Phóng sự của PHẠM NGỌC DƯƠNG

Link các bài báo liên quan


http://my.opera.com/phamngocduongantg/blog/show.dml/


http://vietbao.vn/Phong-su/Chuyen-ng.../20642129/262/


Tôi đã sống ở nhà anh Tống Phước Phúc gần một tuần lễ, đi theo anh để tận mắt những công việc rất kỳ lạ của anh, nhưng quả thực, đến bây giờ đôi lúc tôi vẫn nghĩ, chuyện của anh không biết là hư hay thực, hay anh bị “khùng”. Trong nhà anh không có tài sản gì đáng giá, phải chạy ăn từng bữa, nhưng anh lại nuôi mấy chục đứa trẻ, rất nhiều bà đẻ và tự tay an táng cho gần 10 ngàn hài nhi bất hạnh. Câu chuyện về người đàn ông đi làm những việc kỳ cục để thực hiện lời hứa với Đấng tối cao ấy có hơi hướng của một câu chuyện trong cổ tích.

TRẢ NỢ… THƯỢNG ĐẾ
Căn nhà 56/3, phường Phương Sài, TP Nha Trang, Khánh Hòa khá ấn tượng. Trước hiên nhà có đến mấy trăm bộ quần áo trẻ con treo giăng mắc khắp nơi, không còn kẽ hở nào để nhìn vào trong. Góc trái hiên nhà là hòn giả sơn nhỏ, với hang động, tượng Chúa và giàn đèn xanh đỏ nhấp nháy. Tôi đến nhà anh Tống Phước Phúc vào lúc chiều tối, vì thời điểm đó anh mới về nhà, sau một ngày miệt mài làm việc kiếm tiền hoặc vất vả đến các bệnh viện, cơ sở ý tế xin hài nhi đem chôn hoặc hỏa thiêu. Anh Phúc đang ngồi giữa đàn trẻ con, một tay ôm đứa trẻ nhỏ xíu, tay kia đều đều lắc 4 cái nôi đong đưa. Bài hát “Báo hiếu” vang lên trong những tiếng chí chóe của bọn trẻ, lẫn với tiếng khóc của những đứa trẻ sơ sinh đói sữa mẹ….


chú thích: Nghĩa trang Đồng Nhi

Tống Phước Phúc sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng đói khổ, vất vả. Mẹ anh sinh hạ 8 lần, nhưng chỉ được 6 người con và anh là út. Mặc dù có tới 6 người con, nhưng bố mẹ anh lại nhận thêm hai người con nuôi nữa để thay cho hai người con bị chết khi mới sinh. Ông bà nuôi hai đứa con nuôi với ý nghĩ đó chính là đứa con mình rứt ruột đẻ ra, ông bà ít bị dằn vặt hơn.
Năm 1979, khi đang học lớp 7, gia đình đói khổ quá, Phúc phải bỏ học, theo ba mẹ và các anh chị lên Đắk Lắk khai hoang làm rẫy kiếm sống. Năm 1980, ba mất, các anh chị xây dựng gia đình, mẹ con Phúc lại dắt nhau về Nha Trang sinh sống. Hai mẹ con sống với nhau được một thời gian thì mẹ anh mắc bạo bệnh, nằm liệt vài năm rồi mất. Anh xin vào làm công nhân xây dựng cho một công ty ở Khánh Hòa. Có chút vốn liếng, kinh nghiệm, anh đã mở Công ty TNHH Phước Phước và trở thành giám đốc. Nói là giám đốc cho oai, chứ thực tế, anh là một ông chủ thầu nhỏ xíu. Công ty chỉ có vài thợ nên anh cũng trực tiếp xách vữa, bê gạch luôn khi nhận được công trình. Công trình anh làm chủ yếu là những ngôi nhà nhỏ, kết cấu đơn giản. Quả thực, trông cái dáng người khắc khổ, nước da mai mái, thấy anh giống một thợ xây, phu hồ hơn là một ông giám đốc. Cũng chính vì cuộc sống nghèo khổ nên đến năm 2000, khi đã 37 tuổi, anh mới lấy được vợ.
Câu chuyện kỳ lạ về cuộc đời anh bắt đầu kể từ ngày vợ chồng anh chào đón đứa con đầu lòng. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Lệ Yến chuyển dạ suốt 2 ngày 2 đêm trong bệnh viện mà không sinh được. Anh như người đứng trên đống lửa, cứ đi đi lại lại trước nhà hộ sinh. Vợ anh, hết kêu gào vì đau đớn, lại ngất lịm đi. Không biết làm gì hơn, anh liền quỳ ngay trước bệnh viện, chắp tay ngửa mặt lên trời: “ Xin Thượng đế cho vợ con con được mẹ tròn con vuông, con sẽ làm bất cứ việc gì để trả nợ”. Điều lạ đã diễn ra, ngay khi anh khấn xong, thì từ phòng hộ sinh, tiếng khóc oe oe vang ra. Con anh, cậu bé Tống Hoài Nam đã chào đời và rất kháu khỉnh, mặc dù cháu chỉ nặng hơn 2 kg.
Cái lần như ngồi trên đống lửa chờ con ra đời, trong sự vật vã đau đớn của vợ và lời hứa linh nghiệm với Thượng đế đã tạc vào tâm trí Tống Phước Phúc.
Những ngày chờ vợ đẻ và chăm vợ con trong bệnh viện, anh Phúc được chứng kiến những chuyện ngoài sức tưởng tượng. Anh không thể tin nổi lại có những người mẹ đến bệnh viện để bỏ đi giọt máu của mình. Thậm chí, anh đã được tận mắt cảnh nhiều đứa trẻ sinh ra mạnh khỏe, xinh xắn cũng bị mẹ nó bỏ lại cho bệnh viện rồi trốn đi mất...
Người ta thấy cảnh ấy thì dửng dưng. Những người có tâm nhân hậu thì tỏ lòng thương cảm hoặc có những trăn trở, còn Tống Phước Phúc thì không ngủ nổi. Đêm đêm, đầu óc anh cứ quay cuồng với câu hỏi: Những cháu bé kia rồi sẽ ra sao? Ai nuôi nấng? Tương lai chúng sẽ như thế nào? Và rồi, trong một cơn ác mộng, anh thấy hàng ngàn, hàng vạn đứa trẻ nhỏ xíu bay lượn trong không trung, đứa thiếu tay, đứa thiếu chân, đứa không có mắt, đứa cười, đứa khóc, đứa câm lặng nhìn anh. Và Thượng đế từ cuồn cuộn mây xanh cúi xuống nhìn anh với khuôn mặt buồn rũ rượi. Giật mình tỉnh dậy, anh đã biết mình phải làm gì.
Tống Phước Phúc đến bệnh viện tỉnh Khánh Hòa gặp một bác sĩ chuyên khoa sản đề đạt nguyện vọng xin các thai nhi bị loại bỏ về chôn riêng thành các nấm mồ. Ông bác sĩ, sau khi hỏi mọi chuyện về hoàn cảnh gia đình, kiểm tra tiền sử bệnh tật, liền hỏi: “Anh làm việc này với mục đích gì?”. Câu trả lời của anh: “Em làm việc này để trả nợ Thượng đế” khiến ông bác sĩ tròn mắt rồi đuổi anh ra khỏi bệnh viện, vì tưởng anh tâm thần.


Chú thích: Lễ đặt tên cho con
Không nản chí, anh tiếp tục tìm đến Trung tâm Bảo vệ Bà mẹ Trẻ em, số 31 Lê Thành Phượng (Nha Trang) để xin hài nhi. Tuy nhiên, một người có trách nhiệm ở đây dứt khoát không đồng ý, bởi theo họ, đây là việc làm quá kỳ cục và không cần thiết. Có bác sĩ còn bảo, những thai nhi bị loại bỏ là “phế phẩm bệnh viện”, nên không được phép đem chôn. Anh chỉ còn biết chảy nước mắt: “Các cháu là sinh linh bé nhỏ, cũng có tay chân, mắt mũi, sao lại gọi các cháu bằng những từ lạnh lùng như vậy?”. Trong hoàn cảnh tưởng như rất khó khăn, bị mọi người cho là khùng, là điên thì anh gặp bác sĩ Xuân, là Phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ Bà mẹ Trẻ em. Bác sĩ Xuân nói: “Xét về mặt chính sách thì không có ai cho, không được phép. Nhưng xét về mặt con người, với tư cách cá nhân, tôi sẵn sàng ủng hộ anh làm việc này!”. Rồi bác sỹ Xuân nói với các y tá, hộ lý lấy thai nhi chuyển cho anh.
Sau này, anh Phúc được nghe các y tá, bác sĩ ở Trung tâm Chăm sóc Bà mẹ Trẻ em kể lại rằng, hôm nào mà không chuyển hài nhi cho anh để anh mang đi chôn cất, y như rằng hôm đó có nhiều tiếng dao kéo loảng xoảng ở đâu vọng lại nghe rất hãi.
Công việc anh Phúc làm cứ âm thầm hết ngày này qua ngày khác, rồi người nọ, người kia trông thấy. Người ta dần hiểu việc làm của anh rồi chuyển sang ủng hộ anh rất nhiều. Lãnh đạo ở các bệnh viện, các trung tâm y tế, thậm chí cả các cơ sở y tế tư nhân cũng giúp đỡ anh. Đến cơ sở nào, anh cũng làm cam kết và nộp lý lịch trích ngang, gồm địa chỉ, số chứng minh thư, nghề nghiệp, vợ con, hoàn cảnh gia đình… để chứng minh mình không… hoang tưởng.
Anh còn in danh thiếp với dòng chữ in đậm to nhất “TÍN THÁC” gửi cho các bác sĩ, y tá làm việc trong lĩnh vực phụ sản ở khắp tỉnh. Anh đem rải danh thiếp cho cả đám xe ôm đứng cổng bệnh viện, những bà hàng nước, hàng xén ở ngoài chợ, trong những xóm nghèo, để khi nào có chuyện họ sẽ nhớ đến và báo cho. Hai chữ “TÍN THÁC”, là tâm sự của anh, muốn ký thác trọn niềm tin cho con người, dù mới chỉ là hoài thai, và ký thác mọi việc ta làm để có được niềm tin…
Trong quá trình đi nhận hài nhi đem chôn, Tống Phước Phúc không ít lần rơi nước mắt vì đau đớn. Một lần, có anh lái xe ôm gọi điện thông báo rằng, có một thai nhi bị mẹ đem vứt ở bãi biển. Bình thường, anh xe ôm này mặc kệ, nhưng từ khi cầm tấm danh thiếp của Phúc, anh ta không thể dửng dưng. Phúc bảo anh xe ôm giữ lấy thai nhi, rồi anh anh phóng xe máy đến. Anh mở bọc nilon ra, một cái thai bằng cổ tay, đỏ hỏn, rõ hình thù một đứa bé. Anh trả tiền điện thoại liên lạc mấy lần cho anh xe ôm, rồi bế cháu bé về nhà mình. Anh đặt cháu trước tượng chúa, làm các thủ tục như đặt tên, họ, nhận làm con, khâm liệm, rồi đem cháu đi mai táng. Anh tò mò muốn tìm hiểu xem vì sao cô gái kia lại vứt bỏ đứa con của mình, liền tìm gặp anh xe ôm và được anh ta cho địa chỉ nhà cô gái. Anh đến gặp và bị sốc khi biết rằng, cô gái mới học lớp 9. Do quan hệ trước hôn nhân nên bị mang bầu và cô giấu bố mẹ bằng cách bí mật đi phá thai.
Gần 10 ngàn thai nhi mà anh đem chôn và hỏa thiêu là 10 ngàn câu chuyện khác nhau, song tựu chung đều bi thương, cám cảnh. Có những cô bé mới 14 – 15 tuổi, do chơi bời, trác táng mà mang bầu, có cô bé bị cưỡng hiếp, thập chí bị bố cưỡng hiếp dẫn đến có bầu, nhưng vì xấu hổ nên không biết kêu ai, đành tìm đến bệnh viện để loại bỏ thai nhi.
Tính đến nay, anh Phúc đã làm công việc kỳ lạ này được 7 năm. 7 năm qua, anh đã an táng cho gần 10 ngàn sinh linh bất hạnh bị chối bỏ. Người dân khắp tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là TP Nha Trang đều biết việc làm của anh Phúc, nên hễ có thai nhi nào bị loại bỏ là họ gọi anh. Từ bác sĩ ở các bệnh viện, đến cánh xe ôm, chị bán hàng rong, rồi các nữ sinh cũng đều có địa chỉ và số điện thoại của anh.
Anh mở ngăn kéo, mang cho tôi xem một đống ảnh dễ đến ngàn cái. Có những cái chụp một hình hài đỏ hỏn, nằm lọt trong lòng bàn tay anh, có thây nhi đã đầy đủ các bộ phận của cơ thể một con người. Với những trường hợp đã có hình hài, phân biệt được rõ gái trai, anh đặt tên cho chúng, rồi làm lễ nhận cha con trước sự chứng giám của Chúa. Tất cả những sinh linh bé bỏng này đều mang họ Tống Phước của anh. Anh thường đặt những cái tên để khi mẹ chúng tìm đến hỏi, có thể nhận ra được. Chẳng hạn, thai nhi là của một cô gái ở Cam Ranh, anh sẽ đặt tên cho thai nhi đó là Tống Phước Cam Ranh, rồi tôi thấy cả những cái tên như Tống Phước Gia Lai, Tống Phước Đắk Lắk, Tống Phước Lâm Đồng, Tống Phước Cao Bằng… in trên những tấm hình chụp trong lễ nhận con. Tất cả các sinh linh đều được tự tay anh rửa ráy, tẩm liệm, cho vào quan tài bằng gỗ do anh tự đóng và đưa đi chôn cất một cách nâng niu, trân trọng và thương cảm như một người cha vừa mất đi một đứa con.
Buổi chiều lộng gió, tôi theo anh Phúc lên núi Hòn Thơm (xã Vĩnh Ngọc), cách TP Nha Trang 10km. Tại ngọn núi này, có nghĩa trang Đồng Nhi với hơn 6.000 ngôi mộ của những sinh linh bị chối bỏ. Trên mỗi ngôi mộ, anh cắm một bông hoa nhựa nhiều màu sắc, hình Đức Mẹ nơi mỗi gốc cây. Bước vào nghĩa trang, không có cảnh tượng tang tóc, thê lương, nhưng có một nỗi buồn cứ trĩu nặng trong tâm hồn người thăm viếng.
Anh Phúc mua mảnh đất rộng 8.000m2, chỉ có đá và sỏi này từ năm 2004. Sau khi cưới vợ, suốt 4 năm trời dành dụm, anh mới tiết kiệm được 15 triệu đồng. Mua đất mất 10 triệu, 5 triệu còn lại dùng mua vật liệu, rồi tự tay anh thiết kế, xây dựng nghĩa trang. Đất núi toàn đá sỏi, đào bới hoàn toàn thủ công, mồ hôi và cả máu anh đã đổ nhiều trên mảnh đất đó.
Mặc dù chiều đã muộn, song khói hương vẫn nghi ngút ở nghĩa trang Đồng Nhi. Những người đến thắp hương phần lớn là các cô gái trẻ, đã từng là mẹ của những sinh linh nằm dưới đất. Cũng có nhiều nhà sư đến nghĩa trang tụng kinh, gõ mõ cầu cho những linh hồn bé nhỏ mau được siêu thoát. Có cả những ngư dân gần đó, sau khi cầu khấn ở đền thờ cá Ông, họ cũng lên nghĩa trang này thắp hương khấn vái để cầu cho chuyến đi biển bình an, đánh bắt được nhiều tôm cá.
Để những cụ già, những hòa thượng, nhà sư đi lại đỡ vất vả, anh Phúc đầu tư công sức làm con đường bậc thang lên núi Hòn Thơm. Khi có nhiều người đến nghĩa trang thăm viếng, chính quyền xã Vĩnh Ngọc mới chú ý đến việc làm của anh. Và khi con đường vừa hoàn thành, họ đã ra quyết định phá dỡ với lý do “xây dựng trái phép” trên đất lâm nghiệp. Họ còn đập hết những ngôi mộ mà anh xây sẵn, chờ khi có hài nhi nào thì đặt vào đó luôn. Cũng thật khó cho anh khi xây cái gì không xây, lại đi xây nghĩa trang trẻ con, dù rằng địa điểm anh chọn là đất trên núi, toàn đá lởm chởm, không trồng trọt gì được. Một lý do khác mà chính quyền đưa ra, đó là bào thai bị nạo hút là "phế phẩm bệnh viện", không được làm mộ chôn.
Kể từ đó, công việc an táng cho các sinh linh gặp rất nhiều khó khăn. Không có chỗ chôn, anh đem các cháu đi thiêu thành tro, rồi đựng vào từng lọ đem gửi trong nhà thờ ở phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang). Những hài nhi lớn, đã thành hình, thành dạng rõ ràng, không nỡ thiêu thì anh chờ đêm khuya, lén mang các cháu chôn vào nghĩa trang trên núi. Nhiều đêm khuya mưa gió, mà đá núi thì cứng, búa bổ tóe máu tay, anh thấy tủi thân quá, chỉ biết khóc ròng. Đến lúc không còn nước mắt để khóc nữa, anh chỉ biết ngửa mặt lên trời, rồi kêu với linh hồn của những sinh linh bé nhỏ: “Các con ơi, ba hết cách rồi. Ba không còn nghĩ được gì nữa. Các con có linh thì hãy đi kêu giùm ba. Các con có linh thì hãy phù hộ cho ba, phù hộ cho các em của các con!”.
Tại nghĩa trang Đồng Nhi có rất nhiều chuyện buồn vui, cảm động đến rớt nước mắt. Có cô gái, cuối tuần nào cũng mua hương, hoa quả mang đến nghĩa trang ngồi khóc. Người đàn ông đã bỏ cô đi mất khi biết cô mang bầu. Bỏ con đi, cô đau buồn rồi nhiều đêm không ngủ được vì những cơn ác mộng. Cô liền tìm đến nghĩa trang này để mong được linh hồn đứa con tha thứ.
Anh thấy hạnh phúc nhất khi có những nữ sinh áo trắng, sau buổi học, đạp xe đến nghĩa trang với những đóa hồng trên tay. Nhìn cảnh tượng hàng ngàn nấm mộ sin sít nhau và chứng kiến công việc của chú Phúc, các em sẽ rút ra những bài học quý giá cho mình, biết giữ gìn bản thân và coi trọng tình mẫu tử hơn. Nhiều trường học trong tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức những buổi dã ngoại đến nghĩa trang Đồng Nhi với mong muốn buổi dã ngoại sẽ là bài học ý nghĩa nhất dạy các em làm người, sống có trách nhiệm hơn. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của người được gọi là Phúc “khùng”.

“BÀ ĐỠ” CỦA NHỮNG CÔ GÁI TRÓT MANG BẦU


chú thích: Anh Phúc và nhưng số phận bị bỏ rơi

Việc nuôi các bà đẻ trong nhà không phải kết quả của sự thực hiện “lời hứa” với Thượng đế, mà nó là hành động nghĩa hiệp của người tìm mọi cách cứu vớt những sinh linh bé nhỏ. Để cứu sống được những sinh linh bé nhỏ này, anh phải “làm cha” của những cô gái cùng đường đang bụng mang, dạ chửa. Anh nuôi các cháu bé với suy nghĩ, sau này, khi kinh tế của họ khá giả, họ sẽ nghĩ lại và đến nhận con mình về nuôi.
Trong căn nhà nhỏ, ngoài 20 đứa trẻ, còn có mấy cô gái, mấy bà bầu thấp thoáng đi lại dưới bếp. Tống Phước Phúc bảo: “Mấy bà bầu đấy! Các em sợ lên báo, lên ti vi, gia đình, người thân biết, nên trốn dưới bếp”. Họ đều là những cô gái trót lầm lỡ nên mang thai, không biết làm cách nào, nên đến nương nhờ “ba” Phúc.
Câu chuyện nuôi các bà bầu bắt đầu từ năm 2004. Buổi chiều hôm đó, có hai cô bé dắt nhau đến nhà anh Phúc. Đập vào mắt anh là dòng chữ trên ve bộ đồng phục: Lớp 9B, trường… Một cô bé nói với anh trong nước mắt: “Con tính ngày mai sẽ đi nạo hút thai, con đến nhờ chú khâm liệm giúp con con, để sau này có chỗ con đến thắp hương xin nó tha thứ”. Biết chuyện con gái mang bầu, ba mẹ cô gái bảo sẽ đuổi cổ ra khỏi nhà nếu không bỏ cái thai đi.
Không đành lòng nhìn một sinh linh bé nhỏ bị giết chết, anh tìm mọi lời lẽ động viên cô gái giữ lại cái thai. Sau khi theo anh đi thăm nghĩa trang đồng nhi trên núi Hòn Thơm, cô gái đã quyết định đẻ con. Từ bấy, cô sống ở nhà anh Phúc, được anh lo cơm ăn áo mặc, cho đến khi mẹ tròn con vuông. Đẻ xong, anh bảo cô bé tiếp tục đi học, đứa bé để anh nuôi. Khi cháu bé cứng cáp, được tuổi rưỡi, có một cậu thanh niên đến nhà và bảo: “Đó là con cháu, cho cháu xin về nuôi”. Anh bực mình đuổi cậu ta khỏi nhà, dọa gọi công an bắt. Cậu thanh niên này vừa khóc vừa bỏ đi. Hôm sau, cậu ta đến cùng với mẹ của đứa bé và cô gái này chứng nhận cháu bé chính là con của cậu ta. Tuy nhiên, anh vẫn dứt khoát không đồng ý. Anh bảo: “Tôi chỉ đồng ý khi anh nhận cả hai mẹ con”. Vài hôm sau, cậu ta dắt mẹ đẻ từ Bình Định vào, rồi cha mẹ đẻ của cô gái cũng đến. Họ hứa sẽ làm lễ cưới cho hai đứa, anh mới đồng ý cho bế cháu bé đi.
Chuyện nuôi các bà bầu cũng gặp lắm dị nghị. Trong một lần đến bệnh viện nhận thây nhi vô thừa nhận, anh Phúc tình cờ gặp một bà mẹ trẻ đang có định bỏ con, dù cái thai đang phát triển bình thường. Qua trò chuyện, anh biết bà mẹ trẻ này ở xa đến Nha Trang làm nghề phụ hồ. Tác giả bào thai đã "quất ngựa truy phong" từ khi biết tin. Thế là anh đưa bà bầu về nhà "báo cáo" vợ. Hàng xóm thi thoảng lại rỉ tai vợ anh: “Con bé ấy làm phụ hồ, thằng Phúc lại là chủ thầu xây dựng, khéo chị nuôi ong tay áo mà không biết”, rồi thì: “Cá chuối mới đắm đuối vì con. Chỉ có con nó nó mới nuôi nấng như vậy chứ!”… Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Lệ Yến đã quá hiểu chồng, nên chị tin anh và giúp đỡ anh rất nhiều. Chị Yến buôn bán quần áo trẻ con ở chợ. Mấy chục đứa bé trong nhà, thấy quần áo đứa nào cũ, rách, chị lại chọn một bộ phù hợp mặc cho chúng. Sau buổi chợ, chị lại cùng anh và các bà bầu chăm sóc các cháu nhỏ bị mẹ bỏ rơi.
Nuôi trẻ nhỏ là việc cực kỳ khó khăn đối với một người đàn ông. Nói là giám đốc cho oai, chủ thầu cho oách, chứ thực tế thu nhập của anh mỗi tháng chỉ chừng 2 đến 3 triệu. Với số tiền này, chỉ đủ mua sữa đặc biệt cho một đứa bé sinh thiếu tháng, chứ nói gì đến chuyện nuôi một lúc hàng chục đứa, lại gánh thêm mấy bà bầu. Nhưng dù khó khăn thế nào, anh quyết không mở miệng xin xỏ ai. Có xin là xin ở những sinh linh đã được anh chôn cất. Thỉnh thoảng, anh Phúc lại lần tới nơi nghĩa trang, khấn: "Các con hãy phù hộ, giúp bố lo cho các em con".
Anh Phúc bảo, hình như Thượng đế theo dõi từng bước chân anh để phù hộ cho việc làm của anh. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa có lần đến thăm các cháu và hỏi: “Phước, cậu lấy tiền ở đâu nuôi bọn trẻ?”. Anh chỉ tay lên bàn thờ. Anh thấy cũng lạ, lần nào cũng vậy, khi lâm vào đường cùng, anh lại thắp hương ở nghĩa trang và bàn thờ các cháu rồi khấn, y rằng, hôm sau tự nhiên có người mang tiền đến cho. Anh Phúc bảo, nhiều lúc anh nghĩ việc mình làm mà như không phải mình làm nữa. Vừa mới đây thôi, khi trong túi không còn đồng nào mua sữa cho bọn trẻ, nghĩ mãi không ra cách kiếm tiền, anh liền giấu vợ mang sổ đỏ căn nhà đi “cắm”. Nhưng vừa dắt xe ra cổng, thì có người đến thăm, trông cảnh các cháu khóc vì đói khát, vị khách này đã ra siêu thị mua liền lúc một bao tải sữa hộp, đủ cho các cháu uống cả tháng.
Từ bấy, hễ trong nhà cạn tiền, không thể gượng thêm được nữa, anh lại kêu linh hồn các con: “Các con đã được mồ yên mả đẹp rồi, các con lo cho ba để ba lo cho các em của các con…”. Vì thế, hễ ai hỏi lấy tiền ở đâu ra để nuôi bọn trẻ, anh đều bảo: “Không phải tiền của tôi. Đây là tiền của các con tôi, tụi nó lo cho các em của nó!”.
Linh nghiệm và lạ nhất là chuyện sinh đẻ của những bà bầu. Lần nào mấy bà bầu chuẩn bị chuyển dạ, cũng có người mang tiền đến cho, mua sữa cho cháu khi cháu chào đời.
Hồi em Nguyễn Hà Vân có dấu hiệu chuyển dạ, trong túi không có một xu rách, nên anh Phúc không biết làm sao. Anh liền chắp tay trước bàn thờ khấn. Y rằng, hôm sau, vừa mở mắt đã thấy có người gọi cổng cho 100USD, đủ tiền nộp viện phí.
Lại nói về chuyện cô gái Nguyễn Hà Vân. Cuộc đời của Vân khá bi kịch, nếu không có “ba” Phúc, thì không hiểu em sẽ ra sao.
Quê Nguyễn Hà Vân ở mãi Hà Tĩnh, em sinh năm 1988, khi mang bầu mới 18 tuổi. Bố mẹ là giáo viên, gia đình toàn cán bộ công chức, nhưng Vân không chịu học hành, mải chơi. Năm lên lớp 9, Vân bỏ học, bỏ nhà vào Nha Trang sinh sống. Hình thức đẹp, nên em được nhận vào làm ở một quán café ở Nha Trang. Tại đây, Vân quen rồi yêu một ông đã có vợ. Lão ta cũng chả ra gì, nên khi biết em mang bầu, lão trốn luôn. Gọi điện cho lão, lão bảo đang ở Biên Hòa, rồi tắt điện thoại, thay số.
Vân cũng định bỏ thai, nhưng 4 lần đến bệnh viện siêu âm, đến lúc chuẩn bị vào phòng nạo hút, em lại sợ hãi trốn về. Không dám về quê, sợ xấu mặt gia đình, em cũng không biết đi đâu, cứ lang thang vạ vật ở khu ổ chuột, toàn người lao động ngoại tỉnh và dân nghiện ngập tập trung. Việc mất, không có tiền trả, bị chủ nhà trọ đuổi, Vân cùng quẫn tính nhảy xuống biển cho xong. Đúng lúc đó, có người dúi vào tay số điện thoại của anh Phúc. Gọi điện trình bày hoàn cảnh, anh Phúc bảo: “Cứ bắt xe ôm đến nhà, chú trả tiền xe cho”. Lúc đó, cái thai trong bụng Vân đã 5 tháng tuổi.
Nguyễn Hà Vân kể cho tôi nghe: “Ngay lúc gặp ba Phúc em đã thấy một cảm giác ấm áp rất lạ. Từ ngày em ở nhà ba, ba Phúc tốn kém với mẹ con em không biết bao nhiêu mà kể. Ba đưa em đi siêu âm, khám thai đầy đủ. Hồi mang bầu, bị ruồng bỏ, em bị sốc rất nặng, ăn uống lại thiếu thốn nên sinh ra đủ bệnh, bây giờ hai mắt nhìn cái gì cũng mờ mờ. Cũng vì thế nên con em sinh ra thiếu một tháng, được có 2kg, bị suy dinh dưỡng nặng. Bây giờ cháu lại có triệu chứng câm điếc. Em đã thử dùng xoong nồi gõ vào tai mà cháu chẳng có phản ứng gì. Em đẻ xong, cũng chẳng có giọt sữa nào. Ba Phúc lại phải mua sữa đắt tiền cho cháu uống. Em sống với ba Phúc mới biết ba nghèo khổ quá sức tưởng tượng. Ngày nào cũng vậy, các cháu bé ngoài uống sữa còn được tiêu chuẩn 30 ngàn tiền thức ăn. Còn cả 5 bà bầu cùng vợ chồng ba Phúc chỉ được ăn 5 ngàn đồng. Em phụ trách việc đi chợ. Cầm 5 ngàn đồng không biết mua cái gì, chỉ được 1 lạng thịt pha mỡ và mớ rau. Thịt thì thái nhỏ đem kho, rau nấu lõng bõng nước. Các bà bầu, nuôi con nhỏ đều cần nhiều dinh dưỡng, nhưng thương ba Phúc làm việc quần quật suốt ngày, nên chị em đều nói dối không thích ăn thịt rồi gắp hết cho ba, chỉ chan canh và ăn nhiều cơm. Nhiều lần, em thấy ba Phúc ăn miếng thịt mà quay mặt đi. Ba vừa ăn vừa khóc...”
Con của Vân đã được một tuổi, anh Phúc tính cứ nuôi cháu đến đâu thì đến, lúc không nuôi được nữa thì gửi cháu vào trường dòng hoặc trường dành cho trẻ tật nguyền nếu cháu bị câm điếc để cháu phát triển được khả năng, rồi xin cho Vân vào làm ở xí nghiệp dệt may nào đó. Hầu hết các cô gái sau khi đẻ xong đều được anh xin việc cho. Anh dẫn các cô đến các doanh nghiệp, giới thiệu hoàn cảnh, họ đều nhận cả. Tuy nhiên, Vân bệnh tật nhiều, sức khỏe yếu nên cũng chưa biết sẽ làm được việc gì. Tạm thời Vân cứ ở với vợ chồng anh để giúp anh Phúc chăm sóc bọn trẻ.
Cũng từ ngày có Vân và các cô gái trót dại mang bầu ngoài ý muốn đến ở, chăm sóc bọn trẻ, anh Phúc rỗi chân tay, nên có nhiều thời gian đi làm kiếm tiền hơn. Thành ra, việc các bà bầu đến trú ngụ, ăn nhờ, ở đợ lại hóa hay. Những bà bầu, sau thời gian làm việc chăm sóc trẻ con, lại có nhiều kiến thức nuôi trẻ và điều quan trọng hơn là những công việc đó sẽ khơi gợi tình mẫu tử trong sâu thẳm tâm hồn các cô gái. Phần lớn các cô gái đến nhà anh Phúc, lúc đầu đều có tâm niệm đẻ xong, để lại con, rồi sải cánh tung bay luôn. Hiểu điều đó, nên anh Phúc thường động viên các cô ở lại một vài tháng để cho con bú sữa mẹ. Anh tin rằng, khi cho con bú, sợi dây tình cảm sẽ níu kéo được mẹ nó và điều đó đã trở thành sự thật. Nhiều cô đang mang bầu ở nhà anh, nhìn cảnh anh nâng niu những thai nhi vài tháng tuổi, đã có hình hài, tự tay anh tắm rửa, tự tay anh đóng quách cho vào áo quan, khâm liệm, cứ khóc nấc lên: “Con của con vẫn may mắn hơn đứa nhỏ này…”. Anh đã nuôi hàng chục bà đẻ và chưa thấy cô nào bỏ con cả. Vui nhất là những ngày Tết, các cô gái đi làm công nhân ở tứ phương đều kéo về nhà anh ăn Tết, thăm con. Ngôi nhà chật chội, mẹ con phải nằm lăn lóc ở nền nhà, nền bếp ngủ, nhưng ai cũng vui vì nghĩa tình ấm áp.
Nhìn nhà anh Phúc đầy những trẻ con, đứa bé nằm trong nôi, đứa lớn chạy lăng xăng, náo loạn cả lên. Cả con ruột, con nhặt, trẻ con hàng xóm sang chơi... tôi chóng mặt hỏi anh: Giờ trong nhà anh nuôi tổng cộng bao nhiêu trẻ sơ sinh bị bỏ rơi? Người thợ xây lam lũ lẩm nhẩm bấm đốt tay rồi nói: “Mấy ngày trước thì có 29 đứa, nhưng em mới gửi 14 đứa lớn đến trường dòng ở xã Cam Phước Đông, Cam Ranh, để nhà thờ nuôi, cho đi học, nên trong nhà chỉ còn 15 đứa”.
15 đứa bé anh nuôi trong nhà là 15 số phận rất đặc biệt, nhiều đứa bệnh tật vô cùng thương tâm. Anh Phúc chỉ tôi thằng bé nằm im trong chiếc nôi ở góc nhà. Anh đặt tên nó là Tống Phước Rắc Vinh. Cha mẹ nó là người dân tộc Rắc Lây. Đẻ ra nó đã không có hậu môn. Bác sĩ phải mổ bụng, lắp ống dẫn để chất thải ra ngoài tự nhiên. Hồi mẹ nó sinh ra nó, nhìn thấy con vậy, chỉ biết khóc. Bác sĩ bảo phải đem đến cho ông Phúc nuôi may ra mới sống được. Vậy là anh phải gánh vác. Anh không nhận nuôi, thì mẹ nó cũng phải nhắm mắt để cho con chết. Sau này, anh lên tận nhà con bé ở Lâm Đồng, thấy cái nhà nó như lều vịt ở trong rẫy. Tài sản chỉ có mỗi cái xoong méo mó ở cạnh bếp. Đứa con vừa sinh là đứa thứ 2, đứa lớn được 2 tuổi thì ngã vào chum nước chết. Thằng Rắc Vinh có cái mắt sáng long lanh, tay chân lúc nào cũng cựa quậy, chừng như muốn chơi với bạn bè lắm, nhưng không dậy được. Hôm trước, anh bế Rắc Vinh đi bệnh viện, sau khi khám xét, bác sĩ chẩn đoán cháu bị thêm bệnh tim bẩm sinh nữa. Muốn phẫu thuật cho cháu thì phải nộp 100 triệu đồng. Thương cháu quá, nhưng anh đành phải bế cháu về. Mẹ nó thi thoảng lại điện hỏi anh xem cháu chết chưa để đem về chôn, nhưng thằng bé vẫn sống và cứ lớn. Kể cũng lạ. Các bác sĩ cũng xác định thằng bé sẽ không sống lâu được, nên ngày đó đã khuyên cô gái gửi anh Phúc, để anh chôn giúp. Anh Phúc không nói ra, chỉ thở dài, nhưng tôi nghĩ, giá có mạnh thường quân nào nộp vào bệnh viện số tiền đó, để cứu cháu Rắc Vinh thì có ý nghĩa biết mấy.
Trong số những cháu bé bất hạnh mà anh Phúc đang nuôi, thì cháu Vạn Tâm cũng đang khiến anh mất ăn, mất ngủ. Cháu Tâm đã nằm viện gần tháng nay. Cháu bẩm sinh đã không có động mạch phổi. Bây giờ đưa về là chết, mà để ở bệnh viện thì không biết lấy đâu ra tiền. Anh cứ cuống cuồng đi làm kiếm tiền, nhưng với công việc của anh thì đến hết đời cũng không kiếm đủ 17 ngàn USD nộp cho bệnh viện.
Trong số 29 đứa trẻ mà anh Phúc nuôi, cháu Tống Phước Cam Tâm sống được cũng là một chuyện rất lạ. Mẹ cháu ở Cam Ranh, mắc bệnh tâm thần, đi lang thang, bị cưỡng hiếp, sinh ra cháu. Mẹ tâm thần, ở trong nhà thương điên, nhất định không cho con bú. Thấy cháu bé không sống được, người ta trả cháu về làng. Ông bà không còn, dân làng bàn đưa đến cho anh Phúc để… đem chôn. Lúc họ bế cháu đến, người cháu nổi vẩy khắp nơi, tay chân tong teo, hai con mắt lồi hẳn ra ngoài. Cháu không cử động được nữa. Miệng cũng không há nổi để mút sữa. Cháu ho từ chập tối đến sáng, không ai ngủ được. Mấy ngày chăm cháu Tâm, anh gần như thức trắng, cứ kiên trì nhỏ từng giọt sữa vào miệng cháu. Vậy mà con bé sống được, giờ đã 17 tháng, rất khôn lanh.
Nuôi từng ấy đứa bé, anh đã thành “bà mẫu” thực sự. Bọn trẻ chỉ nhớ nhất ba Phúc. Anh đi làm về, chúng tranh nhau bá cổ, đòi bố bế. Trông cảnh anh đứng giữa nhà như cây sung già, mà hai tay bế hai đứa, còn mấy đứa tranh nhau hai cái chân để đu lên thật cảm động. Lần nào cũng vậy, hễ anh ra khỏi nhà là bọn trẻ khóc ran cả xóm. Mấy cô mang bầu phải lấy khung gỗ chặn cửa mới ngăn được chúng lại. Đôi lúc anh nghĩ, không biết có phải anh yêu trẻ con quá không mà giác quan cảm nhận của anh rất chính xác. Chỉ cần nghe tiếng chúng khóc là anh biết chúng buồn tè, đói hay buồn ngủ.
Có lẽ, gần đây anh lần lượt chuyển bọn trẻ lớn đến trường dòng để được đi học, nên một số người đồn rằng: “Thằng đó họ Tống, người Tàu, nó nuôi trẻ rồi bán sang Trung Quốc đó…”. Trước khi gặp anh, tôi đã được các đồng chí Công an tỉnh Khánh Hòa kể rằng, các anh cũng đi xác minh nhiều lần, nhưng không hề có việc đó. Anh Phúc cũng kể, có rất nhiều tổ chức phi chính phủ đến đề nghị xin các cháu về nuôi, rồi bồi dưỡng công anh nuôi các cháu đàng hoàng, nhưng anh chỉ trả lời duy nhất một câu: “Tôi chỉ được phép nuôi các cháu chứ không được phép cho. Tôi đã hứa với các anh công an như vậy rồi. Cho các cháu đi, nhỡ mẹ nó về hỏi thì tôi biết làm thế nào?”. Lại có một số cán bộ ở những trung tâm nuôi dưỡng trẻ em ở mãi Hà Nội vào bảo: “Thấy cảnh anh thương quá, muốn nuôi giúp các cháu”. Anh bảo: “Nếu lúc nào đó tôi khó khăn quá, gửi nuôi một số cháu được không?”. Họ bảo: “Được chứ!”. Anh tiếp: “Nhưng khi có điều kiện, tôi đón cháu về được không?”. Họ bảo: “Gửi rồi thì không đòi lại được nữa!”. Nghe vậy, anh từ chối luôn, bởi anh nghi ngờ lòng tốt của họ.
Điều trăn trở lớn nhất của anh Phúc lúc này là không làm được giấy khai sinh cho bọn trẻ. Không có mảnh giấy ấy trong tay, bọn trẻ không được xã hội thừa nhận, không được hưởng sự chăm sóc y tế miễn phí trong độ tuổi từ 0 đến 6. Và quan trọng nhất, chúng sẽ không có cơ hội đến trường. Những đứa trẻ cùng mang họ Tống Phước ấy, sau rất nhiều nỗ lực của anh, vẫn chưa được hưởng cái quyền lợi mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có, mặc dù UBND tỉnh đã có công văn đề nghị phường tạo điều kiện làm khai sinh cho các cháu.
Hôm tôi đến gặp, anh Phúc kể rằng, anh lại vừa ra phường làm khai sinh cho một cháu bé 3 tuổi, nhưng bà Trưởng ban Tư pháp phường bảo: “Phải có mẹ nó ở đây mới làm khai sinh, anh chỉ là bố nuôi, không làm được”. Sốt ruột quá, anh liền gọi mẹ cháu vào, nhưng cô gái khóc lóc bảo: “Chú ơi! Chú thương con, con có chồng, có con rồi, con mà vào đó làm giấy khai sinh, lộ ra thì tan nát gia đình con chú ơi!”. Anh trình bày thật như thế với “bà Tư pháp”, bà lại nói: “Tôi khai sinh cho chúng nó, chúng nó trở thành con anh, anh lấy đâu ra nhà cho chúng nó ở?”. Câu nói của “bà Tư pháp” làm anh phát cùn: “Cô không phải lo. Bố mẹ tôi chết rồi. Nhà đó của tôi, chúng nó thích ở đến bao giờ thì ở”. Cãi như vậy rồi, mà anh vẫn chưa làm khai sinh được cho đứa nào.
Đôi lúc anh Phúc thấy buồn. Anh ở cạnh người ta, chuyên tâm làm việc tốt, mà người ta không hiểu, cứ gây khó dễ này nọ. Trong khi, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ở rất xa, lại bận trăm công ngàn việc, vẫn biết đến việc làm của anh, rồi xúc động gửi thư khen cho anh. Thư gửi anh theo đường hỏa tốc. Anh giữ kín trong buồng suốt một năm nay, sợ mọi người đến chơi, nhìn thấy lại ầm ĩ. Anh làm việc đó là vì sự thôi thúc từ sâu thẳm lòng mình, chứ không phải làm để khoe lòng nghĩa hiệp. Nhưng bức thư đến kịp thời, đúng lúc của Chủ tịch nước đã giúp anh rất nhiều. Một số cán bộ đã hiểu việc làm của anh và không còn ý định đập phá nghĩa trang của 6 ngàn sinh linh mang họ Tống Phước nữa.

THƯ KHEN
Gửi: Anh Tống Phước Phúc, chị Nguyễn Thị Lệ Yến, số nhà 77, đường Phan Bội Châu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tôi xúc động được biết, trong hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn của một người làm nghề thợ xây, nhưng vợ chồng anh, từ đầu năm 2004 đến nay, đã đùm bọc, nuôi dưỡng tới 24 lượt trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và những bà mẹ lỡ lầm.
Chúng ta lên án những kẻ hèn nhát, rũ bỏ trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Anh, chị đang làm những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, mà hơn thế, còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm. Việc làm của anh, chị, cùng với rất nhiều việc làm tình nghĩa khác trong cộng đồng vẫn đang nảy nở, sẽ như hoa thơm diệt trừ cỏ dại để hướng đến chân, thiện, mỹ, có ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của con người được xây dựng trên cơ sở của đạo đức và phẩm hạnh.
Tôi nhiệt liệt biểu dương việc làm nhân ái đó và chúc anh, chị mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục thực hiện những ý tưởng tốt đẹp của mình. Tôi khen ngợi bà con cô bác đã đóng góp chia sẻ với anh Phúc, chị Yến nuôi dưỡng các cháu.
Đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân ở các địa phương trong cả nước đẩy mạnh các hoạt động xã hội nhân đạo và tạo điều kiện tốt nhất cho những người làm việc nghĩa như gia đình anh Tống Phước Phúc, chị Nguyễn Thị Lệ Yến.
Nguyễn Minh Triết