ÂU ĐỐ VỀ THẾ GIỚI TÂM LINH

Hàng ngàn năm qua, những người thông thái nhất trên thế giới có lẽ đã bị ám ảnh bởi câu đố đơn giản và cụ thể sau đây: Giải thích như thế nào về sự tồn tại các hiện tượng tâm linh?

Theo nhiều ghi chép từ xưa đến nay, các hiện tượng tâm linh thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống con người. Do các hiện tượng như vậy không thể được lặp lại một cách cứng nhắc theo những kịch bản khuôn mẫu, nên những người có quan niệm cực đoan dễ dàng phủ nhận chúng và quy chụp cho người đã chứng kiến hoặc có khả năng đặc biệt là bịa đặt, giả mạo, lừa gạt v.v... Thậm chí, ngay cả khi các hiện tượng tâm linh đã được xác nhận một cách không thể chối cãi thì dựa vào kho tàng hiểu biết hiện có người ta cũng không thể giải thích được vì sao có các hiện tượng bí ẩn như vậy.

Chúng ta hãy thử phân tích nguyên nhân nằm ở chỗ nào và tìm chìa khoá để giải câu đố nói trên. Trước hết, chúng ta sẽ giới hạn xem xét các hiện tượng tâm linh có liên quan đến những “vong linh” - thực thể vô hình có biểu hiện trí tuệ, cảm xúc, hoạt động sống... ở mức độ như con người hoặc đặc biệt hơn. Rõ ràng, các điểm đặc trưng của những vong linh đối với con người bình thường là phi hình dạng, vô lời, không mùi... Nhưng một số người với khả năng đặc biệt hay các nhà “ngoại cảm” lại có thể nhìn thấy hình dạng, nghe được tiếng nói, nhận biết mùi... của những vong linh. Như vậy, chúng ta có thể dựa vào các nhà ngoại cảm mà thực chất họ là những bộ máy tự nhiên tinh xảo nhất để tiến hành các cuộc thực nghiệm về hiện tượng tâm linh. Và cho đến thời điểm này, dựa trên những kết quả nghiên cứu thực nghiệm của một số cơ quan, tổ chức ở Việt Nam hơn mười năm qua, có thể rút ra kết luận rằng: các hiện tượng tâm linh là có thực, một phần vô hình của con người vẫn tồn tại sau cái chết với đầy đủ giác quan, trí tuệ, cảm xúc, hoạt động sống... nhưng thuộc một bình diện vật chất khác với thế giới hữu hình của chúng ta.

Vậy thì vì sao cho đến nay cộng đồng các nhà khoa học đương đại không thể giải thích được các hiện tượng tâm linh? Theo chúng tôi, chìa khoá để giải câu đố về các hiện tượng tâm linh nói riêng và thế giới tâm linh nói chung cần được tìm kiếm từ những vấn đề đặt ra sau đây:

1- Có tồn tại vật chất vô hình hay không?

2- Ý thức hay tính “biết” của con người do đâu mà có?

Trong kho tàng tri thức khoa học hiện đại không có chỗ cho sự tồn tại của vật chất vô hình, còn ý thức hay tính “biết” của con người được giả định là do sự phức tạp của cấu trúc vật chất (bộ não) sinh ra. Bởi vậy, sự tồn tại các vong linh dưới nhãn quan của các nhà khoa học là phi lý hoàn toàn.

Chúng tôi đã tìm thấy lời giải đáp cho hai vấn đề nêu trên trong cuốn sách “Vũ trụ và con người dưới góc độ khoa học tâm linh” của tác giả Trần Văn Đình (Tạp chí Thế Giới Mới đã giới thiệu trong số 732). Theo đó, hai điểm sau đây cần được chấp nhận như định đề :

1. Toàn bộ vật chất của vũ trụ được cấu tạo theo từng lớp, chúng thâm nhập lẫn nhau và tồn tại trong cùng một không gian như các dải sóng, trong đó chỉ có lớp vật lý là lớp hữu hình, còn những lớp khác đều vô hình đối với mắt người thường; trong số những lớp vô hình có một lớp mịn nhất chứa các hạt nguyên sơ phi cấu trúc với nhiều tính chất đặc biệt, được gọi là “lớp tâm thức”.

2. Ý thức nói riêng hay tính “biết” nói chung của con người và mọi loài sinh vật khác không phải do các cấu trúc vật chất tự sinh ra, đó là kết quả tương tác giữa các sinh vật với “lớp tâm thức”. Nói cách khác, mọi cấu trúc vật chất từ vĩ mô (như các tinh tú) cho đến vi mô (như các hạt quark) đều có biểu hiện tính “biết” ở mức độ này hay mức độ khác.

Sau khi đọc đi đọc lại và nghiền ngẫm cuốn sách này nhiều lần, chúng tôi nhận thấy rằng có thể đây là chìa khoá đúng để giải câu đố đã được đưa ra ở đầu bài viết này. Vì sao vậy? Có hai lý do chủ yếu sau đây:

- Việc thừa nhận có tồn tại vật chất vô hình vừa phù hợp với các cứ liệu khoa học hiện nay vừa khớp với những gì mà những người có khả năng ngoại cảm nhận biết được trong thế giới phi vật lý. Theo cuốn “Nguồn gốc” của GS TS. Trịnh Xuân Thuận (Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch, NXB Trẻ ấn hành quý 2/2006, sách dày 520 trang, giá bìa 150.000đ/cuốn), “vật chất tối” được định nghĩa là vật chất không phát ra bất kỳ thứ ánh sáng nào (dĩ nhiên là đối với mắt người thường) và chỉ bộc lộ thông qua lực hấp dẫn của nó. Điều đáng chú ý là vật chất thông thường (hữu hình) chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chỉ đóng góp khoảng 0,5 phần trăm vào mật độ tới hạn (những từ có gạch dưới được trích từ sách). Không loại trừ khả năng là trong số “vật chất tối” có cả vật chất vô hình. Rõ ràng, thứ vật chất vô hình thô nhất mà tất cả chúng ta dễ dàng nhận biết được là không khí (nhờ chuyển động của nó). Vậy thì sự tồn tại những dạng vật chất vô hình khác tinh tế hơn không khí cũng là điều tự nhiên.

- Nguồn gốc của ý thức hay tính “biết” là một trong những vấn đề hóc búa từ cổ xưa đến nay và là phần nền tảng của mọi triết học. Trong cuốn “Nguồn gốc” cũng đặt ra những câu hỏi như vậy: Ý thức của con người là gì? Đâu là bản chất của tinh thần? Đâu là nguồn gốc của tư duy? Theo Trịnh Xuân Thuận, các nhà khoa học đương đại vẫn đi theo một trong hai cách lý giải về ý thức sau đây.

Cách thứ nhất: Đây là thuyết “nhị nguyên” do triết gia người Pháp là Rene Descartes đã đưa ra vào khoảng năm 1629. Theo đó, con người được ban tặng một tinh thần phi vật chất, không trải rộng trong không gian và không thể phân chia, nhưng lại có một thể xác vật chất trải rộng trong không gian và có thể phân chia; tinh thần tư duy và thể xác vật chất là tách rời nhau, nhưng cùng tồn tại. Tinh thần tiếp xúc với thể xác thông qua “tuyến tùng” trong bộ não.

Cách thứ hai: Đây là quan điểm “nhất nguyên” do phần lớn các nhà thần kinh sinh học đương đại thống nhất đưa ra. Theo đó, ý thức không tách rời vật chất, nó “đột khởi xuất hiện” một cách tự nhiên từ vật chất nhờ các hoạt động thần kinh của bộ não. Nói cách khác, ý thức là sự phản ánh các quá trình vật lý, kết quả tổ chức cực kỳ phức tạp của các mạch thần kinh sinh vật.

Đáng lưu ý là từ cả hai cách lý giải về sự xuất hiện ý thức trên đây đều dẫn đến một hệ quả tất yếu: không thể tồn tại vong linh của người đã chết. Từ đây chúng ta lại suy ra một hệ quả khác: Nếu các nhà khoa học đương đại không thay đổi quan điểm về nguồn gốc của ý thức nói riêng hay tính “biết” nói chung thì không thể giải thích được các hiện tượng tâm linh.

Tác giả cuốn “Vũ trụ và con người dưới góc độ khoa học tâm linh” đã xem xét một ý tưởng hoàn toàn khác về nguồn gốc của ý thức. Theo đó, mọi cấu trúc vật chất, dù đơn giản hay phức tạp, dù vô hình hay hữu hình, dù to hay bé, đều có ý thức ở một mức độ nhất định. Nói khác đi, ý thức là một thuộc tính phổ quát của mọi cấu trúc vật chất, kể cả bản thân vũ trụ. Kết luận này khớp với quan điểm trong một số thuyết tôn giáo khi đưa ra khẳng định rằng, mọi vật đều có “phật tính” hay “thượng đế tính” mà thực chất là tính “biết”. Hơn nữa, ý thức như vậy không phải do các cấu trúc vật chất tự sinh ra, đó là kết quả tương tác giữa chúng với lớp vật chất phi cấu trúc (“lớp tâm thức”).

Chính nhờ sự phổ quát của tính “biết” mà trong thế giới sống trên Trái Đất từ khi khai thiên lập địa đến nay đã và đang diễn ra sự tiến hoá với quy mô rộng lớn, sâu sắc, tinh tế, mạnh mẽ, lâu dài và muôn hình muôn vẻ của hàng tỷ tỷ sinh vật từ những dạng đơn bào cho đến các loài phức tạp như con người.

Như vậy, chìa khoá để giải đáp các hiện tượng tâm linh đã được đưa ra. Chúng tôi cho rằng, việc thừa nhận ý tưởng này chỉ còn là vấn đề thời gian.

GHI CHÚ: Cuốn sách Vũ trụ và con người dưới góc độ khoa học tâm linh đã được Tạp chí Thế Giới Mới số 732 ra ngày 30-4-2007 giới thiệu.

Nhóm NC tâm linh, 8-2