RƯỢU TRONG VĂN HÓA TÂY NAM BỘ
Trần Minh Thương

Thời điểm rượu xuất hiện …

Khó có thể biết được rượu ra đời từ lúc nào, ở đâu, song nói về rượu, về tác dụng chữa bệnh, về văn hóa uống rượu thì tất cả các dân tộc trên thế giới đều có. Ở Việt Nam, rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đình đám, với những lời thề ước, nhưng nếu uống rượu quá đà cũng gây nhiều phiền lụy...

Lĩnh Nam chích quái cho rằng: Buổi mới dựng nước, đồ ăn của dân chưa đủ. Lấy vỏ cây làm áo, dệt cói làm chiếu, lấy hèm gạo làm rượu, lấy bột quan lang (cây dao) làm bánh, lấy thịt chim muông làm mắm, lấy gừng làm muối, cấy bằng dao, đốt cỏ làm lửa, lấy ống tre để nấu cơm, gác gỗ làm nhà để tránh khỏi hổ lang làm hại.

Và có lẽ cũng từ đó, rượu đã đi đời sống văn hóa của người bình dân và bằng cách này hay cách khác nó đã tồn tại trong cộng đồng người Việt nói chung, trong đó có người dân đồng bằng sông nước Cửu Long.

Theo Cơ sở văn hoá Việt Nam của Trần Quốc Vượng (chủ biên), phần được coi là Tây Nam Bộ có diện tích khoảng 4.000 km2, chủ yếu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, một số đảo (lớn nhất là đảo Phú Quốc) cùng một vài dãy núi thấp ở phía Tây An Giang, Kiên Giang. Lịch sử hình thành vùng đất này gắn liền với bước chân những người đi mở cõi thế kỷ XVII – XVIII

Tới đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng kinh

Cư dân vùng đất này chủ yếu là người Việt, bên cạnh đó có đồng bào các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm, … sinh sống trong tình thần đoàn kết, thân ái. Và giữa các cộng đồng dân cư ấy, sự ảnh hưởng và giao thoa văn hóa diễn ra một cách tất yếu.

Người Việt (Kinh) có mặt ở vùng đồng bằng do phù sa sông Cửu Long bồi đắp này, tính đến nay đã hơn ba thế kỷ. Theo nhiều tài liệu đánh tin cậy, những người đầu tiên đến đây mở cõi cùng lúc với các sắc chỉ của chúa Nguyễn cho di dân vào phương Nam để khẩn hoang lập làng lập ấp. Cùng với những nét văn hoá vật chất còn truyền lại thì những nét văn hoá tâm linh cũng được con cháu hậu sinh bảo tồn lưu giữ.

Khi mới đặt chân đến vùng đất này, Tây Nam bộ từ miền đất hoang vu rừng rậm, nhiều sông rạch, đầm lầy "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh , trên rừng nhiều thú dữ, rắn độc và động vật quý. Dưới nước tôm cá bạt ngàn, còn có cá sấu, cá mập, …

Người nông dân Tây Nam bộ lao động cần cù, dũng cảm. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước cải tạo những mảng đất bát ngát nhưng phèn chua và ngập nước, phòng chống thú dữ trên rừng, chống lam chướng dưới nước để trồng lúa, đánh bắt cá tôm, … Ở vùng đất giồng cao hơn thì trồng cây hái trái, … trồng tỉa hoa màu, …Ðể tồn tại và phát triển tất yếu các gia đình nông dân trong xóm ấp liên kết lại, lao động dần công (đổi cồng) cưu mang đùm bọc trong cái nghĩa “bán anh em xa mua láng giềng gần”, giúp đỡ nhau chén cơm manh áo, hột gạo của khoai, “tối lửa tắt đèn” có nhau.

Tuy cuộc sống vô cùng cơ cực ngày ngày lao động trên đồng ruộng, đêm đêm nam nữ quây quần xay lúa, giã gạo, chài đôi, chài ba, rồi ca hát hoặc hò đối đáp dưới ánh trăng, tình quê tuy mộc mạc nhưng thấm đậm nghĩa tình.

Những người nông dân có mặt ở vùng đất Tây Nam bộ này hơn 300 năm trước đây là những nông dân đến từ nhiều vùng ở miền Trung, miền Bắc. Một số ít người Hoa (nhó Minh Hương), chạy bỏ nhà Thanh, đến định cư nơi này (theo Trần Thượng Xuyện, Dương Ngạn Địch, …), nhóm của dòng họ Mạc ở Hà Tiên là hùng mạnh nhất.

Buổi đầu lập nghiệp trên vùng đất hoang sơ gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, vất vả, … mồ hồi và cả máu của họ đã đổ xuống, thành quả đạt được là những cánh đồng lúa vàng cò bay thẳng cánh, những vườn cây mát mắt trĩu quả quanh năm, …Theo đó, mối quan hệ giữa người với người từ bốn phương tụ hội trên mảnh đất này càng thêm ấm áp nghĩa tình. Tấm lòng người nông dân Tây Nam bộ xưa nay luôn đức độ bao dung, sẵn sàng tha thứ cho những ai biết hối cải lỗi lầm, nhưng cũng không tha thử kẻ gian ác, điêu ngoa. Họ coi trọng nhân – nghĩa – trí – dũng – liêm, lòng thương người bao la vô tận, nhưng rất ghét bọn gian tà, xu nịnh, những kẻ "tham phú phụ bần". Tính cách khí khái “trọng nghĩa khinh tài”, “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”, sự cương trực “ăn ngay, nói thẳng”, … đã góp phần tạo nên bản sắc riêng trong đời sống của người dân miệt sông nước Cửu Long.

Gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày thức uống của họ ngoài nước mưa, nước giếng, họ còn dùng trà hay các thứ rễ cây, lá cây pha nước để giải khát. Rượu cũng là loại đồ uống không thể thiếu đối với người lao động bình dân. Rượu là đồ uống, nhưng không phải là nước, chức năng của nó không đơn thuần chỉ là giải khát, và đương nhiên rượu cũng được chế biến kỳ công hơn là nước có sẵn từ tự nhiên. Xét về góc độ văn hóa, rượu đã tạo nên một đặc trưng thú vị!

Cách nấu rượu


Để có được rượu ngon tuyệt hảo người ta phải chăm chút từng hạt nếp, cục men, từng động tác chưng cất, pha chế để được loại rượu ngon nhất. Chọn nếp là bước quan trọng đầu tiên. Muốn được rượu trong thì nếp phải ''rặt'', tuyệt đối không được lộn hạt gạo nào. Thường là nếp mỡ và nếp mù u và nếp than đen tuyền, ... Sau khi chọn nếp ngon, đem nấu thành cơm nếp, để nguội (còn âm ấm) thì rắc men vào (giã nhuyễn) vào ủ kín. Men rượu nguyên thủy được mài rễ thảo mộc hoặc men bí truyền chế từ các vị thuốc bắc: quế khâu, đinh hương, trần bì, quế chi, đại hồi cộng thêm nhãn lồng, trầu hương... Sau ba đêm, men đã lên, người ta chan nước vào ủ kín lại như lúc đầu, để thêm ba đêm sau nữa thì nấu.

Lò nấu rượu đắp bằng đất sét. Cơm rượu được cho vào trã (loại nồi bằng đất nung lớn), dùng rơm, rạ, cũi khô đun lên, hỗn hợp cơm rượu có nước bay hơi, người ta cho hơi nước ấy gặp lạnh (nước lạnh này chứa trên cái diệm sành) thì ngưng lại thành giọt rượu, cứ thế hứng vào chai, ve, can nhựa, …

Lúc trước nấu bằng rơm, trấu nên phải mất cả ngày trời mới xong một mẻ rượu, nay nấu bằng than đá nên nhanh hơn, chỉ cần khoảng 4 tiếng đồng hồ là xong (một tiếng đun sôi, 3 tiếng để lấy rượu).

Rượu lấy được lúc đầu gọi là rượu gốc, nước trong veo, cao độ, cứ thế dần về sau nước rượu nhạt dần. Khi nấu xong, tùy theo yêu cầu và mục đích dùng người ta pha “nước gốc” và “nước ngọn” chung vào nhau, cũng có khi để nguyên rượu gốc mà dùng, hay pha thêm nước cho nồng độ lạt bớt đi!

Xin được nói thêm ngày nay, nhiều người đã thay nếp bằng gạo để nấu rượu, chất lượng của loại rượu này đương nhiên thấp hơn so với nguyên thủy!

Tên gọi các loại rượu


Rượu nấu bằng nếp như chúng tôi đã miêu tả nên tên gọi đầu tiên của nó là rượu nếp. Dân gian còn gọi bằng nhiều tên khác như rượu trắng, rượu đế, …

Rượu trắng là dựa vào màu sắc của nước rượu. Cũng loại rượu ấy, nhưng nhiều người nấu nếp than (loại nếp hạt đen) làm cơm rượu (xin nói thêm cơm rượu này cũng là cơm nếp ngon, được vò viên tròn nhỏ cỡ đầu ngón chân cái, ủ men, chan nước đường, dùng ăn chơi lũ nhàn nhã, thức ăn này có loại men riêng, còn “cơm rượu” dùng để nấu rượu ít người “ăn nổi” bởi nồng độ men của nó “nặng” hơn nhiều!), nghiền nát cho thêm nước có đường vào pha chung tạo thành loại rượu có màu hồng sẫm, được gọi là rượu nếp than.

Rượu nếp than đậm đặc rồi chôn xuống đất, … mấy tháng đào lên uống rất ngon hơn nhiều lần, dân nhậu gọi là “lão tửu”!

Rượu trắng, rượu nếp than còn có những tên gọi khác: rượu đế, nước mắt quê hương!

Tên gọi rượu đế được nhiều bậc lão nông tri điền miệt vườn giải thích rằng: Đầu thập niên 1860, Pháp đến xâm chiếm vùng Sài Gòn – Gia Định, sau đó lấn dần toàn cõi Nam kỳ lục tỉnh. Chúng ngang nhiên “cấm người bản xứ nấu rượu” nhưng lại buộc dân ta uống “rượu Tây!”. Bà con ta tất nhiên là không chịu để bọn thực dân đô hộ lộng quyền nên quyết định … nấu rượu lậu. Rượu lậu vừa rẻ lại vừa ngon hơn rượu của Nhà nước thực dân, cơm rượu được cho vào các hủ sành rồi đem giấu trong những lùm tranh, lùm đế ở xa nhà, hoặc khi thấy Tây đoan đến bắt, nghe động thì bê tất cả nồi rượu, bình rượu chạy vội dấu dưới đồng cỏ hoang dại mọc toàn cây đế, một loài cây giống cỏ năn, cỏ lác, cỏ tranh, hay lau sậy mọc cao vút đầu. Từ đó, dân gian gọi rượu này là rượu đế!

Nhưng xem ra không mấy bợm nhậu hiểu tường tần nguyên lai của hai tiếng rượu đế này. Họ chỉ gọi rượu đế là rượu vua. Dân nhậu tự xưng là con Ngọc Hoàng, mà con Ngọc Hoàng thì không phải sợ ai cả!

Hiu hiu gió thổi đầu non
Mấy người uống rượu là con Ngọc Hoàng

Đặc sản rượu đế có rượu đế Gò Đen. Gò Đen là một địa danh Bến Lức, tỉnh Long An. Rượu đế Gò Đen có từ thời Pháp thuộc. Vì sao Gò Đen lại được coi là ''đệ nhất tửu''? Truyền rằng, trước đây, dân Gò Đen nấu rượu bằng tất cả cái tâm.

Người Gò Đen cẩn thận trong các bước nấu rượu. Nếp được ngâm đến ngày thứ bảy thì mới bắt đầu cất rượu. Rượu đế Gò Đen dễ nhận biết. Dân sành rượu thường dùng cách lắc chai để nhận biết rượu ngon hay dở. Rượu ngon khi lắc chai sẽ nổi bọt và phân thành 3 tầng rõ rệt, bọt lại chậm tan.

''Mỹ tửu'' Gò Đen ''chinh phục'' người uống bởi rượu trong như nước mưa. Mỗi khi rót rượu vào ly, tiếng rượu chảy, vị cay nồng đã đủ làm say, làm khao khát lòng người uống.

Để đánh giá chất lượng rượu, người bình dân miệt này còn truyền tai câu hát:

Rượu ngon bởi vì men nồng
Người khôn bởi vị giống dòng mới khôn.

Rượu đế được đem ngâm với bìm bịp (một loài chim mà theo kinh nghiệm dân gian là một phương thuốc có tác dụng bổ thận tráng dương), gọi là rượu bìm bịp, ngâm với con tắc kè (loài bò sát, đã được thẩm định là có chức năng chữa bệnh gân cốt) gọi là rượu tắc kè, … Tương tự thế, rượu đế ngâm với chuối hột (trái chuối hột chín, loại chuối rừng cho trái nhỏ, vỏ dày, nhiều hột đen, được đem về ép phơi khô, nướng sơ qua lửa than rồi cho vào keo đổ rượu đế vào ngâm) một tháng sau, rượu có màu đỏ au, gọi là rượu chuối hột; rượu ngâm với rễ nhàu, hoặc trái nhàu chín tạo nên màu vàng nhạt, gọi là rượu nhàu! (Nhàu ở đây còn được bợm nhậu chơi chữ, uống vô … nhào luôn!)

Riêng rượu rắn thì có nhiều loại tam xà, ngũ xà, nhiều khi người sành điệu chỉ ngâm trong hủ duy nhất một con … hổ mang chúa! Rượu ngâm thuốc bắc cũng rất đa dạng, những năm gần đây dân miệt này cũng rất hảo loại … Minh Mạng thang!

Ngoài những thứ rượu đế ngâm hoặc để nguyên chất uống, nhiều người còn ngâm rượu để bóp chân tay, gân cốt, … thứ này không phổ biến, thường chỉ có các thầy thuốc nam, hoặc các thầy dạy võ mới sử dụng!

Rượu trong lễ nghi, phong tục

Đối với người miệt sông nước, bất cứ nghi lễ nào cũng không thể thiếu … rượu!

Trong cuộc đời con người, từ lễ đầy tháng, thôi nôi cho trẻ con mới sinh cũng dùng rượu để cúng mười hai mụ bà, mười ba đức thầy, cầu mong cho trẻ mau lớn, khỏe mạnh!

Lễ cưới, hỏi của nam nữ thanh niên, rượu luôn luôn có mặt. Cách đây gần thế kỷ, khi đi mời khách đến dự đám cưới, đám hỏi, nhiều gia đình khá giả, hiểu lễ nghĩa thường cho người mặc áo dài, chít khăn đóng, mang theo mâm trầu rượu đến nơi thì kính cẩn rót rượu mời gia chủ và sau đó mới trình thưa chuyện. Ngày nay, trong thiệp hồng báo tin vui, người ta vẫn dùng câu … Vui lòng đến dự tiệc RƯỢU, chung vui cùng gia đình chúng tôi, …. Trong mọi hoạt động lẽ nghi của đám cưới, đám nói, luôn luôn có một chiếc bình nhỏ và hai chiếc chung nhỏ (gọi là mâm trầu rượu). Muốn nói gì, thưa chuyện gì chủ lễ đều phải rót rượu để trình rồi mới thưa chuyện, …

Cũng từ đó mà đôi tân lang tân giai nhân vui mừng ra mặt khi dâng chung rượu cho đấng sanh thành:

Rượu lưu li chân quỳ tay rót,
Cha mẹ uống rồi nối gót theo anh.

Lễ tang, kết thúc một đời người, rượu cũng được dùng cúng tế, lễ cúng đám giỗ thì sau ba tuần rượu, hai tuần trà mới được … lui mâm! Khi đốt áo quần vàng mả, đồ đốt cháy hết người ta rưới vào đó ít rượu với tâm niệm để người dưới suối vàng … nhận lễ!

Ở các lễ hội cúng đình, cúng miễu, rượu cũng luôn luôn có mặt, và giữ vai trò quan trọng về mặt nghi lễ! (Trừ lễ Phật ở chùa, bởi rượu là thứ giới cấm của Phật giáo)

Rượu ngon chắt để bàn thờ
Ba bốn năm không lạt (nhạt), sao giờ lạt đi?

Rượu để uống hàng ngày

Như chúng tôi vừa nói, rượu chủ yếu là để uống. Các hình thức uống rượu, mục đích của việc uống rượu vốn rất đa dạng, phong phú.

Uống rượu … một mình: chỉ một người, một bình rượu đế nhâm nhi để giản gân cốt sau một ngày đào mương, vét cỏ, làm vườn, cấy ruộng, … Hay người trong cuộc có chuyện buồn đau trong đời không thể bày tỏ cùng cộng đồng, người ta cũng mượn rượu để giải khuây.

Hồ Xuân Hương ngày trước đã có câu thơ nổi tiếng miêu tả tình cảnh đó: Chén rượu hương đưa say lại tỉnh (Tự tình)

Rượu càng uống cảng tỉnh, mới là nỗi đau lên đã lên đến tận cùng!

Rượu uống với bạn bè để vui vẻ: dân gian thường nói trà tam rượu tứ. Uống rượu, ít khi một mình. Thường mâm rượu có hai, ba, bốn, … thậm chí cả … chục người cùng nhau “nâng ly, cạn chén”. Người dân miệt sông nước Cửu Long có đặc tính hào phóng mỗi khi rượu đã vào. Có khi lúc đầu mâm rượu bày trước cửa sân nhà chỉ vài người, sau một hồi, … gặp bất cứ ai đi ngang (không phân biệt quen hay lạ) đều được gia chủ mời vô … uống! Chuyện cười ra nước mắt cũng xảy ra: những vị khách “trên trời rơi xuống” này, uống đã, say lăn ra ngủ. Khi tỉnh lại cả chủ lẫn khách không ai nhận ra ai, bởi họ chẳng … quen nhau!

Mỗi khi có khách ở xa đến chơi thì gần như chắc chắn sẽ có … nhậu, bởi khách đến nhà không gà thì vịt, vậy mà!

Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa.

Nhiều lúc cao hứng chỉ vài cần vài con khô cá sặt, khô cá trê, thậm chí chỉ là trái chuối chát, trái khế, trái me dốt với chén mắm ruốc, vài cục muối, mấy trái ớt, … họ cũng nhậu được!

Về chỗ nhậu thì trong nhà, ngoài vườn, trên bờ mương, đầu ruộng, … miễn là có chỗ ngồi được là xong.

Ở miệt vườn, thường uống bằng ly (loại dùng uống trà), kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Uống rượu cũng có nhiều cách. Chơi nguyên táo, tức là uống cạn cả ly; cưa hai cho đậm đà tình nghĩa, tức là người trước uống nửa ly, người sau uống nửa ly còn lại. Theo cách uống này, thì ai lớn tuổi hơn được kính trọng mời uống, người nhỏ hơn uống sau. Có khi, để tỏ rõ sự sòng phẳng trong bàn nhậu họ tự giao ai bưng ly nấy uống, như vậy đỡ tốn tiền đò! (chuyền tới chuyền lui).

Nếu như ở nhiều nơi ngoài miền Bắc trong mâm rượu, mỗi người được “phân” một chung, rượu rót đầy ai muốn uống sao thì tùy lượng, còn ở miền Tây không bao giờ uống rượu cách đó, cả mâm chỉ dùng chung một ly. Bàn rượu cử “chủ xị” làm người cầm chai rót và chuyền. Chủ xị thường phải công bằng, chuyền cho đủ và không được quên ai, kỵ nhất là “quên mình” (nếu xảy ra, sẽ bị coi là ăn gian, bị phạt nặng). Muốn “từ chức”, chủ xị phải tự uống 3 ly, ai cãi chủ xị, nếu sai cũng bị phạt 3 ly, nếu chủ xị phạm luật tức bỏ qua ai đó trong mâm sẽ bị phạt, … Uống rượu thì phải cạn đáy, ai uống còn sót lại chút ít, bị cho là “kê tán” … sẽ bị mất danh của … người nhậu!

Ai đến sau, hoặc về trước cũng bị phạt theo luật vào ba, ra bảy (vào trễ uống phạt liên tiếp 3 ly, ra về trước thì phạt … 7 ly!) ...

Đánh giá tửu lượng, dân nhậu truyền nhau bài vè sau đây:

Một ly nhâm nhi tình bạn
Hai ly giải cạn tình sầu
Ba ly mũi chảy tới râu
Bốn ly nằm đâu gục đó
Năm ly cho chó ăn chè
Sáu ly ai nói nấy nghe
Bảy ly le le lội nước,
Tám ly chân bước chân quỳ
Chín ly còn gì mà kể
Mười ly khiêng để xuống xuồng

Chúng ta có thể thấy nét văn hóa trong ly rượu mà người miền Tây Nam Bộ chịu ảnh hưởng trong môi trường sống, sinh hoạt ở vùng đồng bằng cò bay thẳng cánh này là:

- Rượu là niềm tự hào về đặc sản của vùng miền

- Men rượu giúp con người thêm mạnh mẽ trong quá trình chinh phục thiên nhiên, tạo sự hứng khởi, tăng hiệu quả trong lao động sản xuất. Rượu để khuây khỏa tâm sự, u ẩn trong tâm hồn con người

- Rượu gắn liền với lễ nghi, phong tục, tập quán của cư dân Việt. Rượu trở thành “đối tượng” để người hiện tại giao tiếp với người khuất mặt. Mượn men rượu nhờ thánh thần chứng kiến con cháu hiện tiền làm ăn, chung sống vẹn tình trọn nghĩa.

- Rượu thắt chặt tình thâm thủ túc, bằng hữu, người lạ hóa quen, nhiều khi nhờ một ly rượu … tình cờ.

- Rượu để xua tan mùi xú khí, tà ma, …

- Rượu với những tác hại gây ra những hậu quả khôn lường mà dân gian đã cảnh báo

Không thể tách rượu ra khỏi đời sống, rượu đã trở thành nét sinh hoạt độc đáo, thú vị mà người dân tạo nên. Vấn đề là làm sao lượng sức mình, người uống đủ “tỉnh táo” sử dụng nó một cách hiệu quả và hợp lý nhất.