Ngày Tết của người Tây Tạng được biết đến với cái tên Losar. Theo tiếng Tây Tạng, từ “Lo” có nghĩa là “năm”, và “Sar” có nghĩa là “mới”. Đây là lễ hội lớn nhất của xứ linh thiêng Tây Tạng. Thời cổ xưa, cứ mỗi khi trông thấy những đoá hoa đào rực thắm trên sườn núi cao là đến lúc người Tây Tạng đón mừng năm mới.


Các nhà sư Tây Tạng tụng kinh mừng năm mới


Vào dịp này gia đình sum họp bên nhau quanh bữa tối đầm ấm và luôn miệng thốt lên câu “tashi delek” (an lành thịnh vượng).

Tây Tạng là một trong những điểm du lịch lạ thường nhất trên thế giới. Sự bất ngờ thú vị luôn được ẩn giấu đây đó ở mỗi góc rừng chốn phố. Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, nằm cao ngất trên những rặng núi hoang dã khô cằn. Người ta nói rằng, lòng thung lũng của Tây Tạng còn cao hơn cả những ngọn núi cao nhất ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Ở độ cao như thế, Tây Tạng quanh năm được phủ đầy tuyết trắng. Đây còn là xứ linh thiêng, nơi có những vị Đạt Lai Lạt Ma chân truyền qua từng thế hệ và các lễ nghi tôn giáo đặc sắc của Phật giáo Tây Tạng.

Với số dân cư chỉ vào khoảng 2,7 triệu người, Tây Tạng là vùng dân cư thưa thớt nhất so với tại bất kì tỉnh thành hay vùng tự trị nào nằm trên lãnh thổ Trung Quốc. Trong số đó, có đến 93% là người Tây Tạng bản địa.Losar, lễ năm mới ở Tây Tạng, diễn ra trong suốt nửa tháng, kéo dài từ tuần cuối cùng của tháng 12 âm lịch đến hết tuần đầu của tháng Giêng. Lễ hội được đánh dấu bằng các nghi lễ cổ điển, những màn dựng cảnh chiến đấu giữa cái thiện và cái ác, niềm hân hoan được truyền rộng rãi trong đám đông bằng các ngọn lửa đuốc. Vũ điệu của lbex và những hình ảnh mô phỏng nhiều trận chiến của các vị hoàng đế càng làm cho không khí trở nên sôi động.

Năm mới ở Tây Tạng đến vào lúc bắt đầu một mùa trăng. Hai ngày cuối cùng của năm cũ được nguời Tây Tạng gọi là Gutor. Ngày thứ nhất là để dọn dẹp lau chùi nhà cửa từ trên xuống dưới, đặc biệt là bếp vì đó là trung tâm của căn nhà. Phải làm sẵn những món ăn mới chào đón năm mới, trong đó có các loại súp khác nhau. Ngày thứ hai dành cho những buổi lễ tôn giáo. Người dân tới các tu viện tặng quà cho sư. Họ đốt pháo và đuốc để đuổi tà ma lẩn quất quanh nhà.


Các nhà sư Tây Tạng


Trong khi đó, một lễ ăn mừng được tổ chức ở thủ phủ Lhasa có tên gọi là dgu thug diễn ra vào ngày cuối cùng của năm cũ. Các gia đình đều tự tay nấu món truyền thống dgu thug. Đây là món ăn được chế biến từ 9 thành phần, bao gồm phô mai khô, đậu, bột mì, củ cải đường, mì sợi, lúa mạch, thịt và ngũ cốc. Bên trong những nui bột đã nhào này luôn có những thứ đồ vật đã được gia chủ cất giấu như len sợi, hạt tiêu, muối, đá và chì than. Trước khi ăn thứ bánh dgu thug, mọi người trong gia đình có tập tục mang những quả nui này khẽ chạm vào những đồ trang phục của mình, như một cách để xua đuổi tà ma và bệnh tật.

Vật được tìm thấy trong nhân nui được xem như là cách để nói về tính cách của con người. Nếu một người tìm thấy hạt tiêu trong chiếc nui của mình, điều đó có nghĩa anh ta là người hay nói và thẳng thắn. Trong khi đó, len sợi biểu hiện cho người tốt bụng và trong sáng; đá biểu hiện tính cách của một người khó tính và lạnh lùng; muối biểu hiện cho tính lười biếng và than đá là tâm địa của một người xấu xa.

Bên cạnh đó còn có món Tabzan - một loại bánh mì đặc biệt được dùng thường xuyên trong các bữa ăn của người Tây Tạng. Tuỳ độ ngon của những chiếc bánh bao nhỏ ăn cùng các loại súp mà người ta dự đoán năm tới sẽ may mắn hay không.




Trong lễ hội Sikkim vào ngày thứ 5 của Losar, một món ăn đặc biệt dùng trong gia đình được chuẩn bị, nấu từ nước sốt thịt, ngũ cốc, đậu xanh và dạ dày cừu. Vào buổi tối, mọi gia đình đều thắp đèn đuốc và nhảy múa quanh ánh sáng bập bùng để cầu khấn xua đuổi tà ma, bệnh tật và những điều không may mắn có thể đến với gia đình họ.

Sau đó là những ngày đầu tiên của năm mới. Vào ngày đầu năm, người Tây Tạng dậy sớm tắm rửa, mặc quần áo mới. Họ cầu nguyện và cúng những tượng thờ ở nhà bằng rượu và các món ăn làm từ thịt. Thức ăn trong ngày này có bánh kapse làm từ bột mì trộn với pho mát, bơ và trứng. Kèm với chhaang - một loại rượu được hâm nóng - thứ thức ăn này biểu trưng cho mong ước mùa màng yên ấm, no đủ trong năm. Có 3 điều kiêng kị trong ngày đầu tiên của năm mới. Đó là không tiếp khách, không ăn thịt và không tranh cãi.


Người dân lễ chùa mừng năm mới


Đến ngày thứ hai của lễ mừng năm mới, người ta mới được phép đi thăm bạn bè và vui chơi. Sau khi đã đi đến tất cả các nhà, mọi người đều trở về nhà và không ra khỏi nhà vì bất kỳ lí do gì nữa trong suốt ngày hôm đó.

Nguồn gốc của ngày Tết năm mới ở Tây Tạng bắt đầu từ giai đoạn tiền Phật giáo. Lễ hội Losar lần đầu tiên được giới thiệu bởi một người phụ nữ già có tên là Belma. Chính bà là người dạy cho dân cư ở đây cách đo thời gian bằng cách đếm chu kỳ của mặt trăng. Thời cổ đại, mỗi khi hoa đào nở rộ, người Tây Tạng lại coi đó là dấu hiệu cho một năm mới. Tuy nhiên, sau khi có hệ thống lịch Tây Tạng, bắt đầu từ năm 1027, ngày đầu tiên của mùa trăng được xác định là ngày năm mới