Người đời truyền tụng rằng sức mạnh siêu nhiên từ đoàn người trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã cảm hóa được thú dữ trở nên lành, không hại người.

Trong hàng thập nhị hiền thủ (12 vị đệ tử) của Đức Phật Thầy thì ông Bùi Văn Thân là người thứ hai sau Đức Quản cơ Trần Văn Thành đến quy y, được Đức Phật Thầy giao làm chủ trại ruộng ở Thới Sơn. Trại ruộng ấy ngày nay là chùa Phước Điền, được công nhận di tích lịch sử văn hóa. Người trong đạo thường gọi ông là Tăng chủ (ông Tăng sư làm chủ trại ruộng). Ngoài việc tu luyện đạt được phép thần thông, ông Tăng chủ còn hàng phục được mãnh hổ, giao hảo với hổ như bè bạn.

Cứu hổ mắc xương, thu phục mãnh hổ

Tương truyền thuở xưa vùng Thất Sơn cọp dữ có tiếng. Từ ngày ông Tăng chủ được giao coi giữ trại ruộng thì thú dữ đều rất sợ. Khi ông đi rừng, hễ cọp thấy thì quỳ mọp, có lúc còn quấn quýt theo ông lên núi như người ta dẫn chó ra đồng vậy. Người đời cho là đức độ cao siêu của ông khiến thú dữ cũng hóa lành.

Chuyện kể rằng một hôm, vào chạng vạng, Đức Phật Thầy đi xa về, khi ngài vào gần tới cốc thấy một con bạch hổ ngồi ủ rũ gần bàn Thông thiên. Vừa thấy ông, cọp liền há miệng ra. Đức Phật Thầy bước vào cốc kêu to: “Ông Tăng đâu, ra coi đạo hổ đau gì mà ngồi ủ rũ đó!”. Tăng chủ đang ở sau chùa, nghe tiếng Đức Phật Thầy liền chạy ra chỗ ông hổ ngồi, rồi hỏi: “Ông làm gì ngồi đây? Sao mà ốm quá vậy?”. Ông hổ há miệng ra ngước lên trước mặt ông Tăng. Ông Tăng hỏi thêm: “Bộ ông mắc xương hả?”. Ông hổ liền đập đuôi và gật đầu. “Nếu mắc xương thì cúi đầu xuống”. Ông hổ làm theo lời. Ông Tăng cung tay đấm ngay cổ ông hổ ba cái, tức thì cục xương từ trong miệng ông hổ vọt ra.


Hình họa tại chùa Phước Điền thể hiện cảnh ông hổ mang đầu heo rừng đến trả ơn cứu mạng của ông Tăng chủ. Ảnh: VĨNH SƠN

Vừa lúc Đức Phật Thầy bước ra dặn ông hổ: “Từ đây tôi cấm ông làm hại bổn đạo của tôi lên núi hay vào rừng trong vùng Thất Sơn nữa nghe không?”. Ông hổ cúi đầu lui ra. Sau đó vài hôm, trước trại ruộng có một con heo rừng bị hổ vật chết còn in dấu răng. Các đạo sĩ ngầm hiểu đó là quà ông hổ mang đến đền ơn. Ngày nay, tại di tích chùa Phước Điền, nhiều người dân sống quanh đó vẫn hay truyền kể cho nhau nghe câu chuyện ấy.

Cá sấu ngán bảo bối

Bà Hồ Thị Quyên (59 tuổi) là cháu cố ngoại đời thứ tư của ông Đình Tây (tức đạo sĩ Bùi Văn Tây, một trong 12 vị đại đệ tử của Đức Phật Thầy), người đang được gia tộc giao trọng trách giữ ngôi mộ và những bảo vật do ông để lại.

Câu chuyện bà Quyên kể ra đây đã được lưu giữ và truyền khẩu qua nhiều đời, dựa trên chuyện của gia tộc và những hiện vật đang thờ cúng.

Ông Đình Tây nuôi một con cá sấu có tới năm chân. Người đời ví con cá sấu như chiếc ghe lớn, di chuyển được là nhờ có năm mái chèo nên đặt tên con cá sấu là ông Năm Chèo. Con cá sấu là món quà ông Tây Đình nhận được từ một gia đình ở miệt Láng Linh (nay là xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) lúc đang đi hành thiện. Nhưng khi về hậu liêu, nhìn thấy con cá sấu với hình thù kỳ lạ, Đức Phật Thầy khuyên nên giết đi kẻo sau này nó sẽ hại dân lành. Thấy con cá sấu ngộ nghĩnh, ông Đình không giết mà lén mang đến một bụi rậm nơi có hồ sen trước cửa đình thả xuống nuôi. Không lâu sau nó lớn nhanh như thổi. Sợ hại người nên ông Đình lấy dây xích cột chân nó vào cây đại thụ cạnh đình làng.


Năm món bảo vật mà Đức Phật Thầy trao cho ông Đình Tây thu phục cá sấu Năm Chèo vẫn đang được thờ cúng ở Thới Sơn. Ảnh: VĨNH SƠN

Rồi một ngày trời giông, sấm chớp dữ dội, mưa như trút nước, con cá sấu bẻ xích trốn mất. Ông Đình lần theo dấu dây xích phát hiện có bàn chân người bị cắn đứt. Thấy tình hình không ổn, ông Đình Tây liền vào báo cáo cớ sự với Đức Phật Thầy. Thầy nói: “Đây là cơ duyên của ông với nó, sau này sẽ gặp lại”, rồi Thầy đưa cho ông năm món bảo bối và một câu khẩu huyết biệt truyền (chỉ Thầy và ông Đình Tây biết) để sau này thu phục, sấu thần. Bảo bối gồm: hai cây lao, một cây mun cổ phụng, một lưỡi câu và một đường dây băng.

Ít lâu sau người dân làng Láng Linh (nơi ông Sinh cho ông Đình Tây con cá sấu) thấy con cá sấu năm chân khổng lồ xuất hiện. Nó trườn lên bờ bắt gà, vịt của dân làng ăn thịt. Ông Đình Tây mang bảo bối xuống định thu phục nhưng khi đến nơi thì nó lặn xuống sông mất dạng. Hễ ông Đình Tây quay đi thì nó lại nổi lên quấy phá dân lành. Nó làm nổi sóng to trên sông khiến ghe tàu ngang qua đắm chìm. Con cá sấu dường như chỉ biết sợ mỗi ông Đình Tây, nên hễ mỗi lần nó nổi lên mặt nước là dân làng la lớn: “Năm Chèo nổi lên, bớ ông Đình!”. Nghe kêu vậy nó liền lặn mất. Một hôm ông Đình Tây xuống mé sông la lớn trong thinh không như thông báo với con cá sấu về sứ mạng của mình mà Đức Phật Thầy đã giao phó. Dường như nó nghe biết nên từ ấy biệt tăm.

Chờ mãi nó vẫn bặt tăm, ông Đình Tây liền mang bảo bối trả lại cho Thầy. Thầy bảo cứ giữ, có khi sẽ cần đến.


Bà Hồ Thị Quyên (trái) và chị là cháu đời thứ tư của ông Đình Tây ngày ngày trông coi mộ sự của ông. Ảnh: VĨNH SƠN

Bà Quyên kể năm 1856, lúc ông Đình Tây được 30 tuổi thì sấu dậy nhưng mãi đến khi qua đời vào năm 1914, ông vẫn chưa sử dụng bảo bối lần nào. Năm món bảo bối của ông Đình Tây vẫn được cất giữ qua nhiều thế hệ sau khi ông mất. Ngày nay, tại ngôi mộ ông Đình Tây ở xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên vẫn còn thờ cúng năm món bảo vật này.

Ông Năm Chèo vẫn ở Vàm Nao

Dân gian cho rằng con cá sấu biết hối lỗi và đang nằm vắt ngang hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, tạo thành dòng Vàm Nao. Sông Vàm Nao còn gọi là dòng Thuận Giang. Trong nhiều sách sử còn ghi lại nơi đây có độ sâu khó tả, là chỗ có dòng nước xoáy hết sức nguy hiểm cho ghe tàu qua lại. Ngày trước nơi đây mọc lên bến cảng Thuận Giang. Trên sông Vàm Nao ngày nay dân An Giang hay thả lưới và bắt được cá hô khổng lồ, nặng tới hàng trăm ký. Đó là nơi chứa nhiều loài cá lớn nên người đời tin là ông Năm Chèo nằm ở dưới.


VĨNH SƠN