kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: CÂU CHUYỆN NHÀ SƯ

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định CÂU CHUYỆN NHÀ SƯ

    CÂU CHUYỆN NHÀ SƯ
    NGUYỄN BÁ HỌC

    Ngày tháng 6 năm 1906, vừa độ các trường nghỉ hè, tôi cũng đi thăm một vị sư ở chùa hàng Bưởi, về hạt Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Đến nơi thì bản sư cùng tăng chúng đi đọc hạ (1) bên chùa Thiên Thai, từ mấy hôm trước. Bấy giờ trời đã gần hôm, tôi phải nghỉ lại đó. Một mình ngồi trong phòng khách trông sang hiên tây, vắng ngắt không có người đi lại. Bóng chiều phản chiếu, lá cây lẫn với rêu sân một màu nhàn nhạt, trong cảnh thanh tịch hiện ra một cái vẻ thê lương, khiến cho lòng kẻ khách du ngao ngán nỗi mây ngàn hạc nội.

    Trong một cái phòng sâu và tối, nghe có tiếng người ho khoải khắc (2). Hỏi ra mới biết là một vị hành tăng (3) tạm trụ cảnh chùa để xem kinh và dưỡng bệnh. Tôi liền tới nơi, có ý cùng sư nói mấy câu chuyện nhà chùa cho khuây cơn sầu tịch.

    Bước vào, vừa thấy một người chừng năm mươi tuổi, mặt xanh mình gầy, ngồi tựa lưng vào cột, nét mặt đăm đăm, trông ra cửa sổ, thỉnh thoảng thở dài một cái, như đem bao nhiêu cái uất cái não đã chất chứa trong óc nhờ hơi thở để tiết ra bên ngoài. Tôi sẽ lên tiếng mà chào:

    - A di đà Phật! Tôi là người có quyến thuộc với sư bản tự (4) đến chào người.

    Người kia nhìn tôi lúc lâu, rồi nói một tiếng nặng nề rằng:

    - Thầy hãy đứng xa tôi ra. Tôi là một người có tội: tôi là người sắp xuống địa ngục. Thầy hỏi tôi làm gì?

    Tôi nghe nói phát lạnh cả người, như mình đứng bên ma quỷ. Tôi nói:

    - Tội nghiệp thay, người ở cảnh nào? Người có bệnh gì? Sao người không vào nhà thương mà uống thuốc?

    Người kia nói:

    - Tôi không có nơi thường trụ. Bệnh tôi đã lâu, không có thể chữa khỏi, mà cũng không ai có thể chữa khỏi; chẳng bao lâu mà tôi sẽ ra người dưới cửu trùng địa ngục. Thôi, thầy về phòng khách mà nghỉ.

    Nói rồi cứ đăm đăm trông ra cửa sổ.

    Tôi lui về phòng khách, cứ một mình mình nghĩ: người này hẳn có oan nghiệt gì đây, cho nên cái lương tâm nó cứ dõi theo mà cắn giắt (5), ấy là một sự hình phạt rất nặng. Than ôi sinh, lão, bệnh, tử là bốn nghiệp của loài người, đã có thân phải có nghiệp. Kìa người đã xả thân diệt tục còn phải mang lấy nghiệp vào mình, huống chi người túng dục tứ tình (6), biết bao giờ cho ra khỏi bến mê bể khổ.

    Đương ngồi đương nghĩ thấy thoáng có bóng người vào cửa, như có hơi gió lạnh thổi lọt vào mình, sởn cả gai ốc. Trông ra thì là người bên tây hiên, bước vào kéo ghế mà ngồi. Tôi cũng vội vàng đứng lên mà chào hỏi. Người kia liền nói:

    - Hẳn thầy đang nghĩ ngợi về việc tôi. Nếu tôi không nói chuyện cho thầy nghe, để cái nghi đoan (7) bận trí khôn cho thầy cũng không phải. Vả lại, chẳng bao lâu mà tôi sẽ bỏ cái thế giới này, cũng nên đem chuyện mình để làm gương cho thiên hạ. Tôi xem thầy cũng là người văn sĩ, cũng nên ký lấy những nỗi khắt khe ở đời, điều hay để mà khuyên, điều dở để mà răn, cũng không phải là sự vô ích.

    Tôi nói:

    - Người ta ai cũng có điều hay điều dở, hễ biết dở ấy là người hay. Cho nên đạo Thích ca cho chúng sinh sám hối, đạo Thiên chúa cho con chiên rửa tội. Nếu người đã sẵn lòng nói thật, tự mình không phụ với lương tâm, trời Phật nào chẳng chứng minh cho lòng người ngay thật.

    Người kia ngồi đối diện với tôi mà nói:

    - Tôi họ Trần, hiệu là Nguyễn Khuê, người Hà Đông. Cha mẹ mất sớm ở với chị, cũng cho ăn đi học. Năm 15 tuổi chị chết, anh rể lấy vợ khác, thế không ở được, phải bỏ mà đi. May gặp một bà họ Lý, ở một làng bên, thấy con nhà khốn khó, đem về mà nuôi. Bà không có con trai, chỉ nuôi một người cháu gái tên là Lý cô. Bà thấy tôi đã lớn, cho lên tỉnh vào tràng (8) Pháp Việt mà học.

    Nghĩ tôi có khác gì chiếc lá lìa rừng, con chim lạc tổ; sao cho khỏi sa ngã chìm đắm đã là khá, còn mong gì sự học hành, dù có thiên tư thông tuệ thế nào, cũng phải đoạ lạc ra con nhà thất giáo (9). Nay thân trầm luân đã được nhờ tay tế độ, được ấm no, có giáo dục tưởng cái ân cái nghĩa ấy, biết lấy gì mà trả cho phu (10).

    Một hôm nhân ngày nghỉ học, tôi về thăm Lý bà. Bà lấy mẹ con mà xưng hô, tình âu yếm, cách ôn tồn, đã cảm động lòng tôi cho đến rơm rớm hai hàng nước mắt. Tôi nói: "Tôi là một đứa con nhà bạc đức, đã không cha không mẹ lại không anh không em. Trời đất sinh tôi ra có ý đày đoạ vào một đời khốn cùng khổ nhục, dù bà có lòng từ thiện thế nào, không tô điểm đất bùn cho nên tượng được". Lý bà nói: "Già hiếm hoi, thèm chút con hiền cháu thảo, thấy con cũng là con nhà lương thiện, coi người dĩnh ngộ, có vẻ thông minh, để già sớm khuya bầu bạn và tin cậy về sau. Con ôi, đường sinh phúc con còn dài, việc gì mà lỗi chí (11). Từ nay mẹ khuyên con phải phấn phát tinh thần, học hành tấn tới cho bằng người, cho khỏi phụ lòng mẹ đã thương con ngày nay". Nói rồi Lý bà gọi Lý cô đến mà bảo: "Nay Trần sinh đã là người trong một nhà, cháu phải lấy đạo anh em mà xử, không có điều gì phải hiềm nghi, phải giúp anh mày những việc mà mày có thể làm được". Lý cô nghe nói, sẽ ngoảnh lại mà chào tôi, rồi cứ cúi đầu mà đứng. Tôi vô ý cứ chú mắt mà nhìn, làm cho Lý cô thẹn đỏ cả tai cả cổ. Lý bà biết ý gọi Lý cô ra ngoài nói sang chuyện khác. Tôi cũng ngơ ngẩn hồi lâu, rồi xin trở về trường học.


    Tự bấy giờ Lý cô thường đem tiền gạo cho tôi ở nhà trọ, vá may giặt gịa đều là việc Lý cô. Lần kia tôi phải đau ở nhà trọ, một tay Lý cô thuốc thang cơm nước; thực là một người có nữ công, có đức hạnh; con nhà khuê tú chưa dễ đã có mấy người. Vả từ thuở nhỏ đã quen ăn cần ở kiệm, không nhiễm một chút gì là thói đãng tình kiêu.

    Một bữa, Lý cô bưng thuốc đến, tôi lấy lời cảm tạ mà bảo Lý cô rằng: "Lý cô đã khó nhọc với tôi là biết dường nào! Tôi là con nhà bạc đức, sống thác có kể chi mà cái ân cho toàn, nghĩa trân trọng của Lý cô tôi biết lấy gì mà đền bù cho xứng đáng?" Lý cô nói: "Việc giúp đỡ anh em cũng là việc trong nhà, có gì mà kể ân kể nghĩa". Tôi nói: "Tôi thương Lý cô hết lòng, không biết Lý cô có thương tôi như thế không?" Lý cô nói: "Anh em thương nhau là lẽ tự nhiên". Tôi nói: "Tuy nhiên, chẳng những tôi thương Lý cô vì tình anh em, và thương Lý cô vì tình ...:". Nói đến đây tôi ngừng lại. Lý cô lại hỏi: "Còn vì tình gì?" Tôi nói: "Vì tình ân ái". Lý cô nhìn tôi một cách nghiêm nghị mà nói: "Tôi không hiểu lời anh nói. Thôi anh uống thuốc đi kẻo nguội, tôi cũng phải về kẻo cô mong".

    Nói rồi thảo thảo (12) ra về, đến cửa còn trông lại.

    Bấy giờ tinh thần tôi chuyên chú vào mình Lý cô. Lý cô mới mười sáu tuổi, kém tôi hai tuổi. Như trăng còn non, như hoa còn tụ, chưa có thể lấy tình động, lấy ý dụ. Vả Lý bà đã hứa nhận mình là con nuôi, hẳn không có ý cho mình là cháu rể. Nếu nghe Lý cô kể lại những lời thô bỉ của mình vừa rồi, có khi bao nhiêu lòng âu yếm xưa nay sẽ đổi ra tình yếm bạc (13). Tôi cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn, nửa thẹn nửa buồn. Sau thấy Lý cô vẫn đi lại như thường, mới yên lòng dần dần. Từ đó không còn dám giở thói khinh bạc ra nữa. ấy là sự giao thiệp lần thứ nhất của tôi với người họ Lý; mà chính là điều ân sâu tình nặng đã in sâu vào óc đã nhuộm vào lòng, không bao giờ tôi quên đi cho được.

    Năm 20 tuổi, tôi thi đỗ thông ngôn (14), 21 tuổi bổ lên thượng du. Vừa được bảy tháng thuỷ thổ bất phục (15), phải cáo mà về. Lần ấy Lý cô lại vất vả nuôi tôi hơn là lần trước.

    Một tối tôi đang băn khoăn dằn dọc vì mối tình riêng, Lý bà liền lại mà hỏi rằng: "Nay bệnh con đã thanh thả, sao còn trằn trọc canh khuya! Nay con đã đến ngày khôn lớn, mà mẹ cũng một tuổi một già, mong cho con trẻ sớm thành gia thất, để già được yên lòng. Nay Lý cô là con nhà có nết, có thể giúp cho con trong việc tảo tần, thực đã hoa vừa thắm cánh, trăng vừa tròn gương; để đợi ngày lành tháng tốt, mẹ hãy định liệu cho chúng con thành duyên phu phụ".

    Tôi nghe nói như thừa ngọc sắc (16) tự chín tầng mây trời chuyền xuống, mừng mừng tủi tủi, không biết lấy gì mà hình dung.

    Chẳng bao lâu nguyện xưa đã vẹn, duyên mới càng nồng, thực là cái hạnh phúc mà sinh bình tôi mới được hưởng là lần thứ nhất. Bây giờ Lý bà đã nên vật hóa (17), Lý cô cũng còn phải trầm oan. Trời ơi! Biết bao giờ...

    Đến đấy tiếng thổn thức làm cho dứt câu nói, cứ gục đầu xuống cánh tay mà khóc, nước mắt ròng ròng, không ngẩng đầu lên được.

    Chưa biết câu chuyện kết cục ra làm sao, mà cái tình đau đớn của người này đến cực điểm. Một lúc nhà sư lại ngồi ngay lên, hai tay ôm lấy ngực, lông mày chau lại thành một cái rãnh giữa trán, vai so lên tận tai. Trông bộ gớm ghiếc, như một người tù bị giam đã lâu nay đem ra mà hỏi án.

    Tôi trông mặt cầm lòng không đậu, bảo hãy ngồi yên mà nghỉ cho khỏi mệt. Nhà sư mỉm cười miễn cưỡng làm bộ mạnh mẽ, cho tôi khỏi chán. Rồi cứ tiếp tục mà nói: "Chúng tôi cùng hưởng cái lạc cảnh đoàn viên trong gia đình được hơn một năm, sinh được một đứa con trai, rồi tôi lại bổ ra làm thông ngôn dưới tàu trận (18), nay đóng cửa này, mai ra bể nọ. Từ bấy giờ lại kẻ ra hồ thỉ bốn phương, người chịu sớm hôm chiếc bóng, sum họp có ít biệt ly thì nhiều; thương thay! Sự sinh hoạt của chúng tôi nó đã tiêu ma mất bao nhiêu là cái thanh niên hạnh phúc!

    Sáu năm sau tôi mới lại được đổi về toà Sứ ở trung châu, thì Lý bà mất đã hết việc (19), bao nhiêu di sản cũng để lại cho vợ chồng tôi. Đứa con trai tôi cũng đã biết đi học. Làm việc ở toà Sứ như tôi cũng là bậc có danh giá, từ tỉnh quan cho đến phủ huyện ai cũng tới lui, cho nên bổng lộc cũng nhiều mà chi tiêu cũng lắm. Tưởng ngày nào vợ còn cắp từng rổ khoai, đội từng thúng gạo đi nuôi chồng, nay đã dù che ngựa cưỡi, ăn trắng mặc trơn, sự hy vọng của chúng tôi, tưởng thế đã là mãn nguyện.

    Ai ngờ no đủ sinh ra dâm dật, quyền quý sinh ra kiêu căng; sự tai hoạ ở đời thường phát đoan (20) từ những khi đắc chí.

    Một hôm tôi vừa ở nhà hầu ra thấy có cái xe sừng sực (21) trước mặt đi lại, một người trong xe bước xuống mà nói: "Thầy quên tôi rồi ư? Tôi đã đến mấy hôm nay, cứ đi tìm thầy mãi". Tôi cũng mừng rỡ mà nói: "Chào cô Ba". Cô Ba nói: "Quan lớn tôi đã về, có khi không sang đất thuộc địa nữa". Tôi vừa cười vừa nói: "Thế thì cô Ba càng được tự do". Cô Ba nói: "Phải, chẳng thế sao tôi được đến đây mà tìm thầy?"

    Nguyên người này là vợ một viên quan ở tàu trận. Vẫn ở trên bộ, trước có dan díu cùng tôi. Ngày nay lại gặp, không kịp tính gần tính xa, cứ đón rước về nhà, nhận là người quen thuộc cũ.

    Đại để những người đã lũa (22) đường giao thiệp, không quen lấy lễ phép buộc mình, từ lời ăn tiếng nói cho đến nết đứng nết ngồi, đều đủ cho người ta chỉ trích. Trong bấy nhiêu ngày cô Ba lui tới ở nhà tôi thì Lý cô miệng nói không ra, mà thực như đanh đóng trong con mắt.
    Last edited by lotus74; 06-01-2011 at 07:12 PM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Những mẫu truyện linh ứng về Đức Phật Dược Sư
    By Chieuthanhnghia in forum Tịnh Độ Tông
    Trả lời: 15
    Bài mới gởi: 04-06-2019, 10:35 PM
  2. Chuyện kể của Phật tử khi gặp một số nhà ngoại cảm
    By Bin571 in forum Ngoại cảm - Khả năng đặc biệt
    Trả lời: 23
    Bài mới gởi: 18-09-2015, 10:05 PM
  3. Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 19-10-2011, 09:53 AM
  4. Cẩn thận khi tìm mộ liệt sĩ! Chuyện của gia đình tôi!
    By 09101981 in forum Chuyện của tôi ...
    Trả lời: 33
    Bài mới gởi: 25-01-2011, 11:17 AM
  5. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 31-12-2010, 10:56 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •