“Người lính” đặc biệt trong đoàn quân Hưng Đạo Vương


Tượng Hưng Đạo Vương ở đền Làng Vũ Hạ, xã An Thái, Quỳnh Phụ.

Từ bao thế hệ nay, người dân Việt Nam ai cũng biết về huyền tích khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trên đường hành quân đánh giặc Nguyên Mông thì con voi của ông bị sa lầy tại bờ sông Hóa. Không đưa được voi lên, vị tướng đã rút gươm thề: "Trận này không thắng, ta quyết không trở lại bến sông này". Đến bây giờ, qua những di tích còn lưu giữ tại địa danh Bến Tượng (làng A Sào, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) về con voi của Hưng Đạo Vương, người ta mới biết huyền tích này có thể có thực.


Phát lộ di tích

Làng A Sào nằm cạnh bờ sông Hóa, ở phía Tây Nam của làng có một ngôi đền cổ, có bức cuốn thư đắp nổi bốn chữ "Mễ thương Thắng tích" (có nghĩa: Di tích về kho gạo được coi là một nơi danh thắng). Gần đó có đền thờ Đức Thánh Trần - tức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (đã được Sở Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử), hồ tắm tượng (hồ để voi tắm), gò Đống Yên (nơi để yên ngựa của quân sĩ), trại binh (nơi ở của binh sĩ), kho gạo mễ thương (nơi để lương thực).

Địa danh này nằm ở khu vực tiếp giáp cửa sông Luộc và sông Hóa. Một đầu ngược sông Luộc nên đến cửa Hải Thị sẽ gặp sông Hồng từ Thăng Long (Hà Nội) đổ xuôi qua lộ Thiên Trường (Nam Định) và chảy ra cửa biển Giao Hải (Ba Lạt, Tiền Hải). Một đầu xuôi sông Hóa theo hướng Đông, đổ ra biển chung với cửa sông Thái Bình. Bên kia sông là các lộ Hồng (Hải Dương), lộ Khoái (Hưng Yên), lộ Hải Đông (Vĩnh Bảo, An Lão, Hải Phòng). Có thể nói từ A Sào, quân của Hưng Đạo Vương tiến lui đều thuận lợi.

Từ xưa ở cách đê sông Hóa khoảng 500m có một ngôi đền cổ. Đền đã bị phá, hiện còn một con voi đá trên nền cũ. (Từ năm 2005, người dân A Sào đã xây dựng lại đền trên nền đền xưa). Theo thần phả, thần tích ở đền A Sào và sách "Thái Bình phong vật chí": "Đền thờ làng A Sào được xây dựng trên nền vườn cũ của Hưng Đạo Vương, ở bờ sông Hóa gần đó có tượng con voi đất và một ngôi đền. Người trong làng vẫn thường đưa đồ lễ đến thờ, sau bờ sông bị lở, đền bị đổ, voi đất bị hỏng, dân làng liền xây voi gạch".


Huyền tích hào hùng

Theo sử sách, xưa Hưng Đạo Vương đưa quân từ A Sào theo đường tắt vượt sông Hóa để tới Lục Đầu Giang đánh quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy. Muốn qua sông Hóa sang đất Vĩnh Bảo, phải vượt qua bãi sình lầy. Dân các làng đã chặt cây, mang tre, gỗ, rơm rạ lót xuống mặt bùn làm thành đường cho quân đi ra cầu phao (dùng thuyền ghép nổi trên mặt sông), để vượt sông. Kỵ binh, bộ binh lần lượt qua sông. Đến khi con voi của Hưng Đạo Vương đi qua thì bị sa lầy, không lên được. Mặc dù quân và dân tìm mọi cách kéo voi lên, nhưng voi càng giẫy thì càng bị lún sâu vào trong bùn.

Hưng Đạo Vương đành bỏ voi lên ngựa lệnh cho tiếp tục hành quân, voi rống lên ứa nước mắt nhìn theo vị chủ tướng. Trước tình nghĩa của voi và sự ủng hộ hết lòng của nhân dân, Hưng Đạo Vương đã rút gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: "Trận này không thắng, ta quyết không trở lại bến sông này". Sau chiến thắng Bạch Đằng, khi trở về A Sào, Hưng Đạo Vương đã cho đắp con voi đất ở ngay trên mộ của con voi đã chết.

Hiện nay mộ voi được nhân dân địa phương xác định nằm ngay chân con đê lớn bên bờ sông Hóa, cách đền A Sào khoảng 500m, theo đường chim bay và cách sông Hóa khoảng 300m. Theo thần tích ở đền A Sào và các tư liệu điền dã, thì trước đây do nước sông nhiều lần dâng lên, voi đất bị lở, tượng voi lại bị hỏng (vì thế bến sông này còn có tên là Bến Lở). Năm 1928, làng A Sào đã cử người đi Quảng Ninh thuê thợ đục đá theo nguyên mẫu con voi (gạch) đã làm từ trước. Voi đá được đưa về đúng vị trí cũ trên mộ con voi xưa đã chết.

Năm 1951, giặc Pháp đóng đồn ở đền A Sào, chúng đã dùng xe kéo voi đá từ bến sông về bốt để làm ụ súng. Đến nay đền cũ bị phá, voi đá vẫn còn và nằm ở nền đền (giữa cánh đồng A Sào). Sau hòa bình dân làng đã rước linh vị ở đền cũ về đình A Sào (được dựng ở kho gạo Mễ Thương Thắng tích xưa). Bến sông nơi có voi chết và có "tượng voi", từ xưa tới nay vẫn được dân làng quanh vùng gọi là Bến Tượng (hoặc Bến Lở). Điều đặc biệt là bến sông này không phải là nơi có bến đò chở khách qua sông, chắc hẳn đây là để ghi nhớ sự tích con voi và cuộc vượt sông của Hưng Đạo Vương, nên bến mới có tên là Bến Tượng.


Lễ hội tái hiện lịch sử


Tượng Voi Bến Tượng - Nơi con voi
của Hưng Đạo Vương bị sa lầy ở
bên bờ sông Hoá, xã An Thái ,
Quỳnh Phụ.

Đền A Sào còn đó, Bến Tượng còn đây, voi đá và sự tích Hưng Đạo Vương vượt sông Hóa đi đánh trận Bạch Đằng lịch sử vẫn còn sống mãi trong lòng những người dân làng A Sào nói riêng, nhân dân cả nước nói chung. Hàng năm đến ngày "mất" của Đức Thánh Trần, đền vẫn tấp nập du khách trong và ngoài tỉnh về dâng hương để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc.

Hội đền A Sào thường được tổ chức một năm hai lần vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Theo cụ Trần Duy Thụy (79 tuổi người dân trong làng) và các cụ già khác ở A Sào: Tục lệ thờ và mở hội đền có từ thời nhà Trần truyền lại. Đời này, kế tiếp đời kia, người dân A Sào hàng năm vẫn tổ chức lễ hội tại đền.

Lễ hội đền A sào tổ chức vào tháng 8 đặc biệt khác với lễ hội ở các nơi khác: Trong lễ hội có tổ chức lễ rước cảnh tiễn quân đi đánh giặc Nguyên Mông, cảnh dân làng cứu voi của Đức Thánh Trần (vào ngày 19/8 âm lịch). Trong đó có cảnh dân làng mang vác tre, nứa, gỗ, cánh cửa... để cứu voi sa lầy.

Ngày 20 tháng 8 lễ hội diễn cảnh đón đoàn quân chiến thắng trở về, trong tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng trống, tiếng pháo vang lừng. Vào ngày hội, đoàn tế thường có từ 40 - 60 người. Cụ chủ tế mặc áo gấm, hoa tròn, hoa văn thêu thủy ba (sóng lượn). Ngoài cụ chủ tế còn có hai phó chủ tế. Những người trong đội tế ăn mặc quần trắng áo thụng xanh (vải the) chia làm hai hàng, mỗi hàng 20 người. Sau khi chủ tế dâng ba tuần rượu và qua ba lần quỳ lễ, hô tế vật tế tửu thì mới đọc văn tế ca ngợi công lao của Đức Thánh Trần đối với quê hương đất nước. Tất cả đoàn tế vào dâng hương, sau đó chủ tế phát lệnh kéo cờ "Sát Thát" và cho nổ ba tràng pháo, cờ từ từ được kéo lên trong tiếng nhạc hoành tráng.

Đi trước kiệu Đức Tránh Trần là cờ hiệu "Đông A", cờ ngũ hành, cờ hành quân (20 - 30 lá cờ). Tiếp đó là một người cầm Bát biểu vua ban. Sau đó hai hàng quân (mỗi hàng từ 15 - 20 người), tay cầm vũ khí giáo, mác, khiên mây... Tiếp đó là kiệu đựng sắc phong có 4 lọng che rồi đến cờ ngũ hành (5 màu), cuối cùng là kiệu bát cống. Sau kiệu là các cụ mặc áo tế và dân làng đi theo.

Nếu rước cảnh đoàn quân chiến thắng trở về (ngày 20) thì khi rước lễ luôn có hai người cầm loa (nhưng chỉ có một người xướng loa đồng - mặc áo the xanh dài đội mũ chóp là được quyền xướng). Người cầm loa thứ nhất sẽ hô: "Nghe lệnh quan truyền, toàn quân chỉnh đốn hàng ngũ; tiền quân, trung quân, hậu quân thẳng tiến".. Lúc này người cầm loa thứ hai mới được quyền xướng loa, người này có trách nhiệm vung loa và hô: "Hai bên hàng xứ dẹp đường cho quân trẩy".

Khi dứt một hồi trống dài, tiếp theo ba tiếng trống lệnh, thì tất cả những người cầm cờ đều từ từ hạ ngọn cờ xuống sát mặt đất (ngọn cờ quay về hướng Tây). Đến ba tiếng trống sau đồng loạt phất cờ lên, trong tiếng hô vang "Sát Thát". Sau đó đoàn rước đi từ đền thờ Đức Thánh Trần đến khu mộ voi (Bến Tượng), vòng qua các làng, xã, tương truyền trước đây có quân đội của Trần Quốc Tuấn đóng. Rồi đi qua gò Đống Yên, qua hồ Tắm Tượng, qua kho gạo Mễ Thương (làng Gạo), mới trở lại đền. Sau đó tiếp tục dâng hương, tiến tửu (khao thưởng ba quân sau chiến thắng trở về).

Lễ hội đền A Sào là một lễ hội mang đậm tính truyền thống và tính văn hóa của dân tộc, có ý nghĩa nhắc nhở con cháu đời sau nhớ tới Đức Hưng Đạo Đại Vương và những người lính, trong đó có người lính đặc biệt như con voi của vị anh hùng đã không quản ngại hi sinh để bảo vệ độc lập dân tộc.

ĐẶNG HÙNG (Hội sử học Việt Nam)