DẪN NHẬP

Gần đây trên trang web YouTube có một đoạn video quay tang lễ của một tín đồ Cao Đài kèm theo ghi chú: đây là ấn chứng đắc đạo của người Cao Đài. Tác giả đoạn video giải thích thêm: Người tín đồ Cao Đài nếu có thiền định theo Tân Pháp Cao Đài, khi chết, trước khi tẩn liệm thì mở mắt trái để cho mọi người biết là đã tu hành đắc đạo, còn không mở được mắt trái thì coi như chưa đắc đạo. (nguyên văn)

Ngoài ra, trong lớp tập huấn hành đạo dành cho tín đồ, chức sắc và chức việc tại Sàigòn do Ban Đại Diện Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh tổ chức vào ngày 1/5/2009, trong BÀI VIẾT KIỂM TRA HỌC TẬP cuối khoá, có câu hỏi: Là người tu hành qua ba giai đoạn Đắc Thế, Đắc Pháp và Đắc Đạo, vậy nói đến người tu đã được Đắc Pháp có ấn chứng và biểu hiện gì để chứng minh? (nguyên văn)

Xin quí hiền huynh, hiền tỷ bỏ qua câu văn lủng củng và cách dùng từ rối bòng bong trong hai thông tin nêu trên, mà hãy tập trung vào hai từ quan trọng: ẤN CHỨNG và ĐẮC ĐẠO. Thiết nghĩ chúng ta cần tìm học hai khái niệm này cho đến nơi đến chốn bởi vì chưa hiểu rõ mà sử dụng, như trong hai trường hợp nêu trên, sẽ vừa đem lại hậu quả không có lợi cho bản thân vừa gây ấn tượng xấu trong dư luận đối với đạo Thầy.

Bây giờ, vấn đề là chúng ta sẽ dựa vào đâu để xác định ý nghĩa của Ấn Chứng và đắc đạo? Đừng vội nghe và tin lời người khác nói bởi vì họ cũng mù mờ phàm tục như chúng ta. Cũng không thể dựa vào người nào đó, tự xưng hoặc được người khác cho là đã đắc đạo, bởi một lý do đơn giản: làm sao người bình thường như chúng ta phân biệt được ai đắc đạo, ai chưa đắc đạo? Chỉ khi nào chính bản thân mình trải qua trạng thái “đắc đạo” rồi, thì chúng ta mới phân biệt được ai đắc đạo, ai chưa. Do đó, đối với chúng ta, cách hợp lý nhất là tìm học trong kinh sách của các tôn giáo đã có từ xưa đến nay. Sau đó, kết hợp với kinh sách, thánh ngôn Cao Đài để có kết luận đúng đắn.

TRUY NGUYÊN

Tất cả các tôn giáo đều hướng dẫn tín đồ đi theo một qui trình riêng biệt, rèn luyện tinh thần, rèn luyện thể xác hoặc cả hai. Thí dụ như phải tập tành yêu thương đồng loại, phải trở thành người có chữ tín, tập các tư thế hít thở, tập trung tư tưởng, hay thiền định vv…Khi kết thúc qui trình này thành công, tín đồ sẽ đạt một kết quả hay thứ bậc nào đó trong tôn giáo. Nói “nôm na” theo kiểu người Việt Nam thì: Theo đạo Thiên Chúa, kết quả là được lên Thiên Đàng; theo đạo Phật, kết quả là thành Phật; theo đạo Cao Đài, kết quả là đạt Pháp vv…

Các tôn giáo ở phương đông như Phật Giáo, Lão Giáo Trung Quốc gọi đó là đắc đạo. Từ “đắc đạo” sau đó chuyển qua Việt Nam cùng với sự lan truyền của đạo Phật và đạo Lão. Để tiếp tục thảo luận, xin phép trích dẫn Phật Giáo bởi vì từ ngữ của Phật Giáo rất phổ biến trong ngôn ngữ Việt Nam. Hơn nữa, Phật Giáo là xuất phát điểm của hành động ấn chứng một người đắc đạo cổ xưa nhất. Theo kinh sách Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca trong lúc thuyết pháp đã dùng khái niệm đắc đạo rất nhiều lần. Xin trích dẫn ở đây một trong những câu truyện tiêu biểu nhất, đó là “Niêm hoa vi tiếu”:

Kinh Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi ghi: khi Phật ở hội Linh Sơn, có ông Đại Phạm Thiên Vương đem hoa sen dâng cúng Phật. Phật cầm cành hoa sen lên để khai thị cho đại chúng. Toàn thể chúng hội đều yên lặng, không ai hiểu thâm ý của Phật như thế nào. Duy có Ngài Ma Ha Ca Diếp là tỏ ngộ được thiền cơ của Phật, nên đổi sắc mặt vui vẻ, chúm chím mỉm cười. Đức Phật nhận thấy, liền ấn chứng cho Ngài Ca-Diếp được đắc truyền và làm tổ thứ nhất.

Câu truyện “Niêm hoa vi tiếu” đã trở thành mẫu mực cho Thiền Tông Trung Quốc. Trong Thiền Tông, thường thì các môn đệ tìm đến một Đạo Sư để học đạo. Khi môn đệ đã hoàn tất những phần việc hoặc công án thầy giao, thì Đạo Sư sẽ ấn khả chứng minh, gọi tắt là ấn chứng hay ấn khả, nghĩa là xác nhận môn đệ mình đã đắc đạo.

Vậy thì chúng ta có thể rút ra kết luận đầu tiên mà cũng là kết luận quan trọng nhất: một người được xem là đắc đạo khi được một người đắc đạo khác (Đạo Sư) trực tiếp xác nhận (Ấn Chứng). Không hề có chuyện một hội đồng, một đoàn thể hay một hội thánh nào đó “ấn chứng” cho người khác “đắc đạo”. Lại càng không thể có chuyện một người phàm lại “phong” cho một người phàm khác “đắc đạo”. Xin hãy đọc lại kinh sách Phật Giáo điều này: Sau thời gian toạ thiền dưới cây Bồ Đề, Phật Thích Ca suy nghĩ và tự mình tìm ra cách thoát khỏi nổi đau khổ của cuộc sống con người. Ngài đem điều mình tìm được truyền giảng cho mọi người. Nghe lời dạy của ngài, người ta thấy đó là cách giải quyết hay nhất nên gọi ngài là Phật (tức là người giác ngộ, hay là người hiểu biết) và tự nguyện đi theo ngài để học hỏi thêm. Sau đó, khi thấy ngài Ma Ha Ca Diếp hiểu được ý mình, Phật xác nhận ngài Ma Ha Ca Diếp đã thành công trong tu học. Người Trung Hoa gọi là Phật ấn chứng ngài Ca Diếp đắc đạo. Ngài Ma Ha Ca Diếp lại ấn chứng cho ngài A Nan, và cứ thế tiếp tục cho đến các vị tổ đời sau.

Kết luận thứ hai là: không có dấu hiệu gì chứng tỏ trạng thái đắc đạo cả. Đây là một kinh nghiệm nội tại và rất chủ quan. Nói cách khác, chỉ có Thầy và đệ tử trong cuộc mới biết thế nào là đắc đạo. Như trong truyện niêm hoa vi tiếu, chỉ có Phật Thích Ca và ngài Ma Ha Ca Diếp hiểu chuyện gì đang xảy ra, tất cả những người khác đều không hiểu. Chỉ khi Phật nói ra thì mọi người mới biết Ngài Ma Ha Ca Diếp đã đắc đạo.

Có rất nhiều câu chuyện tương tự trong kinh sách Thiền ở Trung Quốc và Nhật Bản, là nơi Phật Giáo rất phát triển cho đến ngày nay. Thường trong những câu truyện này, đã thấy người ta dùng từ “giác ngộ” hay “ngộ” thay cho đắc đạo. Nhưng trình tự thì vẫn giống như thế. Nghĩa là, vẫn là một người Thầy (đã đắc đạo) xác nhận (ấn chứng) cho một đệ tử là đã “Ngộ” (đắc đạo) và những người xung quanh đều không ai hiểu gì cả. Nói tóm lại, đắc đạo là một trạng thái rất bí ẩn. Đối với người bình thường như chúng ta thì phải khẳng định một điều: chúng ta tin là có trạng-thái-gọi-là- đắc- đạo, chứ chúng ta không biết trạng-thái- đắc- đạo là gì cả.

NHỮNG SAI LẦM PHỔ BIẾN

Người ta thường hiểu lầm rằng khi đắc đạo là đã đạt được phẩm vị cao nhất. Người đắc đạo sẽ “ngự trên toà sen”, không còn luân hồi, đời đời hưởng “phước” trên Cực Lạc Thế Giới. Thực ra, Phật giáo cũng như Lão giáo không có qui định cụ thể nào về việc ấn chứng và đắc đạo. Đặc biệt trong Thiền Tông Trung Quốc, khi một đệ tử được đạo sư ấn chứng thì điều đó cũng không có nghĩa là đệ tử có quyền ngưng tu tập. Càng giác ngộ, người tu học càng thấy rằng việc tu tập không cùng tận và kéo dài vô số kiếp. Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền nói rằng ngay cả Phật Thích Ca cũng còn đang trên đường tu tập. Đối với đạo Cao Đài, trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp dạy rằng: sau khi đạt vị, các chơn hồn lại tiếp tục đầu kiếp để tiến hoá. Và bởi vì sự tiến hoá không có một hạn mức nào cả, nên số lần đầu kiếp của các phẩm chơn hồn cũng nhiều đến mức không thể nào đếm được.

Điều hiểu lầm thứ hai là người ta khẳng định người đắc đạo sẽ biến đổi hoàn toàn khác với trước khi đắc đạo. Người đắc đạo có thể chữa khỏi bệnh, đoán trước được tương lai, nhìn xuyên qua vách tường …Đây là những huyền diệu trong tôn giáo. Nhưng huyền diệu trong tôn giáo hiện nay chưa thể chứng minh công khai như khoa học. Huyền diệu còn tuỳ thuộc trình độ tâm linh của từng người. Ví dụ như bên Đạo Thiên Chúa có người nhìn thấy Đức Mẹ Maria, nhưng đâu phải tất cả mọi người đều nhìn thấy được như vậy. Trong Cao Đài cũng vậy, chúng ta đều biết không phải ai cũng có thể cầu cơ, chấp bút để thông công với thiêng thiêng được. Thậm chí khi đã cầu cơ được rồi mà còn phải biết phân biệt đâu là Nhơn Cơ, Tà Cơ và Tiên Cơ nữa. Do đó, người phàm chúng ta không thể nào khẳng định được người đắc đạo biến đổi hay không biến đổi; hoặc có thể làm được những điều huyền diệu hay không làm được.

Ý NGHĨA ẤN CHỨNG ĐẮC ĐẠO THEO CAO ĐÀI

Trong Cao Đài giáo, Đức Chí Tôn Thượng Đế dạy rằng Ngài đến để độ kẻ vô đạo chứ không phải đến để sửa đạo và khẳng định phép luyện đạo vẫn giữ nguyên không đổi. Suy ra “ấn chứng” và “Đắc Đạo” cũng có những nguyên tắc giống như mấy nghìn năm trước. Nghĩa là vẫn phải thoả hai điều kiện quan trọng: Thứ nhất, phải có một Đạo Sư “ấn chứng” một ai đó “Đắc Đạo”. Thứ hai, không có một dấu hiệu nào hiển lộ báo cho biết là người đó Đắc Đạo.

Trong Cao Đài, “Đạo Sư”, thường là các đấng thiêng liêng, giáng cơ “ấn chứng”. Đặc biệt, không những các đấng ấn chứng đắc đạo mà còn nói rõ đắc vị, tức là đạt được phẩm vị nào trên cõi thiêng liêng hằng sống. Cũng nên nhắc lại, theo Cao Đài có tám phẩm chơn hồn: vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, và Phật hồn. Từ Thần Vị trở lên thuộc về cõi thiêng liêng hằng sống.

Có thể kể ra ba trường hợp tiêu biểu sau đây:

· Đức Huệ Mạng Kim Tiên. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển ghi lại rằng Đức Chí Tôn Thượng Đế giáng cơ dạy “Vì vậy mà các con coi thử lại, từ 2000 năm nay, bên Á Đông nầy đã đặng bao nhiêu Tiên, Phật. Các con duy biết có một mình Huệ Mạng Kim Tiên mà thôi." Từ đó trở đi, chúng ta mới biết ngài Huệ Mạng đã đắc đạo và đạt vị Tiên.

· Phối Thánh Phạm văn Màng. Ngày 27-9-Quí Dậu (dl 14-11-1933), ông Thần Võ Văn Thoàn (một vị công quả trong Phạm Môn đã qui vị trước đây và đắc Thần vị), giáng cơ bạch với Đức Phạm Hộ Pháp rằng ông Phạm Văn Màng đã đắc vị Phối Thánh.

· Phối Thánh Bùi Ái Thoại. Năm Đinh Hợi (1947), Bát Nương giáng cơ cho Hội Thánh biết ông Bùi Ái Thoại đã đắc quả Phối Thánh.

Ba trường hợp tiêu biểu này khớp với hai nguyên tắc mà chúng ta đã đúc kết được: Thứ nhất, có “Đạo sư” là Đức Chí Tôn Thượng Đế, Bát Nương Diêu Trì Cung và Thần Võ văn Thoàn “ấn chứng” cho các vị này. Thứ hai, người ngài cuộc như chúng ta không hề biết gì cả, chỉ biết sự kiện này sau khi đọc Thánh Ngôn mà thôi.

Vậy thì chúng ta có thể an tâm mà sống và hành đạo, bởi vì đã có các đấng thiêng liêng làm “đạo sư” và “ấn chứng” cho chúng ta khi về với Đức Chí Tôn. Không cần thiết phải bận lòng xem ai đó có đắc đạo hay chưa hoặc ấn chứng nào là đúng. Người phàm mắt thịt như chúng ta không có khả năng (đúng hơn là không có quyền) xác định ai đắc đạo, ai chưa đắc đạo!!!

KẾT LUẬN

Sau khi truy nguyên nguồn gốc hai từ “ấn chứng”, “đắc đạo” và xác định thế nào là ấn chứng và đắc đạo trong Cao Đài, chúng ta mới thấy rõ hai trường hợp nêu ra ở đầu bài viết này là không có cơ sở nào đáng để tin tưởng cả. Thánh Ngôn từng dạy rằng đừng nghe Cao Đài này, Cao Đài nọ mà lầm đường lạc lối. Nếu đi sai đường, thì điều nguy hiểm là chúng ta tự phí phạm kiếp sống của mình và điều sai lầm đó không thể sửa lại dễ dàng. Hiện nay, càng lúc càng có nhiều “Cao Đài này, Cao Đài nọ” hơn bao giờ hết. Người ta cũng cầu cơ chấp bút và tự xưng đủ thứ danh thể to tát, mỹ miều, thậm chí kỳ quặc nữa.

Cách hay nhất đối với con cái Đức Chí Tôn bây giờ là xét kỹ xem những điều đó có tuân theo Tân Luật Pháp Chánh Truyền và Ngũ Giới Cấm hay không. Nếu không, thì không đáng phải bỏ thời gian và công sức nghe theo nữa.