Cư xá Valmante ngày... tháng... năm...

Anh T...

Những ngỡ không bao giờ còn viết thơ cho anh nữa ! Chắc anh đã ngạc nhiên trước sự im lặng của tôi dạo sau nầy, và chắc anh đã hờn tôi, nên tôi cũng chẳng được thơ từ gì của anh.

Ngày nào chồng tôi vào nhà thương thăm tôi, tôi cũng hỏi có phong thơ nào mà bì màu ngà, trên ấy có in riêng hai chữ N.Đ. hay chăng, chồng tôi lắc đầu. Anh biết, chồng tôi là người Pháp thì anh ấy không có ghen xằng mà thủ tiêu thơ của bạn trai của tôi đâu.

Chắc anh đã hơi đoán được cái gì rồi, khi nghe tôi nói đến mấy tiếng "nhà thương".

Vâng, tôi vừa ốm khỏi anh ạ! Mà cả nước Pháp đều không biết tôi mắc bệnh gì, cái mới nguy cho chớ!

Không rõ tôi đã hành động, ăn nói ra sao mà chồng tôi phải đưa tôi vào một bệnh viện đặc biệt kia mà sau đó, tôi mới hay rằng đó là bệnh viện La Timone một nhà thương điên to nhất của miền Nam nước Pháp do giáo sư khoa tâm bệnh B. làm giám đốc.

Sau nhiều lần khám bệnh tôi bằng đủ các phương pháp tối tân, giáo sư B. cho rằng tôi thuộc loại con bệnh không cần thuốc men, mà phải được chữa bằng trị liệu tâm bệnh (Psychothérapie), bởi bệnh tâm trí có nhiều loại do nhiều nguyên nhân gây ra.

Thật ra thì tôi không có điên anh T. à, bằng cớ là tôi còn nhớ tới anh và hỏi thăm chồng tôi về thơ từ của anh. Tôi chỉ buồn bực, quạu quọ, cau có với chồng tôi và có những lúc tôi ngồi đó mà như đi vắng, chồng tôi nói gì, tôi cũng chỉ ừ hử lấy lệ mà thôi.

Ban đầu anh ấy tức giận lắm, nhưng sau anh ấy đoán rằng tôi mắc bệnh tâm trí nên ảnh hành động theo chiều hướng tin tưởng của ảnh và quả giáo sư B. đã xác nhận rằng tâm thần tôi không được bình thường.

Mỗi ngày tôi "bị" đàm thoại với giáo sư B. một tiếng đồng hồ. Đó là thuốc của ông ấy đấy.

Giáo sư B. chọc cho tôi xì ra những nén tâm, những uẩn khúc của lòng tôi để giúp tiềm thức tôi có cách tháo củi sổ lồng cho những ẩn ức trong nội tâm của tôi.

Nhưng chính vị y sĩ lão thành, suối râu bạc phơ, sang giàu hiểu biết và kinh nghiệm ấy lại suýt hóa điên vì ông ấy bí tì,chịu rằng không thể biết tôi mang nặng những ẩn ức nào.

Biết rằng bệnh mà không được điều trị thì càng ngày nó càng tiến triển đến nguy kịch; trong trường hợp tôi, có thể đến tình trạng điên loạn, thì còn gì là đời tôi nên tôi nỗ lực để hợp tác với giáo sư B., không hề giấu chuyện lớn, chuyện nhỏ nào cả.

Ông ấy lục lạo trong dĩ vãng của tôi, thám hiểm thuở thiếu thời và thơ ấu của tôi, tìm biết cả cha, mẹ, ông bà, tam đại của tôi nữa, không có xó kẹt nào trong quá khứ của đời tôi từ ba bốn thế hệ qua mà ông không bắt tôi tự phanh phui ra, nhưng thật là không có gì cả: hiện tôi đang sống hạnh phúc với chồng tôi mà những dĩ vãng xa hay gần mà tôi để lại nước nhà cũng đều không có gì cho tôi phải xấu hổ thầm hoặc hối hận.

Giáo sư B. hồ nghi rằng tôi không thành thật, và đoán rằng tôi có một bí mật gì lớn lắm mà quyết giấu, nên ông cho một vị bác sĩ trẻ tuổi, giỏi thôi miên, đưa tôi vào một giấc ngủ nhơn tạo mà trong đó tôi phải hoàn toàn khuất phục uy quyền của các ông ấy.

Thế mà tôi cũng không có "cung khai" ra cái gì hết, mặc dầu hai ổng đã hỏi khéo léo tôi bằng trăm câu hỏi hóc búa trong khi tôi mơ màng dở tỉnh dở say.

Tôi và chồng tôi lo sợ lắm, và tôi ngỏ ý muốn tìm bệnh viện cừ hơn và danh y khác hơn.

Nhưng bạn hữu của chúng tôi bảo rằng tôi mà có lên Ba-lê, có đi Đức, đi Áo, quê hương của Freud là ông tổ của khoa phân tâm học đi nữa, tôi cũng chỉ sẽ tìm ra được một giáo sư B. II mà thôi, vì giáo sư B. là một tay cự phách trong khoa tâm bệnh, khét tiếng ở khắp Âu châu và cả bên Mỹ nữa.

Thật là khổ cho tôi.

Giáo sư B. vừa ban bố ơn huệ, vừa bắt buộc vợ chồng tôi điều này là mỗi chiều chồng tôi phải vào nhà thương để đưa tôi đi dạo phố, vì ông thầy thuốc già ấy không còn biết làm gì nữa cả để giúp tôi.

Con phố mà tôi thích nhứt là con phố La Canebière đưa thẳng xuống bến tàu (bến cũ) khung cảnh danh tiếng của ba vở kịch danh tiếng của nước Pháp: Marius, Fany và César, cùng một tác giả, một đầu đề một câu chuyện.

Chồng tôi cứ tưởng tôi thích nơi đó vì đó là một con phố xưa, mang nhiều dấu vết lịch sử và vang danh trong văn chương Pháp với không biết bao nhiêu là tác phẩm nói đến nó, nhưng sự thật thì khác, mà mãi về sau, chúng tôi mới biết.

Chồng tôi muốn nói thạo tiếng Việt nên chúng tôi chỉ chuyện trò bằng tiếng Việt mà thôi. Một chiều kia, chúng tôi rảo bước như thường lệ trên vỉa hè, và tôi hỏi chồng tôi:

- À, anh có cho nhuộm lại chiếc áo bị bẩn rượu vang của em hay chưa?

Chồng tôi chưa kip mở miệng để thốt ra tiếng nào thì thình lình có một lão Tây già ồ, già ghê đi, chỉ kém già hơn vị giáo sư đã chữa bệnh cho tôi mà thôi, lão ta từ đâu không rõ, nhảy đến chận đường vợ chúng tôi mà nói bằng tiếng Pháp:

- Xin lỗi bà, bà làm ơn lặp lại câu mà bà vừa nói với ông.

Vợ chồng tôi kinh ngạc, trố mắt mà nhìn lão Tây già nầy, không rõ anh ấy nghĩ gì chớ riêng tôi, tôi cho rằng lão ta cũng là thân chủ của bệnh viện La Timone, bệnh lão ta tái phát mà người nhà lão ta chưa kịp đưa lão ta trở vào đó.

Chiều nay sao mà chồng tôi vui tính và dễ tính quá. Anh ấy nói:

- Em cứ thỏa mãn ông ấy đi.

Tôi y lời chồng, nói lại câu chuyện nhuộm áo bằng ngôn ngữ của mẹ tôi.

Lão ta nghe xong reo lên:

- Đúng rồi, bà nói nghe như hát. Đúng là bà ở xứ ấy mà đến đây.

Nói xong lão ta òa lên mà khóc rấm rứt rất lâu, rồi mới thổn thức giải thích:

- Tôi tin chắc rằng bà là người Việt nam. Cái lối nói nghe như nhạc ấy, tôi không thể lầm với ngôn ngữ của dân tộc nào khác cả, mặc dầu vì lười, tôi không có học tiếng của bà.

Chẳng nói giấu gì ông bà, tôi đã sống bên ấy suốt ba mươi năm, từ thuở thanh xuân của tôi đến lúc tôi về hưu, vâng, tôi là giáo sư toán pháp ở Lycée Chasseloup-Laubat. Về hưu, tôi vẫn ở lại đó để dạy tư, không phải vì còn ham hoạt động mà vì tôi đã quá quen với những chơn trời ở bên ấy, đã thương mến những chơn trời ấy rồi thì hồi hương, tôi lại nghe mình bỡ ngỡ, lạc hướng.

Nhưng rồi tôi vẫn phải hồi hương vì tôi đã hoảng hốt khi thấy quân đội Pháp triệt thối. Không, tôi không phải là thực dân, nhưng vẫn bị mặc cảm vì một số đồng bào của tôi quả đã tỏ ra không xứng đáng.

Từ ấy đến nay, trên mười năm rồi, tôi nhớ xứ Việt nam không nguôi, và ngôn ngữ và giọng nói của bà mà tôi chợt nghe lúc đi qua đây khi nãy, như bỗng đưa lại hương vị xa xôi của cái đất mà tôi không mong trở lại.

Trời, tôi bị xúc động không biết bao nhiêu, ông bà ơi!

Thình lình tôi nắm lấy tay chồng tôi rồi chạy đi, anh ấy trì lại thế nào cũng không được với tôi.

Bấy giờ, kẻ sợ người điên là lão giáo sư già ấy, chớ không phải là tôi nữa, vì trừ phi nổi cơn điên thình lình mới hành động một cách bất lịch sự với người có tấm lòng như lão ấy, chớ còn một kẻ bình thường, tệ lắm cũng mời lão ta vào quán giải khát để nói vài ba câu chuyện.

Chúng tôi chạy được một thôi đường thì tôi mệt lả người, dừng bước lại để thở hổn hển. Chồng tôi mắng tôi:

- Em thật là điên. Lão ấy bị bỏ rơi như thế, anh nghe tội nghiệp lão quá. Sao em lại sợ lão ta một cách vô lý như vậy?

- Không anh à! Có chuyện quan trọng.

Đến phiên chồng tôi ngỡ tôi điên, nên hơi lo lắng.

- Em nên bình tĩnh. Để anh gọi tắc xi đưa em về bệnh viện.

- Ừ, em phải về đó ngay để báo tin với giáo sư B. rằng em đã khỏi bệnh rồi.

Chồng tôi hơi khổ lòng mà thấy bệnh của vợ mình trở nặng thêm.

Khi tôi thấy mặt giáo sư B. tôi chạy a tới, ôm lão, khóc ra những giọt lệ sung sướng mà rằng:

- Giáo sư ơi, con đã biết bệnh con rồi.

Ông lão ấy nhìn chồng tôi, nheo mắt mà cười hóm hỉnh, tỏ vẻ hiểu cái gì, rồi hỏi:

- Thế à? Có phải là con ghen bóng, ghen gió, và đã được chồng của con giải thích, đã phá tan ngộ nhận của con hay không ?

- Không, thưa giáo sư, con chỉ sầu xứ mà thôi.

Ông lão râu tóc bạc phơ này đưa cả hai tay lên trời rồi reo lên:

- Chúa ơi! Lão thật ngốc quá ! Chỉ có thế mà lão không hề nghĩ đến. Đúng là như vậy rồi. Theo hồ sơ thì bà có Pháp tịch, thế nên lão mới quên mất rằng bà gốc người ngoại quốc.

- Nhưng thưa giáo sư, chồng tôi hỏi, sao lúc bị thôi miên, vợ tôi cũng không cung khai ẩn ức đó?

- À, điều đó thì bà ấy nên tự phân tách lòng bả xem sao. Chắc bả sẽ giải thích được điểm kỳ dị ấy.

Giáo sư B. bắt tôi ở lại thêm vài hôm vì người chưa dám chắc rằng tôi đã khám phá ra sự thật.

Nhưng quả tôi vui và yêu đời trở lại, và rất bình thường trong mọi việc, nên ba hôm sau, ông ấy cho tôi về, không quên căn dặn tôi trở lại khi nào tôi biết được do đâu mà tôi giấu sự thật, cả lúc tôi bị thôi miên nữa.

Một tuần lễ qua, mà tôi chỉ tìm được có một sự thật thôi, nhưng là sự thật khác.

Trên bước đường đi dạo mát với chồng tôi mỗi hôm, hai chơn tôi bất giác tiến về phố La Canebière, vì con phố ấy đưa xuống bến tàu, mà bến tàu Marseille là nơi gần quê hương của tôi nhất, nơi mà tàu bè nhổ neo để đi Viễn đông, nên tiềm thức tôi xui tôi về nơi đó. Một tuần lễ sau nữa, tôi mới đi viếng giáo sư B.

- A, chào bà, ông ấy reo lên. Tôi trông vẻ tươi tắn trên gương mặt bà, tôi đoán rằng bà đến để giải thích cái gì, chớ không phải để xin làm thân chủ của tôi.

- Thưa giáo sư, đúng như vậy.

- Nào, mời bà dạy thêm tôi một bí mật của khoa tâm bệnh mà tôi còn dốt.

- Không dám. Nhưng sự thật là như thế này, thưa giáo sư. Sở dĩ tôi đã giấu nhẹm ẩn ức sầu xứ, nhớ nhà, không chịu cung khai ra trong giấc ngủ thôi miên là tại chồng tôi...

- Trời ơi, sao mà chồng bà lại quá gắt gao đến đỗi cấm vợ nhớ nhà ?

- Thưa không, nếu anh ấy cấm thì đó mới thật là ẩn ức và tôi đã xì ra rồi, khi tôi bi thôi miên. Nhưng anh ấy không hề ngăn cấm, trách cứ, mà lại thuyết phục tôi.

Anh ấy thuyết phục giỏi đến thế nào mà cả tiềm thức tôi cũng tin rằng tôi không sầu xứ, nhớ nhà, và ẩn ức phải bỏ tiềm thức, lùi vào trốn trong tâm để (tréfonds) thế nên rất khó mà bắt được nó.

- Giỏi, ông ấy thuyết phục làm sao?

- Thật ra thì chẳng có gì. Nhơn một hôm tôi tâm sự rằng tôi nhớ quê hương lắm, anh ấy hơi hơi ngạc nhiên rồi nói: "Em đã ưng lấy anh, đã nhập Pháp tịch, đã bằng lòng theo anh sang đây thì anh ngỡ rằng em đã cân nhắc kỹ lưỡng rồi, mà hễ chọn xong là dứt khoát".

Thưa giáo sư,chồng tôi nói không đúng về sự dứt khoát là không còn nhớ quê hương nữa, nhưng vì tôi ngỡ anh ấy nói đúng nên cố gắng nhiều để tin chồng tôi nên trong thâm tâm, tôi vẫn tin như vậy được. Chính vì thế mà ẩn ức bị đẩy vào sâu hơn chăng?

Vị giáo sư già gục gật đầu, vừa vuốt chòm râu bạc,vừa suy nghĩ, rồi giây lâu, ông nói:

- Có những tâm hồn cốt-mô-bô-líc (tĩnh từ Pháp của vị giáo sư già nầy, tôi xin tạm dịch là tâm hồn đô thị và quốc tế), những người mà tâm hồn như vậy, họ rất thoải mái như cá trong nước khi họ chạy từ thủ đô của quốc gia này đến thủ đô của quốc gia khác, mỗi chỗ họ sống qua vài tháng, không gắn bó với đô thị nào hết, hoặc người của đô thị nào hết nhưng lại rất ưa những người ấy trong một lúc, rồi ra đi, không luyến lưu, cũng không để lại cái gì cả.

Trái lại, có những người trung thành đến trọn đời với những chân trời quen thuộc, nghiện ngập mùi vị, màu sắc, âm thanh của nơi họ sanh trưởng, một vùng quê hay một thành phố nhỏ. Bà thuộc hạng người thứ nhì, bà khó lòng mà dứt khoát.

Nhưng bà đã truy nã được ẩn ức của bà thì từ đây nỗi sầu xứ của bà chỉ là một nỗi sầu xứ thôi, chớ không còn là một bệnh nữa.

Có những mối sầu không nguôi, nhưng người ta sống với những mối sầu ấy, vui với mối sầu ấy, nói ra thì nghe hơi mâu thuẫn chớ quả con người đã vui được với những mối sầu, những niềm đau mà người ta cất kỹ để được vuốt ve cho đến trọn đời... chẳng hạn như một niềm đau vì tình.

Vị giáo sư già nầy nói tám tiếng sau cùng, sau một hồi im lặng, rồi ông ngó mông vào khoảng không, vẻ mặt xa vắng vô cùng, khiến tôi không sao mà khỏi nghĩ đến một cuộc dứt tình nào, cách đây mấy mươi năm của một sinh viên y khoa kia.

Lâu lắm, ông ấy mới nhớ lại rằng ông đang có khách. Ông cười mà rằng:

- Nhưng, cốt là khỏi bệnh, và chúc bạn vui mãi mãi với gia đình.

Ông đưa tay ra và tôi nghe hơi thương con người đã có một niềm đau ấy cũng như tôi đã thương tôi vì không nguôi được với niềm sầu xứ của tôi.

Sướng nhé! Anh T. ơi, giờ tôi mới tìm lại được chính tôi, mới dám can đảm "làm tôi", dám nhớ quê hương thả cửa.

Miền Nam của nước Pháp ve nhiều quá, và sở dĩ tôi mang bệnh có lẽ tại nhạc ve của mùa nầy, nó gợi nhớ không thôi, xứ sở của ta.

Chồng tôi đưa tôi đi xem cây chuối độc nhứt còn sống được ở miền Nam nước Pháp.

Cây chuối nầy trồng cạnh cung điện của ông Hoàng xứ Monaco trên con đường đi từ Nice đến Menton.

Cây chuối có chiếc gậy màu đưa tôi trong phút giây, về quê hương yêu mến ấy, coi vậy mà không huyền diệu bằng cái ao rau muống của bà phán Như Ngọc ở Toulon mà chồng tôi cũng đưa tôi đi xem sau đó.

Vừa trông thấy ao rau muống là nước mắt tôi chảy ròng ròng, nhứt là cạnh ao bà phán lại trồng nào là ngò, rau om, rau răm mà cái mùi Việt nam của nó "ngàn năm chưa dễ đã ai quên".

Anh T. nhà quê ơi, rất nhiều lần anh nói với tôi là anh không ưa Đà lạt, vì phong cảnh Đà lạt không phải là phong cảnh Việt nam. Tôi đã chế giễu anh, nhưng giờ, tôi mới thấy là anh hữu lý. Xin lỗi nhé người bạn trung thành với nước mắm !

Anh à, đây là tâm sự cuối cùng, một thắc mắc lớn lao của tôi, xin anh nghiền ngẫm.

Không có tâm hồn "cốt-mô-bô-líc" tôi lại lấy chồng ngoại quốc nên niềm đau của tôi khiến tôi thương không biết bao nhiêu những đứa con Việt nam của những cặp vợ chồng sinh viên Việt nam, cả chồng lẫn vợ đều Việt.

Vì lẽ riêng gì của họ không rõ, họ không chịu về nước và những đứa con ấy sẽ còn khổ hơn tôi không biết bao nhiêu, khi chúng lớn lên.

Chúng nó sẽ về đất mẹ, và đáng lý vì được toại nguyện, chúng sẽ nhớ không nguôi và một cách ngược đời quê hương của người khác.

Vâng, đúng như vậy. Sách vở dạy chúng phải yêu nước Việt nam, nhưng lòng chúng chỉ có thể yêu nước Pháp mà thôi. Trí và lòng chúng khó lòng mà đi đôi với nhau được vì yếu tố chánh của tình yêu quê hương, không phải là ý thức vì dòng máu, mà là tình gắn bó vào thuở thiếu thời với những chân trời quen thuộc, với màu sắc, mùi vị, âm thanh mà tuổi thơ quen thấy, quen nếm, quen nghe.

Sẽ có hằng vạn người Việt nam mang tâm hồn Pháp, cũng như hiện đang có một phụ nữ Pháp mang tâm hồn Việt nam là tôi. Thật là oái oăm cho thân phận con người !

Nhưng tôi chỉ là một, không đáng kể. Cái số vạn công dân Việt nam mang tâm hồn Pháp ấy, sẽ là những công dân bỡ ngỡ, mà đáng ngại nhứt là họ sẽ là những phần tử ưu tú của nước Việt nam ta. Họ là cháu nội, cháu ngoại của những nhà giàu hiện nay, họ sẽ được đi học tới nơi tới chốn, sẽ là những chuyên viên cần thiết, nếu ngày kia họ chiếu cố đến đất tổ của họ.

Không thể nào hình dung nổi một nước Việt nam mà cấp lãnh đạo lại có tâm hồn ngoại quốc, không biết nước Việt nam ấy sẽ giống cái gì, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử thế giới.

Thân chào anh T. nhé, và xin gởi về xứ Đồng nai tất cả tấm lòng tôi.

Bài viết của Bình Nguyên Lộc trong tập :Cuống Rún Chưa Lìa


SVCZ YouTube Player
ERROR: If you can see this, then YouTube is down or you don't have Flash installed.