Nói đến Trà Vinh, người ta nghĩ ngay đến với những ngôi chùa Khmer cổ kính thấp thoáng dưới bóng những hàng sao, dầu cổ thụ. Nhưng bên cạnh đó ai cũng nhớ đến ao Bà Om - một di tích lịch sử, văn hóa mang nhiều huyền thoại của thời cha ông khai phá, gầy dựng đất phương Nam.

Ao Bà Om nằm cạnh Quốc lộ 53, cách thị xã Trà Vinh khoảng 5km về phía Tây Nam, trên địa bàn khóm 4, phường 8, thị xã Trà Vinh (trước đây là ấp Tà Cụ, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành). Khuôn viên ao rộng 100.000m2, trong đó mặt ao gần 43.000m2. Ao còn được gọi là ao Vuông vì ao có hình vuông. Bao bọc xung quanh ao là những gò cát chông chênh với gần 500 gốc sao, dầu hàng trăm năm tuổi, có rễ trồi lên mặt đất thành những hình thù kỳ vĩ. Những vạt cỏ năn xanh mướt mọc ven bờ ao, những cụm bông súng, bông sen bung nở những cánh hoa lung linh, tím ngắt. Cạnh bờ ao là chùa Âng - ngôi chùa Khmer cổ kính vào loại bậc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ lâu ao Bà Om đã là niềm tự hào của người dân Trà Vinh và là điểm tham quan du lịch, dã ngoại được nhiều du khách lựa chọn.

Ao Bà Om có những câu chuyện kể mang nhiều chi tiết siêu nhiên nhưng cũng rất gần gũi với người dân ĐBSCL, đặc biệt là với người Khmer ở vùng đất này.Một trong những truyện dân gian kể rằng: ngày trước, vùng đất Trà Vinh hằng năm cứ đến mùa hạn thì nước ngọt rất khan hiếm. Ruộng rẫy khô cằn, cây cỏ vàng úa. Đời sống bà con vùng đất này lầm than khôn cùng. Một ông hoàng trấn nhậm trong vùng bèn quy tụ bà con lại để đào ao giữ nước ngọt. Cùng lúc đó, trong vùng xảy ra một vụ “tranh chấp” khó giải quyết: đàn ông và đàn bà, ai phải đi cưới ai? Ai phải chịu mọi phí tổn trong lễ cưới? Ông hoàng nhân dịp này chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao. Ao bên nào đào sâu hơn, lớn hơn và xong trước thì sẽ thắng cuộc, bên thua sẽ phải đi cưới. Trời vừa tắt nắng, hai bên chia nhau đào ao. Bên nam thì đào ao tròn ở phía Tây còn bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ do bà Om chỉ huy, thấy không thể kình được sức đàn ông nên bên nữ dùng “kế”: Họ vừa đào vừa ca múa để các chàng bỏ việc mà chạy sang rình xem. Nửa đêm, bà Om cho chặt một cây tre thật dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Đông. Theo giao hẹn là khi sao Mai mọc là phải ngừng công việc, khi bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên họ rủ nhau về nghỉ. Trong lúc đó bên nữ đào đến sáng và xong việc trước. Bên nam thua cuộc trong sự “tâm phục, khẩu phục”. Để nhớ ơn người phụ nữ mưu trí, người ta lấy tên bà đặt tên ao, từ đó ao phụ nữ đào được gọi là ao Bà Om.

Cũng giải thích tên gọi ao Bà Om còn có một câu chuyện: Xưa kia, có một vị hoàng tử tên là Pa-tu-ma-vông trấn nhậm vùng đất Trà Vinh rất độc đoán. Ông bắt dân chúng phải dâng gái đẹp cho ông ta, ai bất tuân sẽ bị trừng trị nặng. Ông ta còn bắt đàn bà phải đem lễ vật đi cưới đàn ông. Một cô gái xinh đẹp đến bày tỏ sự bực dọc với hoàng tử. Vì bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cô gái nên hoàng tử cho mở một cuộc thi đào ao, bên đào xong trước sẽ thắng cuộc, được bên thua đi cưới, để làm “vừa lòng” người đẹp. Sau đó, mọi chuyện diễn ra như truyện kể trên.
Một dị bản ít người biết là: Ông Lũy và bà Om ở với nhau có một đứa con, cuộc sống rất đầm ấm nhưng họ cứ băn khoăn không biết đặt tên cho con theo họ cha hay họ mẹ. Ông Lũy và bà Om thi nhau làm công việc: Ông Lũy đắp lũy còn bà Om đào ao. Nhờ cần cù, làm việc không ngơi nghỉ nên bà Om thắng, đứa con được theo họ mẹ. Đó là tục lệ lâu đời của người Khmer, mãi đến thời Pháp cai trị, người Khmer mới lấy họ cha. Người dân ở ao Bà Om còn cho biết: bờ lũy mà ông Lũy đắp cách ao Bà Om khoảng 5km về phía Tây, hiện là một con đường nông thôn.



Còn có một truyền thuyết khác: Ngày xưa, có một hoàng tử cùng em gái trấn nhậm vùng đất Trà Vinh xưa. Hoàng tử đóng dinh ở Prasat, tức Sóc Trăng ngày nay, còn công chúa thì chọn khoảng đất gần chùa Âng ngày nay để dừng chân. Do không tìm được người con gái vừa ý để cưới, hoàng tử đã sang hỏi cưới em gái nhưng bị công chúa cự tuyệt vì trái luân thường. Nàng cho binh lính đắp lũy hào quanh dinh thự để ngăn bước anh trai qua quấy rối. Nàng cũng cho đào ao lấy nước ngọt dùng trong dinh và giao cho “tứ nữ cận thần”, do bà Om chỉ huy, canh gác bốn phía. Dân trong vùng tới lui lấy nước, gọi là ao Bà Om...

Về cách lý giải tên gọi ao mang yếu tố ngữ âm, có giai thoại cho rằng, trước đây, quanh bờ ao này mọc rất nhiều rau ngò om (một thứ rau gia vị, dùng bỏ canh chua), người dân địa phương quen gọi là rau “mà om”, nên đặt tên cho ao là ao Mà Om, về sau đọc trại thành ao Bà Om. Có người cho rằng chữ “Bà Om” do từ “Prah Âng” (Pơ-ra Âng) tức chùa Pra Âng đọc trại thành Bà Om do ao Bà Om nằm rất gần với chùa Âng.

Chúng tôi thống kê chưa đầy đủ có khoảng 10 dị bản gồm đủ các thể loại của truyện kể dân gian: truyện cổ tích, truyện dã sử, truyền thuyết, giai thoại... giải thích địa danh ao Bà Om. Có thể nói, đây là một trường hợp “hiếm hoi” trong tên gọi địa danh ở ĐBSCL. Xét về mặt nội dung, hầu hết các truyện xoay quanh ba chủ đề chính: giải thích tên gọi ao Bà Om, lý giải việc người nam đi cưới người nữ và tại sao người Khmer có tục lệ theo họ mẹ. Các truyện kể đều là sản phẩm của trí tưởng tượng, mang đậm dấu ấn văn hóa của người Khmer ở ĐBSCL. Những truyện này cũng khắc họa được những gian khổ mà cha ông thuở ban đầu đi “khai sơn phá thạch”. Trong truyện “Sự tích ao Bà Om” (“Nam Kì cố sự” – Nguyễn Hữu Hiếu sưu tầm, biên soạn, NXB Đồng Tháp, 1999) ghi nhận: “Trước đây, ở vùng Trà Vinh, hằng năm cứ đến mùa khô, nước ngọt rất khan hiếm. Ruộng rẫy khô cằn cây cỏ héo khô. Đời sống nhân dân rất cơ cực” (trang 229). Trên cơ sở đó có thể thấy mục đích chính của việc đào ao Bà Om là dùng để lấy nước và tích trữ nước ngọt, phục vụ cho bà con trong vùng Tà Cụ xưa. Một nội dung quan trọng khác của các câu chuyện là đều đề cao tài trí, bản lĩnh của người phụ nữ trong buổi sơ khai khai hoang lập ấp. Nhân vật Bà Om được tôn vinh là một người phụ nữ mưu trí, tài năng và bản lĩnh. Đến thăm ao Bà Om, nghe kể những câu chuyện xa xưa, khó có thể xác định và thiết nghĩ cũng không cần thiết đánh giá truyện nào là giải thích nguồn gốc hình thành ao Bà Om chính xác hơn cả. Bởi sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong những câu chuyện là tình cảm, cảm thức thẩm mỹ mà dân gian gửi gắm...

Về phương diện nghệ thuật, những truyện dân gian ấy có cốt truyện, mâu thuẫn nhân vật rõ ràng, tính cách nhân vật được thể hiện cụ thể... Đặc biệt là ngôn ngữ kể rất bình dân, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của bà con Khmer – đáp ứng nhu cầu tri nhận và truyền miệng của truyện kể dân gian.

Hằng năm, cứ đến lễ Chol-chnam-thmay, Dolta, đặc biệt là lễ hội Cúng Trăng - Ok-om-bok có rất nhiều bà con Khmer và cả Kinh, Hoa ở Trà Vinh và các tỉnh lân cận tụ hội về ao Bà Om vui chơi, nhảy múa, xem hát dù kê, múa rô-băm... tạo nên nét văn hóa rất riêng của ao Bà Om, đồng thời thể hiện sự giao thoa văn hóa, sự đoàn kết, hòa hợp của ba dân tộc Kinh- Hoa- Khmer anh em. Ao Bà Om đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thuộc loại hình danh lam thắng cảnh, vào ngày 10-7-1994.