Thăm làng Việt cổ 500 năm ở Trung Quốc
11:33' 03/02/2008 (GMT+7)

Mong mỏi từ lâu, cuối cùng tôi cũng tới được thôn Vạn Vĩ, thị trấn Giang Bình, TP Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, nơi có làng người Việt cổ đã sống ở đây 500 năm.



Được một người buôn Trung Quốc chỉ dẫn, tôi bắt xe buýt mất 4 nhân dân tệ (khoảng 10.000 đồng VN) để đến Vạn Vĩ, cách TP Đông Hưng chừng 20 km và cách cửa khẩu quốc tế Móng Cái 25 km, ở Trung Quốc gọi là Kinh tộc Tam Đảo, còn gọi là bán đảo Giang Sơn.

Người Đồ Sơn lưu lạc

Con đường từ Đông Hưng về Vạn Vĩ được trải nhựa bê tông phẳng lì, hai bên là những đồi thông, làng mạc. Khung cảnh cũng không khác lắm so với VN. Đến đầu thôn Vạn Vĩ, ngay bên lề đường, một tấm panô cỡ lớn có vẽ hình cô gái mặc áo dài, tay che nón, tôi chợt hét lên: “Việt Nam”!


Ông Tô Duy Phương và Bí thư thôn Tô Minh Phương (người đứng) tại thôn Vạn Vĩ

Mọi người trên xe quay sang nhìn và gật đầu. Với vốn tiếng Hoa chỉ biết “nì hảo”, tôi không thể hiểu nổi lời giải thích của những người trên xe về ý nghĩa của tấm biển. Xe dừng tại bến cuối cùng là Vạn Vĩ, thôn nằm ngay sát mép biển. Từ ngã tư đường cái lớn, tôi tìm hỏi và lần đường vào thôn Vạn Vĩ. Hai bên đường là những dãy nhà hai ba tầng cũng giống như ở xứ ta, một cái chợ làng. Đang lo lắng không biết xoay xở thế nào, tôi được một bà cụ dẫn đến nhà ông Tô Minh Phương, Bí thư thôn Vạn Vĩ, một người gốc Việt.

Ngôi nhà ông Phương nằm ngay sát đường cái của thôn. Thấy người lạ từ VN sang hỏi mình, ông Phương nhổm người khỏi chiếc võng đưa tay ra bắt và chào bằng tiếng Việt. Điểm khá lý thú là ở Trung Quốc cũng như VN, chính quyền cơ sở rất cẩn thận với người lạ. Ông Phương đòi xem giấy tờ tùy thân của tôi.

Lấy hộ chiếu và thẻ nhà báo ra trình diện, ông Phương với tiếng Việt lơ lớ thắc mắc hỏi, sao không có giấy giới thiệu của cấp trên! Lúc này tôi thấy buồn cười nhưng sợ ông cho là không nghiêm túc sẽ hỏng việc. Sau những câu chuyện thâm tình, để tôi có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về Vạn Vĩ, ông Phương đã nhấc điện thoại gọi cho người chú là ông Tô Duy Phương, người đã từng sang VN làm lính tình nguyện thời chống Mỹ và là chuyên gia giúp VN sau đó.

Ngồi trên võng đung đưa, ông Duy Phương lần lần kể: Gia phả, tài liệu và văn tự còn ghi lại từ 500 năm nay kể từ thời Hồng Thuận tam niên (nhà Lê 1511), thuở ban đầu người Việt đến lập nghiệp tại Tam Đảo ở 3 thôn Vạn Vĩ, Mu Đầu và Sơn Tâm chưa đầy 100 người, với 12 dòng họ: Tô, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Vũ, Bùi, Cao, Ngô, La, Cung, Khổng và Lương có gốc gác từ Đồ Sơn, Hải Phòng.

Lịch sử 12 dòng họ khi gặp bão tố đã trôi dạt về Tam Đảo và khai hoang lập nghiệp tại đây được lưu lại thành câu ca: “Ngồi dỗi kể chuyện ngày xưa / Cha ông truyền lại là người Đồ Sơn”. Hoặc: “Quê tôi là ở Đồ Sơn / Theo đàn cá sú (song) mới lên đầu dồi” (Bạch Long Vĩ ở TP Đông Hưng). Theo truyền thuyết, do mải đuổi theo đàn cá song, cha ông của họ đã lưu lạc đến Tam Đảo, lúc đó là một hòn đảo hoang vắng. Mãi đến những năm 60 của thế kỷ trước, Vạn Vĩ vẫn còn những rừng rậm, thân cây mấy người ôm không xuể...

Gìn giữ phong tục truyền thống

Đến nay, các dòng họ này đã có đời thứ 11, 12. Nguồn gốc của tên gọi Kinh tộc Tam Đảo bắt nguồn từ 3 hòn đảo mà trước đây cha ông đến dựng nghiệp (nay do phù sa bồi đắp đã thành đất liền) là Vạn Vĩ, Mu Đầu và Sơn Tâm, sau đó phát triển thêm một số thôn khác. Ngày nay, người dân Tam Đảo vẫn truyền khẩu câu hát của cha ông xưa: “Cha ông lưu lạc Phúc Yên chốn này” (Phúc Yên là tên cũ của thị trấn Giang Bình hay còn gọi là An Lang).

Thời gian thấm thoát đã trên 10 đời sinh sống tại đất khách nhưng người dân Việt vẫn gìn giữ đủ những tập tục truyền thống của cha ông để lại, như từ 20 đến 30 tháng chạp, con cháu sẽ đi tảo mộ ông bà, cha mẹ. Để lấy may mắn và không sát sinh trong ngày đầu năm, trong ngày 30 Tết, người dân sẽ giết heo, gà, vịt đủ dùng cho cả ngày mùng 1 Tết.

Cũng như cha ông, người Việt tại Tam Đảo vẫn duy trì việc cúng cơm trong những ngày Tết. Vào ngày mùng 2 Tết, con gái đi lấy chồng phải về chúc mừng năm mới cha mẹ đẻ và phải mang theo gà, bánh chưng, hoa quả. Sau đó, ông bà sẽ mừng tuổi cho con cháu. Các dòng họ ở Tam Đảo có số ngày ăn Tết khác nhau, đối với họ Tô ăn Tết sau 3 ngày là hóa vàng. Theo giải thích của ông Duy Phương, trước đây nhiều đời, họ Tô nghèo nên chỉ ăn Tết 3 ngày và có câu ca còn lưu lại: “Họ Tô mùng 3 ăn rốn, mùng 4 ngồi tơ”.

Nhớ ơn vị thần đã che chở cho bà con Kinh tộc, người dân Vạn Vĩ vẫn gìn giữ truyền thống hội đình vào ngày 9-6 âm lịch hằng năm và kéo dài trong vòng một tuần. Cũng phong tục này, người dân Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) tổ chức hội vào ngày 1-6.

Dù đã trải qua 500 năm, nhưng con cháu lưu lạc của người Đồ Sơn ở Sơn Tâm vẫn giữ được lễ hội chọi trâu lâu đời vào ngày 10-8. Kể đến đây, ông Phương đọc cho tôi câu ca của người Đồ Sơn đến nay vẫn truyền tụng: “Dù ai buôn đâu, bán đâu / Mùng 10 tháng 8 chọi trâu thì về. Dù ai buôn bán trăm nghề / Mùng 10 tháng 8 thì về chọi trâu”. Ngoài ra, còn nhiều lễ hội khác mang dấu ấn người Việt vẫn còn được duy trì.

Vẫn nói tiếng Việt

Điểm đáng trân trọng là mặc dù đã 500 năm nhưng những gia đình người Việt ở Vạn Vĩ vẫn nói tiếng Việt trong gia đình và người Hán khi lấy người Việt tại đây cũng chỉ nửa năm là nói tiếng Việt thành thạo. Nhưng do vốn từ hạn chế nên khi trao đổi, Việt kiều tại Vạn Vĩ khi nói vẫn phải “pha” thêm tiếng Hoa.

Ông Duy Phương cho hay, trước đây, vào dịp hội đình, cha ông phải trở về VN để thuê người hát nhả tơ (bài hát cổ thường hát trong lễ hội của người Việt) nhưng nay đã tự dạy cho con cháu trong thôn tự hát.

Từ ngày nghỉ hưu, ông Duy Phương đã thu thập tài liệu, gia phả, sử sách để in thành sách, như sách về lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc Kinh tại Tam Đảo; các tác phẩm văn học như: Chinh phụ ngâm, Nhị độ mai, Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa, Cung oán ngâm khúc; các bài hát nhả tơ. Trong đó, nổi bật có cuốn Ca hát truyền thống dân tộc Kinh, tập hợp mấy chục bài hát do ông Phương sưu tập. Tất cả những ấn phẩm này được in bằng chữ Nôm hoặc chữ Việt.

Cùng với đó, ông cũng mở nhiều lớp dạy học chữ Nôm, đến nay đã có trên 30 người trong thôn biết đọc chữ Nôm. Ông Phương lý giải: “Phong tục, truyền thống và văn hóa của dân tộc Việt được truyền giữ bằng văn bản, thơ văn bằng chữ Nôm rất nhiều. Vì thế tôi muốn con cháu sau này cố học để gìn giữ truyền thống tổ tiên, hướng về cội nguồn”.

Vạn Vĩ giàu có

Người Kinh tại Vạn Vĩ bao đời chủ yếu làm nghề kéo lưới, thả lưới. Mấy năm trở lại đây, ở Vạn Vĩ đã có nhiều gia đình giàu lên, trong thôn đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân, hàng chục ô tô, hàng trăm tàu thuyền và gần mười khách sạn.

Bãi biển Kim Than thuộc thôn Vạn Vĩ là nguồn lợi du lịch, bên cạnh khai thác, nuôi trồng hải sản. Đó là một bãi biển thoai thoải dài hút tầm mắt, nhìn về phía bên phải xa xa là Tổ quốc VN, nơi Mũi Ngọc (Trà Cổ, Móng Cái) như lao ra biển khơi. Suốt dọc bãi biển Kim Than có nhiều nhà hàng, khách sạn, quầy bán đồ lưu niệm mọc lên. Không chỉ đón khách trong nước, mùa hè mấy năm gần đây, Kim Than đã thu hút được nhiều khách du lịch từ VN sang.


Ông Tô Duy Phương với những cuốn sách về lịch sử, văn hóa dân tộc Kinh mà ông sưu tầm

Nhiều ông chủ ở Vạn Vĩ giàu lên nhờ nuôi tôm, đánh bắt sứa, đóng tàu, mở nhà hàng và làm khách sạn. Ông Tô Xuân Pháp, chủ một xưởng đóng bè nằm sát vách nhà Bí thư Tô Minh Phương, vừa nghêu ngao một đoạn hát quan họ, vừa vui vẻ bộc bạch với tôi: “Giờ bà con mình khá rồi, trước chỉ có người bên ngoài lấy vợ ở Vạn Vĩ, nay người Kinh đã lấy được vợ ngoài thôn”.

Cùng với hàng chục nhân công, tôi và mọi người trong thôn xúm vào đẩy chiếc bè vừa xuất xưởng nhà ông Pháp lên xe kéo cho khách. Vừa đẩy, mấy công nhân và ông Pháp cũng lớn tiếng hô to bằng tiếng Việt mến yêu: “Cố lên, cố lên...” và òa vỡ trong những tiếng cười giòn tan...

Chia tay, sau nhiều chén rượu ấm nồng, ông Minh Phương ôm tôi và hứa sẽ có dịp về thăm Đồ Sơn, nơi tổ tiên sinh thành. Đứng đầu thôn tiễn chào khi chiếc xe buýt đưa tôi về Đông Hưng bắt đầu chuyển bánh, ông Phương nói, mong đến ngày 9-6 năm nay tôi về chung vui với hội đình thôn Vạn Vĩ...



Theo Thế Dũng (NLĐ)