Một học giả Nhật Bản tỏ lòng tri ân Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

28-09-2010
VĂN THẮNG

Năm 1982, được sự hỗ trợ tài chính của Liên Hiệp Quốc, nước ta tổ chức hội thảo: “Nghiên cứu xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long”, một vấn đề cấp bách đối với nông nghiệp và môi trường. Khách mời quốc tế dự Hội thảo có các giáo sư chuyên gia thủy lợi của Đại học Amsterdam (Hà Lan), Đại học Kyoto (Nhật Bản)… Hội thảo được tổ chức tại khách sạn Majestic và nơi ở là khách sạn Caravelle (Q.1, TP.HCM).


Trong mấy ngày Hội thảo, khách mời dự Hội thảo trong nước ngạc nhiên vì thấy một vị giáo sư Nhật Bản đã có tuổi, cứ hết giờ Hội thảo, vai đeo túi xách đi bộ ra nơi đặt tượng đài Trần Hưng Đạo (Công trường Mê Linh gần bến Bạch Đằng, Q.1) mải mê chụp ảnh, ghi hình từ mọi góc độ rồi đăm đăm ngắm bức tượng không chớp mắt. Sau đó có đồng nghiệp hỏi ông vì sao, ông tâm sự:

“Tôi sợ chỉ lưu lại Việt Nam mấy ngày, sẽ không có đủ thời gian để chiêm ngưỡng tượng đài, vì “Ngài” (Trần Hưng Đạo) là vị cứu tinh của nước Nhật cách đây hơn 700 năm. Khi giặc Nguyên Mông dồn sức thôn tính Đại Việt, thì đã bị vị tướng tài ba này đánh cho thảm bại, nhờ đó Nhật Bản mới thoát khỏi trận đánh trả thù của Hốt Tất Liệt, vĩnh viễn không bị họa xâm lăng của Nguyên Mông”. (Nguyên Mông đánh Nhật Bản, xứ sở vàng và ngọc trai, 2 lần: năm 1274 (33.000 quân 900 chiến thuyền) và năm 1281 (150.000 quân) đều thất bại do dân Nhật kiên cường đánh trả và nhờ trận bão biển làm thiệt hại bớt tàu của Mông Cổ).


Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh, Q.1, TP.HCM.
Ảnh: V.T.

Thật vậy, theo Nguyên sử (1), năm 1283, Hốt Tất Liệt sai tướng A-ta-khai và một số tướng khác chuẩn bị đánh Nhật Bản nhưng đến năm 1286 thì bãi bỏ lệnh ấy. Tuy bị thua đau trên các hòn đảo Nhật Bản (1281), Hốt Tất Liệt vẫn ra lệnh đình chỉ cuộc tấn công báo thù vào đất Nhật để dồn lực lượng cho cuộc chiến tranh ở Đại Việt (1285). Hốt Tất Liệt nói: “Nhật Bản chưa từng xâm lấn ta, nay Giao Chỉ (chỉ Đại Việt) xâm phạm biên giới nên gác việc Nhật Bản, chuyên việc Giao Chỉ”.

Tuy nhiên, không may cho vị giáo sư, sau khi bế mạc Hội thảo, ông lo mê mẩn ngồi ngắm tượng đài Trần Hưng Đạo đến tối mịt, và bị mất cắp túi xách trong đó có hộ chiếu, tài liệu, phương tiện nghe nhìn. Ông nói, tiếc nhất là mất các ảnh chụp, băng hình của tượng đài vì định mang về nước chia sẻ với bạn bè.

Chờ một ngày công an vẫn chưa tìm ra túi xách, ông buồn bã bay sang Bangkok chờ giấy tờ từ Nhật Bản gửi sang. Chiều hôm sau công an đã tìm được túi xách của ông, đưa cho người đi trong chuyến bay sau trao lại vị giáo sư kịp thời.

Âu cũng là một kết thúc có hậu cho câu chuyện bất ngờ thú vị, đáng tự hào cho dân tộc Việt Nam khi một học giả Nhật Bản nghiên cứu lịch sử nước mình, thấy rõ tác động to lớn từ cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Đại Việt đối với vận mệnh nước Nhật thời đó nên đã thành kính tỏ lòng tri ân Quốc công tiết chế (tổng chỉ huy) Trần Hưng Đạo, vị danh tướng đời Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông.

--------------------------------------------------------------------------------
(1)
Theo sử liệu trong quyển: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm, NXB Quân Đội Nhân Dân, 2003.