Ảnh ý tưởng - sáng tạo hay copy ý tưởng?
Trên thế giới, ảnh ý tưởng xuất hiện từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước, nhưng ở Việt Nam, ngay cả những người trong nghề hiện vẫn còn ý kiến trái ngược nhau về thể loại này. Bên lề triển lãm Ảnh ý tưởng - năm 2012, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức tọa đàm về thể loại ảnh ý tưởng, thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và công chúng.

Ảnh ý tưởng ra đời cũng nhằm mục đích bám sát và phản ánh cuộc sống hàng ngày; nhưng khác với ảnh truyền thống là trong mỗi hình ảnh, tác giả sử dụng giải pháp nhân cách hóa, hình tượng hóa sắp đặt các vật chất thiên nhiên, chụp, chắp ghép từ nhiều dữ liệu ảnh tạo thành tác phẩm, truyền tải đến người xem thông điệp hàm chứa nhiều ý ẩn dụ, đa nghĩa, đa cảm. Người xem ảnh có thể hiểu ngay được tác phẩm, nhưng cũng có thể phải suy ngẫm và liên tưởng đến cuộc sống quanh mình với nhiều ý nghĩa sâu xa, triết lý, nhân văn.

Bàn về vấn đề này, nghệ sỹ nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường, người từng tham gia và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế, cho rằng, người sáng tác ảnh trước khi bấm máy phần lớn đều đã xây dựng cho mình ý tưởng, nội dung của bức ảnh định chụp, tức là bản thân tất cả thể loại nhiếp ảnh đã có ý tưởng trong đó rồi. Ý tưởng này sẽ được thực hiện bằng nhiều phương pháp, trong đó có hình thức chắp ghép nhiều hình ảnh lại với nhau để tạo ra một bức ảnh mang ý tưởng của tác giả. Từ khi ảnh kỹ thuật số ra đời, đặc biệt có phần mềm photoshop hỗ trợ, thì việc chắp ghép ảnh trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Vì lẽ đó, không nên cường điệu hóa vai trò của một thể loại nhiếp ảnh như ảnh ý tưởng. Trong các cuộc thi ảnh do FIAP hoặc PSA bảo trợ không thấy có thi thể loại ảnh ý tưởng.


Vì màu xanh Tác phẩm của Đinh Mạnh Tài

Còn theo ông Cao Phong, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh, ảnh ý tưởng cũng có một phần tranh đồ họa, một phần của nghệ thuật sắp đặt trong mỹ thuật. Thực ra đây chỉ là nghệ thuật sắp đặt trong ảnh mà thôi. Đa số bức ảnh được chắp ghép theo phương pháp đồ họa hoặc nói cách khác theo ý tưởng đồ họa trong mỹ thuật. Có bức sao chép lại ý tưởng chứ chưa có sáng tạo. Do đó, triển lãm Ảnh ý tưởng 2012 vô tình là cơ hội cho một số tác giả copy ý tưởng của người khác. Việc học hỏi, ảnh hưởng từ người khác là khó tránh khỏi nhưng nếu ảnh hưởng nhiều quá thì thành copy lộ liễu. Với những tác phẩm sáng tạo theo kiểu copy, nếu làm không khéo, chưa nhuần nhuyễn, tác phẩm sẽ trở nên lem nhem, giảm giá trị.

Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, theo ông Nguyễn Thành - Ủy viên Hội đồng lý luận, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, ảnh ý tưởng là lối thoát để người ta sử dụng kỹ thuật photoshop cho nhiếp ảnh một cách tích cực nhất. Bởi đã có nhiều người thay vì hiểu photoshop là một phương tiện trong nhiếp ảnh lại cho rằng nó là một dòng nhiếp ảnh. Nếu không có ý tưởng, nhiếp ảnh chỉ là sắt thép, nhưng ở đây ý tưởng được hiện thực hóa để đưa lên thành một vấn đề có tính xã hội. Đáng tiếc, giải thưởng năm nay đều thuộc về các nhiếp ảnh gia trẻ thông thạo photoshop, trong khi chủ đích cuộc thi là ý tưởng - vốn là thế mạnh của thế hệ cầm máy lão làng.

Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành, sự xuất hiện hay tiếp nối một xu hướng sáng tạo mới không phải để phủ nhận cái trước đó mà chỉ làm cho nghệ thuật phong phú và đa dạng hơn trong sáng tạo. Triển lãm Ảnh ý tưởng mở ra một sân chơi mới cho các nghệ sỹ thể hiện mình. Mong rằng, trong sân chơi mới này, các nghệ sỹ trẻ cần nghiên cứu, thể nghiệm một cách nghiêm túc để ảnh ý tưởng không còn là sự copy ý tưởng. Ông Cao Phong nhấn mạnh: đã là ảnh phải có ý, ý phải lớn hơn màu sắc, kết cấu; copy thì phải biết phát triển ý tưởng đó để thể hiện được cuộc sống hiện thực đang diễn ra.

Hương Sen