lễ hội Gò Đống Đa 2008

Mùng 5 Tết, hàng nghìn người dân đổ về Gò Đống Đa - Hà Nội dự lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Nơi đây, 219 năm trước, Quang Trung Nguyễn Huệ đã hoàn thành tâm nguyện "Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".

Hà Nội sáng nay se sắt lạnh. Nhưng từ 6h, những đoàn tế lễ thập phương đã khăn áo chỉnh tề tiến về hội tụ dưới chân tượng đài người anh hùng áo vải. Sau lễ dâng hương của đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước do ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc dẫn đầu - các đoàn tế lễ từ phường Thịnh Liệt, Đống Đa, Khương Trung, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử... lần lượt thành kính dâng lễ bày tỏ lòng biết ơn công đức của vị Hoàng đế đã làm nên chiến thắng thần kỳ trước 290 nghìn quân Thanh.




Kính cẩn dâng lễ dưới chân tượng Quang Trung. Ảnh: Hoàng Hà.

Bác Yến (phường Đống Đa) cho biết: "Năm nào tôi cũng tham gia hội Gò. Các đoàn phường sở tại luôn được ưu tiên làm lễ trước. Hôm nay trời lạnh nhưng các cụ vẫn dậy từ 5h sáng, vấn khăn, đóng áo, đi giày rất trang nghiêm. Thế mới biết thương vua, thương lính ngày xưa, thức đêm, đánh địch từ rạng sáng, thiếu thốn đủ bề mà vẫn diệt tan quân giặc".

Hơn 9h, hội mới khai mạc, nhưng không khí của ngày đại thắng quân Thanh xuân Kỷ Dậu 1789 đã rộn ràng từ sáng sớm, qua những điệu múa lân, sinh tiền, đặc biệt là màn rước rồng lửa, tái hiện hỏa trận dồn đuổi giặc bằng mọi vũ khí, từ con cúi nùi rơm, hỏa hổ đến đại bác của trận chiến xưa. Trận rồng lửa rực trời 219 năm về trước là kết quả của nghệ thuật phối hợp sức quân và lòng dân. Tương truyền, trước lời kêu gọi của vua Quang Trung, người dân vùng quanh đồn giặc đã bí mật dùng rơm và các chất liệu dễ cháy bện thành những con rồng, để khi quân đội tiến đánh, dân sẽ nhất loạt đốt rồng rơm, tạo thành biển lửa thiêu cháy quân địch. Thơ ca còn ghi lại "Lửa rồng một trận giặc tan tành/ Bỏ thành cướp đò trốn thật nhanh".

Tiến đánh từ đêm 30 Tết, đến sáng mùng 5 năm Kỷ Dậu, hai đạo quân chủ lực của nghĩa quân Tây Sơn đã vây chặt, vừa đánh trực diện, vừa đánh vu hồi vào đồn Đống Đa - đầu não quân Thanh - làm nên chiến thắng thần tốc và giòn giã sau 5 ngày đêm. Trong diễn văn khai mạc hội Gò, ông Trần Đức Học - Chủ tịch quận Đống Đa khẳng định: "Tuy băng hà khi mới 39 tuổi, nhưng với 21 năm chinh chiến lẫy lừng, Quang Trung Nguyễn Huệ là người anh hùng tiêu biểu cho khí phách và ý chí của dân tộc".


Ông bà Boeuf: "Không khí hôm nay rất là... ngày xưa". Ảnh: Lưu Hà.

Thời tiết lạnh, nhưng khí trời hôm nay khá đẹp. Càng về trưa, người dân đổ về công viên Đống Đa càng đông. Trẻ chơi tò he, bóng bay, còn các cụ già quây quần dưới chân tượng vua xem các màn biểu diễn văn nghệ. Có mặt từ rất sớm, ông bà Boeuf - hai du khách đến từ thành phố Nice, Pháp - lặng lẽ nắm tay nhau, dạo chơi và chụp ảnh quanh tượng đài. Khi được hỏi: "Ông bà biết gì về vua Quang Trung?", bà Boeuf thành thực: "Tôi được một người quen dẫn tới đây. Tôi biết về Quang Trung một ít thôi, nhờ cuốn sách này (bà đưa ra một cuốn sách nhỏ, có giới thiệu về triều đại Tây Sơn bằng tiếng Pháp). Ông ấy thật phi thường. Tôi vừa mới biết, vì sao ông lại được gọi là 'Anh hùng áo vải'. Sau hôm nay, tôi sẽ biết nhiều hơn về vua Quang Trung. Chắc đấy".


Hình tượng Quang Trung và công chúa Ngọc Hân trên sân khấu Hội Gò. Ảnh: Hoàng Hà.

Chiều nay, các cuộc thi đấu thể thao như kéo co, đấu vật, cờ người sẽ diễn ra trong tại công viên Đống Đa. Các chương trình ca nhạc mừng Đảng, mừng Xuân sẽ diễn ra vào buổi tối.


Trình diễn múa rồng dưới chân tượng đài vua Quang Trung.


Tiết mục múa kiếm tiếp nối chương trình.


Các tiết mục du xuân và hát chèo làm sôi động không khí ngày hội.


Thi đấu Cờ người.


Ngày hội đầu xuân không thể thiếu trò chơi chọi gà.


Các em bé thích thú xem nặn tò he.

Lưu Hà