Không "tinh binh" vẫn làm cha: Trẻ có khỏe mạnh?

GiadinhNet - Đó là câu hỏi nhiều bạn đọc gửi GĐ&XH khi biết thông tin về HV Quân y điều trị vô sinh cho người không có tinh trùng.



TS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y cho biết, kỹ thuật nuôi cấy tinh tử của những ông bố không có tinh trùng đã thành công được 20 ca, trong đó có 5 ca đã sinh em bé (số còn lại đang mang thai). Theo dõi sức khỏe mẹ và bé cho thấy, trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Cơ hội cho những ông bố "súng không đạn"


Trường hợp đầu tiên của phương pháp nuôi cấy tinh tử chào đời là bé Lưu Ngọc M, sinh ngày 14/12/2007, nặng 3,2kg. Theo lời kể của anh Văn N, bố cháu Ngọc M, hồi nhỏ anh N bị quai bị. Sau khi lấy vợ được 3 năm, anh đi chạy chữa từ Nam ra Bắc mà cũng không thành công. Khi có người mách, anh đã đến Trung tâm Công nghệ phôi thử "vận may".

Xét nghiệm cho thấy, các chỉ số của vợ phát triển bình thường và khả năng mang thai cao, nhưng tinh dịch đồ của anh N. hoàn toàn không có tinh trùng. TS Hoàng Lâm cho biết, trước đây những trường hợp như anh N. thì hoàn toàn vô vọng trong việc sinh con. Với phương pháp thụ tinh ống nghiệm kinh điển như hiện nay đang thực hiện ở nhiều bệnh viện cũng khó có thể thành công. Vì trên thực tế, những trường hợp không có tinh trùng không thể thụ tinh nếu không thể nuôi tinh tử thành tinh trùng để cấy vào trứng.


TS Quản Hoàng Lâm và cháu Ngọc M. Ảnh: V.K



Cũng theo TS Hoàng Lâm, không phải trường hợp nào không có tinh trùng đến nuôi cấy đều thành công. Tỷ lệ thành công của những trường hợp nuôi cấy tinh tử tại Trung tâm chỉ chiếm 10%. "Số lượng này đúng là không nhiều bởi vì không phải ai cũng nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng. Có nhiều người thực hiện tới lần thứ ba cũng thất bại vì tinh tử quá yếu", TS Hoàng Lâm cho biết.
Cũng theo TS Hoàng Lâm, những người đàn ông có những bệnh lý sau không nên thực hiện nuôi cấy tinh tử: Tinh hoàn suy teo với kích thước dưới 5ml (thể tích tinh hoàn của người bình thường là 12-25ml); không có cả tinh tử, bệnh toàn thân nghiêm trọng như ung thư, suy tim, suy thận...

Đứa bé có bị "hội chứng trắng tinh trùng"?

Cho đến nay, sau hơn 30 năm kể từ em bé thụ tinh đầu tiên trong ống nghiệm chào đời (1978) thế giới đã có hơn 4 triệu em bé được sinh ra khỏe mạnh từ các kỹ thuật này. Các nghiên cứu theo dõi những em bé sinh ra từ các kỹ thuật bơm tinh trùng hay thụ tinh ống nghiệm đều cho thấy sức khỏe và sự phát triển về tâm thần, vận động của trẻ đều bình thường.

Trước sự lo lắng về câu hỏi của PV xung quanh vấn đề "liệu đứa bé là trai sinh ra từ người bố không có tinh trùng có bị ảnh hưởng tương lai không?". TS Hoàng Lâm cho biết, có khoảng 2-5% là những đứa trẻ sinh ra bị di truyền từ người bố. Trong 5 đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh từ phương pháp nuôi tinh tử của Trung tâm có một bé trai. Nhưng cho đến thời điểm này, khi bé trai được gần 1 tuổi, thấy vẫn đang phát triển bình thường. Tỷ lệ tinh hoàn như những đứa bé bằng độ tuổi.
Theo nghiên cứu y học, người cha không có tinh trùng tức là có sự bất thường về nhiễm sắc thể Y (đàn ông có cả nhiễm sắc thể X và Y). Đứa con sinh ra (đặc biệt là con trai) sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhiễm sắc thể Y di truyền từ người cha. Những bé trai nếu bị di truyền nhiễm sắc thể Y từ cha quá nhiều sẽ có thể mang theo "hội chứng trắng tinh trùng". Khi trưởng thành, sẽ như người cha của mình, không có tinh trùng.

Theo TS Hoàng Lâm hiện nay, có rất nhiều nơi quảng cáo là uống thuốc kích thích sinh tinh trong một ngày có thể sinh tinh. Điều này là hoàn toàn phản khoa học. Vì thực tế, những trường hợp không có tinh trùng đến thực hiện phương pháp nuôi tinh tử đều phải được uống thuốc kích thích sinh tinh trong thời gian 3 tháng mới sinh tinh.

Khi sinh tinh, các bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết phần tinh hoàn (cắt sâu vào trong khoảng 0,3cm). Sau đó, mảnh tinh hoàn này sẽ được thực hiện tách tế bào dưới kính hiển vi nuôi cấy tinh tử (phần tinh tử nằm phía trong tinh hoàn được sinh thiết- PV). Sau thời gian nuôi cấy tinh tử trong khoảng 3 ngày, bác sĩ sẽ chọn những tinh tử nào có hình thái đẹp, khỏe bơm vào trứng của người vợ đã được lấy sẵn. Quá trình tiếp theo như thụ tinh trong ống nghiệm kinh điển.
Sau khi bơm tinh trùng (nuôi cấy từ tinh tử) vào trứng, sẽ được nuôi trong ống nghiệm thời gian 3 ngày rồi được bơm vào buồng tử cung của người vợ và quá trình mang thai bắt đầu. "Thực ra, chúng tôi chỉ thực hiện thêm một bước là nuôi cấy tinh tử. Còn tất cả các công đoạn sau đó thì sẽ được thực hiện như phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Chỉ có điều, họ là những người không có tinh trùng nên phải tiến hành nuôi cấy tinh tử trở thành tinh trùng", TS Hoàng Lâm nói.

Hiện chi phí cho một lần nuôi tinh tử là 10 triệu đồng, cộng với chi phí thụ tinh ống nghiệm là 40-50 triệu đồng/ca.

Theo nghiên cứu của nhiều công trình khoa học, khoảng 40% nguyên nhân vô sinh là do đàn ông. Trong số này, có khoảng 10% đàn ông không có tinh trùng. Qua thực hành xét nghiệm các đối tượng thuộc diện "khó có con", Trung tâm đưa ra nguyên nhân của nhóm đàn ông này là do: Số lượng và chất lượng tinh trùng quá ít và yếu; hình thái tinh trùng bất thường (không có đầu hay đuôi).

Cũng theo TS Hoàng Lâm, trong nhóm đàn ông không có tinh trùng được chia làm hai loại: Tắc đường ống dẫn tinh (do từng mắc các bệnh đường sinh dục như lậu, giang mai hay bị dị tật bẩm sinh) và rối loạn sinh tinh.

Vân Khánh