Người tình Hồi giáo có hương thơm kỳ dị của Hoàng đế Càn Long


Nàng không chỉ đẹp, vẻ đẹp mạnh mẽ và dữ dội của những con người đã quen với cái khắc nghiệt của gió và cát. Nàng còn mang vẻ quyến rũ đầy ma lực bởi thứ hương thơm thần bí toát ra từ khắp nơi trên cơ thể. Nhưng cũng chính vì cái “thể hương” ma mị đã đánh gục những bậc đế vương oai hùng bậc nhất ấy, nàng phải trả giá bằng cả tính mệnh của mình…



Vận nước thời tàn, mỹ nhân đổi chủ

Hương phi sinh năm 1745 trong một gia đình người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ). Vì sắc đẹp nổi tiếng, Hương phi đã được Tiểu Hòa Trác Hoắc Tập Chiêm, một lãnh tụ đạo Hồi ở vùng Tân Cương nạp làm phi. Ngay từ lúc đó, vì cơ thể cô luôn toát ra một hương thơm kỳ lạ và quyến rũ nên người ta đã gọi cô là Hương phi. Chính vì vậy, Hương phi được coi là một trong những trường hợp hiếm hoi trở thành quý phi ở cả hai vương triều.

Trong hầu hết các truyền thuyết cũng như giả thuyết lịch sử, việc Hương phi được đưa vào cung vua Càn Long đều bắt đầu từ cuộc phản loạn của Đại – Tiểu Hòa Trác. Chuyện kể rằng, năm 1757, Đại Hòa Trác Ba La Ni Đô và Tiểu Hòa Trác Hoắc Tập Chiêm giết chết phó đô thống A Đạo Mẫn của Tân Cương, khởi binh chống lại nhà Thanh. Quân khởi nghĩa của Đại Tiểu Hòa Trác rất hung hăng, lại được sự ủng hộ của toàn bộ những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ nên trong suốt 10 tháng đầu tiên, quân triều đình liên tiếp thất bại. Đến tháng 10/1758, khi Định Biên tướng quân, Triệu Huệ được Càn Long trực tiếp ra lệnh dẫn quân bình định phản loạn, Đại – Tiểu Hòa Trác mới bắt đầu vỡ trận, thua to. Năm 1759, quân Đại – Tiểu Hòa Trác đại bại, Hương phi trong hậu cung cũng bị Triệu Huệ bắt làm tù binh rồi đưa về kinh thành. Sau đó, để lấy lòng Càn Long, Triệu Huệ đã đem dâng vị quý phi có sắc đẹp kỳ lạ bậc nhất trong hậu cung của Tiểu Hòa Trác cho Càn Long.

Một thuyết khác lại kể rằng, Hương phi vốn chỉ là một Quý phi trong hậu cung của Tiểu Hòa Trác Hoắc Tập Chiêm nhưng rất nổi tiếng với sắc đẹp khuynh thành và mùi hương tự nhiên luôn phát ra từ khắp nơi trên cơ thể. Càn Long biết tiếng Hương phi, đã có ý thèm muốn từ lâu. Vì vậy, khi triều đình quyết định cử Triệu Huệ đi bình định phản loạn Đại – Tiểu Hòa Trác, Càn Long đã lưu Triệu lại mà dặn rằng, nhất định phải bắt sống vợ của Tiểu Hòa Trác mang về kinh thành. Và kết quả là vị tướng quân Định Biên không chỉ hoàn thành nhiệm vụ bình định phản loạn của những người Duy Ngô Nhĩ mà còn đem về cho Càn Long một giai nhân tuyệt sắc.



Ít lãng mạn và mơ mộng hơn, các nhà lịch sử lại đi tìm lai lịch của nàng Hương phi nổi tiếng và cho rằng, cuộc tiến cung của nàng không hoàn toàn đơn giản như một sự cống nạp tù binh. Người ta cho rằng, nàng Hương phi trong truyền thuyết thực tế chính là Dung phi (1734 – 1788), bởi lẽ, Dung phi là người có nguồn gốc Duy Ngô Nhĩ duy nhất được ghi chép lại trong biên chế phi tần của hậu cung Thanh triều dưới thời Càn Long. Theo những ghi chép này, Hương phi chính là hậu duệ của tộc người Hòa Trác thuộc chi phái Hồi giáo Cát Mộc Ba Nhĩ vùng Tân Cương còn gọi là Hòa Trác Thị. Anh trai Hương phi, Đồ Nhĩ Đô, chú là Ngạch Sắc Y, anh họ là Mã Mộc Đắc đều là những người có công lớn với triều Thanh trong cuộc bình định phiến loạn ở Tân Cương năm 1758. Năm đó, quân của Triệu Huệ tới Khách Thập, bị quân phiến loạt dùng lực lượng đông hơn hẳn vây hãm, tình thế rất nguy kịch. Khi đó, chính anh trai và chú của Hương phi đã đem quân tấn công quân phiên loạn khiến cho chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Quân triều đình của Triệu Huệ nhờ đó mới lật ngược được tình thế. Nhờ chiến công này, ba năm sau đó, Đồ Nhĩ Đô được phong tước Phó Quốc Công, toàn bộ gia đình chuyển về thành Bắc Kinh sinh sống. Và đó cũng là lúc cuộc gặp gỡ gây nhiều sóng gió giữa mỹ nhân Hồi giáo và vị đại đế Thanh triều cũng bắt đầu.

Ngay khi đến trước mặt Càn Long, Hương phi đã làm cho vị Hoàng đế ưa của lạ này ngất ngây say đắm. Các sử gia nhà Thanh hết mực ca ngợi Hương phi và hương thơm kỳ diệu nơi nàng: “Mặt ngọc chưa tới gần mà hương thơm đã ngào ngạt. Không phải hương thơm của hoa, cũng chẳng phải hương thơm của phấn mà là thứ hương thơm rất kỳ lạ và đặc biệt như muốn thấm vào lòng dạ người xung quanh”. Chẳng biết có phải vì Càn Long quá mức mê đắm Hương phi hay không mà các sử gia vốn kiệm lời ít tiếng của triều đình phong kiến Trung Hoa lại mạnh tay bạo miệng đến vậy. Song có một chắc chắn là, Hương phi có một sắc đẹp và hương thơm thần bí khiến Càn Long không thể nào cưỡng lại được.

Chuyện kể rằng, khi lần đầu tiên diện kiến Càn Long Hương phi đã nhất định không chịu quỳ và hành lễ theo nghi thức của người Trung Nguyên. Dù thái giám đã nhắc nhở nói cô phải hành lễ trước Hoàng đế, nhưng Hương phi gần như chẳng nghe thấy gì, chỉ nước mắt lưng tròng, nửa câu cũng chẳng nói. Theo luật lệ hà khắc của nhà Thanh, tội khinh quân phạm thượng ấy đủ để tru di tam tộc, nhưng Càn Long khi ấy đâu còn biết gì nữa để mà xử phạt. Nhưng không xử phạt ra oai, thì làm sao để một mỹ nhân nhường kia, thần bí nhường kia phục tùng mình đây? Nghĩ đến đó, vị Hoàng đế đương triều không nén được tiếng thở dài. Lúc ấy, một cận thận bước ra nói nhỏ vào tai Càn Long rằng, Hương phi vừa mới bị bắt từ cuộc phản loạn về, hẳn trong lòng vẫn còn nhiều bi phẫn, đau đớn. Hơn nữa, cô là người sống từ nhỏ ở nơi biên viễn, có thể không hiểu hết tục lệ, quy tắc trong cung đình. Nếu muốn được lòng mỹ nhân, Hoàng thượng nên xây dựng nơi ăn ở theo phong cách Duy Ngô Nhĩ, lại dùng vài người Hồi giáo làm người hầu hạ, thời gian qua đi, mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả.



Càn Long nghe nói mừng lắm, quyết định làm theo kế sách này, dùng thời gian và sự yêu chiều để lấy lòng người đẹp. Sau khi phong nàng làm Hương phi, Càn Long đã cho người xây dựng hẳn một tòa lầu riêng theo phong cách Hồi giáo ở hậu cung làm nơi ở cho nàng. Mọi cảnh vật, trang trí đều nhất nhất tuân theo những tục lệ và phong cách của người Hồi. Càn Long lại cho phép nàng mang theo những người hầu cũ đến ở trong cung mới được xây dựng và sinh hoạt theo tục lệ của người Hồi giáo. Đây có lẽ là một trong những trường hợp hy hữu nhất trong lịch sử khi mà một phi tần có nguồn gốc từ một bộc tộc khác lại được sống theo những tục lệ của dân tộc mình ngay giữa chốn hậu cung của một dân tộc khác. Nhưng âu cũng là chuyện thường tình khi một Hoàng đế có quyền lực nhất thiên hạ mê đắm một mỹ nhân.

Sống giữa bạc vàng, hoài niệm cố hương

Được Càn Long sủng ái hết mực nhưng Hương phi dường như không vơi được nỗi nhớ quê nhà. Cả ngày, Hương phi chỉ cầm cành hoa táo thẫn thờ nhìn cảnh vật xung quanh rồi nước mắt cứ vậy tuôn ra. Con chim nào thấy tự do khi bị nhốt trong lồng dù chiếc lồng đó được sơn son thếp vàng. Càn Long lại không hiểu được điều đó. Vị Hoàng đế quyền lực nghĩ rằng thời gian và sự yêu chiều hết mực có thể làm lung lay và xóa nhòa nỗi nhớ Tân Cương của Hương phi, nhưng khung cảnh theo lối Hồi giáo mà Càn Long xây dựng cho Hương phi vô tình lại khiến nỗi nhớ quê hương của Hương phi trở thành nỗi đau thường trực. Nhưng những cản trở cho cuộc tình đơn phương từ phía ông hoàng giàu quyền lực không chỉ có như vậy. Vào cung đã nhiều năm nhưng Hương phi vẫn khóc nhiều hơn nói và đặc biệt nàng cự tuyệt mọi ý định sủng hạnh của Càn Long. Cũng bởi quá say đắm Hương phi, Càn Long cũng không cưỡng ép nàng dù với thói quen quyền lực của một vị Hoàng đế, khi chuyện sủng hạnh với người phi tần được coi là một sự ban ơn, Càn Long hoàn toàn có thể làm việc đó. Nhưng rồi cũng đến lúc, vị Hoàng đế không kìm giữ được mình.

Đó là lần tuần thú Giang Nam, Càn Long quyết định cho Hương phi đi theo nhằm giúp nàng khuây khỏa. Khi đến Giang Nam, sau buổi tiệc ở hành cung, phần vì uống rượu, phần vì khung cảnh nên thơ tuyệt mỹ ở chốn “thiên đường trần gian”, Càn Long đã không kìm giữ được ham muốn kìm nén bấy lâu. Trong lúc sợ hãi và rối trí, Hương phi không biết từ đâu rút ra một con dao nhỏ định giết chết Càn Long. Càn Long không ngờ Hương phi lại kháng cự dữ dội đến mức như vậy, thấy Hương phi tay lăm lăm dao định đâm mình vừa tức giận vừa hoảng sợ bỏ ra ngoài. Từ đó về sau, Càn Long không còn dám cưỡng ép Hương phi nữa.



Nhưng câu chuyện trong chuyến du hành đó cũng không vì thế mà qua đi một cách nhẹ nhàng. Việc Hương phi có ý giết chết Càn Long để kháng cự chuyện sủng hạnh của Hoàng đế sau đó đã lọt đến tai Hoàng Thái Hậu. Hoàng Thái Hậu vô cùng tức giận, muốn xử tội Hương phi ngay nhưng lại sợ Càn Long phiền lòng nên nín nhịn chờ cơ hội. Trong một lần khác, nhân lúc Càn Long xuất cung tuần thú, Hoàng Thái Hậu đã cho gọi Hương phi vào cung, buộc cô phải tự tận vì những “tội lỗi” mà cô đã gây ra.

Nhiều người thì lại cho rằng, kỳ thực Hoàng Thái Hậu không thù ghét Hương phi vì nàng đã cả gan rút dao hăm dọa Càn Long mà vì hương thơm kỳ dị trên cơ thể nàng quá cuốn hút Càn Long. Kể từ sau khi Hương phi nhập cung, hơn 40 phi tần của Càn Long gần như chẳng đêm nào còn nghe thấy tiếng bước chân của Càn Long đến cung của mình. Sống trong thâm cung lạnh lẽo, lại phải nhìn cảnh một ả ngoại tộc Hồi giáo suốt ngày có thể quấn quýt bên người đàn ông của mình, thử hỏi làm sao những cung phi khác không uất giận Hương phi cho được. Vì vậy, một lần, trước mặt Hoàng thái hậu, một phi tần đã nói với thái hậu rằng, hương thơm trên cơ thể của Hương phi thực ra là một thứ yêu khí, chứ nếu là người bình thường làm sao cơ thể tự toát ra hương thơm được. Hoàng thượng cứ suốt ngày quấn quýt Hương phi, không sớm thì muộn cũng bị Hương phi sát hại. Hoàng thái hậu lo cho Càn Long, nghĩ rằng nhân lúc Càn Long ra ngoài, trừ đi hậu họa là tốt nhất, nên mới gọi Hương phi đến và bức nàng phải tự vẫn.

Hương phi trước nay cũng đã không quyến luyến gì cảnh chim lồng cá chậu giữa chốn phồn hoa mà xa lạ này, cũng đã tính đến chuyện tự tận nhưng lại sợ gây phiền phức cho những người trong gia đình. Nay Hoàng Thái Hậu đã ra lệnh cho cô tự tận để tự chuộc tội, Hương phi cũng không cầu xin mà nhận lời lui về nơi ở của mình. Trước khi tự tận, Hương phi có dặn dò những người hầu rằng, khi Càn Long trở về hãy nói với ông ta rằng, tâm nguyện cuối cùng của nàng là được chôn cất ở Tân Cương, xin được Càn Long đáp ứng.

Người ta kể rằng, khi Càn Long trở về tuần thú hồi cung, thấy Hương phi chết đã khóc lớn, nhiều ngày sau đó vẫn thương tiếc không thôi. Để nguôi ngoai nỗi thương nhớ về mỹ nhân mà mình chưa một lần được gần gũi, Càn Long còn sai những họa sỹ giỏi nhất trong cung cùng một họa gia người Ý vẽ một bức hình của Hương phi khi còn sống. Sau đó, Càn Long đáp ứng tâm nguyện cuối cùng của Hương phi, sai người đưa thi thể nàng về quê cũ và mai táng ở đó. Ngày nay, những người Duy Ngô Nhĩ ở Khách Thập, Tân Cương vẫn còn lưu giữ ngôi mộ Hương Phi để tưởng nhớ một người con gái kỳ lạ cả về sắc đẹp lẫn tấm lòng mà cô dành cho vùng đất Tân Cương.

PHONG NGUYỆT