Đôi nét về tổ chức quân đội thời Hùng Vương
19.08.2010 00:39


Một trong những yếu tố dẫn tới sự hình thành Nhà nước đầu tiên là do nhu cầu tự vệ chống ngoại xâm, do đó quân sự thời Hùng Vương là mặt được quan tâm phát triển hơn các lĩnh vực khác. Điều này có thể thấy rõ hơn trên phương diện khảo cổ.



Trong các di chỉ khảo cổ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên số lượng vũ khí tìm thấy trong các di chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với toàn bộ hiện vật. Nhưng đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn, tỷ lệ vũ khí tăng cao, trong di chỉ Vinh Quang vũ khí chiếm tỷ lệ 50,6 %, Thiều Dương là 59,8 %, Đông Sơn (Thanh Hoá) là 63,29 %...

Ở các khu mộ táng, số mộ có vũ khí chôn theo cũng chiếm tỷ lệ khá cao như ngôi mộ ở Việt Khê (Hải Phòng) số vũ khí chiếm tỷ lệ 53,7 % so với toàn bộ hiện vật bằng đồng, tại khu mộ táng ở Làng Cả (Phú Thọ) tỷ lệ đó là 56,9 %...

Xét trên phương diện tổng quát, ở chính quyền trung ương có một lực lượng quân đội thường trực, tương đối có tổ chức. Vua Hùng, Lạc hầu đều có lực lượng thân binh để hộ vệ và làm chủ lực trong các cuộc chiến tranh; dưới các bộ, Lạc tướng cũng có đội quân riêng của mình.

Tuy nhiên, quân đội thường trực thời đó chưa nhiều, vì vậy khi có chiến tranh, mọi lực lượng chiến đấu và hậu cần đều được huy động trong thành viên các công xã. Thành viên công xã khi bình thường thì sản xuất, khi có chiến tranh sẽ sẵn sàng chiến đấu theo lệnh của thủ lĩnh quân sự địa phương. Đây là lực lượng quân sự quan trọng của nhà nước thời Hùng Vương, là nền móng của chiến tranh nhân dân và chính sách “ngụ binh ư nông” sau này.

Điều đó phản ánh qua những hình tượng của truyền thuyết Thánh Gióng. Khi Gióng dẫn đầu đoàn quân ra trận đánh giặc thì người đang làm lụng ngoài đồng cũng chạy theo giúp sức, người cầm dao, người thì vác cuốc, vác vồ đập đất; đoàn quân còn có cả người đi săn, trẻ chăn trâu, người câu cá…

Ngành luyện kim phát triển đã tác động lớn đến việc đa dạng hóa các loại vũ khí. Vũ khí dùng để trang bị cho quân đội gồm nhiều loại, nhiều kiểu khác nhau. Vũ khí đánh gần có: rìu chiến, giáo, qua, dao găm, kiếm ngắn…; vũ khí đánh xa có: lao, cung, nỏ…



Lưỡi qua
Ngoài ra, có phương tiện hỗ trợ chiến đấu, phòng hộ như bao tay, bao chân, khiên, mộc, tấm đồng che ngực (hộ tâm phiên)…Trong số đó nổi bật là trống đồng, sách Văn hiến thông khảo của phương Bắc có đoạn viết: “Khi muốn đánh nhau thì đánh trống đồng lên. Nghe tiếng trống, người đến ùn ùn như mây”. Các sách khác của Trung Quốc cũng cho biết trong các trận đánh, người phương nam thường đánh trống đồng thị oai, tiếng trống vang dội uy hiếp tinh thần đối phương.

Để cho hiện vật đúc có độ mềm cứng khác nhau tùy theo mục đích, người Việt cổ đã thay đổi tỷ lệ đồng, chì, thiếc tức là đã luyện được các loại hợp kim khác nhau. Đó là hợp kim đồng-thiếc, hợp kim đồng-chì, đồng-chì-thiếc. Việc thay đổi này phù hợp với tính năng sử dụng của từng loại sản phẩm, như vũ khí và công cụ lao động cần cứng, sắc thì tỉ lệ chì thấp, thiếc cao; còn các loại đồ dùng như thạp, thố cần độ dẻo cao thì tỉ lệ chì nhiều, thiếc ít.

Bên cạnh đó, nhà nước còn mở những xưởng rèn đúc chuyên nghiệp để sản xuất ra các loại vũ khí, đồng thời cũng rất quan tâm đến việc huấn luyện binh sĩ. Lực lượng thủy quân cũng được phát triển gắn liền với tài bơi lặn của người Việt cổ, trên các trống đồng có hình khắc của nhiều loại thuyền, với cả những thuyền chiến lớn có vọng lâu ở đằng trước lái…

Ngoài vũ khí tự sản xuất, trong một số di chỉ thuộc giai đoạn Đông Sơn còn phát hiện qua đồng, một loại vũ khí thời Chiến Quốc, điều đó có thể thấy hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa xuất hiện không chỉ giữa các vùng miền trong nước mà đã mở rộng ra nước ngoài. Hình thức trao đổi chủ yếu lúc bấy giờ là vật đổi vật hoặc thông qua một vật ngang giá.

Những cơ sở nói trên cho thấy quân đội thời Hùng Vương trở thành nhân tố quan trọng trong bảo vệ đất nước trước các thế lực ngoại xâm mà truyền thuyết dân gian đã phản ánh cuộc chiến đấu chống, “giặc Ân”, “giặc Hồ Tôn”, “giặc Mũi Đỏ”, “giặc Thục”… Điều này được ghi chép trong rất nhiều bản thần tích của các làng xã, dường như nó phản ánh một hiện thực nào đó chứ không phải hoàn toàn là chuyện huyền thoại.

Trong số những loại giặc, có thể xác định được một số, như giặc Hồ Tôn tức người Lâm Ấp, giặc Ai Lao tức người Bộc ở vùng đất Dạ Lang (nay thuộc Trung Quốc).

Nhu cầu tăng cường và tổ chức quân đội nhằm bảo vệ đất nước và chống ngoại xâm còn thúc đẩy sự hình thành nền võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Manh nha từ những động tác đơn giản của hoạt động săn bắn thời công xã nguyên thủy và tự vệ đã hình thành ý thức luyện tập từ bản năng đến có ý thức và nâng cao dần thành kỹ năng lao động, chiến đấu. Từ chỗ dùng cơ bắp thuần túy đến chỗ sáng tạo và cải tiến sao cho ngày càng có hiệu quả hơn. Chính những động tác săn bắn thú rừng, đánh bắt hải sản được lặp đi lặp lại nhiều lần đã tạo nên những thế võ sơ khai.

Dấu tích về các địa danh như Cẩm Đội, Đồng Cẩm, Gò Tro ở Việt Trì (địa bàn xưa là kinh đô nước Văn Lang) với sự truyền tụng bao đời nay rằng đó là nơi quân lính thời Hùng Vương huấn luyện, tập võ, tập trận… cho thấy sự phát triển của võ thuật và ý thức rèn luyện quân sự của Nhà nước Việt Nam thời cổ đại.

Thái Dũng (sưu tầm)