Sau quá trình tôn tạo, nhiều di tích bị biến dạng về kiến trúc, mỹ thuật, phần nào mất đi giá trị lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, nhiều di tích còn bị… phá bỏ, xây mới, thay vì tu bổ.

Hầu hết giới chuyên môn đều đồng ý rằng, việc tôn tạo di tích, hiện vật tốn sức và tiền bạc hơn nhiều so với việc phá bỏ để dựng lên cái mới. Vì thế mà tại nhiều di tích, tình trạng này vẫn thường xảy ra. Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT-DL) không khỏi xót xa khi nhắc lại trường hợp Đình Đại (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội). “Đình có nhiều mảng chạm của thế kỷ 18, ít nhiều dấu tích thế kỷ 17. Vì thế, tôi đã kêu gọi xếp hạng di tích cấp quốc gia cho ngôi đình. Nhưng ngay sau khi được xếp hạng, người ta cho tu bổ và dỡ hết những mảng chạm cổ, thay vào đó là những mảng chạm mới”, ông bùi ngùi.

Nâng nền, chạm thêm rồng đá...

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trang Thanh Hiền - giảng viên trường ĐH Mỹ thuật VN, vô cùng nuối tiếc khi chùa Hòe Nhai vừa bị làm mới lại. Bà Hiền bức xức: “Kiến trúc chùa trước kia vốn là tiền nhị, hậu đinh - kiểu kiến trúc phổ biến ở các ngôi chùa thế kỷ cuối 18, đầu 19, nhưng nay đã được thay thế bằng lối kiến trúc chữ “công” chồng diêm hai tầng. Chùa cũng được nâng nền lên và chạm thêm 2 con rồng đá, mà không biết đôi rồng này lấy tư liệu ở đâu để phục dựng. Nhiều mảng chạm trên các vì kèo của ngôi chùa cũ bị dỡ bỏ, xếp đống một góc. Có thể do chùa bị thay đổi kiến trúc nên không thể dùng các cấu kiện đó?”. Bà cũng dẫn chứng thêm trường hợp của ngôi chùa Hưng Ký được xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Cụ Trần Văn Thành (tức Hưng Ký) - một chủ lò gạch, đã bỏ ra 5 năm liền để làm gốm men lắp trên diềm mái, câu đối, hoành phi. Đặc biệt trên diềm mái có ghép các tượng sứ nhiều màu nói về các sự tích nhà Phật… Vừa qua, sau khi được tu sửa lại, một số miếng gốm men trên diềm mái có giá trị nghệ thuật cao không được dùng lại, thay vào đó là diềm hoa chanh, hình rồng bằng xi măng.



Người ta đã đi đến đấu thầu là quan tâm đến vấn đề kinh tế, làm sao cho lấy được nhiều tiền nhất, lợi nhuận nhất, điều đó rất tai hại với di sản văn hóa


Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền
Cách đây vài năm, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã rất bức xúc về việc phá bỏ hai tháp cổ trong vườn tháp ở chùa Trấn Quốc để dựng lên tòa bảo tháp 11 tầng. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền phân tích: “Việc hai tháp cổ đã bị phá để xây bảo tháp còn có nghĩa là sự xóa bỏ dấu tích tổ tiên để đưa cái mới vào. Cái tháp cao lêu nghêu phá hỏng sự ấm áp của vườn tháp, hơn nữa lại không hề đúng với nguyên tắc tạo tháp. Ở nước ta, tháp lục độ đã từng được xây dựng nhưng chưa bao giờ vượt quá 5 tầng”.

“Hiện đại hóa” chùa cổ

Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền phân tích: “Những người tu bổ di tích có người làm đúng, có người làm sai mà những người làm sai nhiều hơn những người làm đúng. Trước hết, nhận thức về di sản chưa đến nơi đến chốn. Thứ hai là hình thức tu bổ theo kiểu đấu thầu. Người ta đã đi đến đấu thầu là quan tâm đến vấn đề kinh tế, làm sao cho lấy được nhiều tiền nhất, lợi nhuận nhất, điều đó rất tai hại với di sản văn hóa”.

Chùa Thiên Phúc được xây thành hai tầng, không hòa với thiên nhiên, vũ trụ - Ảnh: Lê Quân
Chùa Thiên Phúc được xây thành hai tầng, không hòa với thiên nhiên, vũ trụ - Ảnh: Lê Quân

Ông nêu lên hiện tượng xây dựng các ngôi chùa lớn, tách khỏi mặt đất, xây cao tầng, chẳng hạn như chùa Thiên Phúc (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), chùa Hội Xá (Long Biên, Hà Nội). Ông cho rằng: “Ngôi chùa Việt vốn dĩ phải hòa với thiên nhiên, vũ trụ mà nay được xây thành nhà tầng chỉ đạt một mục đích duy nhất là lễ bái, dù đây chỉ là một phạm trù trong văn hóa”.

Theo ông, ngay sau khi được xếp hạng, chùa Hội Xá (cũ) bị xuống cấp, sụt hẳn mái, nhưng không ai quan tâm. Trong khi đó, ngay bên cạnh chùa Hội Xá là một tòa nhà hai tầng đã được xây lên, nhằm mục đích thay thế (chùa cũ) mà không có phép của cơ quan chức năng và quản lý.

Ông Biền cho rằng, trong đạo Phật, di tích là biểu hiện của ba tầng vũ trụ: mái thuộc về tầng trời, thân của nó là nơi con người và thần linh tiếp cận, bên dưới là thế giới của đất - thế giới bên dưới. Âm dương phải thông hòa, chảy từ trên xuống dưới. Còn hiện nay thì “người ta thích cái đẹp hình thể hơn cái đẹp tâm linh”. Ông nói: “Ngày xưa, các cụ ta rất sợ lát nền cả di tích vì như thế cả làng sẽ thất cơ lỡ vận, âm dương cách trở, không tạo nên hòa khí. Nếu buộc phải lát, họ dùng gạch có khả năng hút ẩm (như gạch gốm), nhưng không bao giờ lát gầm bàn thờ. Trước bàn thờ, tiền đường thường để một phiến đá rất lớn (chân tảng đá ép bục xuống mặt đất) để thông âm dương”.

Tượng cổ biến thành tượng mới

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền buồn bã khi nhắc tới chùa Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội), nơi còn lưu giữ nhiều pho tượng có từ thời Lê (thế kỷ 17) và Nguyễn, trong đó có 8 pho tượng Kim Cương. Ông kể: “Trong các bức ảnh chúng tôi chụp trước thời gian tu bổ, các bức tượng có màu thời gian vô cùng đẹp. Nhưng trong lúc tu bổ, họ (Ban quản lý di tích) đã tự ý sơn, thếp lại mà không có hướng dẫn, khiến các bức tượng có lớp vỏ mới toanh, vô cùng phản cảm”.

Theo nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền, việc sơn, thếp lại các bức tượng cổ khiến các nhà nghiên cứu khó đoán định được niên đại. Bà vẫn nhớ, cách đây một năm, các bức tượng Phật tại chùa Hòe Nhai có màu sơn ta đen bóng rất đẹp và chưa có dấu hiệu hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Vừa qua, toàn bộ các bức tượng đã được thếp vàng, ảnh hưởng tới “dấu vết thời gian”.

“Đừng nghĩ rằng thếp vàng cho tượng là quý, việc làm đó cho thấy sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật Phật giáo. Tượng Phật có thể thếp vàng toàn bộ, còn với tượng Bồ Tát thì không (chỉ có mặt, tay được thếp vàng, còn áo thì không), vì Bồ Tát là vị Phật tình nguyện ở lại với đời”, bà Hiền nói.

Đã, đang và sẽ còn bị biến dạng

Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đã từng lên tiếng về việc tu bổ khu di tích Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Cây cầu Bạch bằng gỗ sau khi tu bổ biến thành cầu đá. Các đền đài, lăng tẩm triều Lê bị tu bổ bằng các vật liệu xây dựng mới.

Ngoài ra, việc xây thêm nhiều kiến trúc mới không chính xác với lịch sử đã làm biến dạng, mất đi giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích. Đình Yên Phụ - ngôi đình cổ duy nhất ở Hà Nội được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 đã trở thành ngôi đình “một tuổi” sau khi tu bổ.

Mới đây, dư luận đã lên tiếng về việc tu bổ Thành nhà Mạc (Tuyên Quang). Từ một di tích có niên đại 418 năm, sau khi tu bổ, di tích trông không khác gì “cái lò gạch mới”.

Nhưng phong trào tôn tạo di tích diễn ra ở khắp nơi, hàng loạt các di tích đã, đang và sẽ bị biến dạng với cách làm thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm.

Minh Ngọ

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pag...107221922.aspx