Tao ngộ trong thư ảnh

Theo TNO, từ ngày 12 đến 22.12 năm ngoái, tại Hội Nhiếp ảnh TP.HCM (122 Sương Nguyệt Anh, Q.1) đã diễn ra cuộc triển lãm thư ảnh của tác giả Tăng Hưng - một loại hình độc đáo kết hợp bởi nhiếp ảnh - thư pháp và thơ ca…



Với 35 tác phẩm khắc họa 19 nhân vật “người của công chúng”, tác giả Tăng Hưng đã bày ra một cuộc chơi đầy cảm xúc và thú vị khi mà những hình ảnh, câu thơ của những người đã khuất lại “chen vai thích cánh” bên những con người đương đại.
Nhà giáo Tăng Hưng (sinh năm 1934, tại Bà Rịa - Vũng Tàu), từng là thầy giáo dạy môn Văn trước năm 1975 và từng là “đệ tử chân truyền” của nhà thơ - nhà giáo Đông Hồ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1964-1968). Chính thi sĩ Đông Hồ đã truyền cho Tăng Hưng kiểu “múa chữ”: dùng bút lông chấm mực Tàu viết chữ… Việt. Ông tự học nhiếp ảnh, tự làm buồng tối (không như máy ảnh kỹ thuật số bây giờ), cho nên để nắm vững những kỹ năng chụp ảnh nghệ thuật (và chụp đẹp) như bây giờ là cả một quá trình học hỏi đầy gian nan…
Qua Tao ngộ trong thư ảnh, người xem sẽ gặp lại “tượng đài” sân khấu cải lương Phùng Há với 4 câu thơ của Huy Cận nói hộ lòng bà:

“Nghệ thuật niềm vui suốt cuộc đời
Đó là món nợ nặng lòng tôi
Cho tôi trả nghĩa tình duyên ấy
Đẹp chữ tao Phùng Há chuyện chơi”.

Rồi nụ cười hồn hậu bao dung của “thi sĩ Quận chúa” Tôn Nữ Hỷ Khương với triết lý sống - tuyên ngôn thơ của bà:

“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy mây trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổ
Chỉ có Tình Thương để lại đời”.

Một NSND Bảy Nam qua bài thơ viếng của một khán giả ái mộ:
“…Bảy cung chín bậc đèn sân khấu
Nam ai khép lại một cuộc đời”,
và cả Kiên Giang - Hà Huy Hà, người đã gắn bó suốt cuộc đời cho thơ ca và sân khấu cũng trải lòng khi gần đất xa trời: “Khi cánh màn nhung khép lại rồi/Chỉ còn hiu hắt nỗi đơn côi/Xiêm y trả lại cho sân khấu/Cả những niềm vui lẫn nỗi đời…”.



Không phải ảnh của ai cũng gieo thơ lên đó mà có khi là những tác phẩm, sự kiện mang dấu ấn của nhân vật: Phạm Thiên Thư với Động hoa vàng, Đoạn trường vô thanh… (tên thi phẩm), Phan Huỳnh Điểu với Trầu cau, Mùa đông binh sĩ, Ở hai đầu nỗi nhớ… (tên nhạc phẩm), “sầu nữ” Kim Cương với Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ… (tên vở diễn). Với diễn viên điện ảnh - nhạc sĩ Bắc Sơn là chùm ảnh biểu lộ thần sắc hỉ, nộ, ái, ố, ưu…

Theo TNO.