Tình cờ vào quán ...lạc xon...của bạn Love Tâm Linh, thấy một số bạn rút quẻ ...bói kiều, nhưng lại thắc mắc vì không biết nghĩa làm sao. Giải thích dông dài nơi đó e rằng sẽ làm loãng chủ đề của bạn, nên TV tạm gom lại nơi đây, làm người giúp việc giải nghĩa kinh văn của người xưa. Lấy việc bói toán cho vui để giúp tinh thần học hỏi, giao lưu là chính.

Trước hết, xin nói sơ về "Bói Kiều". Vì truyện Kiều quá dài, có gần như đủ cả mọi hoàn cảnh XH, nên người xưa đã tạo ra 1 hình thức ...chiêm quẻ bằng việc giở sách xem thơ. Tùy tâm ý mong cầu mà nghiệm quẻ lời thơ theo hướng mình muốn.

Đúng sai của việc bói toán TV không dám nói, nhưng nhận thấy đây là cách làm hay của cha ông nhằm giúp cho con cháu giữ gìn và học hỏi chữ nghĩa của tiền nhân, nên TV quyết định góp một tay, hưởng ứng tinh thần của cụ Nguyễn Đình Chiểu: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm!...."

Nói về Truyện Kiều thì có lẽ ai cũng biết, nhưng vì phong cách thơ văn ngày xưa thích dùng điển tích tạo sự ẩn ý sâu xa, có vậy mới tỏ được khả năng uyên bác của mình. Không ngờ điều đó khiến cho hậu nhân gặp không ít trở ngại. Đã vậy, văn nôm thường truyền miệng là chính, nên sinh ra sự tam sao, thất bản, người đời nay không biết đâu mà lần...

Với những khó khăn đó, TV xin cố gắng hết khả năng để giúp cho các bạn nào gặp trở ngại, có thể hiểu được phần nào lời thơ, ý nghĩa. Nếu có sai sót, cũng là điều khó tránh. Rất mong được các bạn chỉ giúp cho những chỗ khiếm khuyết để được học hỏi thêm. Sao cho tất cả chúng ta cùng vui mà vẫn luôn tiến bộ.

...Thân ái,
-Thiên Vương-


Bây giờ xin bắt đầu bằng Quẻ 636 của bạn Lãng Tử:

Rằng: “Nàng chút phận hồng nhan,
“Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương!
“Đã hay thành toán miếu đường,
“Giúp công cũng có lời nàng mới nên.


Đây là lời Hồ Tôn Hiến chia sẻ với Thúy Kiều (câu 2541-2545).

1/ Hồng Nhan: Hồng là màu ửng hồng. Nhan là diện mạo khuôn mặt. Hồng nhan thường được dùng để chỉ con gái (đẹp). Có lẽ xuất phát từ điển tích Thôi Hộ gặp cô gái vườn đào ngày Xuân đời Đường. Khi ghé lại vào năm sau, không thấy ai ở nhà, nên có viết bài thơ để lại:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ứng hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Nghĩa là:

Ngày này, năm ngoái, chính tại đây
Hoa đào, mặt ngọc, sắc hây hây
Chẳng biết người xưa giờ đâu vắng
Cợt gió, hoa đào vẫn nhẹ lay....

Từ đây sinh ra thêm nhiều câu thành ngữ như: Hồng nhan bạc mệnh, hồng nhan đa truân ..v...v...

2/ Binh cách: Binh là vũ khí, binh khí. Cách là áo giáp, mũ trụ. Binh cách được dùng ở đây hàm ý chiến tranh, trận mạc như can qua.

3/ Nàn: Là tiếng nôm đọc trại từ chữ Nạn mà ra. Như Tai Nàn là Tai Nạn.

4/ Thành toán miếu đường: Miếu đường nghĩa là triều đình. Thành toán miếu đường hàm ý mọi việc đã được triều đình sắp đặt sẵn.

Từ đây ta có thể hiểu ý Hồ Tôn Hiến muốn nói rằng:

"Nàng là phận gái chân yếu, tay mềm. Gặp buổi loạn lạc nên vướng nhiều tai nạn, vì vậy, tuy là áp trại phu nhân của tướng cướp Từ Hải, nhưng ta cũng thấy tội nghiệp. Hơn nữa, tuy rằng phá được đảng cướp Từ Hải là do mưu lược triều đình hoạch định sẵn, nhưng phải nhờ có lời của nàng thuyết phục thì việc mới xong."

Ý nghĩa của 4 câu thơ là vậy, tùy theo ý bạn mong cầu điều chi khi lấy quẻ mà suy đoán nhé!

* Lời giải vui của TV cho quẻ này:

Trai thì sắp được ...tình nhân
Gái thì để ý, chớ gần ...mấy anh
Lời êm, mật ngọt sẵn dành
Hớ hênh một tý là thành ....cô dâu!



...Thân ái,
-Thiên Vương-