Phát hiện mới về bãi cọc Bạch Đằng
Cập nhật lúc 18 AM, 01/06/2009


Các nhà khảo cổ học và người dân ở gần nơi sông Bạch Đằng xưa chảy qua liên tục tìm thấy nhiều cọc gỗ, dấu tích của các trận chiến trong lịch sử.

Bãi cọc Bạch Đằng là chứng tích lịch sử cho tinh thần chống giặc ngoại xâm bất khuất của dân tộc ta và thể hiện mưu lược của ba thiên tài quân sự: Ngô Quyền, Lê Hoàn và Trần Quốc Tuấn. Sau nhiều cuộc khảo sát, bãi cọc này đang dần hiện lên với nhiều chi tiết mới lạ chưa từng được biết đến.

Từ những chứng tích đã phát lộ

Trải qua hàng trăm năm bồi lấp, chuyển dòng, những lớp cọc trên Bạch Đằng Giang được phát lộ đầu tiên năm 1953 khi nhân dân huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) đào đất đắp đê. Tới nay, ở đây đã có hai bãi cọc được phát hiện.

Bãi thứ nhất nằm trong đầm nước giáp đê sông Chanh, thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng. Bãi có hàng trăm cọc, một số được cắm thẳng đứng, đa số cắm chếch theo hướng đông 15 độ, theo hình chữ chi (Z). Cọc được làm từ những loại gỗ chắc, có nhiều trên đất Yên Hưng, chủ yếu là lim và táu. Những cọc phát lộ có đầu dưới được vát nhọn, đầu trên đã bị gãy. Độ dài trung bình các cọc là 2 - 2,8 m; có cọc dài tới 3,2 m. Phần cọc được vát nhọn dài 0,8 - 1 m. Đầu trên của cọc nằm vùi dưới đất khoảng 0,5 m đến trên 1,5 m. Toàn bộ bãi cọc đã được xây kè bảo vệ với diện tích 220 m2, trong đó có 42 cọc ở nguyên trạng khi phát hiện, sâu dưới bùn hơn 2 m, nhô cao 0,2 - 2 m.


Bia di tích bãi cọc Bạch Đằng.

Bãi cọc thứ hai phát hiện năm 2005 tại cánh đồng Vạn Muối (xã Nam Hoà, Yên Hưng) với hàng chục cây cọc trên một khu vực rộng 100 m, dài 300 m. Tại đây chủ yếu có loại cọc đường kính 7 - 10 cm, có loại 20 -22 cm, dài trên 2 m, được cắm xiên 45 độ theo nhiều thế hiểm. Tại đây, các nhà nghiên cứu mới chỉ đào thám sát bốn hố, tổng diện tích 100 m2, phát hiện một số lượng cọc khá dày, hố nhiều nhất có tới 20 cọc. Tổng cộng đã phát hiện 51 chiếc cọc Bạch Đằng. Trong quá trình làm ruộng, nuôi cá trên cánh đồng này, người dân đã chạm đến cọc và nhổ đi rất nhiều mang về làm nhà, đánh cây rơm.

Để hiểu sâu hơn về những giá trị lịch sử, quân sự, niên đại cũng như diện mạo chính xác của bãi cọc Bạch Đằng, vào cuối tháng hai đầu tháng ba vừa qua, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh phối hợp với các nhà khoa học Mỹ, Anh, Australia khảo sát thực địa tại các địa điểm có liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng tại huyện Yên Hưng (Quảng Ninh). Đoàn đã khảo sát trên sông, trên mặt đất, phỏng vấn nhân dân, khảo sát bãi cọc Đồng Má Ngựa, làm hồ sơ di vật, ghi chép, ghi hình tư liệu.

Lập được bản đồ tổng thể bãi cọc

Theo các nhà khoa học, công việc đầu tiên là khảo sát bối cảnh chung, cảnh quan của khu vực và đưa các điểm di tích lên trên bản đồ. Đoàn còn phỏng vấn người dân sống quanh vùng về việc đào được những cái cọc như thế nào. Các điểm đã xác định được đánh dấu bằng máy định vị để trong tương lai có điều kiện sẽ tìm kiếm. Những điểm đã lộ cọc do khai quật, do dân đào cũng được chấm vào bản đồ. Sau đó, các nhà khoa học dùng khung ảnh và nối các điểm ấy lại để quan sát.


Những chiếc cọc được tìm thấy.

Với phương pháp này, các nhà khoa học đi đến kết luận, sông Bạch Đằng xưa và nay đã thay đổi rất nhiều. Trải qua hàng trăm năm, sông đã đổi hướng, đổi dòng, có chỗ bị vùi lấp, nhiều đoạn giờ đã cạn thành ao hồ, đầm, ruộng. Ông Trịnh Công Lộc, trưởng Ban Quản lý di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, cho hay, bước đầu các nhà khoa học đã phác hoạ được địa điểm các bãi cọc, dấu tích dòng nước cổ và các ghềnh đá thể hiện dòng chảy của lòng sông Bạch Đằng thế kỷ 13.

Dựa vào những nghiên cứu trước đây nữa, người ta khẳng định, bãi cọc được cắm xen kẽ giữa những điều kiện tự nhiên khác nhau, chẳng hạn giữa dòng sông, khu vực có đá nổi cao để rào chắn đoàn thuyền của quân xâm lược.

Qua phỏng vấn người dân, đoàn khảo sát phát hiện thêm nhiều khu vực có cọc hiện nằm sâu trong vùng dân cư. Với những khu vực này, họ chỉ ghi nhận, đánh dấu vào bản đồ để sau này có điều kiện sẽ nghiên cứu sâu. Về dấu tích của dòng chảy cổ, tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ học Việt Nam, thành viên đoàn khảo sát, cho biết đoàn đã khoan một số điểm, kết quả chứng minh được những dòng chảy cổ mà các nhà nghiên cứu địa chất đã vạch ra, nhưng cũng chưa thật sự khẳng định được đấy là dòng chảy nhỏ, kênh nhỏ, hay là sông lớn. Đặc biệt, đoàn cũng đã phát hiện thêm nhiều cọc gỗ tại bãi cọc Đồng Má Ngựa nằm trong khu đất nhà ông Đặng Tiến Phong, thôn Hưng Học, xã Nam Hoà (Yên Hưng). Như vậy, chỉ qua đợt khảo sát lần này, có thêm những bằng chứng để khẳng định cha ông ta đã lợi dụng điều kiện tự nhiên, kết hợp với những tính toán về đường nước, về thuỷ triều để cắm được những bãi cọc như vậy.

Theo tiến sĩ Lê Thị Liên, cuộc khảo sát bãi cọc lần này không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về diện mạo thực và những giá trị của bãi cọc Bạch Đằng mà còn là một bước thúc đẩy, đặt nền móng cho ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam.

Ông Trịnh Công Lộc cho biết, trên cơ sở kết quả khảo sát của đoàn, Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh báo cáo và đề nghị UBND tỉnh cho phép khai quật và lập hồ sơ xếp hạng di tích Bãi cọc Đồng Má Ngựa tại xã Nam Hoà, huyện Yên Hưng và lấy căn cứ bổ sung tư liệu cho công tác lập quy hoạch tổng thể Khu di tích chiến thắng Bạch Đằng. Đoàn khảo sát cũng đã kiến nghị nên có cuộc khai quật tổng thể các điểm xuất lộ của cụm di tích này để thu thập và tìm hiểu thêm các hiện vật về trận đánh. Trước mắt, cần tiến hành lập hồ sơ bổ sung bãi cọc Đồng Má Ngựa vào cụm di tích Chiến thắng Bạch Đằng”.

Theo Giadinh