Lễ hội Sen Đôlta
- Thời gian diễn ra Hội Sen Đôlta từ ngày 29 tháng 8 đến mùng một tháng chín (Âm lịch).
- Nơi diễn ra lễ hội: tại gia đình người Khmer. Trung tâm lễ hội tại các chùa Khmer và các Phum sóc Khmer.
- Ngày thứ nhất: là dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ. Cúng cơm người đã khuất;
- Ngày thứ hai: mời linh hồn ông bà vào chùa nghe tụng kinh;
- Ngày thứ ba: cúng cơm đưa tiễn ông bà. Người Khmer dâng ẩm thực lên các Sư sãi những món đồ thường dùng hàng ngày để cúng ông bà. Cùng với lễ là các trò chơi dân gian, hát xướng dân gian, văn nghệ, ca múa nhạc dân tộc Khmer cũng được trình diễn.

Lễ hội Đoan Ngọ
Đoan Ngọ (Mồng Năm tháng Năm âm lịch) là một trong những cái Tết cổ truyền quan trọng trong chu kỳ một năm của người Việt, người Hoa Trà Vinh.Theo phong tục, vào ngày Đoan Ngọ, người ta thường đi chơi vùng sông nước, ăn trái cây và uống rượu để “diệt sâu bọ”, trừ bệnh hoạn.

Vào ngày Đoan Ngọ hàng năm, cũng là lúc vào vụ trái cây, cù lao Tân Qui đón hàng ngàn lượt nam thanh nữ tú từ các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng… đến dạo mát, ăn trái cây đầu mùa, vui chơi giải trí tạo nên không khí ngày hội vui tươi, náo nhiệt.

Nguyên Tiêu thắng hội
Nguyên tiêu thắng hội, hay lễ hội Cúng Ông Bảo, diễn ra vào ngày 14 - 15/1 âm lịch hàng năm, tại Phước Thắng cung, xã Đại An, huyện Trà Cú, cách thị xã Trà Vinh hơn 40 cây số về hướng Tây Nam.

Ông Bảo hay Bảo Sanh đại đế, theo tín ngưỡng dân gian Trung Hoa, là vị thần cai quản sức khỏe, tính mạng con người nên lễ hội Cúng Ông Bảo thu hút đông đảo bà con người Hoa ở Trà Vinh và các tỉnh lân cận về tham dự.

Nghi thức Ông Bảo về “đạp đồng lên xác” dùng dao rạch lưỡi, lấy máu vẽ bùa trong khung cảnh huyền bí, linh thiêng luôn được hàng ngàn người trẩy hội chờ đón.

Vu Lan thắng hội
Thờ Ông Bổn là một tín ngưỡng đặc trưng của cộng đồng người Hoa tại Đông Nam Á. Vạn Niên Phong cung là ngôi chùa thờ Ông Bổn tiêu biểu tại thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè. Tại đây, từ 25 – 28/7 âm lịch hàng năm (Hăm lăm vào đám, Hăm tám ra giàn ), diễn ra lễ hội Cúng Ông Bổn, hay còn gọi là Vu lan thắng hội. Vu lan thắng hội Cầu Kè có rất nhiều lễ thức mang tính văn hóa, tôn giáo nhưng độc đáo nhất, thu hút nhiều người tham gia nhất là điều xui rủi, ban phước lành cho người dân địa phương.

Vu lan thắng hội Cầu Kè là một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh.

Lân - Sư - Rồng

ũng như các dân tộc phương Đông khác, trong đời sống tinh thần người Việt, Lân - Sư - Rồng là những vật linh, tượng trưng cho sự hùng cường, cho buổi thái bình thịnh trị. Do vậy, trong những dịp lễ tết, đình đám, hiếu hỉ không thể thiếu màn múa Lân - Sư - Rồng rộn rã, sôi động.

Tuyệt kỹ của nghệ thuật múa Lân - Sư - Rồng là “Lân lên mai hoa thung”, “Sư thượng lâu đài đoạt bửu”, “Lân - Sư hí cầu”, “Long vân phó hội”… trên nền trống trận thôi thúc, giục giã.

Đội Lân - Sư - Rồng Trung tâm Văn hoá Thông tin Trà Vinh vốn là đơn vị khá nổi tiếng ở Nam bộ về loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Lễ hội Ok Om Bok

Ok Om Bok, hay còn gọi là lễ hội Cúng Trăng, là một trong ba lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Khmer theo chu kỳ một năm. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ hội này diễn ra vào ngày Rằm tháng Cađấc theo Phật lịch, tức ngày Rằm tháng Mười âm lịch, là thời điểm mùa mưa chuyển sang mùa khô, mùa gieo trồng chuyển sang mùa thu hoạch. Do vậy, Ok Om Bok có những điểm tương đồng với lễ Thượng điền của người Việt.

Lễ hội Ok Om Bok của mỗi phum sóc diễn ra tại sân chùa, còn trên phạm vi cả tỉnh diễn ra tại Ao Bà Om. Khi vị thần Mặt Trăng lên cao, người ta dâng cúng các phẩm vật là những loại nông sản vừa thu hoạch như cốm dẹp, chuối, mía… vừa để tạ ơn vừa cầu mong thần linh tiếp tục phò trợ cho năm sau mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt. Sau đó, các bậc bô lão bốc từng nắm cốm dẹp đút vào mồm trẻ con với lời chúc mạnh ăn chóng lớn (Ok Om Bok dịch sát nghĩa là ăn cốm dẹp bằng cách nắm cốm dẹp đút vô miệng).

Trong lễ hội Ok Om Bok vào buổi tối diễn ra cuộc thi thả đèn gió. Đèn gió làm bằng khung tre, dán giấy chung quanh, dùng bùi nhùi quấn phía dưới và đốt cháy đưa chiếc đèn bay bổng lên cao. Đèn gió bay lên, bay lên mãi như mang cả ước vọng, niềm tin của người nông dân Khmer đến với vị thần Mặt Trăng đang vạch mây nhìn xuống. Tại Ao Bà Om, nghi thức thả đèn gió đã trở thành cuộc thi sôi động với sự tham gia của hàng chục ngôi chùa trong tỉnh, dưới sự cổ vũ của hàng chục ngàn người trẩy hội.

Trước đó, trưa ngày 14/10 âm lịch, trên dòng sông Long Bình diễn ra cuộc đua ghe Ngo sôi nổi giữa tiếng nhạc Ngũ âm vang lừng, tiếng hò reo cổ vũ vang dậy của hàng chục ngàn người dự khán. Các đội đua từ các huyện thị trong tỉnh và các tỉnh lân cận mang đến lễ hội không khí tưng bừng, cuồng nhiệt. Ghe Ngo vừa là trò chơi dân gian, vừa tỏ sức mạnh và sự đoàn kết, vừa là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần Nước sau mùa gieo trồng về với biển cả cũng là nghi thức tôn giáo của người Khmer tưởng nhớ rắn thần Nagar xưa từng biến thành đoạn gỗ đưa đức Phật qua sông.

Lễ Chôl Chhnam Thmây
Đây được xem như là ngày tết của người Khmer (ngày lễ chịu tuổi). Lễ Chôl Chhnam Thmây của người Khmer mang ý nghĩa tương tự như Tết Nguyên đán của người Kinh, là mừng mình thêm một tuổi, với hi vọng năm mới đến với mọi người đều may mắn, những điều tốt đẹp sẽ đến và những điều không may, xui xẻo cũng theo năm tháng cũ mà qua đi.
Lễ Chôl Chhnam Thmây diễn ra ba ngày (13,14,15 tháng 4 dương lịch (đối với năm nhuần sẽ diễn ra ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch ).

Ngày thứ nhất: (Tức ngày 13 tháng 4 dương lịch) được gọi là ngày Thngay Chôl Săng-Kran. Vào buổi sáng của ngày này, bà con dân tộc Khmer đem nhang đèn, lễ vật vào chùa để làm lễ rước đại lịch “Maha Săng Kran” mới. Đến đêm, mọi người tổ chức Lễ cúng rước tiên Têvađa mới, nghe nhà sư thuyết pháp, sau đó ra sân chùa vui chơi văn nghệ, múa hát cộng đồng.

Ngày thứ hai: (Tức ngày 14 tháng 4 dương lịch) được gọi là Thngay Vonabót. Sáng sớm và buổi trưa, bà con đem cơm nước vào chùa làm lễ dâng cơm cho các vị sư sãi và cúng linh hồn tổ tiên, ông bà, những người có công sinh thành dưỡng dục họ nay đã quá cố. Đến chiều hoặc tối, mọi người tổ chức đắp núi cát (thường
gọi là núi vàng, núi bạc ). Và đến sáng ngày hôm sau thì làm lễ xuất thế.

Ngày thứ ba: Gọi là ngày Thngay Lông Sắc, là lễ tắm Phật, vào ngày này, sau khi dâng cơm (sáng - trưa) cho sư dùng và nghe thuyết pháp, mọi người đem nước ướp hương thơm cùng nhang đèn vào chùa làm lễ tắm Phật. Sau đó vào chánh điện hoặc đến tháp đựng hài cốt làm lễ cầu siêu cho vong linh những người quá cố.Sau lễ tắm Phật ở Chùa, các gia đình mời Sư về nhà làm lễ tắm Ông Bà, Cha Mẹ tại gia. Sau đó mời ông bà, cha mẹ và các thành viên trong gia đình lại để chúc mừng năm mới. Đến đêm tổ chức ăn uống vui chơi ở gia đình, phum sóc cho đến tận khuya mới chấm dứt.Ngày nay, người Khmer ở Trà Vinh, trong ba ngày của dịp lễ vào năm mới, mọi người thường đến thăm hỏi, chúc tết bạn bè, thân tộc… và tham quan, vui chơi, giải trí ở các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, khu di tích, khu du lịch, danh lam thắng cảnh….