Xô nước đắt giá nhất trong lịch sử loài người
1500 05/12/2010

Khi Brest bị quân Đức bao vây, nước uống là cứu cánh duy nhất, và vào lúc 3h, hai mươi người đã bị bọn Đức bắn chết, chỉ còn một người mang được xô nước về… Có lẽ một xô nước ở thành Brest năm 1941 có giá cao nhất trong toàn bộ lịch sử loài người!

Ngày 4/11/2010, bộ phim “Thành Brest”, sản phẩm hợp tác của hai nền điện ảnh anh em Nga - Belarus, đã được phát hành chính thức ở Nga. Để có bộ phim chân thực về độ khốc liệt của chiến tranh và lòng quả cảm của quân dân, nhà nước Nga và Belarus đã đầu tư toàn bộ cho một công trình điện ảnh nhằm nuôi dưỡng lòng yêu nước…

Phim kể về ba ổ kháng cự lớn của quân dân Belarus dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Piotr Gavrilov (diễn viên Alexandr Korshunov), Chính ủy Efim Fomin (diễn viên Pavel Derevianko) và Trung úy Andrei Kizhevatov (diễn viên Andrei Merzlikin) - chỉ huy Đồn Biên phòng số 9 trấn giữ vùng Brest tiếp giáp với Ba Lan. Ba nhân vật này cùng có mối liên hệ với chú lính kèn Sashka Akimov (Aliosha Kopashov), và tất cả các diễn biến sự kiện trong phim đều được xâu chuỗi, phản ánh thông qua con mắt của Sashka.


Một cảnh trong phim “Thành Brest”.


Đây là ký sự về những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, được quay tại chính địa điểm diễn ra sự kiện, chuyển tải đến khán giả ngày nay bầu không khí nghẹt thở khi đó ở thành Brest, nơi chỉ sau vài phút đã biến thành đống gạch đá nát, hễ thấy phát hỏa từ ô cửa nào là lập tức quân Đức nã đạn chống tăng vào ngôi nhà đó, khiến không ai còn sống sót. Đạn chống tăng không ít khi nhằm vào cả đoàn tù binh.

Các nhà làm phim đã tìm thấy trong nguồn tư liệu của chính nước Đức những chứng cứ khủng khiếp: bọn phát xít sử dụng lực lượng pháo binh hùng hậu nhất trong toàn bộ lịch sử cuộc chiến với Hồng quân Liên Xô và định biến khu vực Brest thành một địa ngục thực sự trên mặt đất. Trong một tầng hầm chật ních thương binh, một bác sĩ đã tự sát vì không có gì để cứu chữa cho đồng đội, vậy mà mọi người vẫn không ngừng chiến đấu, bất chấp nỗi đói ăn khát uống, bất chấp cảnh bị cô lập hoàn toàn. Chỉ cần trụ lại ở thành Brest một ngày đêm đã đáng coi là anh hùng, chỉ tham gia chiến đấu - đã là chiến công, và nếu lôi kéo được những người khác cùng chiến đấu - đó là chiến công nhân đôi!

Mọi người trong thành Brest biết mình đã bị bỏ rơi và họ hiểu rằng chắc chắn sẽ không thể rút khỏi thành, sẽ không thể thoát chết, và họ quyết định sẽ phải chết cho xứng đáng. Nhân vật Trung úy Andrei Kizhevatov cùng Nyura Kizhevatova - con gái của mình - chiến đấu quả cảm đến mức hiện nay, tên người cha được đặt cho Đồn Biên phòng Brest, và tên người con gái được đặt cho một chiến hạm thuộc Hải đoàn phương Bắc.

Là một sĩ quan, phải có trách nhiệm trước vợ con mình và trước cả gia đình các chiến sĩ thuộc cấp. Mới 4h, khi những người đàn ông bình thường đang ngon giấc, quân Đức đã đồng loạt nã đạn, Trung úy Andrei Kizhevatov đành phải chấp nhận một quyết định không thể khác: lệnh cho tất cả phụ nữ và trẻ em giơ cờ trắng ra hàng. Hàng trăm phụ nữ, trẻ em tưởng được trả về sống ở quê làng, nhưng rồi đều bị quân Đức bắt trở lại rồi bắn chết hết.

Đoạn vượt sông Mukhavetz thật là bi tráng: Khói, bụi liên miên ròng rã ba - bốn ngày đêm, xác những người bỏ mạng bắt đầu bốc mùi nhưng không thể thu dọn chiến trường, đạn pháo luôn luôn dồn dập, lúc bấy giờ, nước uống là cứu cánh duy nhất, và vào lúc 3h, hai mươi người đã bị bọn Đức bắn chết, chỉ còn một người mang được xô nước về… Có lẽ một xô nước ở thành Brest năm 1941 có giá cao nhất trong toàn bộ lịch sử loài người!

Một trong những nhà tổ chức sản xuất bộ phim này, Evgeny Aizikovich cho biết: Lực lượng sáng tác chính của “Thành Brest” đều đến từ nước Nga. Hai nhà văn Nga (Evgeny Tirdatov và Vladimir Eremin) cùng hai nhà văn Belarus (Alexei Dudarev và Konstantin Vorobiev) đã phối hợp viết một kịch bản dựa trên những dữ liệu do khu di tích thành Brest cung cấp và được Thiếu tướng Borenko kiểm tra kỹ lưỡng.

Tổng chủ nhiệm Igor Ugolnikov cùng đạo diễn Alexandr Kott đã làm tất cả những gì có thể để gạt bỏ những khía cạnh lập lờ hai mặt. Mỗi chi tiết đều được tham chiếu từ ít nhất ba nguồn tư liệu (trong nước, từ Đức, và từ những nhân chứng còn sống sót) để trong phim không có chi tiết nào gây tranh cãi. Sự việc nào dẫu được các nhà làm phim mê đến mấy, nhưng chưa qua kiểm tra, cũng đều bị loại.

Một phụ nữ nào đó tên là Kudlata hồi tháng 8, tháng 9 năm 1941 thường hiện lên đêm đêm như một bóng ma tìm diệt lính Đức hết tên này đến tên khác. Bọn giặc chiếm đóng vô cùng hoảng hốt vì ở bất cứ chỗ nào chúng cũng đụng phải Kudlata. Đây là một chi tiết rất đắc địa trong điện ảnh, song, có người khuyên: Chẳng nên đưa chuyện hoang đường đó vào phim... “Thành Brest” mới công chiếu được ba tuần đã được khán giả trong nước chấm điểm 8-7/10 và được xếp thứ 52 trong bảng xếp hạng những bộ phim Nga hay nhất trước nay.

Các nhà làm phim “Thành Brest” đã cố gắng thông qua hình tượng bốn nhân vật chính để đúc kết thành một chân dung chung của những người cảm tử bảo vệ thành Brest, tạo cho khán giả cơ hội để mà cảm nhận, hình dung thế nào là một chiến công.

Trước ngày công chiếu tại Nga, trong phiên họp Hội đồng Bộ trưởng nhà nước liên hợp Nga - Belarus, Thủ tướng Nga V. Putin đã tuyên bố: "Cần giải quyết gọn tất cả các vấn đề tổ chức, kỹ thuật để cho phim “Thành Brest” có càng nhiều người xem, nhất là giới trẻ ở cả Nga, cả Belarus, cả ở các nước khác. Bộ phim là sự nhắc nhở về tính kiên định, lòng dũng cảm của những người lính Xôviết, về một chiến công đã trở thành biểu tượng cho sự thống nhất của các dân tộc chúng ta".

Sau khi đưa vào các rạp, “Thành Brest” sẽ có một phiên bản truyền hình công chiếu rộng rãi trên kênh "Nước Nga"



Đăng Bẩy