- Tôi sởn gai ốc khi thấy ông Cán thản nhiên thè lưỡi… liếm ngon lành con dao nung đỏ như đứa trẻ mút kem. Sức nóng từ lưỡi dao nung đỏ đốt lưỡi ông cháy xèo xèo.



Trước khi "hút bệnh", "ma hút" Vi Văn Cán liếm vào lưỡi dao nung đỏ.

Tiếp thu tất cả những gì đã khổ luyện, truyền nhân “ma hút” Vi Văn Cán đã chữa bệnh cho hàng nghìn trường hợp.

Không chỉ người dân ở vùng Tây Bắc đến nhờ ông Cán, nhiều người bên Lào cũng sang tận Sông Mã “rước” ông sang chữa bệnh giúp. Có chuyến ông đi chữa bệnh hàng tháng trời.

Câu chuyện bị ngắt quãng giữa chừng bởi ông Cán có khách, ông Lò Văn Cấu bên thị trấn Sông Mã, đưa con gái sang chữa bệnh.

Cô bé, trong một lần lên rừng, trúng phải khí độc, nên khi về đến nhà liền té xỉu. Suốt ngày em kêu đau đầu, choáng váng, không ăn được gì.

Tận mắt cảnh chữa bệnh, tôi không khỏi kinh ngạc. Nó như một màn ảo thuật kỳ lạ.

Ông Cán dúi con dao chẻ củi vào bếp than đỏ rực. Ông thắp ba nén hương và lầm rầm đọc thần chú bằng tiếng Xinh Mun. Vừa khấn ông vừa đốt nến và nhúng 3 chiếc lá vào một bát nước màu đen có hòa tổ tò vò.

Cho nguyên ngọn nến đang cháy vào miệng, ông quay sang thổi phù vào mặt bệnh nhân. Tiếp đó, ông đưa ngọn nến khua khua mấy vòng. Theo lời ông Cán, việc dùng nến soi không khác gì…chụp X quang ở bệnh viện.

Chỗ nào thấy “bệnh”, ông dùng ống tre ấn vào và hút bệnh ra. Mọi chất độc được thả vào chén rượu trong mâm để mọi người chứng kiến. Mấy lần hút cũng chỉ được một thứ cặn màu đen, lắng xuống đáy chén.

Tiếp đó là màn liếm dao nung đỏ. Tôi sởn gai ốc khi thấy ông Cán thản nhiên thè lưỡi… liếm ngon lành con dao nung đỏ như đứa trẻ mút kem. Sức nóng từ lưỡi dao nung đỏ đốt lưỡi ông cháy xèo xèo.

Liếm dao nung đỏ xong, ông Cán phả hơi nóng vào mặt cô bé. Ông bảo: "Đây là thuốc giảm đau với người bị vết thương kín và là cách cầm máu với những vết thương hở”.

Như có phép thuật, sau khi hút hết “khí độc” trong người, cô bé đã tươi tỉnh trở lại. Có sẵn chai rượu, ông bảo người nhà làm thêm món ăn, rồi quay sang bảo chúng tôi: “Nhà báo uống với tôi và mọi người một chén nhé, chẳng mấy khi ở Hà Nội về tận vùng Sông Mã xa xôi này”.

Bên mâm rượu, ông kể chuyện chữa bệnh cứu người của mình. Ông bảo, nếu như chúng tôi đến sớm hơn một ngày thì đã được xem cảnh hút đạn trong người. Vừa hôm qua có trường hợp tìm đến ông.

Một thanh niên người Thái tên Vi Văn Táo bị trúng đạn súng kíp ở cả chân, bụng và tay. Tuy nhiên, ca này bị thương không trầm trọng, nên hút xong họ đã về nhà. Anh này ở tận Điện Biên.

Không chỉ hút đạn, cũng bằng một chiếc ống tre, ông Cán đã giúp hàng nghìn ca bị hóc xương cá, xương gà, xương chó… Điều lạ là các vết thương không hề để lại sẹo.

Cháu Vì Văn Sáng ở bản Kéo, con của anh Sang vẫn còn nhớ như in cái lần bị hóc xương gà, suốt 2 ngày không ăn không uống được gì. Nhà không có tiền đưa con đi bệnh viện, ông bố vội đưa con tới nhờ ông Cán giúp. Sau khi xem xét, ông Cán dùng ống hút, chỉ một lát sau miếng xương được lấy ra, ở cổ chỉ hơi rớm máu.

Cách hút dị vật của ông Cán cũng rất đặc biệt. Bị hóc xương thì đặt ống tre sau gáy và hút xương ra theo phía đó. Nếu bị trúng đạn thì đạn vào đường nào hút ra theo đường ấy, không cần dao kéo, mổ xẻ, vì vậy cũng mất ít máu hơn. Đối với những trường hợp nhẹ, ông Cán hút mà không hề chảy máu.

Danh tiếng truyền nhân “ma hút” lan ra khắp vùng Tây Bắc, đến nỗi, gia đình nào có người bị dính đạn, ở cách xa vài trăm cây số cũng lặn lội đến tận nhà ông, cả bên Lào cũng sang.



Ông Cán liếm vào dao đỏ thì không sao, nhưng nếu người khác làm vậy, lập tức bỏng lưỡi.

Tôi hỏi chuyện xung quanh khả năng liếm lưỡi dao đang nung đỏ khác người của ông, ông cười bảo rằng, lúc đó không hề thấy nóng, nhưng nếu người khác làm vậy sẽ lập tức bỏng lưỡi.

Theo ông, khi đọc thần chú, ông như quên hết tất cả, tinh thần hòa nhập với trời đất. Mục đích liếm lưỡi dao là để hút khí nóng. Việc phả khí nóng vào bệnh nhân có tác dụng cầm máu và giảm đau cho bệnh nhân khi hút dị vật trong người.

Đang nói chuyện, bỗng giọng nói của ông trầm hẳn xuống: “Nhà báo à, tôi thì cũng sắp tới tuổi già, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có ai kế thừa những phương pháp chữa bệnh này, tôi chỉ sợ thất truyền, không cứu giúp được mọi người nữa”.

Ông Cán bảo, nghề này không kiên trì thì không học được, mà chỉ sợ truyền nghề cho người thiếu đạo đức, họ lợi dụng để kiếm lợi thì nó sẽ mất thiêng, làm sai lệch tôn chỉ mà ông đã học được từ “ma hút”.

Đã có rất nhiều người xin theo học nhưng ông không dạy, ông bảo phải kiên quyết chờ cho đến lúc gặp được một người có đủ phẩm hạnh.

Chúng tôi chào ông ra về, ông tiễn ra đến cổng, ông tươi cười: “Nhà báo nhớ dịp nào đó lại quay về uống với tôi chén rượu nhé, biết đâu lúc đó tôi đã có truyền nhân”.

Trong cuộc sống có nhiều điều không thể giải thích được. Vùng cao của nước ta lại càng chứa đựng nhiều bí ẩn. Chứng kiến câu chuyện khó tin kể trên, tôi thiết nghĩ các ban ngành nên kiểm chứng cách chữa bệnh lạ lùng đó bằng phương pháp khoa học. Nếu khả năng “hút” bệnh của cha con ông Hối là có cơ sở, thì cũng nên tìm cách bảo tồn phương pháp chữa bệnh độc đáo này.

Minh Hải