“Đặc sản nói tức” Đông Loan



Một góc làng Đông Loan

Ngoài tập quán như mọi làng xã khác, có đình thờ thành hoàng, có chùa thờ phật, làng nói tức Đông Loan (Lãng Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang) còn có đền thờ thần (chết trôi), từ thờ bà cô (núi Con Tiên), miếu thờ Tổ sư các nghề phụ, điện thờ thổ địa, sơn thần... Bởi thế, tín ngưỡng này chê bai tín ngưỡng khác cũng phát sinh nói tức. Hàng năm Đông Loan tế lễ tại đình, cỗ to cỗ nhỏ, xóm giàu, xóm nghèo cũng nói "xước"(nói kháy, nói tức) lẫn nhau. Đó là một giả thiết xem ra khá logic khi nhà nghiên cứu Trần Quốc Thịnh lý giải về ngọn nguồn nói tức ở Đông Loan.


Nói tức cả chó, cả gà
Nói tức, Đông Loan nổi tiếng nói tức cả chó, nói tức cả gà:
Khách vào, chủ nhà cứ ngồi bó gối trên trường kỷ, không ra xua chó, cũng không ra đón khách. Ngoài sân mới mưa xong còn vọt vẹt nước, con chó cứ sủa nhắm nhắc trong nhà. Ông chủ quát:
- Ra ngoài sân mà sủa, có sợ lấm chân thì guốc đây, tao cho mượn.
Lại có ông nói tức cả gà. Gà đẻ xong cứ dác ỏm tỏi. Ông Đông Loan vợ vừa đẻ đang cần giữ im lặng, thấy gà dác điếc tai, liền quơ ngay hòn đất ném:
- Không biết ruốc, đẻ xong ai chả vừa đau vừa rát (cục ta cục tác), vợ tao thì nằm im, mày sao cứ phải kêu nhặng lên thế?



Thế gian còn có một làng...

Xưa kể rằng, quan huyện mới đổi về Phượng Nhỡn, nghe tin Đông Loan nói tức tài lắm, bèn gọi Lý trưởng Đông Loan lên:"Này, thầy Lý, nghe tin dân Đông Loan nói tức tài lắm. Anh thử nói cho ta tức xem?". Lý trưởng cãi: "Dạ bẩm quan nói láo!". Quan đập bàn: "Ta vừa buông mồm, thầy bảo ai nói láo". Lý trưởng Đông Loan: "Dạ bẩm quan, ngài bảo con nói một câu xem ngài có tức không mà". Lại một câu chuyện khác: Tri huyện mới được bổ về, biết rõ người tiền nhiệm bị lỡm rồi, bèn xuống tận làng Đông Loan, gặp mấy bác thợ cày, hỏi: "Này mấy thằng Đông Loan, có phải dân làng mày nghịch lắm, dám nói tức cả quan huyện phải không?". Mấy bác đi cày dừng trâu: "Dạ bẩm quan lớn, nói tức thì có, nhưng còn nghịch thì chỉ có mấy thằng trẻ con mới nghịch thôi ạ". Sau lần đó, suốt thời gian làm quan ở Phượng Nhỡn, viên tri huyện này không dám bén mảng xuống Đông Loan.

Chuyện nói tức ở Đông Loan nhiều nhà nghiên cứu đã cố công lý giải tại sao trời đất lại sinh ra cái làng kỳ lạ này, nhưng có vẻ như mọi câu trả lời đều chưa đâu vào đâu. Nhà nghiên cứu Trần Quốc Thịnh (nhà ở Quế Võ, Bắc Ninh), người sưu tầm viết sách chuyện làng Đông Loan đã thống kê kỹ càng, rằng Đông Loan là "nhất xã, ngũ thôn", thế nên số lượng người nói tức của Đông Loan giờ lên tới hàng vạn. Nhiều người bảo rằng, Đông Loan lắm nghề thì mỗi người một nghệ. Người buôn bán nói "phi thương bất phú", người làm ruộng lấy canh nông vi bản cho rằng "săn sóc không bằng góc ruộng", người làm thợ bảo "ruộng bề bề không bằng nghề trong tay". Đó cũng chính là một sự phát sinh nói tức.

Ông Thịnh nói với chúng tôi rằng: "Bắc Giang là tỉnh có 8 trong số 14 làng cười xứ Bắc, chiếm một nửa số làng cười ở Việt Nam. Đông Loan không giống Đồng Sài (Quế Võ- Bắc Ninh), nói khoe đặc sản của mình nhưng lại giống Đồng Sài ở chỗ dùng âm thành thổ ngữ để tăng chất hài cho câu chuyện. Người nghe tức nhưng... tức cười".

Nói tức cũng cần nghệ thuật

Ông Chu Văn Chén, người dân bản địa nói: "Chuyện nói tức Đông Loan thôi thì kim cổ dao duyên lộn tùng phèo. Cốt là tức. Riêng tập hợp các kiểu nói tức những người tò mò đến ngó xem Đông Loan nói tức thế nào, nghe cũng đã thú vị. Bà con nói tức một cách rất thời sự, chứng tỏ những câu chuyện đã được liên tục cập nhật. Bây giờ, mười mấy làng cười xứ Bắc hình như chỉ còn tồn tại trong huyền thoại và trong các quyển sách nghiên cứu sưu tầm thôi. Trong lúc đó, vùng Đông Loan vẫn tồn tại làng nói tức”.

Có những câu chuyện rất đời thường, một người đi ô tô về làng chơi, đến đầu làng bóp còi ầm ĩ. Mấy bà cụ bán nước chè gần đó buông lời: "Không bóp thì người ta không biết là ô tô à? Xe có bị làm sao thì mang đi mà sửa chứ làm gì mà kêu nhặng xị lên thế".


Nhều cụ già ở Đông Loan quả quyết: Nói tức Đông Loan là lối nói tức có đầu đuôi, câu nói tức được chốt chặt chẽ vào một câu chuyện hoàn chỉnh (tất nhiên là rất ngắn gọn). Rất có thể những câu chuyện tức cười ở Đông Loan đã nảy nở từ những câu nói tức quen thuộc nơi cửa miệng trong cuộc sống hàng ngày của người làng. Những lời sắc sảo, dùng ở những hoàn cảnh, những tình huống được mọi người ưa thích đã được truyền tụng như những giai thoại nói tức. Đáng chú ý là các sắc độ nói tức từ hài hước đến châm biếm. Người lao động xưa sử dụng nói tức như một mũi nhọn đả kích chế độ phong kiến, đô hộ thực dân như: Nói láo, xem chuột lột, vải ô... Nhiều chuyện nói tức nhưng ý vị hài hước đậm đà cũng tiêu biểu cho phong cách châm chọc Đông Loan.

Ông Hoàng Đình Chủ, ở Đông Loan khoái chí: "Ngẫm ra mới thấy nói tức đó là cả một nghệ thuật, ít nhiều chất chứa cái triết lý nhân sinh của người đời. Ngay cả một sự việc người Đông Loan "cãi ngang" nhưng vẫn khiến người khác phải "tâm phục khẩu phục". Ông kể: "Có lần, chúng tôi đi đến ngã ba Quỳnh Sơn thấy một thanh niên vẫy tay xin đường, nhưng một cụ già vẫn đâm sầm vào xe anh thanh niên kia. Chàng thanh niên hỏi: "Cụ ơi, sao cụ lại lao vào xe con?". "Ơ hay, thấy anh vẫy tay tôi mới “ngảng” sang chứ, nhà anh không vẫy thì ngứa gì mà tôi sang?!". Nghe ông cụ nói vậy, cậu thanh niên bực tức nhưng cũng cho qua vì biết cái lý của người... Đông Loan thì không thể thắng nổi".

Không chỉ có các cụ già, bậc trung niên, ngay cả trẻ con làng Đông Loan cũng "khoái" nói tức. Chuyện nói tức ở Đông Loan không phải là chuyện phiếm, chuyện bịa mà là có thực. Một anh kể chuyện một gia đình ở Đông Loan có hai con lợn đang lớn tự dưng lăn đùng ra chết vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Có người hàng xóm sang hỏi: "Thế hôm nay có cúng ông Công không?". "Không có cúng kiếc gì hết. Có phù hộ cho tôi đâu, nuôi gì chết nấy. Ông Công nhà này có mà đi xách dép cho ông Công nhà bên ấy!".

Có câu chuyện đã thành quen, khi du khách vừa vào đến cái cổng toàn chữ nho, vòm vòm cong cong của làng, gặp mấy chú bé, khách gạ gẫm: "Này nhóc, dân Đông Loan trẻ con có nói tức không?". Chú ta nhe mấy cái răng sún, vỗ vỗ tay vào hom giỏ: "Ối trời! Thời buổi làm ăn, bọn trẻ chúng cháu mỗi đứa vác giỏ ra sông Thương mò cua một ngày cũng đem được về cho bố mẹ được bảy tám trăm nghìn đồng. Ai hơi đâu mà đi nói tức thiên hạ nó "oánh" cho. Bắt cua mỗi buổi tám trăm nghìn! Nói được đấy".

Đông Loan, làng quê Việt hiếm hoi vẫn thể hiện sức sống vượt thời gian qua “đặc sản” tinh thần nói tức của mình. Gìn giữ, trân trọng nét duyên riêng có này cũng là một cách để cho cuộc sống phong phú, lung linh sắc màu, như nó vốn có tự ngàn xưa.

HƯƠNG LAN – THÙY DƯƠNG