Mối tình "điên khùng" của nhà thơ Bùi Giáng


Sinh thời Bùi Giáng hành xử rất lạ, đặc biệt là yêu. Bởi vậy, cuộc đời ông để lại quá nhiều những giai thoại, lời đồn. Là giai thoại nên tất nhiên sẽ có những thêm thắt, phóng đại, khuếch trương, hư cấu... Tuy nhiên, mối tình đơn phương với nghệ sĩ Kim Cương là một giai thoại có thực nhất, nổi tiếng nhất trong cuộc đời nhiều đau thương của Bùi Giáng.



Chân dung thi sĩ Bùi Giáng.
Thi sĩ Bùi Giáng (17/12/1926 - 7/10/1998), sinh tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông là một nhà thơ, dịch giả, nghiên cứu văn học của Việt Nam. Ông nổi tiếng từ thập niên 1960 với tập "Mưa nguồn". Ông còn có các bút danh khác: Bán Dùi, Bùi Giàng Dúi... Sáu Giáng là cái tên thân mật mà bạn bè đặt cho ông theo cách gọi của người miền Nam. Thơ văn của ông lạ. Người ta đọc nhiều, tranh luận nhiều, được tán tụng lên thành thiên tài, nhưng cũng có khi bị hạ xuống là khùng điên.
Sau khi học xong bậc tiểu học ở trường Bảo An tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở Trường Trung học Thuận Hóa, đang học thì Thế chiến thứ hai nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung.
Bùi Giáng cưới vợ năm 18 tuổi (1944), vợ ông là bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp, nhưng chỉ vài năm sau, bà bị bệnh, sinh non và cả 2 mẹ con cùng chết. Nhiều người cho rằng đây là một trong những lý do khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ.



Tình đơn phương

Nghệ sĩ ưu tú Kim Cương nổi danh từ rất sớm với những vai diễn Điêu Thuyền trong "Phụng Nghi Đình", cô Diệu trong "Lá sầu riêng", được mệnh danh là kì nữ trong làng cải lương. Kim Cương đã chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của Bùi Giáng. Câu chuyện tình đơn phương này có một cái gì đó như định mệnh, như một biểu tượng đẹp, buồn và xót xa. Đối với Bùi Giáng, Kim Cương là "thiên hạ đệ nhất mỹ nhân". Và chàng thi sĩ trung niên đã yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng, cảm động.

Chuyện kể rằng, khi Kim Cương mới 19 tuổi (nhưng đã rất nổi danh trong đoàn cải lương của mẹ nàng là nghệ sĩ Bảy Nam), một lần, có người quen nói với nàng: "Có một ông giáo sư đại học Văn khoa ái mộ chị lắm, muốn đến thăm nhà chị". Kim Cương đồng ý. Và người đến thăm chính là thi sĩ Bùi Giáng, lúc đó còn khá trẻ (hơn Kim Cương chỉ ngoài chục tuổi), áo quần còn tươm tất chứ không "du côn" như sau này. Thế rồi từ đó, chàng thi sĩ si tình thường đến nhà kì nữ, mời cô đi chơi bằng xe đạp chàng chở. Rồi chàng ngỏ lời cầu hôn. Qua những lần tiếp xúc, người đẹp thấy ở chàng toát lên một cái gì đó bất thường, "kì kì" nên nàng sợ. Nàng tìm cách né tránh. Kì nữ đáp: "Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có thể nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính".

Vô vọng nhưng không thất vọng

Mỗi lần tới nhà Kim Cương là Bùi Giáng lại làm thơ để tặng bà. Ông tiện tay xé bất cứ tờ giấy, tờ lịch nào trông thấy và viết lia lịa, say mê lên đó. Nguồn thơ si tình của ông với "thiên hạ đệ nhất mỹ nhân" cứ tuôn trào không hề vơi cạn theo năm tháng. Về sau, mỗi lúc thấy ông “quậy phá”, Kim Cương nghĩ ra cách không mở cửa cho ông vào, mà luồn qua khe cửa một cuốn sổ để ông viết thơ vào đấy. Ông ngồi viết một hồi xong bài thơ rồi mãn nguyện bước đi.

Bùi Giáng làm thơ về kì nữ rất nhiều. Những câu thơ điên điên nhưng ngộ nghĩnh. Suốt hơn bốn thập kỉ, ông không ngừng làm thơ yêu trong cuốn sổ nhỏ nhét qua khe cửa nhà bà, một mực hướng về mối tình đơn phương đó.

Một lần không hiểu bằng cách nào, chàng thi sĩ lấy được một chiếc giày của Kim Cương. Chiếc giày mới toanh, hình như chưa đi bao giờ. Ông đem xỏ dây, đeo lủng lẳng nơi cổ như một sợi dây chuyền. Có lần về nhà, ông tháo nó ra, đặt trên bếp để đi tắm. Bà Hoàng Thị Như Hồng (vợ ông Bùi Văn Võ, em họ của Bùi Giáng), thấy chiếc giày vứt ở đó, đem dọn cất nơi khác cho gọn gàng. Tắm xong, trở ra không thấy giày, nhà thơ si tình hốt hoảng đi tìm khắp nơi như đánh mất của quý báu nhất trần đời. Đến khi bà Như Hồng mang ra, bị ông chửi thậm tệ. Thậm chí ông còn đòi đánh cô em dâu vì đã dám xúc phạm tới "người trong mộng" của ông.


Ám ảnh khác thường

Ông tôn thờ Kim Cương đến mức làm thơ gọi bà là Mẫu Thân. Có những hôm ông sơn móng tay, móng chân, đánh phấn, thoa son cẩn thận, ngất ngưởng ngồi xe xích lô đến thăm bà. Nếu gọi cửa mà Kim Cương không chịu ra, ông lấy đá ném rầm rầm vào nhà. Chỉ đến khi bà phải xuất hiện để ông thấy mặt và nói vài lời, ông mới chịu đi. Một hôm, đã khuya lắm rồi, Bùi Giáng đập cửa nhà Kim Cương và hét: "Mẫu Thân mở cửa!". Kim Cương hỏi: "Anh Giáng ở đâu về mà bơ phờ vậy"?. Nhà thơ kể, ông đang ở nhà thương Biên Hòa thì bỗng nhiên có một vị Bồ Tát hiện tới báo ông phải về Sài Gòn gấp để nhờ Mẫu Thân Kim Cương bảo lãnh mới an toàn. Khi Kim Cương nói không dám nhận mấy tiếng Mẫu Thân, thế là thi sĩ liền quát lên: "Đồ phàm phu tục tử như ái khanh, một triệu năm sau chưa hiểu thấu tình yêu của Trẫm". Trong kí ức của NSƯT Kim Cương thì thi sĩ Bùi Giáng vẫn là một người bạn lớn: "Suốt bốn mươi năm, Bùi Giáng đối với tôi như một người yêu đơn phương thì ngược lại, tôi đối với ông ấy như một chỗ dựa tinh thần".

Hình bóng của kì nữ Kim Cương dường như thường trú tận trong thẳm sâu vô thức của Bùi Giáng. Bất kì lúc nào cũng có thể phát lộ ra thành những ám ảnh. Những ám ảnh đó nhiều khi thật kì dị, thậm chí quái đản không chỉ trong thơ mà còn trong cả những trang văn xuôi dữ dội.

Có người bạn hỏi Bùi Giáng: "Kim Cương có cái gì mà anh thương dữ vậy?". Ông đáp: "Lúc tôi gặp cô trong đám cưới của một người bạn, cô mặc cái áo dài lụa trắng, tôi thấy hào quang cứ tỏa ra, tới bây giờ vẫn còn tỏa".

Bốn năm cuối đời, Bùi Giáng gần như tỉnh hẳn gần như không còn dấu hiệu của người điên (thi sĩ có dấu hiệu phát bệnh điên từ năm 1975). Cứ sáng mùng một Tết là ông đến xông đất nhà Kim Cương. Ông vào nhà ngồi bệt xuống nền, không bao giờ chịu ngồi trên ghế, rồi lì xì cho bà khi năm nghìn đồng, khi mười nghìn đồng. Kim Cương xẻ dưa hấu đãi ông. Ông mãn nguyện trong sự ân cần của bà. Khoảng 4 - 5 tháng trước khi nhà thơ qua đời, bà mua mấy bộ đồ đưa đến nhà ông ở Gò Vấp. Và bà xúc động khi biết trong các đồ liệm theo ông có bộ đồ mua tặng của bà. Trước lúc đi xa, ông còn để lại một lời nhắn nhủ viết trong cuốn sổ tay tại nhà kì nữ: "Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương". Và một bài thơ: "Vô ngần tao ngộ đầu tiên / Em bao giờ biết anh phiền ưu sao / Yêu em từ những kiếp nào / Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ". Có một bức thư tình cuối cùng ông viết cho bà năm 1998 (trước lúc mất vài tháng), rất tỉnh táo nhưng lại không gửi cho Kim Cương mà đưa người khác cất giữ. Sau khi ông mất nhiều năm, nghệ sĩ mới được đọc lá thư này.

ĐÀO BÍCH