Những lời đồn đại và cả bằng chứng về sự tồn tại của các nàng tiên cá làm cho “người cá” trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của đại dương. Thậm chí, cái tên “người cá” còn được đặt cho một căn bệnh nan y.

Nhiều bằng chứng trong quá khứ đã ghi lại sự tồn tại của người cá. Những nhà hàng hải nổi tiếng như Christofe Columbo, Ferrnan de Magellan đều có ghi nhận về những chuyến đi gặp “cô gái của biển cả”.



Người cá thường được miêu tả giống như một sinh vật lạ có nửa người trên giống hệt một cô gái, da trắng, tóc đen nhưng nửa dưới là một cái đuôi to được bao bọc bởi lớp vảy lớn giống như đuôi cá.

Nhiều bức tranh, tượng của người xưa cũng thể hiện hình ảnh người cá. Những “nàng tiên cá” có nhiều nét giống với con người hiện đại. Họ có đôi mắt to, đẹp cùng nhìn về một hướng giống mắt người (mắt cá nhìn theo 2 hướng khác nhau).

Bàn tay người cá có ngón cái chĩa ngang như người, thuận tiện cho việc cầm nắm công cụ lao động. Trong các hình ảnh thì người cá có đầu khá to so với thân hình, chứng tỏ bộ não khá phát triển. Phần thân dưới của người cá hầu hết đều có hình dạng bơi chèo có rẻ quạt ở đầu chót tương tự đuôi cá voi.

Một huyền thoại đến bây giờ vẫn lưu truyền: Vào đầu thế kỷ 19, ngư dân bắt được một người cá ngoài khơi Scotland, sau đó đem về bang New Orleans để trưng bày. Theo cuốn sách “Speculum Mundi” xuất bản năm 1635 của John Swan viết về sự kiện này, người cá dễ dàng hòa nhập với cuộc sống trên cạn. "Nàng" cũng diện những bộ quần áo đẹp, dạo chơi trên phố.

Ngày nay, một số viện bảo tàng trên thế giới có lưu giữ những mẫu vật được coi là xác ướp của người cá. Một số nhà khoa học khẳng định người cá là có thật, thậm chí họ cho rằng nguyên nhân ô nhiễm môi trường sinh thái biển và sự khai thác thủy hải sản bừa bãi đã khiến người cá tuyệt chủng.

Người cá đã trở thành một đề tài ăn khách của phim ảnh, tiểu thuyết như truyện Người cá của nhà văn Nga Alexander Beliaev, hay Nỗi kinh hoàng của nhà văn Pháp Guy de Maupassant.

Hội chứng người cá

Mermaid Shydrom - Hội chứng người cá là một căn bệnh rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh (1/70.000 trường hợp). Những trẻ sinh ra có hai chân dính vào nhau rất giống với hình ảnh người cá huyền thoại. Thường thì trẻ em mắc khuyết tật này tử vong ngay sau khi sinh vài ngày do cơ quan nội tạng bị tổn thương nặng, thiếu thận hoặc các biến chứng khác.

Ngày 12/11/2006, các bác sĩ Bệnh viện Hồ Nam (Trung Quốc) đã tìm thấy một em bé “người cá” được đặt trước cổng bệnh viện. Em bé này là một trường hợp hiếm hoi trong y khoa: Ngoài khuyết tật hai chân dính liền vào nhau từ đùi cho đến gót, em bé còn không có thận, hậu môn và cơ quan sinh dục ngoài không phát triển, tắc ruột... Mặc dù sử dụng nhiều biện pháp can thiệp y tế hiện đại như thẩm phân phúc mạc (phương pháp lọc màng bụng) nhưng các bác sĩ chỉ kéo dài sự sống của bệnh nhi trong một thời gian ngắn.

Trên thế giới hiện có hai “người cá” sống sót, đó là Tiffany Yorks (17 tuổi, người Mỹ, đã được phẫu thuật tách rời chân thành công khi còn bé). Chân của em được tách trước khi em tròn một tuổi.

Người cá thứ hai còn sống sót là bé Milagros Cerron (2 tuổi, người Peru, được tách rời chân vào năm 2005). Milagros chào đời tại thành phố miền núi Huancayo, cách Lima 200km về phía đông. Bé Milagros Cerron có hai chân dính liền với nhau như đuôi của người cá.

Dạ dày của Milagros dính liền với chân, em chỉ có một quả thận và một kênh chung cho tuyến tiêu hóa và cơ quan sinh dục.

Các bác sĩ ở một bệnh viện tại Lima đã tiến hành thành công ca phẫu thuật tách chân. Nhóm phẫu thuật gồm các bác sĩ tim mạch, chỉnh hình, chấn thương, thần kinh, phụ khoa và nhi khoa. Trong tương lai, bé Milagros sẽ có thể đi lại và hòa nhập cuộc sống bình thường.

Những người cá cuối cùng ở Nhật Bản

Tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết, nhưng ít ai ngờ, xác ướp của những sinh vật nửa người nửa cá vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong nhiều đền thờ, miếu mạo cổ kính của đất nước mặt trời mọc.


Người cá là một trong số ít những biểu trưng của sự giàu sang, phú quý, sức khỏe… được người dân Nhật Bản tôn sùng. Trở về thành cổ Edo của thế kỷ 18 -19 (cố đô Tokyo hiện nay), có thể thấy hình ảnh người cá là vật thờ không thể thiếu trong các lễ hội misemono.

Thậm chí cả trong các lễ hội ở châu Âu và châu Mỹ những năm 1800, theo lịch sử còn ghi lại, người cá đã sớm trở thành tâm điểm thu hút của đông đảo dân chúng hiếu kỳ.



Nổi tiếng nhất thời bấy giờ là người cá Barnum’s Feejee, được cho là “tác phẩm nhân tạo” của một ngư dân Nhật Bản vào khoảng năm 1810. Bàn tay nghệ nhân này đã khéo léo lắp ghép đầu và nửa thân trên của khỉ vào khúc đuôi của 1 con cá cùng kích cỡ, tạo nên 1 “mỹ nhân ngư” có thật và hoàn chỉnh.



Người ta cho rằng, nhiều đền chùa cổ kính của Nhật Bản vẫn còn bảo quản và cất giấu xác ướp của người cá đến tận ngày nay.



Bức ảnh trên được chụp tại chùa Zuiryuji ở Osaka. Theo đồn thổi, mỹ nhân ngư này là món quà của 1 thương gia vùng Sakai tặng riêng cho sư trụ trì vào năm 1682. Ngoài ra, ngôi chùa cổ này còn lưu giữ xác ướp của 1 kappa (truyền thuyết kể rằng sinh vật này có mình vượn, mỏ ếch, chân tay giống rùa) và 1 con rồng nhỏ.

Một xác ướp khác hiện đang được bảo tồn tại đền Myouchi, thuộc thành phố Kashiwazaki, tỉnh Niigata.



Với độ dài khoảng 30 cm, người cá này có một cử chỉ… chưa ai giải thích nổi: hai tay chống lên ôm lấy cằm. (Có vẻ như đây là tư thế thường gặp ở các xác ướp người cá).

Vị sư trụ trì thường cất giữ “bảo bối” của ngôi đền trong 1 hộp gỗ nhỏ, hiếm ai có cơ may chiêm ngưỡng tận mắt trừ khi là khách quý.

Tiếp theo là người cá tại đền Karukayado, ngoại ô thành phố Hashimoto thuộc tỉnh Wakayama.



Dài 50cm, miệng há rộng để lộ ra ít ỏi mấy chiếc răng nhọn hoắt còn sót lại, hai tay cũng giơ cao ôm má. Phần đuôi vẫn nguyên dấu tích của vẩy cá, còn trên ngực thì hiển hiện rõ nét “di chỉ” của 2 núm vú.



Trong tấm ảnh trên, phía bên trái là bức hình chụp mỹ nhân ngư cao tuổi nhất, có kích cỡ nhất còn sót lại ở Nhật Bản. Với 1.400 năm tuổi, dài 170 cm, hiện người cá này là vật linh của môn phái Shinto, tụ hội ở Fujinomiya dưới chân núi Phú Sĩ.

Mỹ nhân ngư Shinto có chiếc đầu hói và lớn bất thường. Mắt và miệng há rộng, tay có màng như tay ếch và móng vuốt sắc nhọn, đuôi dài khoảng 20 cm. Cấu trúc xương ở nửa thân dưới giống hệt xương cá, tuy nhiên không rõ nửa thân trên có xương hay không. Đáng tiếc, cho đến nay mỹ nhân ngư đã bị sâu mọt đục ruỗng khá nhiều.

Thêm một điều thú vị, một trong những sáng lập viên đầu tiên của trường ĐH danh tiếng Nagoya, một trong những người tiên phong đưa thuốc Tây vào Nhật Bản, người phát minh ra vắc xin bệnh đậu mùa - ngài Keisuke Ito (1803 - 1901) - đồng thời cũng là người nổi tiếng với những bức họa người cá đẹp nhất. Chiêm ngưỡng một số tác phẩm của ông còn lưu lại, người ta có thể cảm nhận sự hiện diện của người cá chân thực đến độ nào.



Ngoài ra nàng mỹ nhân ngư còn các anh em khác.

Jake - huyền thoại người cá sấu

Ngày 9/11/1993, tuần báo World Weekly News cho chạy dòng tít lớn ngay trên trang nhất “Phát hiện sinh vật nửa người nửa cá sấu trong đầm lầy Florida”, kèm theo đó là bức ảnh quái nhân gây “cơn sốt” hầm hập cho dư luận Mỹ một thời.


“Lại thêm một sinh vật chưa đi hết chặng đường tiến hóa. Quái nhân có đầu và nửa cơ thể trên giống người, còn nửa thân dưới đích thực là của loài bò sát - đã bị bắt sống khi đang nằm phơi nắng gần khu vực đầm lầy Big Cypress” - bài báo lá cải mở đầu bằng giọng hùng hồn.

“Có thể khẳng định, sinh vật này là một trong số những tổ tiên của loài người, trên đường tiến hóa đã “lạc hướng” sang ngã rẽ khác để có hình thù kỳ dị như ngày hôm nay”.

Bài báo cũng trích dẫn đôi lời phân tích từ một nhân vật được gọi là “Tiến sĩ Simon Shute”: “Tôi thật sự bất ngờ trước kích thước hộp sọ của nó, chắc hẳn bộ não bên trong cũng lớn ngang ngửa với não người... Người ta cũng đang ráo riết tìm kiếm xem liệu còn sinh vật nửa người nửa cá sấu nào khác còn hiện hữu nữa không, bởi nếu không có cộng đồng giống loài thì chẳng sinh vật riêng lẻ nào có thể tồn tại lâu được”.


Các bài báo về Người cá sấu trên tuần báo World Weekly News từ năm 1993-1997

Nhưng dù sao, World Weekly News cũng chỉ là một tờ báo lá cải. Để nghe câu chuyện xác thực nhất về người cá sấu, theo đồn đại của dân tình, phải tìm đến Viện bảo tàng tư Marsh"s Free ở Long Beach, Washington.

Ông bà Marsh chạm trán Jake lần đầu tiên vào năm 1967, khi ấy Jake chỉ còn là cái xác khô được một tay buôn bán đồ cổ chuyên nghiệp gạ gẫm với giá 750 USD.

Đưa Jake về bảo tàng, ông Junior Marsh cũng không ngờ sẽ được nghe nhiều chuyện hay ho về người cá sấu đến thế, phần lớn là lời kể của khách tham quan.



Một đôi vợ chồng già ở Kelso cho biết họ đã từng tận mắt chiêm ngưỡng Jake tại 1 lễ hội ở Texas. Màn biểu diễn năm ấy không có gì đặc biệt, Jake trả lời các câu hỏi của khán giả tò mò bằng những cái gật đầu ra hiệu “Đúng” hoặc “sai”.

Còn theo lời kể của một khách tham quan khác, hồi còn sống Người cá sấu còn có sở thích hút xì gà và hay lân la tới các nhà thổ ở New Orleans để giải trí. Thậm chí hắn còn mặc váy dài lượt thượt và xuất hiện thường xuyên trong 1 câu lạc bộ ở San Francisco dưới cái tên Người cá Minnie.

Ngày nay, xác khô của Jake chiếm một vị trí khá khiêm tốn trong bảo tàng Marsh’s Free, bên cạnh những nhân vật khác “đình đám” không kém như cừu 8 chân, lợn 2 đầu...



Dù sao, Jake cá sấu vẫn chiếm cảm tình của khách tham quan nhiều nhất. Chí ít thì 30.000 tấm bưu thiếp cũng đã bán hết veo trong 10 năm qua.




********


Có thể tôn ngộ không trông như thế này
Xuất hiện sinh vật lạ nửa người nửa thú tại Trung Quốc.

Tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) thời gian gần đây liên tục rộ lên tin đồn có sự xuất hiện của một sinh vật lạ to lớn gần giống người trên đỉnh núi.

Tờ Nhân dân nhật báo cho biết dân làng tại TP. Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc) gần đây vẫn đang bán tin bán nghi về sự xuất hiện của một sinh vật lạ nửa người nửa thú trên đỉnh núi Taibai.



Bức ảnh về một sinh vật giống người từng xuất hiện tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc)

Xung quanh câu chuyện kỳ lạ này có nhiều lời kể khác nhau. Theo nhiều người dân sống tại làng Mei, giáp chân núi Taibai cho biết một số khách du lịch từ TP. Tây An đã đi vào rừng sâu cắm trại. Sau đó họ đột nhiên nghe thấy một tiếng hú vang trời, khi ngước lên thì nhìn thấy một con quái vật mình đầy lông lá đang đu đi đu lại giữa các cây. Một người trong số họ đã hét lên “Nó là một con quái vật”. Họ đã bỏ chạy trong hoảng loạn.

Có thông tin còn cho biết những du khách này vì quá sợ hãi nên vài ngày sau đó họ vẫn không thể nói được gì và buộc phải nhập viện để điều trị.

Một câu chuyện khác thì kể rằng một vài khách du lịch từ Thượng Hải đã đến cắm trại tại đỉnh núi Taibai. Họ đã đi bộ liên tục 2 ngày, băng qua các khu rừng dày đặc sương mù, đến chiều tối ngày thứ 3 thì quyết định nghỉ chân cắm trại dưới vách đá. Đang lúc nghỉ ngơi thì chợt có một tiếng rú kinh hoàng vang lên và họ mờ mờ nhìn thấy một sinh vật giống hệt người đang bay phía trên nhưng sau đó nó đã nhanh chóng biến mất trước khi mọi người kịp định thần lại.

Một người trong đoàn sau đó cho biết sinh vật này mình đầy lông lá, hình dáng rất giống người và có thể đu từ cành cây này sang cành cây khác.

Trong khi đó một cán bộ kiểm lâm của Vườn quốc gia Núi Taibai cho biết vào hôm 18/9, một đoàn khách du lịch từ Tây An đến đây đã thông báo với nhân viên rằng họ nhìn thấy một sinh lạ trên núi nhưng không ai dám chắc chuyện đó có thật hay không.

Trước đó vào đầu những năm 1990, tờ Thiểm Tây Nhật Báo và nhiều báo khác cũng đã đăng tin về sự xuất hiện của một sinh vật nửa người, nửa thú trên núi Taibai.

Thiên Hương (Theo Peopledaily)