kết quả từ 1 tới 20 trên 37

Ðề tài: Ý Thức: Một Mê Hồn Trận

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Ý Thức: Một Mê Hồn Trận

    PHÁP TÙY 13/09/1971
    (Ghi lại và kính tặng quý đạo hữu xem như một món quà tinh thần cho những ngày đầu xuân Mậu Tý -ngườibìnhthường – 01/02/2008)

    Rãi rác trong các truyện Tàu, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp những mê hồn trận. Đó là một thứ trận đồ, khiến cho người lâm trận không tìm được lối ra.
    Đối với những người lạc vào mê hồn trận, thì núi sông vẫn là núi sông cả, thành quách vẫn là thành quách xưa, nào có gì đâu thay đổi, nhưng bỗng nhiên vọng kiến thành cát bay, đá chạy những ảo ảnh điệp điệp trùng trùng. Trong cơn mê hoảng người lạc vào mê hồn trận tìm cách thoát thân. Nhưng đã là cơn mê thì bốn hướng tám phương đều trở thành mê lộ. Càng vùng vẫy thoát ly chừng nào, càng vướng vào mê lộ chừng nấy. Thật ra thì chẵng có mê lộ nào hết, chẵng có cát bay đá chạy nào hết. Cảnh vật vốn y nguyên như vậy. Chỉ có sự lầm lẫn mê cuồng của mình nên hoảng chạy đó thôi.
    Đời sống ý nghĩa của con người, phải chăng cũng chỉ là một mê hồn trận, khiến con người đâm ra thao thức, khốn khổ, quằn quại, hoảng hốt chạy tìm một lối thoát ly? Đã bao nhiêu thế kỷ trong mịt mù tăm tối của lịch sử, con người đã luôn luôn tìm cách giải quyết lấy chính mình, nhưng bài toán không bao giờ tìm ra đáp số. Ý thức như một mê hồn trận, mang mang vô tận khiến người hành giả từ suy diễn này chuyền níu qua suy diễn khác, từ mê lộ này sang mê lộ khác, lớp lớp chằng chịt không ngừng. Sự suy diễn càng bất tận, sự mơ tưởng càng bất tận, thì ý thức càng bất tận và mê hồn trận càng bất tận. Thật là một thế giới tối tăm mịt mờ vô giới hạn, nhưng cũng chính là một ngục tù giới hạn, vì ngăn cách con người không sao thấy được bộ mặt đích thực của Chân lý như thế nào ?
    Thực vậy, ý thức là một ngục tù giới hạn, bởi vì nó không bao giờ vượt ra khỏi nó. Chính vì thế mà KARL JASPERS một triết gia hiện sinh hiện đại đã cho rằng con người luôn luôn vùng vẫy trong một hoàn cảnh giới hạn (station limite). Mắt không bao giờ vượt ra khỏi hình dáng màu sắc, tai không bao giờ vượt ra khỏi âm thanh và ý tưởng không bao giờ vượt ra khỏi những vấn đề khó suy tưởng.
    Quả thế, ý thức dù nó có suy tưởng bao nhiêu vấn đề đi nữa thì những vấn đề đó cũng nằm trong ý thức, cũng cũng chính là sáng tạo phẩm của ý thức. Khi suy luận về một Thượng đế thì đó là Thượng đế của suy luận, của ý thức ta. Khi ta mơ tưởng về Niết Bàn thì Niết Bàn đó vốn thoát thai từ mơ tưởng từ ý niệm. Do đó, ta phụng thờ Thượng đế là phụng thờ Thượng đế của ý thức sáng tạo, ta hướng tâm về chân lý là hướng tâm về chân lý của ý thức ta suy diễn ra, hay khác hơn ta vẫn loanh quanh trong mê hồn trận của ý thức chứ không gì khác. Cho nên kinh Viên Giác đã bảo : “ Đem vọng tâm biến động luân hồi để nghĩ về tánh Viên Giác, thì tánh Viên Giác cũng biến động luân hồi theo” là vậy.
    Ý thức bao giờ cũng gắn liền với đối tượng và bóng dáng của đối tượng. Nếu không có đối tượng, thì ý thức không thể nào hiện hữu. Nếu không có âm thanh màu sắc, nếu không có những vấn đề cho ý thức” Ý thức”, thì ý thức sẽ “Ý thức” cái gì ?
    Cho nên ý thức về một cái gì, về một đối tượng nào, và ý thức chỉ hoạt động trong những vấn đề nó tự giăng lưới lấy. Rời đối tượng, rời vấn đề, ý thức không còn hiện diện nữa.Ý thức chỉ là kết quả của đối tượng.
    Và trái lại, nếu thức là bóng dáng của đối tượng, thì đối tượng cũng chỉ là bóng dáng của ý thức. Đối tượng hiện hữu là nhờ ở ý thức hiện hữu. Vì sao vậy? Vì nếu không có y ùthức, thì lấy gì để biết được đối tượng, đối tượng làm sao hiện bày ra được ? Vũ trụ được trình bày, được nhận biết là nhờ ở ý thức.
    Thành ra, ý thức là ý thức của đối tượng, và đối tượng là đối tượng của ý thức : không có ý thức thì không đối tượng. Không đối tượng thì không ý thức. Vậy thì mọi vấn đề đều suy diễn bao nhiêu đi nữa cũng hóa ra chiêm bao, vì chỉ là sự phóng hiện loanh quanh của ý thức. Và ngay cả ý thức cũng hóa ra chiêm bao nốt, vì phải nương dựa vào những vấn đề kia. Cả hai đều là ảo ảnh.
    Tất cả chỉ là một mê hồn trận! Thế mà con người sinh ra, lớn lên, suy nghĩ điều kia điều nọ, tiếp xúc nhận định, phê phán cảnh vật bên ngoài. Nếu biết rằng sự suy nghĩ, nhận định kia là hư ảo và cảnh vật bên ngoài cũng là hư ảo, con người chắc không khỏi bàng hoàng tự hỏi : vậy sống là gì đây? Vũ trụ là cái gì đây? Chúng ta sống hay chúng ta bị sống ? Chúng ta: thấy, nghe, hay, biết – Hay bị cảnh vật làm chúng ta: thấy, nghe, hay, biết ? Vũ trụ vốn xuất hiện hay bị nương vào nhận thức của ta mà xuất hiện ? Hay tất cả chỉ là ảo ảnh mơ màng mà con người không tài nào thoát ly ra được ?
    Nhưng thoát đi đâu ? bốn hướng tám phương phải chăng cũng là màn giăng của ý thức, chỉ là ảo ảnh do ý thức phóng hiện ra ? Và nào có ta để mà thoát ? Ta cũng chỉ là một ảo ảnh sương khói kia mà! Vậy mà trong cái mê hồn trận muôn đời kia, bao nhiêu khối óc mệnh danh là siêu quần đã tìm cách thoát ly, bao nhiêu học thuyết, triết lý đã xuất hiện ra đời! Nào duy tâm, nào duy lý, nào duy thần. Người ta suy diễn một cứu cánh cuộc sống. Người ta đâu biết rằng tất cả đều loanh quanh trong ý thức. Tất cả đều là sản phẩm của ý thức và Chân lý không thể nào xuất hiện trên bình diện ý thức được – Mê hồn trận vốn đã dày đặc, tăm tối lại càng bị khuấy động cho dày đặc, tăm tối thêm.
    Đạo Phật xuất hiện trên thế gian là để phá tan sự mê lầm không thực tế về mê hồn trận đó. Nhưng xót xa thay, những người thành tựu giác ngộ thật quá hiếm hoi. Phần đông những người mệnh danh là Phật tử đáng lẽ hướng tới sự giải quyết mê lầm thì càng ngày lại càng mịt mờ trong đời sống của ý thức càng làm cho mê hồn trận thêm lớp lớp chập chùng.
    Trong mê hồn trận vốn không có cát bay, đá chạy mà vọng thấy cát bay đá chạy. Cũng vậy, Chân lý vốn không có mình, có người. Vậy thì, đem cái mình giả huyễn, để giải quyết chuyện người giả huyễn phải chăng là việc làm của ý thức?
    ! Vậy mà bao nhiêu người quá thiết tha với đạo Phật, đòi hiện đại hóa đạo Phật, đòi đem đạo Phật để giải quyết quốc gia dân tộc, cơm áo hòa bình, công bằng xã hội. Họ quên rằng việc” đòi” đó chính là hư ảnh, chính là ý thức, chính là vọng tâm. Họ quên rằng tất cả công việc đa đoan kia chính là mê hồn trận. Mục đích của đạo Phật là phá vỡ sự lầm lạc về mê hồn trận, khai ngộ chân tâm, chứ không phải là càng ngày càng lạc sâu vào mê hồn trận sáu nẻo luân hồi. Ý thức là hư ảnh của vũ trụ. Giấc mộng vốn đã dày sao còn làm thêm dày đặc. Trong giấc mơ vĩ đại làm gì có dân tộc của riêng mình, làm gì có văn hóa của riêng mình, làm gì có ý thức hệ của riêng mình ? Mình ở đâu ? vạn vật ở đâu ? ý thức ở đâu và đối tượng ở đâu ? hay cả hai đều vọng sinh vọng diệt ? Người đại ngộ Chân lý thì làm gì cũng Chân lý. Người mê lầm thì làm gì cũng quanh quẩn với mê lầm. Lặn lội với chiêm bao chỉ tạo thêm khổ đau làm cho chiêm bao kéo dài mãi mãi.
    Ngoài ra, lại còn biết bao người ngày ngày xây dựng kiến thức của mình bằng cách gặm mòn từng trang kinh điển. Họ giải thích Kinh Lăng Nghiêm, luận bàn Kinh Viên Giác, chú giải kinh Hoa Nghiêm …này đây là sinh lão bịnh tử ; này đây là Khổ Tập Diệt Đạo ; này đây là Pháp Hoa huyền nghĩa ;này đây là Trung đạo viên dung. Nào Có nào Không , phi Có phi Không, cũng Có cũng Không, thôi thì đủ thứ. Chưa nhập vào Tịch Diệt mà mở miệng thì toàn là Không Tịch Diệt, nhìn đâu cũng trăm ngàn tướng mà hé môi toàn cả Bất Nhị, Không Hai. Còn đầy rẫy phàm tâm mà dám chê quả Thánh Thứ Tư ( A La Hán) là chồi khô mộng lép; đắm nhiễm theo tình ái, danh uy mà cứ cho đi, đứng, nằm, ngồi đều là Thiền. Họ đâu biết rằng, tất cả những vọng tưởng, vọng hành đó đều là ý thức. Chính họ, họ chẵng giải quyết được họ là gì. Bịnh tật khổ não đớn đau già chết vẫn vây bủa họ trong sự bất lực của con người. Họ chẵng biết họ sẽ về đâu trong vũ trụ mênh mông , trong cơn mê hoảng bịt bùng nghìn đời của sự sống.
    Ôi ! Ý thức, một mê hồn trận! Cái biết của con người luôn luôn giả huyễn, hạn cuộc, hay vốn bất biến, vô cùng? Cái biết của Mê có khác gì cái biết của Tỉnh ? Ý thức quả là một mê hồn trận, nhưng mê hồn trận của người mê, chứ nào đâu của kẻ Tỉnh!
    Làm sao thoát ly ra khỏi mê hồn trận? Chẵng có cách thức thoát ly nào hết, bởi vì đã chiêm bao thì dù có trốn chạy đến chân trời góc bể, sự trốn chạy đó cũng diễn trong chiêm bao.
    Chúng ta chỉ cần hết mơ. Chúng ta chỉ cần được Tỉnh. Hiện nay vẫn có người đang Tỉnh và làm công việc lay Tỉnh đó.
    Last edited by ngườibìnhthường; 01-02-2008 at 08:46 PM. Lý do: ghi thiếu

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •