LỜI NGƯỜI DỊCH : Osho, tên thật là Bhagwan Rajneesh, là bậc thầy tâm linh của Ấn-độ. Ngài không chỉ dạy biết chấp nhận mọi thứ, sống trong sự liên thông với CÁI TOÀN THỂ, mà còn dạy phải sống một cách thông minh, không theo số đông một cách máy móc, không tuân theo sự phán bảo của “bề trên” một cách mù quáng. Sau khi đọc đoạn văn dưới đây, ta có thể không cần làm theo giống như Ngài, nhưng những điều Ngài nói thì thực sự đáng suy ngẫm. Trong bối cảnh của giáo dục ở nước ta hiện nay, rất cần có những quan điểm kiểu như thế này để đối chứng.

Suốt cuộc đời, từ tuổi ấu thơ cho đến khi đã trưởng thành, tôi luôn bị lên án vì không chịu nghe lời. Và tôi luôn nói: “Không phải tôi không có khả năng vâng lời. Đơn giản là tôi muốn dùng trí khôn của mình để xem cái gì đúng, cái gì nên làm, và tôi chịu trách nhiệm về việc mình làm. Nếu có gì không ổn thì đó là lỗi của tôi. Tôi không muốn đổ lỗi cho người khác vì họ đã bảo tôi làm việc đó.”


Nhưng đối với cha mẹ và thầy cô giáo của tôi thì như thế thật khó chấp nhận. Nhà trường thì bắt học sinh đến trường phải đội mũ, còn tôi thì cứ đến đầu không. Một thầy dạy lớp tôi gọi tôi lại và nói: “Cậu không biết đội mũ là bắt buộc à?”


Tôi nói: “Việc đội mũ thì sao lại bắt buộc được. Làm sao mà bắt buộc người ta làm việc đó? Mang theo cái đầu mới là việc bắt buộc, chứ không phải mang mũ. Em đến trường với cái đầu, còn thầy, chẳng lẽ thầy chỉ mang theo mũ?”


Ông ấy nói: “Cậu thật kỳ cục. Nội quy nhà trường người ta viết hẳn là không đội mũ thì không được vào trường cơ mà.”


Tôi nói: “Thế thì đã đến lúc người ta phải sửa lại bản nội quy đó rồi, thưa thầy. Nội quy không phải do trời viết ra, mà do con người. Mà con người thì có lúc sai.”


Ông thầy của tôi không tin được. Ông ấy nói: “Cậu bị sao vậy? Vì sao học trò lại không đội mũ được?”


Tôi nói: “Vấn đề không phải là cái mũ. Em muốn biết lý do vì sao lại bắt buộc phải đội mũ. Nếu thầy không giải thích được thì hãy dẫn em đến gặp thầy hiệu trưởng để bàn về việc này.”


Thế là ông ấy dẫn tôi đến phòng hiệu trưởng.


Ở Ấn-độ, người Bengali là dân tộc thông minh nhất, mà họ không đội mũ. Còn người Punjabi thì kém thông minh nhất, và họ luôn mang khăn quấn trên đầu. Tôi nói với ông hiệu trưởng: “Thầy xem đấy, người Bengali không đội mũ và họ thông minh nhất ở nước ta, còn người Punjabi thì quấn khăn rất chặt trên đầu, và họ là dân tộc kém thông minh nhất. Có vẻ cái mũ có liên quan với trí thông minh nên em không dám mạo hiểm đội mũ.”


Thầy hiệu trưởng chăm chú nghe, rồi ông ấy nói: “Cậu này thật bướng, nhưng nói có lý. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này, nhưng đúng là thế thật. Chúng ta có thể bỏ quy định bắt buộc đội mũ đi. Ai muốn đội thì đội, không thì thôi, vì nó chẳng liên quan đến việc dạy và học.”


Ông thầy dạy lớp tôi không tin nổi. Trên đường về lớp, ông ấy hỏi: “Cậu nói gì với thầy hiệu trưởng thế?”


Tôi nói: “À, em chỉ phân tích sự việc. Em không chống đối, em sẵn sàng đội mũ. Nhưng nếu thầy nghĩ nó có lợi cho trí thông minh thì sao lại chỉ đội một cái? Em có thể đội hai ba cái, cái nọ chồng lên cái kia, nếu nó làm em thông minh hơn. Em không chống, em chỉ muốn thầy chứng minh điều đó thôi.”


Thầy tôi nói, và tôi vẫn nhớ nguyên văn: “Cậu sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống. Cậu chẳng hợp với nơi nào cả.”


“Thế thì tốt quá”, tôi nói. “Em không muốn làm một thằng ngốc hợp với mọi nơi. Tốt nhất là trở thành người không phù hợp nhưng thông minh. Và em đến trường để học điều khôn, để trở thành người không phù hợp nhưng có trí khôn. Xin thầy đừng cố biến em từ một cá nhân thành một người ăn khớp với xã hội.”


Từ hôm sau, học sinh trường tôi không phải đội mũ nữa. Nhưng ông thầy đó thì vẫn đội. Bước vào cổng trường, và đã có quy định mới không bắt buộc đội mũ nên các thầy cô, kể cả hiệu trưởng, đều không đội mũ. Trông ông thầy tôi thật ngố. Tôi nói với ông ấy: “Vẫn còn kịp đấy thầy ạ. Thầy cất mũ đi.” Và ông ấy làm theo!


Sưu tầm