Người viết Nguyễn Phú Thứ

ngày 22, tháng 01, năm 2008

(Mậu Tý từ 07.02.2008 đến 25.01.2009)


Sau khi năm Đinh Hợi chấm dứt, thì đến năm Mậu Tý được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ tư, 06.02.2008 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 25.01.2009. Năm Mậu Tý này thuộc hành Hỏa và mạng Tích Lịch Hỏa tức Lửa Sấm Sét, năm này thuộc Dương, có can Mậu thuộc mạng Thổ và có chi Tý thuộc mạng Thủy. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành, thì năm này "Can khắc Chi" tức Trời khắc Đất. Bởi vì: "Mạng Thổ = Mậu khắc mạng Thủy = Tý" (mạng Thổ tức Trời được khắc xuất, mạng Thủy tức Đất bị khắc nhập). Do vậy, năm này xem như tổng quát rất xấu, bởi vì bị Trời khắc Đất giống như các năm: Giáp Tuất (1994), Nhâm Ngọ (2002) đã qua, xem như tuổi xấu nhứt của hàng tuổi Tý, chớ không phải người đời cho rằng tuổi có Can là Mậu là không tốt hết đâu. Bằng chứng các tuổi như: Mậu Thân (1908 - 1968), Mậu Ngọ (1918 - 1978) và Mậu Tuất (1958 - 2018), Mậu Thìn (1928 - 1988), đều tốt hơn Mậu Tý, vì các tuổi này được tương sanh hay tương hòa.
Được biết năm Tý vừa qua là năm Bính Tý thuộc hành Thủy, nhằm ngày thứ hai, 19.02.1996 đến 06.02.1997.
Căn cứ theo Niên Lịch Cổ Truyền Á Đông xuất hiện được minh định quảng bá từ năm thứ 61 của đời Hoàng Đế bên Tàu, bắt đầu năm 2637 trước Công Nguyên, cho nên chúng ta lấy 2637 + 2008 = 4645, rồi đem chia cho 60 thì có kết quả Vận Niên Lục Giáp thứ 77 và số dư 25 năm bắt buộc rơi vào Vận Niên Lục Giáp thứ 78 bắt đầu từ năm 1984 cho đến năm
2043. Do vậy, năm Mậu Tý 2008 này là năm thứ 25 của Vận Niên Lục Giáp 78.


Năm Tý tức Chuột cũng là Thử, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở luôn trong sinh hoạt xã hội hằng ngày, từ đó mới có những từ ngữ liên quan, xin trích dẫn như sau:
Tý là con Chuột đứng hạng thứ 1 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi, vì nhỏ con và lanh lợi nên được đầu.
- Giờ Tý = là giờ từ 23 giờ khuya đến đúng 01 giờ sáng hôm sau.
- Tháng Tý = là tháng Mười Một của năm âm lịch.
Đối với người Pháp, khi nói đến tuổi Tý thì họ tưởng là con Chuột Cống nên dùng chữ Le Rat thay vì dùng chữ Le Souris.
Ngoài ra, còn có những Ca Dao, Tục Ngữ và Thành Ngữ, xin trích dẫn như sau:
Chuột kêu chút chít trong rương,
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay.
Chuột chù chê Khỉ rằng hôi,
Khỉ lại trả lời: cả họ mầy thơm?

Cần chi cá Lóc, cá Trê,
Thịt Chuột, thịt Rắn nhậu mê hơn nhiều.

Chuột chê xó bếp chẳng ăn, Chó chê nhà dột ra nằm bụi tre.
(ca dao)

Chuột chạy cùng sào.
Chuột đội vỏ trứng.
Chuột sa hũ nếp.
Chuột sa chĩnh gạo.
Chuột sa lọ mỡ.
Ném Chuột bể (vỡ) đồ.
Ném Chuột còn chê củi bát.
Nhi nhắt như Chuột ngày.
Mắt Dơi tai, (mày) Chuột.
Chuột gậm chân Mèo.
Mặt như Chuột kẹp.
Nhăn nhó như Chuột.
Lù rù như Chuột Chù phải khói.
Cháy nhà ra mặt Chuột.
Đầu Voi đuôi Chuột.
Ướt như Chuột lột v.v ...
(tục và thành ngữ)

Để tìm hiểu loài Chuột như thế nào? Chúng ta có thể quả quyết rằng: Loài Chuột có lông nhiều dày rậm, lỗ tai nhỏ, mỏ và đuôi dài. Chuột lại là loài gặm nhấm, nhưng còn sanh sản rất nhanh và nhiều, cho nên chúng nó cắn phá khủng khiếp, không chừa nơi nào, ở trong nhà thì đào hang, khoét vách, cắn phá gạo nếp, thức ăn thức uống khi quên đậy, kể cả giấy má v.v... rồi làm ổ đẻ liên tục và ở ngoài đồng thì cắn phá hột giống, mùa màng cũng như các nông phẩm của nông dân như: lúa, bắp, khoai v.v... Vì thế họ hàng nhà Chuột đi đến đâu, thì mọi người điều sợ sự phá hoại của Chuột, nếu ghe tàu nào bị Chuột đến ở, thì cũng khốn khổ không ít.
Ngoài ra, loài Chuột cũng tạo nên bịnh dịch hạch làm cho sự chết chốc lên đến hàng trăm ngàn người tại nhiều nước trên thế giới, ví như tại Athène (Hy Lạp) vào năm 429 trước Công Nguyên, hoặc các nước khác như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý Đại Lợi, Pháp v.v... cũng bị sát hại vì bịnh dịch này, người ta đã thống kê chỉ 7 năm, kể từ năm 1346 đến năm 1353 số người bị chết trên thế giới như sau: Âu Châu gần 25 triệu người và Á Châu cũng gần 23 triệu người và được người đời xem như là một thiên tai.
Vì Chuột thường đem tai họa đến cho loài người như vậy, nên người thường kiếm đủ cách để loại trừ Chuột ví như: Thuốc Chuột, đặt bẫy Chuột, giậm cù bắt Chuột v.v...
Đặc biệt, khi bắt được Chuột còn sống, người ta may lỗ đít nó lại, rồi thả nó trong nhà, nó bị bí ỉa cho nên nó lập tức cắn đuổi đồng bọn nó chạy khỏi nhà và cắn chết luôn mấy con Chuột con, sau đó nó cũng chết theo luôn.
Tuy vậy Chuột là con vật ranh mảnh khôn ngoan, khó lòng bị tiêu diệt hết. Người ta thường kể, Chuột muốn tha một cái trứng gà to về ổ mà không bị bể, Chuột đã biết để một con nằm ngửa ôm trứng, miệng ngâm đuôi con khác để con này kéo về ổ... (Bđd Viên Giác 91, trang 29 do Phan Hưng Nhơn viết).
Do vậy, Trời sanh Chuột thì phải sanh Mèo hay Rắn để trừ diệt Chuột, nếu không loài người khó sống nổi với Chuột, bởi tai họa về Chuột tạo nên. Tuy nhiên, loài Chuột cũng có giúp ích cho nhân loại. Bởi vì, bắt loài Chuột để làm cuộc thí nghiệm y khoa, hầu tìm được các loại thuốc trị bịnh cứu sống chúng ta và riêng thịt Chuột là một đặc sản thực phẩm đáng kể nữa, nếu ai đã từng về: Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ, Ô Môn, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng... thuộc miền Hậu Giang, vào mùa bắt Chuột, thì thấy Chuột được bày bán trắng phiếu, vì đã thui và lột da xong, người mua đem về chế biến 7 món ăn về Chuột như chơi, nào là: Chuột nướng, Chuột chiên hay muối với sả ớt, Chuột xào hành, Chuột bầm xào Lá Cách hay Lá Lốt hoặc Chuột bầm rồi ướp gia vị để làm nhưn bánh Xèo v.v...
Nhân nói về món ăn bằng thịt Chuột, xin trích dẫn một trong những món ăn liên quan đến con Chuột, trong dịp Bà Từ Hi Thái Hậu, đời nhà Thanh bên Trung Hoa, khoản đãi phái đoàn sứ thần thuộc các quốc gia Tây Phương, nhân dịp mừng Xuân Canh Tý 1874. Tiệc được chuẩn bị 11 tháng 6 ngày trước, có 1750 người phục vụ, tốn kém 98 triệu Hoa tệ thời bấy giờ tương đương 374 ngàn lượng vàng ròng, gồm 400 thực khách và kéo dài suốt 7 ngày đêm bắt đầu giờ giao thừa Tết Nguyên Đán năm Canh Tý.
Đó là món Sâm Thử tức là con Chuột được nuôi bằng sâm.

Trong quyển Món Ăn Lạ Miền Nam, tác giả Vũ Bằng tường thuật món Sâm Thử như sau: Chuột mới đẻ đem nuôi trong lồng kính cho ăn toàn sâm thượng hảo hạng và uống nước suối, đến khi đẻ ra con thì lấy những con đó nuôi riêng cũng theo cách thức đó để sanh ra một lớp Chuột mới, nhưng lớp Chuột mới nầy vẫn chưa dùng được. Cứ nuôi như thế đến đời thứ ba, Chuột mới thực là "thập toàn đại bổ", người ta mới lấy những con Chuột bao tử của thế hệ mới này ra ăn và ăn như thế thực là ăn tất cả cái tinh hoa, bén nhậy, khôn ngoan của giống Chuột cộng với tất cả tính chất cải lão hoàn đồng, cải tử hoàn sanh, tráng dương bổ thận của cây sâm vốn được y lý Đông Phương đặt lên hàng đầu thần dược từ cổ chí kim trong trời đất...
Nguyên đại sứ Tây Ban Nha thuật lại rằng, đến món ăn đặc biệt ấy thì có một ông quan đứng lên giới thiệu trước rồi quân hầu bưng lên bàn tiệc cho mỗi quan khách một cái dĩa con bằng ngọc trong đó có một con Chuột bao tử chưa mở mắt, đỏ hỏn hãy còn cựa quậy, nghĩa là một con Chuột bao tử sống. Bao nhiêu quan khách thấy thế chết lặng đi, bởi vì nếu phải theo giao tế mà ăn cái món này thì... nhất định phải... trả lại hết những món gì đã ăn trước đó. Mọi người nhìn nhau? Bà Từ Hi Thái Hậu cầm nĩa xúc con Chuột bao tử ăn để cho mọi người bắt chước ăn theo. Con Chuột kêu chi chí, người tinh mắt thấy một tia máu vọt ra... Hoàng Đế Trung Hoa thông thả vừa nhai vừa suy nghĩ như thể muốn kéo dài cái thú ăn tuyệt diệu ra để cho cái thú ấy thấm nhuần trí óc và cơ thể. Và Ngài nói: "Mời Chư Vị". Nhưng không một vị nào đụng đũa, cứ ngồi đơ ra mà nhìn. Bà Từ Hi Thái Hậu bèn cười mà nói đùa: "Tôi tiếc không thấm nhuần được cái văn minh Âu Mỹ của các Ngài, nhưng riêng về cái ăn thì tôi thấy quả các Ngài chậm tiến, không biết cái gì là ngon là bổ. Về món đó, các Ngài có lẽ còn phải học nhiều của người Á Đông". Không một ông nào trả lời, vì có lẽ các ông đại diện ấy đến lúc ấy đều bán tín bán nghi không biết ăn Chuột bao tử như thế là văn minh hay dã man. Tuy nhiên, người ta có thể chắc chắn là chưa có một nước nào trên thế giới lại có một món ăn tinh vi, quí báu, cầu kỳ đến thế bao giờ... Chính ông đại sứ Tây Ban Nha phải nhắm mắt lại thử ăn, nhưng ông thú thực rằng vừa cho vào miệng cắn một cái thấy Chuột con kêu chi chí, ông ta vội vàng chạy ra ngoài nhả ra và một tháng sau còn sợ. Sau này, đem câu chuyện đó nói với mấy vị Đông y sĩ, ông ta biết rằng người Âu Mỹ không biết ăn cái món ấy, quả là "châm biếm" và mấy ông già còn cho biết thêm rằng Chuột thường nuôi bằng sâm bổ hết sức rồi, nhưng nếu tìm được giống Chuột Chù mà nuôi bằng sâm theo cách thức nói trên thì còn bổ gấp trăm lần nữa... (tài liệu này do Mọt Sách sưu tầm và tường thuật).
Trong loài Chuột, không những có các tên vừa kể ở trên kia, mà còn có các tên khác, xin trích dẫn như sau:
- Chuột Lắt: Đây là loài Chuột nhỏ con bằng ngón tay cái hoặc lớn hơn một chút, nó thường sống ở trong nhà, rất lanh lợi, sanh sản rất nhiều và thường cắn phá khủng khiếp. Trong dân gian, thấy đứa con nào hoặc người nào có thân hình nhỏ con thường phá phách gia đình hay xóm làng, thì cũng được gọi là Chuột Lắt.
- Chuột Xạ cũng thường gọi Chuột Chù, cũng có thân hình nhỏ con, mỏ dài và nhọn, đuôi rất ngắn. Đặc biệt, nó có mùi hôi xạ khó ngửi cho nên có cái tên là Chuột Xạ và Mèo cũng sợ mùi xạ hương này, nên cũng lánh xa. Chuột Xạ không cắn phá và lanh lợi hơn Chuột Lắt, nó thường ở hộc tủ, gầm giường hay trong hang và đi sát đất, rất chậm lụt, thường kêu chít chít như Chuột rúc vậy. Trong dân gian thường quan niệm điềm may mắn hay phát tài là:
Thứ nhứt đom đóm vào nhà,
Thứ nhì Chuột rúc,
Thứ ba hoa đèn.

- Chuột Dừa: là loại chuột thường sanh sống ở trên cây dừa, ít xuống đất, nó chỉ cắn phá cây dừa và ăn cơm dừa, uống nước dừa mà sống, thân hình nó lớn bằng cườm tay. Vì thế, nó mới có tên là Chuột Dừa, loại chuột này thường thấy những tỉnh trồng nhiều dừa như ở Bến Tre, thịt nó thơm ngon đặc biệt, bởi vì nó ăn uống bằng trái dừa rất tinh khiết.
Ngoài ra, những loại chuột hoang đã đơn cử ở trên, chúng ta còn thấy loại chuột người nuôi để làm cảnh. Đó là:
- Chuột Bạch: là loại chuột nhỏ con, có lông màu trắng và thường thấy ở bên Tàu, cho nên nó có tên là Chuột Tàu. Người nuôi Chuột Bạch hay Chuột Tàu này phải tốn tiền mua chuột, mua lồng chuột đặc biệt, để nó biểu diển và tốn thức ăn chớ không phải như các loại chuột hoang khỏi săn sóc gì cả. Nhưng bù lại, người nuôi chuột này được xem những trò biểu diễn của nó và làm cảnh cho vui cửa vui nhà.
Kể các họ hàng loài chuột không thể hết được, và loài chuột cũng có nhiều đặc tính của chúng nó, cho nên người đời thường nhân cách hóa và đưa vào văn học nhân gian, nhân đây xin trích dẫn như sau:
Chuyện kể rằng, có một hôm Chuột Bạch, góa chồng nhưng nhứt định không tái giá, ở vậy nuôi con thờ chồng. Ngày nọ Chuột Bạch bị chó rượt, chạy lạc vào một hang chuột khác. Nhân lúc chuột cái đi vắng, chuột đực ve vãn, ép duyên nhưng Chuột Bạch một mực chối từ. Sau cùng, chuột đực buộc lòng phải để Chuột Bạch rời hang. Kịp đến, khi chuột cái vừa về đến nhà, bắt gặp chồng tiễn đưa Chuột Bạch ngay cửa hang, bèn nổi cơn ghen, mắng mỏ chồng, rồi sang nhà Chuột Bạch đánh ghen. Khi Chuột Bạch trần tình sự việc với chuột cái, thì Mèo chạy đến. Chuột cái hoảng sợ, chạy té xuống giếng. May thay có một nho sinh tên Hồ Sinh vớt lên và giảng đạo lý với Chuột Cái, Hồ Sinh khuyên làm đàn bà phải giữ lòng trinh như Chuột Bạch.
Gặp cơn nhầm chốn xa vời,
Chẳng tham chiêu đãi, nghe lời bướm ong.
Nào ai cợt giễu thử lòng,
Gần vàng chẳng chuyển, chẳng long chút nào.

Làm vợ không nên ghen tương mà tan nát cửa nhà:

Người xưa câu ví còn gương,
Đàn bà cả tiếng tan hoang cửa nhà.

Làm chồng không nên háo sắc như chuột đực:
Như lòng chuột đực khá chê,
Toan đường quyến rũ đã mê đạo lành.

Đó là, truyện Trinh Thử thuộc ngụ ngôn nói về chuột nhằm khuyên bảo nhân gian ăn ở phải đạo.
Nhân đây, xin liệt kê một số truyện liên quan đến Chuột như sau:
Chuột Chù bị nạn.
Đám cưới Chuột.
Nghĩa Thử.
Chuột Cống.
Sự tích Chuột và Mèo.
Chuột và Rùa.
Chuột Đồng và Chuột Thành.
Chuột Lắt và Sử Tử.
... v.v...

Khi có dịp, tôi sẽ đi vào chi tiết từng truyện một, bởi vì trong khuôn khổ bài này, không thể thực hiện hết được, xin tạm ngưng ở đây.
Trở lại, năm Mậu Tý, thuộc Dương, có hành Hỏa, cho nên chúng ta có thể nói nhanh gọn là năm "Mậu Tý là Dương Hỏa". Năm này có can là Mậu thuộc Dương, có hành Thổ, cho nên có thể nói rút gọn lại là: "can Mậu là Dương Thổ".
Còn Chi là Tý thuộc Dương, có hành Thủy, cho nên cũng nói vắn tắt là: "chi Tý là Dương Thủy". Hơn nữa, chi Tý là con Chuột đứng đầu của Thập Nhị Địa Chi là: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi và nó cũng đứng đầu lục chi dương là: Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân và Tuất.
Tuy vậy, nó cũng như các chi khác, bắt đầu từ chi Tý tính tới chi Hợi. Bởi vì, trong Thập Nhị Địa Chi không có chi nào quan trọng hơn chi nào.
Do vậy, có người nói: "Những người tuổi Tý thuộc nam mạng, có can Giáp hoặc Nhâm, thì sẽ làm lớn sau này". Với lý luận như sau: Bởi vì, Người có tuổi Giáp Tý rất tốt, vì tuổi này có Can và Chi đứng đầu trong Thập Thiên Can và Thập Nhị Địa Chi, cho nên xem như tuổi này sẽ có tương lai tốt đẹp tột đỉnh sau này. Người có tuổi Nhâm Tý cũng tốt, vì tuổi này có Can là Nhâm, quả đúng với câu: Nam Nhâm, Nữ Quý và có Chi là Tý đứng đầu Thập Nhị Địa Chi, cho nên xem như tuổi này sẽ có tương lai tốt đẹp tuyệt hảo hơn người.
Tôi thấy sự suy đoán đó không có khách quan và chính xác một cách khoa học. Nhân đây, chúng ta thử phân tách, xem coi tuổi Giáp Tý và Nhâm Tý ảnh hưởng như thế nào? Ví như:
Tuổi Giáp Tý (1984): thuộc mạng Hải Trung Kim (Vàng dưới biển), thuộc Dương, có hành Kim, có Can là Giáp thuộc Mộc và có Chi là Tý thuộc Thủy. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành, thì năm này "Chi sanh Can" tức Đất sanh Trời. Bởi vì "Mạng Thủy = Tý sanh mạng Mộc = Giáp" (mạng Thủy tức Đất bị sanh xuất, mạng Mộc tức Trời được sanh nhập). Do vậy, người có tuổi này thường được may mắn và nhờ cơ hội đưa đến hơn là thực tài, vì thế nói người có tuổi này không được tốt hoàn toàn, để tự mình lo cho sự nghiệp tương lai.
Tuổi Nhâm Tý (1912 - 1972): thuộc mạng Tang Đố Mộc (Gỗ cây dâu tằm ăn), thuộc Dương, có hành Mộc, có Can là Nhâm thuộc Thủy và có Chi là Tý thuộc Thủy. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành, thì tuổi này "Can Chi tương hoà" tức Trời và Đất thuận hoà đắc ý nhau.
Do vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, người có tuổi Giáp Tý hay Nhâm Tý không thể là người có tuổi đó sẽ làm lớn trong tương lai.
Bởi vì, hai tuổi này không bằng tuổi Canh Tý, vì nó có can là Kim và chi là Thủy tức là"Can = Kim sanh Chi = Thủy"mới thật tốt, xin trích dẫn như sau:
Tuổi Canh Tý: là những người sanh vào các năm 1900 - 1960... tuổi này thuộc Bích Thượng Thổ hay nói gọn là mạng Thổ, nó có Can là Canh thuộc Kim và Chi là Tý thuộc Thủy, nếu căn cứ theo luật thuận khắc của ngũ hành, thì Kim sinh Thủy tức Can sinh Chi hay nói khác đi Trời sinh Đất, cho nên người có tuổi Canh Tý này rất tốt trong hàng tuổi Tý, bởi vì Trời ban cho khả năng và đức tính để tiến đến thành công dễ dàng trong mọi mặt của cuộc đời.
Hơn nữa, khi thẩm định một lá số thì phải biết: giờ, ngày, tháng, năm sanh v.v.. mới có thể thẩm định đúng một lá số. Ngoài ra, chúng ta đã thấy có người sanh cùng: giờ, ngày, tháng, năm lại sống cùng làng, nhưng tương lai lại khác nhau.
Trước khi tạm kết thúc bài này, tôi xin trích dẫn thời gian 10 năm những năm con Chuột vừa qua và sắp tới có Hành như thế nào để cống hiến quý bà con đồng hương nhàn lãm hoặc xem mình có phải sanh đúng năm Tý hay không như dưới đây:

Nhâm Tý (18.02.1912 đến 05.02.1913) Hành Mộc,
Giáp Tý (05.02.1924 đến 24.01.1925) Hành Kim,
Bính Tý (24.01.1936 đến 10.02.193) Hành Thủy,
Mậu Tý (10.02.1948 đến 28.01.1949) Hành Hỏa,
Canh Tý (28.01.1960 đến 14-02-1961) Hành Thổ,
Nhâm Tý (15.02.1972 đến 02.02.1973) Hành Mộc,
Giáp Tý (02.02.1984 đến 19.02.1985) Hành Kim,
Bính Tý (19.02.1996 đến 06-02-1997) Hành Thủy,
Mậu Tý (07.02.2008 đến 25.01.2009) Hành Hỏa,
Canh Tý (25.01.2020 đến năm 2021(*) Hành Thổ...

Nhân dịp bước sang năm Mậu Tý kính chúc tất cả quý bà con đồng hương được Vạn Sự Như Ý và Thành Đạt mọi nhà.

● Nguyễn Phú Thứ (Lyon – France)

(Trích dẫn tác phẩm Tử Vi và Địa Lý Thực Hành của chính tác giả)
(*) Chỉ tính đến năm Canh Tý 2020 xem như đủ dùng, khi nào có dịp sẽ tính các năm tới sau.


Nguồn: http://www.viengiac.de/vn/index.php?...=768&Itemid=75