Sum vầy Tết là phong tục đẹp nhất của người Việt


Nhà văn Băng Sơn kể chuyện Tết. Ảnh: Tuấn Anh

"Trước Tết, người mẹ phải chuẩn bị loại gạo ngon nhất. Sát ngày gói bánh, con gái phải ngồi đãi đỗ, còng lưng nhặt những hạn sạn, tay bợt ra vì ngâm nước.", bên chén trà đầu xuân, nhà văn Băng Sơn kể về Tết truyền thống xưa của Hà Nội.


- Thưa, là người chuyên viết về Hà Nội, ông có thể kể những cảm nhận của mình về Tết Hà Nội xưa ?

- Hơn chục năm trước, Tết đến người dân Hà Nội dù nhà cửa có chật chội, họ cũng cố gói bánh chưng thờ cúng tổ tiên. Bánh không chỉ để ăn mà là lúc để đánh thức hồn Tết trong mỗi người.

Ngay từ trước Tết hàng tháng, những người mẹ đã phải chuẩn bị loại gạo ngon nhất. Trước ngày gói bánh, cô con gái phải ngồi đãi đỗ, rửa lá dong, còng lưng nhặt những hạn sạn, tay bợt ra vì ngâm nước. Tuy nhiên, mọi người không ai cảm thấy khổ. Trái lại họ cảm thấy hồi hộp, sung sướng vì được hòa nhập cùng với không khí chung của đất nước.

Đêm luộc bánh chưng còn sung sướng hơn. Trai, gái hẹn hò nhau đến canh nồi bánh chưng. Những chuyện dĩ vãng, tương lai rôm rả bàn dưới bếp lửa bập bùng. Nhưng giờ thì khác quá, thú gói bánh chưng của người Hà Nội rất ít người giữ được. Họ chỉ cần chạy ra chợ lúc nào cũng có bánh. Nét đẹp này đang dần bị mất đi.


Nấu bánh chưng Tết là nét truyền thống của người Việt Nam. Nguồn: my opera.com

- Ngoài thói quen gói bánh chưng, còn sự thay đổi nào khác, thưa ông?

- Cũng có những nét đẹp mà người Hà Nội đang dần đánh mất, đó là thú tắm tất niên bằng hoa mùi già, đánh tam cúc, mua tranh Đông Hồ về treo những ngày Tết.

Xưa kia, những ngày 29, 30 Tết, người dân Hà Nội mua mùi già về tắm nhiều lắm, giờ chỉ còn lại một số gia đình duy trì nếp này. Không hiểu do không có thời gian hay hiện nay có quá nhiều loại mỹ phẩm để họ lựa chọn.

- Vậy còn mâm cỗ ngày Tết xưa và nay khác nhau ra sao?

- Mâm cỗ từ xưa đến nay vẫn gồm những món ăn truyền thống như thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, giò bò, giò thủ, bánh chưng, măng miến, cá kho, dưa hành... Đến nay mâm cỗ có thể còn có nhiều món ăn khác nữa.

Tuy nhiên, trong mâm cỗ ngày Tết quan trọng nhất là mâm cỗ tất niên. Đây là thời điểm để ông bà, bố mẹ điểm mặt con cháu. Điều quan trọng là chúng ta được ngồi lại với nhau sau một năm làm ăn, xa cách. Chúng ta ngồi "ăn" câu chuyện, khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của nhau, việc ăn uống không còn quan trọng. Bữa tất niên là bữa cả nhà quây quần xum vầy thể hiện phong tục đẹp nhất của người Việt Nam, nhưng ngày nay, nhiều thanh niên, con cái thích đi du lịch ngày Tết.

- Từ xưa, mâm ngũ quả ngày Tết người Hà Nội chuẩn bị rất chu đáo. Điều này nói lên điều gì thưa ông?

- Mâm ngũ quả, không có nghĩa chỉ đủ 5 loại quả. Từ xưa đến nay, mâm ngũ quả ngày Tết vẫn là những loại quả chuối xanh, bưởi, cam, quýt, quất, khế, ớt. Mâm ngũ quả này với ý nghĩa thông báo với tổ tiên, những sản vật này, con cháu vẫn vun trồng, chăm bón và giữ được hình ảnh của quê hương đất nước.

Từ chiều 30 đến hết Tết (mùng 3, 4), trên bàn thờ không bao giờ được tắt ngọn lửa. Hương lúc nào cũng phải nghi ngút khói. Ngoài ra còn có hai cây mía tím dựng hai bên bàn thờ để ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Bữa cỗ cuối cùng, hai cây mía này mới được chặt để tiễn các cụ về vĩnh hằng. Đây là khước của các cụ để lại cho cháu...


Bàn thờ ngày Tết của người dân Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

- Theo ông, chợ Tết ngày xưa và nay có gì khác biệt?

- Ngày xưa, vào phiên chợ giáp Tết, trẻ nhỏ, người già háo hức lắm. Với những cô gái mới lớn thích đi chợ để mua gương soi, còn những cậu mới lớn làm đỏm thì háo hức mua sáp để bôi tóc. Ngày thường, trẻ nhỏ có thể đi chân đất đi học nhưng những phiên chợ Tết kiểu gì họ cũng được bố mẹ sắm cho đôi guốc.

Một phong tục đặc biệt trong những phiên chợ Tết, trẻ em đi mua tranh Đông Hồ như đàn lợn, con gà, Hai Bà Trưng, hai ông Tiến tài Tiến lộc mang về dán lên vách tường vừa quét vôi xong hay trước cửa cổng vào sân. Nhưng đến nay thói chơi tranh này không phải ai cũng giữ được.

Xưa, thực phẩm chỉ có hàng thịt, cá, gà và rau cỏ nhưng nay có nhiều thứ hơn cho người nội trợ. Trước đây, người dân Hà Nội thường đi mua sắm trước Tết nhiều ngày, còn giờ nhiều gia đình do quá bận rộn đêm 30 mới đi sắm Tết. Hết ngày mùng một, một số hộ dân buôn bán đã bắt đầu mở quầy kinh doanh. Chính điều này nhiều gia đình không còn phải tích nhiều thực phẩm để dành như trước đây.

- Xưa có câu "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy", ông nghĩ sao về điều này trong thời điểm hiện nay?

- Tết cha là Tết bên họ nội, còn Tết mẹ là Tết bên họ ngoại. Nhưng giờ không cứ phải thực hiện đúng như thế. Tiện đường thì có thể đến nhà ngoại trước rồi sang nhà nội sau.

Tết thầy ngày xưa, học trò có thể biếu cân gạo nếp, con gà sống thiến chứ biếu tiền nhất quyết thầy không nhận. Sự có mặt của học trò cảm ơn thầy trong ngày Tết mới là điều quan trọng. Tuy nhiên, phong tục Tết thầy ở Hà Nội giờ đang ...thay đổi vì cuộc sống xô bồ hơn. Xưa kia, không có chuyện nhân viên đến nhà "sếp" trước khi đến nhà bố, mẹ. Nhưng giờ thì khác, đến nhà sếp quan trọng lắm. Tất cả những gì mới chưa chắc đã tốt, những gì cũ chưa hẳn đã xấu. Cho nên mới, cũ, xấu, tốt mỗi người chúng ta phải tự cân nhắc.

- Với những phong tục của người Hà Nội đang dần mất đi, ông tiếc nuối điều gì?

- Những cái mất đi không ai có lỗi, bởi thời đại của chúng ta là thế. Tuy nhiên, mỗi dịp Tết đến tôi vẫn háo hức lắm. Tết là dịp tất cả những phong tục của Việt Nam được thể hiện rõ. Từ chuyện tảo mộ, chúc Tết, nghĩ về nhau, chơi xuân... Chẳng có một lễ hội nào đông vui như Tết, hơn 80 triệu người Việt Nam cứ đến giáp Tết lại về với nhau, háo hức dù đó là những người nghèo nhất.

Anh Thư - Tuấn Anh