kết quả từ 1 tới 11 trên 11

Ðề tài: CHUYỆN YỂU MỆNH CỦA NHÀ MẠC, NHÀ HỒ VÀ GIẢ THUYẾT CHỌN SAI ĐẤT ĐỊNH ĐÔ?

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định CHUYỆN YỂU MỆNH CỦA NHÀ MẠC, NHÀ HỒ VÀ GIẢ THUYẾT CHỌN SAI ĐẤT ĐỊNH ĐÔ?

    CHUYỆN YỂU MỆNH CỦA NHÀ MẠC, NHÀ HỒ VÀ GIẢ THUYẾT CHỌN SAI ĐẤT ĐỊNH ĐÔ?


    Bài 1: Tây Đô thành hoài cổ

    Đời nay nhìn lại sẽ là giản đơn và thiếu khoa học nếu quy thất bại của nhà Hồ cho việc dời đô và chọn đất sai phong thủy. Nhưng theo các sử gia, trong số các nguyên nhân của thất bại, ít nhất có nguyên nhân “làm mất lòng dân”, mà việc dời đô góp một phần vào đó.


    LTS: Gần đây nhiều nhà kiến trúc, phong thủy và lịch sử đã lên tiếng kiến giải sự yểu mệnh của một vài triều đại trong lịch sử Việt Nam liên quan đến yếu tố chọn đất xây thành. Có ý kiến cho rằng thế “rồng cuộn, hổ chầu” trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ bị hiểu sai hoặc vận dụng không đúng dẫn tới chuyện cả vương triều đặt trên vùng Âm trạch (tức là đất tốt để làm việc âm), thay vì Dương trạch. Phóng viên đã về tận Cao Bằng, Lạng Sơn và Thanh Hóa, tìm đến các di tích và vùng đất cổ, gặp gỡ những nhân chứng và các nhà phong thủy, lịch sử để tìm kiếm những giả thuyết khả dĩ giải mã sự yểu mệnh của nhà Hồ và nhà Mạc.

    Từ thành phố Thanh Hóa, đi về phía tây khoảng hơn 50 km, qua ngã ba Kim Tân thêm chừng 1 km nữa, sẽ thấy nơi cuối con đường hiện sừng sững một cổng thành đá ba vòm uốn cong, dưới chân tường cỏ phủ xanh. Đó là cổng chính của một tòa thành cổ, ra đời từ cách đây đã hơn 600 năm: Tây Đô, hay như chúng ta thời nay gọi “thành nhà Hồ”.

    Vào những ngày này, Ban Quản lý di tích và thành phố Thanh Hóa đang trong quá trình chờ UNESCO xét duyệt hồ sơ công nhận thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới, nếu không có gì thay đổi thì năm 2011 sẽ có kết quả. Xét về phương diện kiến trúc, công trình khá độc đáo, theo nhận định của ban quản lý thì “cả khu vực Đông Nam Á không có ngôi thành nào thế này”. Độc đáo bởi lẽ toàn bộ thành xây bằng đá; những tảng đá lớn nặng 2-3 tấn, có khối nặng tới 20 tấn, được xếp vào nhau cực kỳ khít khao, bằng phẳng mà không hề dùng vữa. Tổng diện tích bề mặt đá đo được (mặt ngoài, chưa tính phần lõi) là hơn 10 triệu m2. Người đời nay tới thăm thành có thể kinh ngạc, không hiểu làm cách nào mà thời Hồ (cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15), phu xây thành lại có thể di chuyển những khối đá lớn như thế để xây nên những bức tường có chiều cao trung bình 5-6 m, cổng mái vòm gần 10 m. Đó là chưa kể các tảng đá đều được mài nhẵn, vuông vức, xếp rất khít vào nhau. Nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier từng nhận xét vào đầu thế kỷ 20: “Ngôi thành này là một mẫu mực độc nhất về việc sử dụng những khối đá vôi to lớn, được đẽo gọt và ghép một cách rất tài tình...”. Vì lý do này, Tây Đô còn có được gọi là “thạch thành”, nghĩa là thành đá.



    Ảnh trên: Địa thế thành nhà Hồ (Google maps).

    Trải qua sáu thế kỷ, một số bức tường đã bị sạt lở, song bốn cổng thành vẫn còn nguyên, trong đó chỉ riêng cổng Nam (cổng chính, mặt tiền) là có ba vòm, các cổng Bắc, Đông, Tây đều “đơn môn” (một cửa). Chiều dài từ cổng Bắc tới cổng Nam là 880 m, Đông sang Tây 877 m, tức là tổng diện tích nội thành gần 1 km2 . Các kiến trúc khác mà sử sách có ghi lại như La Thành (vòng thành ngoài cùng), điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ, v.v… đều không còn nữa, chỉ để lại dấu tích.

    Tây Đô độc đáo còn vì đây là ngôi thành đã chứng kiến bảy năm tồn tại của nhà Hồ - một triều đại yểu mệnh trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông vua nổi tiếng của triều đại này - Hồ Quý Ly - được ghi nhận như là một nhà cải cách đầy tham vọng, đã dời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa, xây một ngôi “thạch thành” kiên cố đủ cả tường cao, hào sâu, trên vùng đất mà chính ông nhận xét là “long xà ẩm thủy”, “rồng chầu rắn cuộn”. Vậy mà khi quân Minh kéo sang, vua quan Hồ Quý Ly thua chạy dài, thành Hồ chưa (kịp) bị tấn công ngày nào đã thất thủ.

    “Thế đất xung quanh còn non lắm”

    Theo giới nghiên cứu thì Hồ Quý Ly đã có sự tính toán, chuẩn bị rất kỹ cho việc chọn đất xây thành, ít nhất là về mặt phong thủy. Thời đó, khu đất xây thành được bao quanh bởi cả sông và núi: Từ cổng Tây đi ra có dòng sông Mã. Phía Đông có dòng sông Bưởi. Phía Bắc gối đầu vào núi Thổ Tượng, còn gọi là núi Voi. Cổng chính mở ra hướng Nam, tiến thẳng về Đún Sơn (tức núi Đún theo tiếng địa phương), là nơi đặt đàn tế Nam Giao - một trong bốn đàn tế xã tắc còn lại ở Việt Nam đến ngày nay.

    Hồ Quý Ly rất tâm đắc với mảnh đất này, cho là đắc địa, có thể xây nền đế nghiệp lâu dài, bởi sông Mã lớn như con rồng chầu phía tây, sông Bưởi nhỏ hơn uốn lượn như con rắn cuộn phía đông. Hai bên là sông, trước mặt sau lưng là núi, thế vững như vậy, đây hẳn là “mảnh đất long xà ẩm thủy, có thể ở được lục thập niên ký” (tức là trên dưới 60 năm).



    Cổng Nam thành nhà Hồ, xây từ 1397. Ảnh: Đoan Trang

    Tiếc thay, không được như mong đợi của Hồ Quý Ly, nhà Hồ chỉ thọ được thất niên. Dân gian có vài giai thoại đồn rằng thảm bại của họ Hồ xuất phát từ sai lầm trong phong thủy xây thành. Giai thoại thứ nhất kể Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết đã dâng thư can nhưng Quý Ly không nghe. Thư viết: “Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ (tức Thăng Long) có núi Tản Viên, có sông Lô, Nhị, núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất ấy làm nơi sâu gốc bền rễ (…). Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nhà nước. An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị”. (Theo giải thích của TS Đỗ Quang Trọng, Trưởng ban quản lý di tích, sở dĩ gọi là “đầu non cuối nước” vì xuôi về phía Nam thì sông Mã và sông Bưởi có gặp nhau ở một điểm, cổng Bắc thành thì gối vào núi Thổ Tượng).

    Một giai thoại khác cho rằng từ cổng chính thành mở ra một con đường lát đá dài 2,5 km chạy thẳng về đàn tế Nam Giao, con đường này giống như mũi tên, mà núi Đún nơi đặt đàn tế thì uốn vòng như một cánh cung giương sẵn. Hai yếu tố này phối hợp, làm thành một thế cực độc về phong thủy: Tên bắn thẳng vào thành. Song nói chung kể cả nếu không phạm vào cái thế này thì thành nhà Hồ cũng khó vững, bởi như chính Hồ Hán Thương (con trai Hồ Quý Ly) đã nói, mảnh đất này tuy là thạch bàn long xà nhưng “thế đất xung quanh hãy còn non lắm, nên chỉ ở được lục niên ký (sáu năm) mà thôi”. Nhà Hồ đã tính lầm ngay từ khi dời đô về phủ Thanh Hóa.

    “Anh hùng di hận kỷ thiên niên”

    Đời nay nhìn lại sẽ là giản đơn và thiếu khoa học nếu quy thất bại của nhà Hồ cho việc dời đô và chọn đất sai phong thủy. Nhưng theo các sử gia, trong số các nguyên nhân của thất bại, ít nhất có nguyên nhân “làm mất lòng dân”, mà việc dời đô góp một phần vào đó. Nhà Trần có 175 năm tồn tại, trải 13 đời vua, ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Đất Thăng Long vì thế đã gắn bó quá sâu đậm với lòng dân, với nhà Trần. Dời đô khỏi miền đất ấy khác nào chặt một cái cây khỏi cội rễ của nó. Còn mảnh đất định đô mới, dẫu có là nơi đắc địa với quan niệm của Hồ Quý Ly thì như Nguyễn Nhữ Thuyết thống thiết can: “Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm”.

    Triều Hồ thất bại. Có lẽ chỉ Nguyễn Trãi là giữ tấm lòng thương cảm với Hồ Quý Ly khi ông viết: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Họa phúc có manh mối không phải một ngày/Anh hùng để mối hận mấy ngàn năm sau).

    ĐOAN TRANG

    Kỳ sau: Bài 2: Thành nhà Mạc - “quan hà hiểm trở trời kia dựng”
    Last edited by Bin571; 04-12-2010 at 06:40 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Bài 2: Vượng khí Thăng Long

    Về phương diện phong thủy, xây thành, định đô bao giờ cũng được coi là một câu chuyện đậm tính tâm linh, từ chọn hướng đất tới hoạch định kiến trúc, rồi trấn yểm, giữ thành. Những chuyện ấy luôn thần bí và chính vì thế luôn thu hút sự tò mò của dân chúng.

    Gạt bỏ những yếu tố tâm linh chưa giải thích được ngay một cách rộng rãi, giả thuyết sự yểu mệnh của nhà Hồ, nhà Mạc do chọn sai thế đất thực chất là muốn đề cập đến những nguyên tắc cơ bản và quan điểm chức năng trong việc chọn đất để làm thủ đô.

    Dạo bước dưới chân thành cổ nhà Hồ, tha thẩn trong thành nội Huế, hay thắp nén nhang trong thành Cổ Loa, người ta cảm thấy bồi hồi khó tả khi quá khứ xa xưa như đang vọng về trong từng ngọn cỏ, lớp đá, từng viên gạch cũ…; khi nhìn lại những nơi mà theo sử sách mô tả từng là chốn lầu son gác tía nguy nga, tráng lệ ngày xưa, nay chỉ còn là phế tích.

    Việt Nam từ buổi lập nước tới nay, trải qua các thời đại đã có nhiều kinh đô: thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Hoa Lư (Ninh Bình), Thăng Long-Đông Đô (Hà Nội), kinh thành Huế. Nhà Hồ (1400-1407) và nhà Mạc (1527-1592) bị sử cũ coi là “ngụy triều”, cũng có lập thành Tây Đô ở Thanh Hóa và thành nhà Mạc ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang.

    Từ lựa chọn của người xưa…

    Theo một số chuyên gia địa lý, tất cả thành quách dù lớn dù nhỏ đều là nơi phồn hoa đô hội, dân chúng tụ tập, “bé thì là thị trấn, thị tứ, lớn thì làm thành phố, cực thủ thì trở thành thủ đô”. Tất cả thành quách đều có sông núi bao quanh, như Tây Đô có sông Mã, sông Bưởi và núi Thổ Tượng, Đún Sơn; kinh đô Huế có sông Hương, núi Ngự…



    Chùa Trấn Quốc được xem như một “điểm tâm linh” của Hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: ĐOAN TRANG

    Nhưng để chọn một nơi định đô thì không phải thành phố nào cũng đáp ứng. Các triều đại phong kiến hưng thịnh Việt Nam đã dựa vào khoa địa lý phong thủy để chọn Hà Nội vì Hà Nội lấy núi Ba Vì làm tọa sơn, phía tả có tay long chạy từ Tam Đảo ra tận Quảng Ninh, phía hữu có tay hổ là dãy núi chạy dài qua Ninh Bình, Tam Điệp, ra cửa biển Thần Phù. Tay long dài, tay hổ ngắn tạo thành thế “long bão hổ” không gì quý bằng. Đằng trước là cả một vùng châu thổ sông Hồng làm “minh đường” (được hiểu như khoảng đất, khoảng sân trống trước cửa nhà), rộng mênh mông, xa hơn nữa là biển Đông vỗ sóng. Đó là một thế đất cực vượng, đúng như Lý Thái Tổ đã tuyên trong Chiếu dời đô năm Canh Tuất 1010: “Thành Đại La (…) ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Viện Khoa học xã hội Việt Nam).

    Báo cáo tiếp thu, giải trình về việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 cũng nhấn mạnh đến vị thế địa lý phong thủy này: Theo phương án mở rộng này, địa thế của Hà Nội tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế rồng cuộn hổ ngồi tiện hướng nhìn sông dựa núi; tiếp nối được giá trị khoa học và nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là luôn gắn môi trường sống của con người với môi trường cảnh quan thiên nhiên, đó cũng là xu hướng phát triển bền vững nhất mà nước ta cũng như các quốc gia trên thế giới đang hướng tới.

    Cái mà các nhà nghiên cứu gọi là long mạch đó chính là Hồ Tây và các con sông, hồ khác ở Hà thành: “Hồ Tây lấy nước từ sông Hồng, rồi đổ vào các con sông chảy quanh Hà Nội, đó là mạch long cực đẹp, là nơi tụ khí rất tốt. Mà nguyên tắc của phong thủy là khí tụ thì vật tụ, vật tụ thì tài tụ, tài tụ thì người tụ lại. Hội được nhiều yếu tố tốt đẹp như thế nên Lý Thái Tổ mới lấy đất này làm nơi đóng đô ngàn năm và nó sẽ còn thịnh vượng mãi mãi nếu được tu bổ”.

    … Đến những nguyên tắc khoa học hiện đại

    Nhìn trên giác độ khoa học, đó phải chăng là do thời xưa, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, giao thông khó khăn, người ta cần tụ về các khu vực có sông có nước để dễ bề đi lại, vận chuyển (bằng đường thủy)? Ngoài ra, điều này còn xuất phát từ những lý do đã được nhắc tới nhiều như môi trường sông nước tạo ra những vùng châu thổ phì nhiêu, thường là nơi khí hậu trong lành, mát mẻ, tốt cho sức khỏe và sinh hoạt của con người.

    Trong lịch sử, các đô thị lớn ở nhiều nước trên thế giới đều có một dòng sông lớn chảy trong lòng thành phố. Như thủ đô Washington, DC của nước Mỹ có sông Potomac, Paris có sông Seine, London có sông Thames, Vienne (Áo), Bratislava (Slovaque), Budapest (Hungary) và Belgrade (Serbie) có sông Danube, TP Hambourg (Đức) có sông Elbe, Thượng Hải (Trung Quốc) có sông Hoàng Phố… Đó đều là những con sông đẹp đẽ, thơ mộng, tô điểm cho cảnh quan. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà trong quá khứ, khi còn chưa có khái niệm quy hoạch hiện đại, mảnh đất nơi những sông này chảy qua đã được dân chúng lựa chọn mà tụ về, dần dà trở thành thủ đô hay thành phố lớn. Còn nói về thế tựa núi và núi non bao bọc đó chính là nói về “bức tường thành” ngăn bão tố...



    Đoạn tường còn sót lại của thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Ảnh: ĐOAN TRANG

    So với các kinh đô cổ khác ở Việt Nam (cũng đều có núi có sông bao bọc) thì Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội vẫn là nơi hội đủ các yếu tố tích cực về địa thế. Ví như thành Tây Đô của nhà Hồ ở Thanh Hóa có núi có non nhưng đó chỉ là phần kéo dài của “tay hổ” ở Hà Nội, địa thế “hợp với loạn mà không hợp với trị”. Nhà Mạc chọn Cao Bằng tuy đất đai hiểm trở nhưng chỉ có núi đồi, đường đi khó khăn. Nói theo ngôn ngữ thời nay thì đó không phải là nơi để làm ăn kinh tế, không chứa được muôn dân, không thể hội tụ dân về định đô muôn đời. Xứ Huế với sông Hương núi Ngự thì núi không cao, sông không sâu, nước chảy lờ đờ, đất không rộng rãi nên chỉ làm thành phố chứ không làm thủ đô được.

    Theo nhà nghiên cứu Hà Thủy (Tuần Việt Nam, 1-6-2010), đó là lựa chọn địa điểm, quy hoạch cho trung tâm chính trị-hành chính quốc gia (đồng nghĩa quy hoạch đô thị trung tâm quyền lực nhà nước bao gồm các cơ quan hành pháp, lập pháp, cơ quan tư pháp tối cao) là nhiệm vụ hàng đầu, mang ý nghĩa căn bản nhất, làm tiền đề, cơ sở để nghiên cứu thực thi các mục tiêu quy hoạch khác… Phát triển bền vững thành phố thủ đô trước tiên phải phát triển bền vững hạt nhân đô thị đặc thù của thủ đô (tức đô thị trung tâm quyền lực nhà nước, đô thị trung tâm văn hóa-lịch sử).

    Sự lựa chọn này có tác động quyết định đến vận mệnh của đất nước, không thể xem nhẹ các bài học lịch sử trong nước và quốc tế nhưng rất cần có các nghiên cứu chuyên sâu, khoa học, không theo cảm tính, mê tín, dị đoan “trục tâm linh” nào cả.

    Nhà nghiên cứu này nhận xét: Các thủ đô ngàn năm tuổi (Roma, London, Paris, Bắc Kinh, New Delhi) vẫn tươi mới, giàu sức sống, đẹp và thịnh vượng với tư cách một thủ đô tập quyền.

    Hà Nội qua lịch sử ngàn năm đã tự khẳng định là thủ đô trung tâm quyền lực quốc gia và hiến pháp cũng đã khẳng định như thế.

    ĐOAN TRANG
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3
    Thành viên tích cực SPAM Avatar của hcthinh
    Gia nhập
    Apr 2010
    Bài gởi
    38,281

    Mặc định

    bác Bin sưu tầm nhiều bài hay và có giá trị quá.

    đọc ghiền luôn.

    hun bác Bin chút chút.....
    Hoàng Đế Spam
    Chủ Tịch Hội Đồng KHOA HỌC HUYỀN BÍ - TÂM LINH - HUYỀN THUẬT.

  4. #4

    Mặc định

    quê mình ở Thanh Hóa nhưng cũng chưa quan tâm đến Tây Đô , chỉ đi qua thôi, cũng chưa thấy hết giá trị lịch sử của Thành Tây Giai. xin cảm ơn bác

  5. #5

    Mặc định

    "Theo giới nghiên cứu thì Hồ Quý Ly đã có sự tính toán, chuẩn bị rất kỹ cho việc chọn đất xây thành, ít nhất là về mặt phong thủy"; "Tiếc thay, không được như mong đợi của Hồ Quý Ly, nhà Hồ chỉ thọ được thất niên. Dân gian có vài giai thoại đồn rằng thảm bại của họ Hồ xuất phát từ sai lầm trong phong thủy xây thành. Giai thoại thứ nhất kể Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết đã dâng thư can nhưng Quý Ly không nghe. Thư viết: “Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ (tức Thăng Long) có núi Tản Viên, có sông Lô, Nhị, núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất ấy làm nơi sâu gốc bền rễ (…). Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nhà nước. An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị”. (Theo giải thích của TS Đỗ Quang Trọng, Trưởng ban quản lý di tích, sở dĩ gọi là “đầu non cuối nước” vì xuôi về phía Nam thì sông Mã và sông Bưởi có gặp nhau ở một điểm, cổng Bắc thành thì gối vào núi Thổ Tượng).".
    Vậy mà ông ta lại bỏ qua tất cả chỉ để chọn một thế đất hiểm nhỉ :-!
    wellcome1

  6. #6

    Mặc định

    vẫn là tiên tích đức, hậu tầm long

  7. #7

    Mặc định

    Nhân duyên lạ trong chuyến tìm mộ Hồ Quý Ly ở Trung Quốc


    07-11-2012 | 07:00

    (Nguoiduatin.vn) - Sau hàng chục năm đau đáu với việc tìm mộ vua Hồ Quý Ly và những người Việt bị đày xa xứ, cuối cùng ông cũng thực hiện được chuyến đi. Ông bảo, trong suốt chuyến đi, ông như được tiền nhân "vạch đường, chỉ lối". Lật lại những dòng hồi ký ngày nào, ông không giấu nổi sự xúc động.

    Nhân duyên trên đất khách

    Thời gian du học ở Trung Quốc về chuyên ngành lịch sử khảo cổ hơn nửa thế kỷ trước, chàng thanh niên Việt Nam Đỗ Đình Truật đã được gặp vị giáo sư đáng kính - nhà ngôn ngữ, sử học, phong thủy học GS. Trần Văn Giáp (viện Viễn Đông bác cổ), lúc đó đã 60 tuổi. Cuộc hội ngộ của hai trái tim nặng tình dân tộc trên đất khách đã tạo bước ngoặt trong hướng suy nghĩ bấy lâu về triều đại nhà Hồ của chàng trai trẻ Đỗ Đình Truật. Chính GS. Trần Văn Giáp đã truyền lửa, mở hướng và thôi thúc bước chân ông lên đường đi tìm mộ vua Hồ Quý Ly.



    Ông Đỗ Đình Truật cùng cộng sự trong những chuyến sang Trung Quốc tìm mộ vua Hồ Quý Ly
    Ông Truật kể lại: "Những năm cuối thập niên 50 đầu 60, thầy Giáp là một trí thức được đông đảo giới khoa học Trung Quốc biết đến như là Quách Mạt Nhược (1892-1978, nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc) thứ hai. Ông dạy và làm việc cho nhiều trường và thư viện lớn ở các thành phố danh tiếng như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quế Lâm, Quảng Tây.

    Thầy luôn đau đáu thổ lộ với tôi câu hỏi về dấu tích của những người Việt thời nhà Hồ bị bắt sang Trung Quốc. Đây cũng là vấn đề mà tôi luôn day dứt bấy lâu nay. Và thế là hai người, một chuyên về khảo cổ, một chuyên về ngôn ngữ học, lịch sử đã gặp nhau trên con đường đi tìm di mộ của vua Hồ".

    Lúc đó, ông Truật chỉ biết sơ sơ về tiếng Trung Quốc, chứ không hiểu sâu về các văn bản, thư tịch cổ. Ở nhiều trung tâm lưu trữ nơi đây, những sử liệu liên quan đến triều đại Việt Nam rất nhiều. Nhưng để được vào những nơi này rất khó, trừ khi có người quen giới thiệu và dẫn đường. Nhờ uy tín của GS. Trần Văn Giáp, ông may mắn được theo chân vào những chốn này. Chính ông đã tiếp cận được rất nhiều tài liệu liên quan đến triều đại nhà Hồ và những triều đại khác của Việt Nam, chỉ tiếc rằng, lúc đó không có phương tiện để sao chụp lại.

    Sau thời gian vừa học tập, làm việc và nghiên cứu, hai thầy trò đã có một số manh mối về nơi đoàn người xưa bị lưu đày. Theo sử liệu của nhà Minh ghi lại, Hồ Quý Ly bị đày đi lính, rồi mất tại vùng Quảng Tây, cùng một vài người thân, họ tộc. Xác định một số nơi nghi vấn, hai thầy trò đã cùng nhau tìm đến. Nhưng khi lần tìm tới, hóa ra không phải, cần phải xem lại vấn đề xác minh địa điểm. Thời gian này công việc tìm mộ của hai thầy trò cũng chỉ là tự nguyện, phải tự bỏ tiền túi và tranh thủ đi những lúc nhàn rỗi mà thôi.

    Đầu năm 1966, cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc nổ ra, tình trạng đất nước hết sức hỗn loạn, vô chính phủ, người nước ngoài không thể trú chân. Tạm gác ý định dang dở, ông đành chia tay GS. Trần Văn Giáp và về nước, tham gia vào viện Khảo cổ học.

    Về nước, vẫn làm công việc khảo cổ nhưng khi có thời gian ông lại sưu tầm, nghiên cứu và tập hợp tư liệu về họ Hồ. Những sử liệu của nước ta thì hầu như không có, vì sau khi nhà Hồ sụp đổ đã để lại một khoảng trống lịch sử, chẳng ai ghi chép, có chăng sau này sử liệu mới có một ít trang ghi lại cảnh đoàn người bất lực phận tù binh, ngậm ngùi bước qua ải Nam Quan (Lạng Sơn) mà thôi. Hơn nữa, sau khi bắt đoàn người đi, bọn giặc đã thâm độc thủ tiêu hết manh mối liên quan có thể, nên cứ liệu vốn ít lại càng thêm mù mờ. Tuy ở Việt Nam nhưng ông vẫn giữ liên lạc với GS. Trần Văn Giáp bên Trung Quốc để nhờ cung cấp sử liệu.

    Những năm vừa làm khảo cổ, ông tranh thủ lần tìm đến những di tích lịch sử có liên quan với nhà Hồ. Như thành Tây Giai (thành nhà Hồ ngày nay), miếu ông Hồ Quý Công là cháu của Hồ Quý Ly sau cơn biến loạn đã thoát thân vào Quảng Ngãi. Gặp ai ông đều hỏi han, ghi chép cẩn thận, mong hướng đến khâu đầu tiên là giải mã được địa điểm người Việt bị đày.

    Ông suy luận rằng, nếu đoàn người bị đày năm xưa bị giam ở tỉnh Quảng Tây thì việc trốn thoát, hay những thông tin liên quan không phải đến nỗi hiếm hoi như thế, vì Quảng Tây cách biên giới Việt Nam không quá xa. Chắc chắn là vùng đất hoang vu, xa xôi nào đó thì nhà Minh mới thực hiện được dã tâm giữ chân hàng vạn người Việt Nam (có tài liệu ghi là 16.000 người).

    Cuối cùng, qua nhiều nguồn sử liệu, thu hẹp vùng tìm kiếm, ông chú ý đến một nơi trên bản đồ đại lục Trung Quốc - đó là Giang Tô, một vùng xa xôi thuộc miền Đông Bắc của phía Bắc Trung Quốc. Đây là nơi mà trong sử liệu có nhắc đến ngọn núi Lão Hổ Sơn ở thôn Kim Lăng, thuộc thành phố Nam Kinh là điểm đến của những đoàn người Việt bị lưu đày.



    Ông Đỗ Đình Truật tại thành Nam Kinh

    Gian nan đến Lão Hổ Sơn

    Thế nhưng, mãi hàng chục năm sau, ý định đi tìm mộ Hồ Quý Ly của nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật mới thực hiện được. Ông nhớ lại: "Không hiểu sao, từ khi xác định được địa điểm mới, tôi có lòng tin thật lạ, rằng không nơi nào khác ngoài vùng thôn Kim Lăng, cụ thể núi Lão Hổ Sơn là nơi đoàn người Việt năm xưa bị giặc Minh đày ải. Ý nghĩ cứ nung nấu và ngày càng mãnh liệt, đêm tôi thường gặp những giấc mơ thôi thúc. Cứ như ai đó thúc chân tôi lên đường, rồi mộng cho tôi biết, nếu không đi thì việc này còn chìm sâu vào những nốt thăng trầm của lịch sử".

    Biết ông trót mang duyên nợ với vua Hồ Quý Ly, năm 2004, một số bạn hữu và người họ Hồ ủng hộ ít kinh phí, ông đã đáp chuyến bay thẳng đến Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Hành trang là niềm tin và chiếc va ly nhỏ chứa những cứ liệu lịch sử quan trọng mà ông đã cất công hàng chục năm sưu tầm.

    Những ngày tháng ở xứ người, bước chân của một nhà khảo cổ lão thành nặng tình với dân tộc dường như chưa bao giờ cô đơn. Ngay khi xuống sân bay Bắc Kinh, ông đã bất ngờ khi được một du học sinh Việt Nam ra đón. Hóa ra, biết ông sang Trung Quốc tìm mộ vua, người nhà cô gái đã liên hệ sang, nguyện dẫn đường và thuyết minh cho ông.

    Trong dòng hồi ký, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật nhớ lại: "Đón tôi là một nữ sinh, cô này tự giới thiệu tên là Hồ Thị Thu Vân, hiện là sinh viên năm 3 của đại học Bắc Kinh. Lại là một cô gái họ Hồ, cô ấy hồ hởi dẫn đường và làm phiên dịch cho tôi". Vậy là chuyến hành trình của nhà khảo cổ lão thành đã bớt đi một phần khó khăn. Vì Thu Vân nói rất sõi tiếng Trung Quốc, biết nhiều thổ ngữ địa phương, rất tiện cho ông trao đổi thông tin, trong quá trình điền dã, tìm kiếm.

    Cả hai bác cháu ngược xuống Thượng Hải. Trên chuyến tàu đi từ trung tâm thành phố Thượng Hải đến tỉnh Giang Tô, trong lòng nhà khảo cổ lão thành chất chứa bao tâm trạng. "Trên con tàu từ Thượng Hải đến Giang Tô sao mà nó xa vậy. Tàu lao đi vun vút, bỏ lại sau lưng bao nhiêu đồi núi vào thu, vàng như tranh vẽ. Tôi nhìn qua cửa kính với một tâm trạng bâng khuâng", ông Truật nhớ lại. Rồi dường như có sự dõi theo của tiền nhân vọng về từ quá khứ, trên chuyến tàu đông đảo ngược phía Bắc hôm ấy, đã diễn ra một cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa hai bác cháu với một thanh niên cũng mang họ Hồ.

    Ông Truật tiếp tục hồi tưởng lại: "Thấy chúng tôi, anh bạn ngồi đối diện tò mò hỏi, cô Thu Vân nhanh nhảu thay tôi đáp lại bằng thổ ngữ Giang Tô. Anh ta cho biết là công nhân khai khoáng, người mang họ Hồ, sống ở Giang Tô. Biết ý nguyện của chúng tôi, anh ấy đã lấy bút vẽ bản đồ hướng dẫn cách đi đến Giang Tô. Anh ấy còn nhiệt tình chỉ chi tiết cho chúng tôi đường đến thôn Kim Lăng, núi Lão Hổ Sơn. Tôi vui mừng chưa kịp cảm ơn thì anh đã xuống xe lẩn khuất phía sau dòng người. Lúc ấy, tôi có linh tính như chuyến đi của tôi có sự khơi nguồn của những người nhà Hồ, của vị vua vong quốc. Cuộc gặp ngắn ngủi với người thanh niên trên tàu ấy đã rút ngắn quãng đường tìm kiếm đối với hai người lạ lẫm trên xứ người. Và cũng thật lạ, những gì người thanh niên đã hướng dẫn, chỉ đường, những địa điểm đến giống như một sự sắp xếp ngẫu nhiên", ông Truật kể.

    Rồi ông nhớ lại: "Khi đến thôn Kim Lăng, chúng tôi tìm đến một đồn công an trình bày ý nguyện đi tìm cha ông bị lưu lạc. Những vị công an xác nhận là có một vùng mộ hoang được cho là của người nước ngoài ở khu đồi mang tên là Lão Hổ Sơn cách đó không xa. Nghe vậy, chúng tôi hết sức vui mừng. Điều đặc biệt là khi biết chúng tôi từ phương xa đến đây tìm gốc gác của mình từ 600 năm trước, có người rất cảm động, bày tỏ sự khâm phục ý chí, tình yêu nòi giống của người Việt. Rồi cả công an địa phương cũng nguyện đưa xe chở chúng tôi đến Lão Hổ Sơn".

    Vậy là ý nguyện nung nấu hàng chục năm qua sắp thành hiện thực, ông sắp được đặt chân xuống những vỉa đất mà ông tin rằng, những nắm xương người Việt đang bị lấp vùi ở đâu đó.
    Kỳ Anh
    (còn tiếp)

    Last edited by Bin571; 24-11-2012 at 09:42 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  8. #8

    Mặc định

    Hành trình "minh oan" cho triều đại nhà Hồ


    09-11-2012 | 14:00

    (Nguoiduatin.vn) – Những ngày điền dã ở vùng mộ táng Lão Hổ Sơn (TP. Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật đã khám phá, rồi vỡ ra nhiều điều.

    Hóa ra nơi đây có rất nhiều dấu ấn của người Việt năm xưa, ngoài khu mộ hoang được xem là của người Việt, còn có các miếu, đền, chùa, tượng cùng các câu chuyện nói về người Việt nơi viễn xứ. Đặc biệt, điều đáng nói là người mang họ Hồ quần cư vùng Lão Hổ Sơn rất nhiều. Liệu trong số ấy có ai là con cháu dòng người biệt xứ 600 năm trước?

    Biệt tích nơi xa xứ

    Như nhà khảo cổ lão thành tâm sự, tâm nguyện hơn nửa cuộc đời ông không phải duy nhất là đi tìm mộ vua Hồ Quý Ly, mà còn là tìm lại dấu tích đoàn người Việt bị quân Minh bắt làm tù binh từ hơn 600 năm trước, cùng những anh hùng vị quốc lưu lạc nơi xứ người. Sử sách ta chỉ nhắc đến chuyện nhà Hồ thất thủ, như là một cuộc "cưỡng chế" tù nhân lớn trong lịch sử. Nói đúng hơn là sử ta cũng chỉ "theo" bước chân đoàn người đến ngang ải Nam Quan (tỉnh Lạng Sơn xưa) mà thôi.

    Hình ảnh chia ly, biểu tượng cho cuộc đại biến đã đi vào lịch sử ấy là cảnh người thanh niên Nguyễn Trãi tuổi 20, bất lực khóc tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh khuất sâu sau ải Nam Quan. Người cha mang nỗi niềm vong quốc ngoảnh lại mà dặn rằng: "Con hãy quay về Thăng Long nuôi chí diệt giặc mới là làm tròn đại hiếu".


    Ông Đỗ Đình Truật chụp ảnh kỷ niệm tại Trung Quốc

    Sau khi bị giải qua bên kia biên giới, tuyệt nhiên 16 vạn tù binh (vì có nhiều số liệu khác nhau nhưng trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi tạm lấy con số của nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật - PV) không còn rõ tung tích. Họ sống, chết... ở đâu không ai hay biết. Sau này, qua những sử sách nhà Minh chúng ta mới hay, đoàn người khổ sai vua tôi lẫn lộn ấy bị bắt đi lính, đi phu, đi xây thành đắp lũy và chết một cách vô danh nhiều nơi trên mảnh đất Trung Hoa đại lục. Chỉ một số rất ít người tài giỏi được sử dụng, cho lấy vợ, sinh con, còn đại đa số đều bị chúng dùng mọi biện pháp triệt sản để ngăn chặn nòi giống (diễn theo ý nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật).

    Cụ thể, như vua Hồ Hán Thương được chúng trọng dụng, phong một chức quan, chuyên trách về việc giảng Kinh dịch cho quan lại nhà Minh ở Nam Kinh; Hồ Nguyên Trừng người được chúng gọi là Thần, vì phát minh ra súng thần cơ, phong cho chức quan Bộ công chuyên trách về chế tạo súng, đạn thuộc Công bộ thượng thư. Ông được lấy vợ và sinh con là Lê Thúc Lâm (1401-1470, khi sang Trung Quốc, họ Hồ bị đổi sang họ Lê) nối nghiệp cha.

    Về điều này thì bộ Minh sử tân hiệu bản (của Academia Sinica, Đài Loan) ghi: "Năm thứ 10 Ất Sửu 1445, Lê Trừng, vương tử An Nam, nhậm chức Công bộ thương thư vào tháng 6, chuyên lo cung cấp các thứ đồ dùng cho nội phủ, đến Bính Dần, năm thứ 11, tháng 7, Trừng chết. Ngoài ra thì kiến trúc sư thiên tài Nguyễn An (1381-1453) là tù binh bị "thiến" làm thái giám, trở thành vị kiến trúc sư nổi tiếng thời Minh Thành Tổ. Ông được phong là kiến trúc sư trưởng thành Bắc Kinh, tác giả của các công trình thời nhà Minh, được vua Minh rất nể phục".

    Nhà sử học Trương Tú Dân (Đài Loan, từng làm việc tại Thư viện Bắc Kinh, nơi lưu giữ tài liệu về Nguyễn An) cho rằng, Minh sử không nói tường tận về vua Hồ Quý Ly, mà chỉ sơ lược rằng, Hồ Quý Ly bị bắt đi đày ở Quảng Tây làm lính, để hợp thức hóa cái chết của ông. Tuy nhiên theo tài liệu của Chúc Doãn Minh (1460-1526, thi nhân nhà Minh) thì Hồ Quý Ly chết năm 84 tuổi, chôn tại ngoại thành Nam Kinh, nơi Hồ Nguyên Trừng làm quan chứ không bị giết chết vào năm 1407, vì một lẽ, ông là con tin để nhà Minh bắt con trai thiên tài Hồ Nguyên Trừng cống hiến cho Công bộ, chuyên về sản xuất quân nhu.

    Những dòng sơ lược về quan, quân nhà Hồ sau khi bị bắt sang Trung Quốc để thấy rằng dã tâm giặc Minh hết sức thâm độc. Bằng cách nào đó, chúng đã bóc lột chất xám của những người có khả năng cống hiến, còn lại tất cả chúng xem như những người vô danh, chết đi không để lại một dòng tiểu sử, trong đó Hồ Quý Ly là một ví dụ.

    Trăn trở còn vương

    Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật bảo, những năm tháng đi tìm mộ Hồ Qúy Ly ở Trung Quốc không khác gì "mò kim đáy bể". Tuy nhiên, cũng chính vì điều đó mà ông khám phá ra rất nhiều điều. Tại Quảng Tây, nơi hơn nửa thế kỷ trước ông và GS. Trần Văn Giáp nghi là có mộ vua Hồ Qúy Ly, chính ông đã lần ra mộ của Nguyễn Thiện Thuật (nhà chí sỹ của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Hưng Yên, năm 1892, phiêu dạt sang Trung Quốc và mất tại đây - PV).

    Cũng chính ông Truật là người giúp đưa di mộ Nguyễn Thiện Thuật về tỉnh Hưng Yên, rồi "kỷ niệm" một bài điếu văn ngay bên bia mộ. Tại đất Nam Kinh, cách Quảng Tây hơn 2.000 km ông đã khám phá ra nhiều bí mật lịch sử bất ngờ, ông căn cứ vào sử liệu và lần theo dấu chân khổ ải của đoàn người năm xưa.


    Vùng Lão Hổ Sơn, nơi có hàng ngàn ngôi mộ hoang được cho là của người Việt bị đày

    Ông Truật đưa cho tôi bức ảnh chụp một khúc sông mênh mông rộng lớn. Đây là bức ảnh có được sau khi ông tận bước đến hạ nguồn sông Hoàng Phố (TP. Thượng Hải). Khi đứng ở đây, ông không khỏi bùi ngùi, không biết trên khúc sông này nắm xương tàn ai đó trong đoàn người bị rơi rớt?. Tiếp tục ngược lên Bắc Kinh, ông đến Vạn Lý Trường Thành, rồi khám phá ra câu chuyện vị tướng Lý Ông Trọng thời An Dương Vương, được Tần Thủy Hoàng kính nể.

    Ông Truật kể: "Khi tôi đến Vạn Lý Trường Thành tìm dấu tích của phu người Việt bị đày đi xây thành, thì được nghe câu chuyện của một hướng dẫn viên Trung Quốc. Người này bảo, trên thành từng có một ngôi tượng rất vĩ đại của người Việt, khi hỏi tên thì người này nói giọng lơ lớ ý chỉ Lý Ông Trọng". Ông Truật lần lại lịch sử hóa ra đó là nhân vật Lý Ông Trọng thời Thục An Dương Vương, đây là một nhân vật đại tài, được cử đi sứ ở nước Tần. Lúc này biên giới Tần bị quân Hung Nô (Mông Cổ) ở phía Bắc sang xâm lược, vua Tần phải gấp xây thành Vạn Lý, mặt khác nhờ Lý Ông Trọng ra trấn giữ. Nể tình, Lý Ông Trọng bao phen dẫn quân đi đánh làm bọn giặc Hung Nô khiếp vía.

    Dù được vua Tần trọng dụng, ban vàng bạc thế nhưng khắc khoải nhớ về quê hương nên Lý Ông Trọng xin về nước. Thấy vắng bóng Lý Ông Trọng, bọn Hung Nô lại ngóc đầu xâm lược, vua Tần lại sai sứ sang nước ta mời sang giúp chống giặc. Vua nước ta vờ Lý Ông Trọng đã chết, nên từ chối. Nghe tin sứ giả về tâu, vua Tần thương tiếc mà đúc một pho tượng khổng lồ ngay trên Vạn Lý Trường Thành, nhìn về phương Bắc.

    Người hướng dẫn viên này còn kể cho ông Truật rằng, bức tượng lớn đến nỗi nhiều người chui vào được, bên trong có cót cử động chân tay. Tượng trụ đến những năm 60 của thế kỷ 20, thì bị tàn phá trong cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc. Ông còn thăm bãi trưng bày súng thần cơ của Hồ Nguyên Trừng bày ở một góc thành Bắc Kinh; thăm chiếc thước phong thủy mà Cao Lỗ dùng để xây thành Cổ Loa thời An Dương Vương, không hiểu sao lại có ở Bắc Kinh. Chính chiếc thước đó đã góp phần vào việc xây thành Bắc Kinh. Rồi ông còn được nghe kể rằng, ở một ngôi chùa tại Quảng Đông có thờ Mỵ Châu nhưng chưa có cơ hội đến...

    Điều đặc biệt, những chuyến điền dã tại núi Lão Hổ Sơn, ông Truật gặp rất nhiều người mang họ Hồ. Qua tìm hiểu với những vị bô lão, thì được biết rằng, trước kia khu mộ hoang ở Lão Hổ Sơn có một chiếc mộ rất lớn, người dân họ Hồ thường đến hương khói, lễ cúng rất linh đình. Nhưng tiếc thay, những năm đầu thế kỷ, khi Nhật Hoàng chiếm Trung Quốc, khu mộ bị phá làm công sự, nên đã bị phá hoàn toàn, dấu tích nay đã không còn. Nhưng theo ông nhận định, nếu có điều kiện khai quật thì chắc chắn sẽ còn dưới lòng đất. Cũng tại đây, ông đã gặp ngôi mộ của Hồ Văn Hải, chôn cùng quần mộ vô chủ này, ông đoán, có thể đây là ngôi mộ thuộc dòng dõi họ Hồ đã nằm xuống từ 600 năm trước.

    Ông Truật thẳng thắn thừa nhận, dù chưa thể tìm ra được tung tích mộ vua Hồ Quý Ly, nhưng đó là cơ sở cần thiết để có những chuyến đi sau này. Chưa ngày nào ông thôi khát vọng được trở lại Lão Hổ Sơn, để tiếp tục lần theo dấu tiền nhân. Giờ chân ông đã yếu, mắt đã mờ, bởi căn bệnh ung thư vòm họng nhưng ông vẫn hy vọng, một ngày nào đó hậu thế sẽ có người sẽ tiếp bước con đường ông đang dang dở.

    Câu hỏi lịch sử
    Hơn nửa cuộc đời tìm hiểu về họ Hồ, vua Hồ Qúy Ly, thế nhưng cho đến nay nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật vẫn luôn đau đáu với một câu hỏi mà chưa thể giải mã. Đó là, đến khi Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh xâm lược năm 1427 là tròn 20 năm chúng ta bị đô hộ. Sử sách ca ngợi rất nhiều về chiến thắng vang dội này, trong đó vai trò của Nguyễn Trãi và Lê Lợi trong việc khiến quân Minh phải tâm phục khẩu phục.
    Ngày 27/12/1427, trước khi giặc Minh rút đi, chúng ta đã nhân đạo trao trả toàn bộ tù binh, cấp phương tiện cho về nước. Vậy mà tại sao phía Đại Việt không yêu cầu nhà Minh trao trả 16 ngàn tù binh gồm vua, quan, nhân tài cách đó 20 năm? Không những thế, trong đó có Nguyễn Trãi là nhân chứng của sự chia ly đầy hận thù năm 1407, sao không nhắc đến mối thù cha? Đó là những câu hỏi mang tính lịch sử mà hậu thế chúng ta cần phải giải mã.
    Kỳ Anh
    (còn nữa)
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  9. #9

    Mặc định CHUYỆN YỂU MỆNH CỦA NHÀ MẠC NHÀ HỒ VÀ GIẢ THUYẾT CHỌN SAI ĐẤT ĐỊNH ĐÔ

    Thanks bác chia sẻ. Em cũng mới chụp 1 bộ áo dài cô ba sài gòn nhưng ko tìm được view nào hợp cả.

  10. #10

    Mặc định

    Đầu đời Trần rất nhiều dân vùng các quý tộc nhà Trần đều là gia nô (1 kiểu nô lệ) cho quý tộc họ Trần.
    Cuối đời Trần các quý tộc họ Trần thấy việc sử dụng gia nô không có hiệu quả bằng việc khoán đất. Họ đã cho các gia nô sử dụng đất ruộng và khoán hàng năm thu số % sản phảm. Các gia nô giai đoạn này có quyền sở hữu nhà ở và 1 số tài sản khác. Đây là hình thức chuyển từ gia nô sang tá điền. Điều này làm cho năng xuất lao động tăng hẳn.
    Hồ Quý Ly sợ các quý tộc họ Trần tập trung lực lượng đánh lại như việc các quý tộc họ Trần đã đánh đổ Dương Nhật Lễ là con đẻ của con hát họ Dương ngẫu nhiên được tráng men họ Trần và khi lên ngôi đã đổi về họ Dương. Nên các quý tộc họ Trần đã đem quân binh của họ bắt giết Dương Nhật Lễ.
    Sợ bị các quý tộc họ Trần lật đổ. Hồ Quý Ly đã ra chính sách hạn điền hạn nô. Giới hạn số ruộng và nô của quý tộc họ Trần và chuyển sang cho triều đình quản lý. Thực chất đây là hình thức chuyển tá điền của các quý tộc họ Trần thành nô lệ của triều đình. Vì vậy nhà Hồ không được lòng dân và mất nước.

  11. #11

    Mặc định

    Nhất mệnh, nhì vận, tam phong thuỷ. 1 cuộc đất linh cũng giống như 1 thanh bảo đao vậy, bảo đao chỉ xứng với anh hùng. Không phải ai cầm bảo đao cũng có thể khống chế và phát huy được uy lực của nó. Gia tộc không đủ phước báo thì làm sao trụ vững lâu dài trên linh mạch được.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Luân hồi tái sinh đầu thai chuyển kiếp
    By Bin571 in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 17
    Bài mới gởi: 17-11-2012, 11:57 PM
  2. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 27-04-2012, 09:36 AM
  3. HẠNH CHÂN THẬT
    By splen in forum Tâm sự nhỏ to, chia sẻ, suy ngẫm
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 01-09-2010, 08:14 PM
  4. Khai Thị - PHÁP MÔN QUÁN ÂM
    By GoldenAge in forum Chuyện các Thầy, Bà…
    Trả lời: 148
    Bài mới gởi: 29-08-2010, 02:51 AM
  5. Gốc tích họ Hồ của vua Quang Trung
    By Bin571 in forum Truyền thuyết - Giai thoại - Lịch sử VIỆT NAM
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 23-08-2010, 10:03 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •