THIỀN SƯ MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

Giang Tây Thiền Sư Đạo Nhất người huyện Thập Phương , Hán Châu , họ Mã, xuất gia tại chùa La Hán ở huyện nhà, dung mạo kỳ dị, tướng đi như trâu, cách nhìn như hổ, lưỡi le ra dài huốt mũi, dưới chân có vân hình hai bánh xe, lúc nhỏ theo Hòa thượng Đường ở Tư Châu xuống tóc, thọ cụ túc giới với luật sư họ Viên ở Luân Châu. Trong thời Đường Khai Nguyên, tập thiền định trong núi Hành Nhạc.Gặp Hoài Nhượng, cùng tham vấn có 6 người, riêng Sư được truyền tâm ấn.

( Đạo Nhất của Hoài Nhượng như Hy Thiên của Hành Tư, đồng nguồn nhưng khác phái. Nên sự hưng thịnh của đạo Thiền, khởi đầu là hai sư Nhất Thiên vậy.
Tây Thiên Bát Nhã Đa La huyền ký với Đạt Ma rằng:
- Chấn Đáng( Trung Hoa ) tuy rộng nhưng không có đường riêng, cần mượn đường dưới chân con cháu mà đi. Vàng khó mở miệng một hạt thóc. Cùng bồi dưỡng La Hán tăng ở mười phương.
Lại Lục Tổ nói với Hòa thượng Hoài Nhượng rằng:
Về sau phật pháp do bên ông đấy. Ngựa non đạp chết người trong thiên hạ.
Quả về sau Thiền pháp Giang Tây truyền khắp thiên hạ, lúc bấy giờ người đời gọi là Mã Tổ).

Bắt đầu từ núi Phật Tích ở Kiến Dương, dời đến Lâm Xuyên, kế đến là Cung Công Sơn ở Nam Khang. Trong thời Đại Lịch, trụ ở chùa Khai Nguyên tại Chung Lăng. Lúc ấy ngay cả Nguyên Súy Lộ Tự Cung nghe nói đến cũng mến mộ, tự mình thọ tông chỉ. Do đó, học giả bốn phương tụ hội dưới tòa. Một ngày kia sư gọi chúng nói:
- Các ông mỗi người hãy tự tin tâm là Phật, tâm này tức là tâm Phật. Đạt Ma Đại Sư từ Nam Thiên Trúc đến Trung Hoa truyền pháp thượng thừa nhất tâm, khiến các ông khai ngộ. Lại dẫn kinh Lăng Già ấn chứng tâm địa chúng sanh, sợ các ông điên đảo không tự tin vào pháp của tâm này, mỗi người đều có. Vì vậy kinh Lăng Già lấy lời nói về tâm của Phật làm tông chỉ, lấy vô môn làm pháp môn. Phàm người cầu pháp nên vô sở cầu, ngoài tâm không có Phật nào khác, ngoài Phật không có tâm nào khác, không thủ thiện, không xả ác, hai bên dơ sạch đều không dựa vào. Tánh của tội là không, niệm niệm không thể được, đều không có tự tánh. Do vậy Tam giới duy tâm, vô số hiện tượng chỉ là một pháp sở ấn. phàm sắc( vật chất) thấy được đều là thấy tâm cả. Tâm không tự là tâm, nhân vì có sắc cho nên có tâm. Các ông chỉ cần tùy thời mà thuyết, sự tức là lý, đều không trở ngại, nếu đề cập đạo quả cũng lại hư vậy. Cái sanh nơi tâm tức gọi là sắc, vậy biết sắc là không, sinh tức là bất sanh. Nếu rõ được ý đó thì có thể tùy thời mặc áo ăn cơm, trưởng dưỡng Thánh thai, tùy nghi vận dụng, chẳng có việc gì. Các ông tiếp nhận lời của ta, hãy nghe bài kệ :

Tâm địa tùy thời nói
Bồ đề cũng thế thôi
Sự lý đều vô ngại
Đương sanh tức chẳng sanh



……………..

Có ông tăng hỏi:
- Hòa thượng vì sao nói tâm ấy là Phật?
Sư nói:
- Để dỗ trẻ nín khóc.
( Gợi ý: Dùng hình thức khẳng định chỉ kẻ sơ cơ chớ vọng ngoại cầu)
Tăng nói:
- Lúc tiếng khóc dừng thì như thế nào?
Sư nói:
- Không phải tâm, không phải Phật.
( Gợi ý: Dùng hình thức phủ định thuyết minh tầng sâu hơn cả tâm, Phật đều không chấp trước).
Tăng nói:
- Trừ hai loại người đó, tông chỉ thế nào?
Sư nói:
- Nói với y không phải là vật.
( Gợi ý: Thêm một bước phủ định nữa, tảo trừ mọi thứ mê chấp).
Tăng hỏi:
- Bổng gặp người trong đó đến thì thế nào?
- Thì dạy cho y hiểu được đạo lớn.
( Gợi ý: Sau cùng quay về đại khẳng định).

Ngày mồng 1 tháng 2, tắm rửa, ngồi kiết già nhập diệt. Trong năm Nguyên Hòa được ban tên thụy là Đại Tịch Thiền Sư. Tháp thờ ghi là Đại Trang Nghiêm. Ngày nay tại viện Hải Hơn, ảnh đường vẫn còn
.