Tác động của TG vô hình vào cõi giới con người
13/12/2010 08:42 Hồng Vân

Vì vọng tâm con người là luôn thay đổi, sinh diệt nên trừ cõi duyên giác, thanh văn, súc sinh, địa ngục những cõi giới còn lại đều có thể tác động đến thế giới con người.

Phần 1: Các hiện tượng tâm linh và ngoại cảm

Thật sự, nếu tĩnh tâm ngồi lại, điểm qua các sự việc diễn ra xung quanh, ta sẽ thấy cõi nhân loài người sống đang bị tác động rất nhiều bởi các cõi giới vô hình (mắt thường không nhìn thấy).

HT. Tuyên Hoá từng nói: Nếu không còn người tụng chú Thủ Lăng Nghiêm thì ma quỷ từ tam thiên đại thiên thế giới sẽ kéo đến quấy nhiễu cuộc sống loài người.

Cuộc sống hiện nay xẩy ra rất nhiều các hiện tượng về tâm linh mà theo quan niệm chung của con người là thần bí và kỳ lạ. Khoa học dù có phát triển đến đâu cũng bó tay trước các hiện tượng đi ngược lại với quy luật vật lý thông thường.

Thực tế, nếu chúng ta dùng ánh sáng Phật pháp soi rọi, đem tri thứ Phật giải thích thì không có gì là thần bí cả, vấn đề là chúng ta đã hiểu và tin vào những tri thức Phật giáo như thế nào.

Đức Phật đã từng nói với các đệ tử của mình, Các ngươi nếu “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ bang ta”. Để hiểu những điều đức Phật nói (những điều được viết ra trong kinh điển) là một việc hoàn toàn không đơn giản.

Nếu kiến thức Phật dễ dàng tiếp nhận được như các kiến thức khác thì con người không cần phải ngồi thiền, tụng kinh, thực hiện giới, định, huệ và bỏ mấy chục năm để học Phật. Các cư sĩ tại gia cũng không cần phải đến chùa nghe giảng kinh.

Thêm nữa, trong tam tạng kinh Phật, những kinh điển thuộc về pháp xuất thế gian lại càng khó, cần phải có sự giảng giải của các vị thiền sư đắc đạo – những tu sĩ đã dành cả cuộc đời mình cho Phật pháp.

Vì vậy, để đưa các thuyết lý nhà Phật giải thích các hiện tượng thần bí, ngoại cảm, ngoài những trích dẫn trong kinh điển tôi có sử dụng thêm các bài giảng kinh, khai thị của các bậc thiền sư. Đó là con đường ngắn nhất để giải thích các hiện tượng tâm linh hiện nay.

Đức Thế Tôn là bậc thầy toàn năng, toàn giác đã vượt qua chín tầng thiền để thấu suốt mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh quan. Những điều đức Phật nói ra là những lời vàng ngọc không sai một chữ.

Kinh điển Phật không phải là sách vở mà là kim khẩu của đức Phật. Pháp Phật khác khoa học ở chỗ, người học phật phải đi theo đúng theo con đường ngài đã đi để hiểu tất cả những điều ngài nói và chứng ngộ được những gì ngài đã chứng.

Nếu chúng ta còn dùng tâm phan duyên, trí biện thông (tâm vọng tưởng, trí thế gian) để phân tích, suy luận thì chúng ta không thể tiếp cận được chân lý Phật pháp được.

Vì xuyên suốt tư tưởng của bài viết là đem tri thức Phật soi rọi vào các hiện tượng nên những điều tôi viết trong bài này chỉ là nêu hiện tượng và dùng kinh điển Phật và các bài khai thị của các bậc cao tăng để giải thích.

Ngoài ra, tôi không có bất cứ một nhận định, đánh giá nào của riêng mình. Nếu những dẫn chứng tôi nêu ra chưa đủ thuyết phục, xin bạn đọc hãy bổ sung thêm để chúng ta có được một bức tranh hoàn chỉnh chứng minh với loài người rằng, Phật pháp là bao trùm khoa học, bao trùm các tôn giáo.

Những vấn đề mà khoa học phải bó tay dừng lại thì là điểm Phật pháp bắt đầu. Khi đầy đủ nhân duyên tôi sẽ tiếp tục đưa đến bạn đọc các bài viết “những phát minh khoa học chứng minh những điều ghi trong kinh điển Phật giáo là đúng”. Nam mô Bổn sư Thích ca Mầu ni Phật!

Các hiện tượng tâm linh được cho là thần bí và khả năng ngoại cảm của con người có rất nhiều. Vì bài viết có hạn, không thể kể nhiều, sau đây tôi chỉ nêu ra một số hiện tượng điển hình trong cuộc sống con người.

Hiện tượng 1

Một hiện tượng gây nhiều sự chú ý trong giới văn chương thời gian qua ở Việt Nam đó là, sự ra đời những bài thơ thiền của GS,TS. Hoàng Quang Thuận. Tác giả của 3 tuyền tập thơ: Thi Vân Yên tử, Ngoạ Vân Yên tử, Hoa Lư Thi tập.

50 năm chưa từng làm thơ, chưa hành thiền lại hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chỉ sau một lần theo đoàn Phật tử lên núi Yên Tử, ngủ một đêm tại chùa đã cho ra đời 143 bài thơ thiền Thi vân Yên tử, Ngoạ Vân Yên tử.

Kỳ lạ hơn nữa sau khi lên phủ Nhà Trần tại khu di tích Tràng An, Bái Đính dâng lễ cầu tiên nhân nhập bút, Hoàng Quang Thuận lại tiếp tục cho ra đời 121 bài thơ thiền Hoa Lư thi tập trong vòng 4 tiếng đồng hồ từ 12h – 4h sáng.

Đó là những bài thơ tuyệt tác mà người trần trong thời điểm hiện tại một bài cũng khó sáng tác nổi.

Hiện tượng 2

Trong Câu chuyện Động lực vô hình được trích từ cuốn “Đường mây qua xứ tuyết” hay “Con đường mây trắng” của Lạt ma Analarika Govinda có kể lại: Trong một buổi lễ ban phép lành cho làng Tsewang của lạt ma Phi yang tại Poo có một người đàn ông nhảy vào tự xưng là vị thần cai quản vùng đất (thần thổ địa) trách mắng vị lạt ma không cúng dường gì cho y.

Sau khi thực hiện một số thần thông như: Có thể nói được khi gò má bị xuyên qua bởi một lưỡi gươm nhọn và cổ họng thì lún sâu trên ngọn giáo nhọn hoắt.

Bằng một giọng trầm trầm, người đàn ông (bị thần thổ địa nhập hồn) cho biết đây là nơi y vẫn cư ngụ bao lâu nay, tại sao Lạt ma Phiyang dám đến làm lễ, đã thế lại không dâng cúng gì cho y hết.

Lạt ma Phiyang bình tĩnh bước đến trước gã thanh niên nọ. Bằng một giọng thản nhiên, ông bắt đầu hỏi lý lịch của vị thần kia, đã cư ngụ tại đây bao lâu và và đã làm gì để giúp ích cho dân làng.

Lạt ma cho biết việc hành lễ có mục đích cầu nguyện, mang lại điều tốt lành cho tất cả mọi chúng sinh và dĩ nhiên nếu ông biết vị thần hiện diện tại đây thì đã mời y cùng hành lễ chung.

Vị Thần nọ dường như nguôi giận, y nhảy xuống đất, đứng nghiêm chỉnh nghe Lạt ma Phiyang nói và sau cùng thì y chấp nhận lời giải thích này...

Hiện tượng 3

Trong trang web Thư viện hoa sen ban biên tập có nêu hiện tượng HT.Thích Thông Lạc - Viện chủ Tu Viện Chơn Như ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Có những lời giảng kinh rất khác thường.

HT. Thông Lạc tự xưng là mình đã chứng Tứ Thiền, đắc Tam Minh và đã được Hòa Thượng Thanh Từ ấn chứng.

Hoà Thượng Thông Lạc cho rằng từ các kinh điển Đại Thừa như: kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang, kinh Viên Giác, kinh Bát Nhã, kinh Phạm Võng, kinh Duy Ma Cật; các chư vị Tổ Sư như các Ngài Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Khả, Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ v.v. của các truyền thống Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, và Tịnh Độ là ngoại đạo, là Bà La Môn giáo, trà trộn vào Phật giáo để đánh phá đạo Phật, biến Phật Giáo thành một thứ tà giáo ngoại đạo.

HT. Thích Thông Lạc cho biết Hoà Thượng đã bị chư Tổ lừa gạt và lầm lạc pháp môn ngoại đạo và khuyên các Phật tử không nên đi vào con đường tu lầm lạc đó.

Với những lời ma mị trên nhiều người cho rằng, vị hoà thượng này đang bị tẩu hoả nhập ma. Nhà Phật cho rằng vị tu sĩ đã bị vướng vào ma chướng trong quá trình hành thiền đi vào cửa Không.

Phần sau khi giải thích hiện tượng này tôi sẽ xin nêu thêm quan điểm của vị hoà thượng này trước các hiện tượng ngoại cảm của 2 nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và Nguyễn Văn Nhã.

Hiện tượng 4

Một hiện tượng tôi từng được nghe qua câu chuyện của người bạn. Đó là, một cụ bà trên 90 tuổi rất yếu, sắp kề cận cái chết lại có một cuộc sống giống như các cô gái trẻ tuổi 20.

Sau một lần cụ nằm ốm liệt, mọi người tưởng cụ chuẩn bị ra đi nên lo chuẩn bị đám tang.

Một buổi sáng tỉnh dậy mọi người thấy thần khí cụ khác thường đòi ăn những thức ăn giống như những món ăn của các cô gái trẻ.

Cụ đòi mặc áo hai dây nói chuyện và sinh hoạt giống như một cô gái tuổi 20.

Sau khi đưa cụ lên chùa, người trong gia đình được biết rằng, thần thức đang tồn tại trong cụ là một cô gái 24 tuổi bị chết trong một tai nạn.

Vì cụ quá yếu mà cô gái thì nhất định không chịu trả thân cho nên, đến nay cụ vẫn sống một cuộc sống thân xác tuổi 90 mà linh hồn tuổi 20.

Người nhà trong gia đình cụ vẫn đang phải chấp nhận điều đó. Hiện tượng ma nhập (theo dân gian thường gọi) không cần “gọi hồn” hiện nay rất phổ biết trong cuộc sống chúng ta.

Hiện tượng 5

Vừa qua trên trang web Vnexpress có đăng tải một câu chuyện về nam diễn viên Holywood - Michael Bear đã dùng kiếm đâm chết mẹ mình vì cho rằng mẹ mình là một con quỷ và Chúa sai khiến anh ta làm điều đó.

Anh ta kể rằng, trên đường về nhà, gặp một người đàn ông trên tàu điện ngầm, người này liên tục yêu cầu anh phải giết mẹ đẻ của mình.

Khi trở về nhà anh ta bắt đầu nghe thấy giọng nói đó, ngày một thúc giục mạnh mẽ.

Tiếng nói trong đầu đó mạnh đến mức anh ta nhìn mẹ mình là một con quỷ, nói giọng nói của quỷ, thế là như có một lực vô hình xui khiến anh ta đã cẩm kiếm đâm chết mẹ ngay trong căn nhà của mình.

Trước khi xẩy ra sự việc trên, theo nhiều người - Michael Bear hoàn toàn là người bình thường. Trong công việc, anh ta thường đóng vai những tên tên sát nhân giết người.

Hiện tượng 6

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người thì ở Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 100 người được cho là có khả năng ngoại cảm (có thần thông). Trong số đó chỉ có khoảng hơn 10 người là có khả năng liên tục và ổn định. Số còn lại thường lúc có lúc mất.

Vì sao một con người chưa trải qua tu hành mà đã đạt được khả năng này? Vì sao khả năng này lại lúc có, lúc không?

Vì sao tôi lại xếp các hiện tượng ngoai cảm vào trong các hiện tượng thế giới vô hình tác động vào cõi giới người? Tôi xin được trình bầy vấn đề này trong phần cuối cùng phần tiếp theo của bài viết.

Còn một hiện tượng nữa đó là sự tác động của đức Phật và các vị Bồ tát bằng sự hộ trì, gia hộ và ứng thân hành đạo bồ tát giúp đỡ loài người. Hiện tượng này khi nghiên cứu các kinh điển Phật bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn, tôi xin không đi sâu vào hiện tượng này.

Đi sâu vào Phật pháp ta sẽ thấy cõi nhân con người quá là nhỏ bé trong tam thiên đại thiên thế giới. Trong 10 pháp giới, chỉ có cõi người và súc sinh là cõi hữu hình mà chúng ta nhìn thấy được.

8 pháp giới còn lại (địa ngục, ngạ quỷ, atula, trời, thanh văn, duyên giác , bồ tát, Phật) chỉ có có thể thấy được thông qua thiền định ở một mức chứng nhất định. Vì cõi người là cõi hữu hình, lại ở trung dung giữa các cõi thiện ác nên nó rất dễ bị tác động bởi các cõi giới vô hình khác .

Trong kinh Thủ lăng nghiêm đoạn 5 – Phân biệt Tình, tưởng nhẹ năng để nói về việc tái sinh của các chúng loài, đức Phật nói: Nếu “Tình và tưởng cân nhau không bay lên không đoạ xuống thì sinh nơi nhân gian (làm người ) tưởng sáng suốt thì thông minh. Tình u ám thì ngu độn”.

Đoạn kinh cho thấy trong 6 cõi luân hồi, cõi người là cân sự bằng giữa thánh và phàm. Chính sự cân bằng đó tạo ra tính chông chênh dễ bị lôi kéo của 2 thế giới vô hình thánh và ma quỷ.

Nếu ai đã từng hành thiền thì sẽ thấy những vọng niệm tốt, xấu luôn đan xen dấy khởi trong đầu óc con người.

Dù hai phần của bài viết chủ yếu là nêu các hiện tượng và giải thích các hiện tượng theo quan điểm Phật giáo, nhưng mục đích cuối cùng của tôi chính là chỉ ra cho bạn đọc thấy chúng ta phải làm gì, sống như thế nào để tránh những tác động không tốt của các cõi giới ác.

Tôi xin được trở lại phần này trong phần kết luận.

Vì vọng tâm con người là luôn thay đổi, sinh diệt nên trừ cõi duyên giác, thanh văn, súc sinh, địa ngục những cõi giới còn lại đều có thể tác động đến thế giới con người.

Trong 4 cõi: Bồ tát, trời, atula, ngạ quỷ thì 2 cõi giới tác động nhiều nhất đến cõi giới người là trời và ngạ quỷ. Vì sao tôi không nói đến atula vì tính đặc thù riêng của cõi giới này. Trước khi đưa ra những dẫn chứng giải thích tôi xin được nói thêm một chút về thế giới atula.

Cõi giới atula

Trong kinh thủ lăng nghiêm.- Riêng nói thêm về bốn giống Atula. Trong 3 cõi có 4 giống Atula:

1. Nếu từ loài quỷ, do sức bảo hộ chính giác, được thần thông vào hư không thì giống Atula này từ trứng sinh ra thuộc về loài quỷ.

2. Nếu từ cõi trời, đức kém phải sa đoạ chỗ ở gần với mặt trời, mặt trăng thì giống Atula đó từ thai sinh ra thuộc về loài người.

3. Có chúa Atula nắm giữ thế giới sức mạnh đến chỗ không phải sợ ai có thể tranh quyền với phạm vương, đế thích và tứ thiên vương giống Atula này nhân biến hoá mà có thuộc về loài trời.

4. Riêng có một số Atula thấp kém sinh trong biển lớn, lặn trong thuỷ huyệt, ban ngày đi chơi trên hư không, tối về ngủ dưới nước giống Atula này nhân thấp khí sinh ra thuộc về loài súc sinh.

Theo đoạn văn trên thì Atula không thuộc về loài nào nhất định. Có giống atula thuộc loài trời, có giống atula thuộc loài người có giống thuộc loài súc sinh, có giống thuộc loài quỷ. Vì thế nên có khi không nêu atula thành cõi riêng biệt.

Có nhiều cách giải thích cõi giới atula. Xin đưa cách giải thích của HT. Tuyên Hoá tôi cho là thuyết phục nhất, đó là: A tu la là tiếng Phạn dịch là “vô đoan chính”, vô đoan chính tức là xấu xí. Song le chỉ là nam A tu la tướng mạo xấu xí, ngược lại nữ A tu la tướng mạo rất xinh đẹp. Tính của nam A tu la rất thích đấu tranh, đấu tranh bên ngoài, tính của nữ A tu la cũng thích đấu tranh nhưng đấu tranh bên trong, chẳng phải đấu tranh bên ngoài. Thế nào là đấu tranh bên trong? Tức là dùng vũ khí tâm để đấu tranh, đó là đố kị, chướng ngại, vô minh, phiền não.

Loài chúng sinh này có khi được liệt vào trong ba đường lành tức là trời, người, A tu la; có khi liệt vào bốn đường ác đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la.

Ở trong loài súc sinh cũng có A tu la, trong loài người cũng có A tu la, trên trời cũng có A tu la ; loài ngạ quỷ cũng có A tu la. Riêng A tu la đã có một pháp giới, song vẫn thông với ba pháp giới khác, cho nên ở trong bốn loài này đều có A tu la.

Nói tóm lại, bất cứ ở trong loài nào mà chúng sinh thích đấu tranh, tính nóng giận lớn, muốn làm ông chủ, muốn làm chỉ huy người khác mà không muốn họ chỉ huy mình, muốn quản lý người mà không muốn người quản lý mình, đó đều là biểu hiện của A tu la.

Nếu bạn chưa thấy A tu la thì tôi có thể nói cho bạn biết. A tu la gồm có A tu la thiện và A tu la ác. A tu la thiện tức là quân đội, binh, tướng của quốc gia, đó đều là A tu la. A tu la ác là đảng cướp, trộm cướp, giết người, đánh người, đó đều là A tu la. Ðó đều ở trong loài người chúng ta đều thấy.

Trên trời cũng có A tu la. A tu la trên trời thì đánh với binh trời tướng trời, suốt ngày đến tối cứ muốn chiếm ngôi vị trời Ðế Thích, muốn lật đổ trời Ðế Thích để cho y làm Ðế Thích. Nhưng đánh đi đánh lại chúng cũng đều thua. Tại sao ? Vì chúng có phước trời mà không có quyền lực ; chúng có thể ở trên trời hưởng phước trời nhưng chẳng có quyền lực, cho nên tuy đánh với binh trời tướng trời nhưng trước sau vẫn thua.

Trong loài súc sinh cũng có A tu la sao? Phải đó ! Súc sinh A tu la như là cọp, sư tử, sói lang, đó đều là A tu la ở trong loài súc sinh. Loài A tu la này tự phụ những loài súc sinh khác. Sói, cọp, sư tử đều bắt những súc sinh khác ăn thịt. Tại sao chúng phải ăn loài súc sinh khác ? Vì chúng có tính A tu la. Ngoài ra rắn, chim ưng cũng là A tu la.

Nói tóm lại, A tu la tức là không nói về đạo lý, nóng giận hung hăng, bất cứ đối với ai cũng luôn luôn nổi nóng. Trong loài quỷ cũng có A tu la, thứ A tu la này cũng tự phụ những quỷ khác.

Trong loài quỷ cũng có quỷ thiện và quỷ ác. Quỷ ở trong quỷ ác cũng không nói đạo lý. Bổn lai quỷ thì không nói đạo lý, song quỷ A tu la càng không nói đạo lý ! Cho nên nói “Tu la tính dữ”, tính của chúng rất hung dữ tàn bạo.

Kinh Phật thường nói tới Bát bộ quỷ thần (phi thiên), tức là thiên thần, long thần (thần loài rồng), thần Dạ Xoa (gọi là phi không quỷ - quỷ bay trên không), Càn thát bà (thần nhạc trời), A tu la (hung thần) Ca Lâu La (chim cánh vàng), Khẩn na la (chim có giọng hót hay), Ma Hầu La Già (con trăn thần).

Như vậy, Atula cũng chỉ là một chúng sinh trong thế giới thần của cõi thiên và được gọi là các hung thần.

Đón xem: Phần 2 – Giải thích các hiện tượng theo quan điểm Phật giáo