Đây là câu Thần chú của Phật giáo Tây Tạng, bằng tiếng Phạn, viết ra là:

"OM MAMI PADME HUM"

Phật giáo gọi câu Thần chú nầy là: Lục tự đại minh chơn ngôn, phiên âm ra tiếng Việt bằng nhiều câu sau đây:
Án ma ni bát di hồng.
Ốm ma ni bát mê hồng.
Úm ma ni bát rị hồng.
Câu Thần chú trên được dịch ra tiếng Anh là:
Hail to the jewel in the lotus.

Giải nghĩa:

Om: Tiếng khởi đầu của mỗi câu Thần chú, chỉ chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, gồm toàn cả vũ trụ. Mani: viên ngọc quí. Padme: hoa sen. Hum: ở trong.

Toàn câu Thần chú có nghĩa là: Viên ngọc quí nằm trong hoa sen, cầu chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hộ trợ.

Hoa sen tượng trưng lòng từ bi, viên ngọc tượng trưng trí huệ. Chỉ khi nào lòng từ bi phát triển đến mức cao độ, giống như cái hoa sen vươn cao khỏi vũng bùn vô minh thì ánh sáng trí huệ mới tỏa ra rực rỡ.

Đó là ý nghĩa thông thường của câu Thần chú trên. Ngoài ra, còn nhiều ý nghĩa cao siêu hơn nữa, mà chỉ khi nào bước chân vào đường đạo, được huệ tâm huệ trí thì mới có thể hiểu hết trọn vẹn ý nghĩa của câu Thần chú nầy.

Tương truyền, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ban câu Thần chú nầy cho dân Tây Tạng. Do đó, người Tây Tạng rất tôn sùng và tin tưởng câu Thần chú, thường khắc lên các tảng đá để cầu nguyện. Một hòn đá, khi đã được khắc câu Thần chú nầy lên thì nó được quí trọng như một viên ngọc. Tùy theo định lực và tâm nguyện của người khắc Thần chú mà viên đá sẽ thâu hút những năng lực thiên nhiên, tạo ra những rung động thần bí, ảnh hưởng đến hoàn cảnh chung quanh.

Thí dụ như có người phát nguyện, hòn đá mà họ khắc Thần chú sẽ mang lại điều lành cho những người xung quanh.

Oai lực của Thần chú rất lớn. Kinh điển của Phật giáo nói rằng, ngay các vị Phật cũng còn phải trì tụng Thần chú nầy.

Ở những nơi cầu nguyện bên Tây Tạng, mỗi người đến đó tìm một hòn đá vừa ý để khắc câu Thần chú nầy lên và cầu nguyện, xong họ đặt những hòn đá chồng lên nhau tạo thành một bức tường dài và cao, gọi là bức tường ngọc (Mani wall).

Úm ma ni bát mê hồng có nghĩa là cầu được lên tòa sen ngọc báu, là lời Thần chú mà tín đồ Lạt Ma giáo (Phật giáo Tây Tạng) thường tụng niệm ở miệng. Đó là đề mục 6 chữ mà Đức Liên Hoa Thủ Bồ Tát tụng đọc khi cầu được vãng sanh sang cõi vị lai Cực Lạc. Giáo đồ Lạt Ma tin tưởng Đức Bồ Tát nầy như Đức A-Di-Đà Như Lai ngồi ở tòa sen Cực Lạc, cứu vớt người cầu xin được thoát khỏi vòng sinh tử nhân quả vô cùng.

Do vậy, chẳng kể tăng hay tục đều tụng câu nầy nơi miệng, tôn kính rất mực, hệt như người nước ta tín ngưỡng 6 chữ Nam mô A-Di-Đà Phật vậy.

Người Tây Tạng phần nhiều viết 6 chữ nầy vào một tấm vải dài rồi cất vào trong ống đựng kinh và gọi đó là pháp luân. Mọi người lấy tay lăn đi, hoặc mượn sức xe gió, xe nước khiến nó quay vòng tròn, và gọi đó là pháp luân chuyển động. Đó là người Tây Tạng tin rằng có công đức làm cho pháp luân chuyển động như vậy thì sẽ được thoát khỏi nỗi khổ sinh tử luân hồi. Pháp luân lớn nhất viết đến 10 vạn câu như vậy. Những lá cờ phất phới trước cửa những ngôi nhà trong xứ Tây Tạng có ghi 6 chữ nầy. Những tấm bia dựng ở ven đường cũng vậy, cho thấy họ rất tín ngưỡng 6 chữ nầy. (Trích trong: Từ Điển Phật Học Hán Việt, của GHPGVN)

Trong truyện Tây Du Ký, Phật Tổ bắt Tề Thiên Đại Thánh đè xuống bên dưới Ngũ Hành Sơn, Tề Thiên vùng vẫy làm 5 hòn núi rung chuyển, e có lúc sụp đổ. Phật tổ liền cho dán lên đỉnh Ngũ Hành Sơn lá bùa có 6 chữ Thần chú nầy thì mặc sức cho Tề Thiên vùng vẫy, 5 hòn núi vẫn đứng yên như có mọc rễ xuống đất. Đến khi thầy Tam Tạng đến đó, leo lên Ngũ Hành Sơn cầu nguyện xin gỡ lá bùa thì Đức Phật Tổ cho một vị Thần đến thâu hồi lá bùa. Lúc đó, Tề Thiên mới có thể vùng dậy thoát ra được, để theo làm đồ đệ thầy Tam Tạng, phò thầy đi thỉnh kinh ở Tây phương.

Trong Đạo Cao Đài, hai phép bí tích: Giải Oan và Tắm Thánh, khi vị Chức sắc hành pháp chụp 5 ngón tay lên mỏ ác của người được giải oan hay tắm thánh, gọi là ấn Ngũ Hành Sơn, thì niệm câu Thần chú: "Úm ma ni bát rị hồng"....

Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo có giải thích câu Thần chú nầy như sau:

Thuở chưa có CKVT, đạo giáo có dạy: Hai lằn nguơn khí đụng lại nổ ra khối lửa, khối lửa ấy là ngôi Thái cực. Chủ ngôi Thái cực là Đức Chí Tôn. Khi nào trời sét nổ, chúng ta nghe sao? Việt Nam mình kêu là "ẦM", còn theo đạo pháp kêu là "ÙM", vì cớ phép Phật sửa lại là "ÚM": Úm ma ni bát rị hồng. Câu ấy có nghĩa là: Nắm cả quyền năng vũ trụ quản suất trong tay.

Tiếng nổ ta nghe nó ra sao? Khi nổ rồi, còn nghe tiếng bay xa, nguyên căn của tiếng nổ là tiếng trống, còn giọng ngân là tiếng chuông. Ấy vậy, nguyên căn của đạo giáo bên Á Đông nầy có tiếng trống, ngân bay qua Âu châu nên các đạo giáo Âu châu đều là hưởng ứng theo Phật giáo, mà Phật giáo xuất hiện nơi Á Đông, vì vậy mà các tôn giáo phụ thuộc đều không đúng theo nguyên tắc căn bản.