng Nghi hay Nhị Nguyên (tức là Phân Hai).

Thánh ngôn chúng ta vừa đọc mô tả tiến trình lập ra một thế giới của Đức Chí Tôn Thượng Đế. Dựa vào tiên đề số bốn, có thể xem tiến trình này tương đương với tiến trình một tư tưởng khởi phát trong tâm thức của con người. Hai giai đoạn trong thánh ngôn tương đương với hai trạng thái tâm thức của một con người bình thường. Trong trạng thái đầu tiên, chưa có tư tưởng phát sinh. Lúc đó con người chỉ có linh hồn (Đức Chí Tôn ) và quyền lực của linh hồn (ngôi Thái Cực). Trạng thái thứ nhì là tư tưởng phát khởi, sinh ra các loại tình cảm, rồi đi đến kết quả là đau khổ hoặc hạnh phúc (thường thì đau khổ nhiều hơn!). Mỗi một tư tưởng đều khởi đi từ kết quả đối đãi của hai phạm trù Đúng-Sai, Có-Không, Thiện-Ác (phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi). Hai phạm trù này tác động qua lại để tiếp tục sinh ra những trạng thái tình cảm khác của con người (Lưỡng Nghi phân Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái). Và cứ như thế, các trạng thái tình cảm của con người sẽ được sản sinh vô tận (Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra càn khôn thế giới).

Đức Chí Tôn lập ra vô số thế giới bằng công thức này, và tư tưởng của chúng ta phát sinh hàng vạn lần trong cuộc sống hằng ngày cũng theo trình tự đó. Cứ mỗi lần chúng ta nhìn thấy một vật thể hoặc định làm điều gì, tiến trình tư tưởng liền phát khởi nhanh như chớp. Những tư tưởng này nối tiếp nhau, hoặc có khi xen lẫn vào nhau rất phức tạp. Cứ xét lại bản thân mình chúng ta sẽ thấy quá trình này diễn ra đúng y như vậy. Ví dụ, khi chúng ta được mời một món ăn, ngay lập tức tâm thức sẽ đưa ra hai chọn lựa: ăn hoặc không ăn món ăn đó (thái cực sinh lưỡng nghi). Nếu sự chọn lựa không dễ dàng và chúng ta còn do dự, tâm thức sẽ đưa ra bốn chọn lựa: ăn, không ăn, nửa muốn ăn nửa không muốn ăn và không chọn lựa gì cả (lưỡng nghi phân tứ tượng). Rõ ràng, tư tưởng luôn luôn vận động theo đúng qui luật lập ra thế giới của Thượng Đế. Qui luật này còn thấy rõ trong lãnh vực điện toán (computer) hiện đại nữa.

Khi phân tích chi tiết thì chúng ta biết tiến trình tư tưởng trải qua những giai đoạn như thế. Nhưng trên thực tế tiến trình này quá nhanh; nhanh đến mức chúng ta chỉ biết mình đã tư tưởng khi quá trình tư tưởng đó kết thúc. Điều quan trọng nữa là tiến trình này chỉ đi theo một chiều duy nhất: từ Thái Cực sang Lưỡng Nghi, tiếp theo là Tứ Tượng rồi Bát Quái và tiến tới vô cùng, chứ không bao giờ đi theo chiều ngược lại. Ngoài ra, tiến trình này có thể ngưng lại nếu giai đoạn tư tưởng đó đáp ứng được yêu cầu của người tư tưởng hoặc kết thúc bằng một hành động.

Đạt “cái một” trong tâm thức

Phần lớn các hành động đều có ý thức. Chúng ta suy nghĩ, lên kế hoạch, tính toán trước khi nấu một món ăn, trước khi đến sở làm, hoặc trước khi đánh máy một văn bản. Và mỗi khi suy nghĩ, tư tưởng đều vận động theo đúng qui luật nói trên. Nói khác đi, thông thường con người chúng ta sống trong thế giới Nhị Nguyên, hay còn gọi là thế giới Phân Hai, nơi mà mọi suy tưởng đều khởi đi từ Lưỡng Nghi, Đúng-Sai, Thiện-Ác.

Tuy nhiên cũng có những lúc chúng ta hành động thoát ra ngoài tiến trình đó. Ví dụ khi đứng trước một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chúng ta cảm thấy một niềm vui nhẹ nhàng lan tỏa trong tâm trí. Ngay trong giây phút mong manh đó, tiến trình suy nghĩ tạm ngưng, chúng ta chỉ còn thấy mình chìm đắm trong một cõi giới thoát trần, tạm thời quên đi những gian khổ khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Rõ ràng trong giây phút ấy, tư tưởng không phát sinh, do đó hoàn toàn không có đau khổ. Đó chính là chút hé lộ của thế giới Nhất Nguyên, nơi tư tưởng vẫn còn nằm trong chiếc nôi Thái Cực, còn gọi là cõi giới của những người Đắc Nhất (tức là đạt được Cái Một).

Vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta có thể sinh sống, làm việc bình thường như mọi ngày mà vẫn thoát ra ngoài tiến trình tư tưởng Nhị Nguyên, tức là lúc nào cũng đạt được Cái Một, không? Nếu được như thế, thì toàn cuộc sống chúng ta sẽ ngập tràn niềm vui, hạnh phúc và nói theo người xưa là chúng ta đã thành Thần Tiên tại thế!

Các bạn đạo cũng đã biết rằng người xưa từ bỏ của cải vật chất thế gian, tìm đến nơi núi cao rừng thẳm để ngồi thiền, tĩnh tâm. Cao Đài gọi là luyện Tam Bửu, hay hiệp nhất Tinh, Khí, Thần. Mục đích của người luyện đạo là đón cho được cái trạng thái trước khi có tư tưởng sinh ra. Sở dĩ phải tuyệt đối tĩnh tâm là vì tư tưởng sinh ra rất nhanh, khoảnh khắc trước tư tưởng gần như không thể nắm bắt được. Nhưng nếu nắm bắt được, con người sẽ có cơ hội thoát ra ngoài vòng đau khổ. Trong trạng thái không đau khổ đó, sức mạnh của Thái Cực sẽ giúp con người nổ bùng ánh sáng Trí Huệ - nói theo thuật ngữ Cao Đài là mở Thiên Nhãn nhìn thẳng vào Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giới.

Đây là một trạng thái khó nắm bắt và không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường. Thế nên ngôn từ mà người xưa dùng để mô tả đôi khi rất khó hiểu. Thí dụ như đạt được “Chân Không”, “Nhất Nguyên”, “Bất Nhị”, “Chẳng phải hai, chẳng phải một”, “Phản bổn hườn nguyên”, “Đắc Nhất”, “Giác Ngộ”, “A Nậu Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề”… Tất cả những ngôn từ ấy chỉ nhằm diễn tả một điều là sống trong trạng thái trước khi tư tưởng phát sinh, nghĩa là đạt được CÁI MỘT trong tâm thức của chính mình.