Đối với đồng bào Khmer Nam bộ, Ok Om Bok - còn gọi là lễ Cúng trăng, được tổ chức vào ngày Rằm tháng Mười hàng năm, theo Phật lịch - là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất. Thường, đây là thời điểm mà thời tiết chuyển dần từ mùa mưa sang mùa khô, thời vụ nông nghiệp chuyển từ mùa gieo trồng sang mùa thu hoạch, con người đứng trước niềm vui mùa màng bội thu, no ấm. Theo quan niệm dân gian của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần có nhiệm vụ điều hành thời gian, quyết định mùa màng nên ngay sau khi thu hoạch, người Khmer chọn thức ngon nhất là nếp mới giã thành cốm dẹp, dâng cúng thần Mặt Trăng để tỏ lòng tạ ơn. Dịp này, sau mùa nước nổi, người Khmer cũng tiến hành các nghi thức tạ ơn và tiễn đưa thần Nước. trong một chừng mực nhất định, Ok Om Bok mang dáng dấp của lễ Thượng điền, lễ Cơm mới của người Việt nói riêng và nói rộng ra là các dân tộc chung hệ văn minh nông nghiệp lúa nước. Trong lễ này, người ta tiến hành các nghi thức mừng một mùa vụ bội thu, làm lễ tạ ơn và xin lỗi mẹ Đất, mẹ Nước.
Ok Om Bok ở Trà Vinh được tiến hành trong các ngày mười bốn và rằm tháng mười, theo Phật lịch (về cơ bản, trùng với âm lịch, trừ những năm âm lịch có nhuận) và được xem là một trong ba lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu, có qui mô cấp tỉnh. Trên cơ sở không gian nghi thức truyền thống kết hợp với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí vừa mang tính dân gian vừa hiện đại làm cho lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh mang đậm nét đặc thù và ngày càng thu hút đông đảo hơn khách trẩy hội là cộng đồng các dân tộc anh em trong tỉnh, du khách đến từ các tỉnh lân cận cùng một bộ phận ngày càng nhiều hơn Việt kiều, khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ trưa ngày Mười bốn, hàng chục ngàn bà con từ các phum sóc, các huyện thị kéo về vây kín hai bờ dọc tuyến sông Long Bình thuộc hai phường 4 và 5. Một không khí tưng bừng náo nhiệt đậm chất lễ hội, áo quần dủ màu sắc, vang lừng các loại âm thanh từ các giàn ngũ âm, từ những tiếng reo hò động viên, cổ vũ cho các đội ghe ngo đến từ tám huyện thị trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang dốc sức đua tài trên dòng sông thân yêu. Đua ghe ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, đồng thời cũng là nét tồn dư của nghi thức tống tiễn thần Nước trong hệ thống tín ngưỡng đa thần cổ xưa được chồng lên một lớp văn hóa Phật giáo theo truyền thuyết ghe ngo chính là hóa thân của thần Rắn Nagar each đưa đức Phật qua sông hành đạo. Cuộc đua ghe ngo kết thúc, dòng nước Long Bình sẽ theo sông Cổ Chiên xuôi về biển cả nhưng người nông dân Khmer tin rằng thần Nước sẵn sàng bỏ qua những phiền toái mà con người gây nên trong một năm sản xuất để rồi lại sẽ quay về, mưa thuận gió hòa trong năm tới, giúp cho con người có cuộc sống no đủ lâu bền. Cuộc đua ghe ngo kết thúc, những chiếc ghe dài hàng chục thước quay về nằm im trong từng ngôi chùa, từng phum sóc nhưng tín đồ Phật giáo Khmer vẫn tin rằng thần Rắn Nagar vẫn tồn tại quanh đây, sẵn sàng cứu vớt con người thoát khỏi mọi tai ương, bệnh tật để sống yên lành cho trong sự chở che, phò hộ của đức Phật.
Từ tuyến sông Long Bình, không khí lễ hội theo chân hàng chục ngàn người di chuyển dần lên khu di tích lịch sử - văn hóa Chùa Âng - Ao Bà Om, trung tâm chính của lễ hội. Tại đây, khách thập phương cùng các nam thanh nữ tú tham gia những trò chơi dân gian có thưởng như kéo co, đẩy cây, đập nồi, chạy quanh ao, đi cà khêu… Đặc biệt, giải bóng chuyền thanh niên dân tộc tỉnh Trà Vinh đã trở thành giải truyền thống từ khi tỉnh nhà được tái lập đến nay (5/1992). Giải qui tụ hơn trăm đội bóng chuyền đến từ 141 chùa Khmer mà vòng loại cấp huyện khởi tranh từ dịp Sene Đolta (tháng Tám Phật lịch) để tuyển chọn đội đại diện tham gia vòng chung kết tại sân Ao Bà Om ngay trong những ngày diễn ra lễ hội Ok Om Bok này. Cứ thế, không khí lễ hội nóng dần lên theo các hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra trong suốt buổi chiều ngày mười bốn và cả ngày Rằm tháng Mười. Càng vào chiều ngày Rằm, người trẩy hội cứ đông dần lên, chen chúc nhau trên khắp các tuyến đường dẫn về Ao Bà Om. Dần dần, cả khu vực Ao Bà Om lèn chật cứng người là người, nô nức, nhộn nhịp chờ đón những giây phút thiêng liêng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Khmer sẽ diễn ra.
Mặt trời chen lặn. Mặt trăng đêm Rằm tròn vành vạnh từ từ nhô lên khỏi những hàng cây cổ thụ cũng là lúc nghi thức chính của lễ hội bắt đầu - nghi thức cúng trăng với thức cúng chính là cốm dẹp, sản phẩm của mùa vụ mới vừa thu hoạch. Các vị sư đạo cao đức trọng cùng các bậc bô lão đến từ các phum sóc là những người đóng vai trò chủ lễ. Sau khi đã thành tâm dâng cúng thần Mặt Trăng, các vị chủ lễ gọi từng em bé người Khmer đút cả nắm cốm dẹp vào, rồi vỗ nhẹ vào lưng. Theo tín ngưỡng phồn thực truyền thống, nắm cốm dẹp trong miệng trẻ chính là lộc thánh, với mong ước mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nẩy nở, con người sống trong cảnh no đủ lâu bền. Và, những lời nói không đầu không đuôi, không tròn tiếng rõ lời trong miệng đầy cốm dẹp của trẻ được người lớn chăm chú lắng nghe, bởi biết đâu đó chính là lời của thần linh - mượn miệng trẻ - nhằm dự báo những điều xâu tốt, rủi may trong mùa vụ tới.
Trong tiếng nhạc ngũ âm vang lừng, trong điệu múa Chhai dam vui nhộn, trong men rượu lâng lâng của người trẩy hội, những ngọn đèn gió được thả lên bầu trời xanh cao lồng lộng như mang theo cả niềm tin, mơ ước của con người về cuộc sống thực tại và tương lai. Những ngọn đèn nước lung linh huyền ảo trôi trên mặt ao đêm giát bạc. Theo quan niệm của người xưa, lửa chính là phương tiện duy nhất để con người đang sống trong thế giới thực có thể giao tiếp cùng thần linh và linh hồn những người đã khuất. Da vậy, những ngọn đèn gió càng bay cao, những ngọn đèn nước càng lung linh được hiểu là lòng thành của con người đã được thần linh chứng giám. Riêng ở Ao Bà Om, những ngọn đèn gió bay lên lơ lửng trên những tán cây cổ thụ còn là lễ tiết nhắc nhở đến các thế hệ hôm nay về truyền thuyết ra đời của danh thắng này. Đó là hinh ảnh chiếc đèn gió cơ mưu ngày nào Bà Om đã thả lên, giúp phái nữ giành chiến thắng trong đêm thi đào ao lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên vùng đất cát khô hạn này.
Đêm lễ hội như kéo dài bất tận với sân khấu biểu diễn ca kịch dù kê, các bài dân ca, bài ca basăk biểu diễn trang phục dân tộc và hòa tấu nhạc cụ cổ truyền dân tộc Khmer do các nghệ nhân, nhạc công không chuyêntrong cả tỉnh về tham dự. Mọi người cùng hát, mọi người cùng nhảy múa, mọi người cùng vui với một vụ mùa sung túc đã qua và hy vọng vào một tương lai ấm no, hạnh phúc. Vị thần Mặt Trăng đang tuần du trên bầu trời, vén mây nhìn xuống như ghi nhận lòng biết ơn thành kính và niềm vui được mùa bất tận của con người.
Khi vị thần Mặt Trăng đã chếch hẳn về hướng tây, mọi người lưu luyến chia tay nhau, trở về với cuộc sống thường nhật. Hẹn mùa Ok Om Bok năm sau to hơn, vui hơn.