Thầy mo không phải là thầy thuốc



Quê tôi hầu như bản nào cũng có người làm thầy mo hoặc ít nhất cũng biết đọc các bài mo, bài cúng mỗi khi trong nhà có những công việc liên quan đến phong tục tập quán như làm nhà, ma chay...


Nhiều người cứ nghĩ rằng, các thầy mo đều là những người tài giỏi, có đức độ, biết làm nhiều thủ thuật xua đuổi tà ma để chữa bệnh cho mọi người. Ngược lại, cũng không ít người cho rằng, việc làm mo mang tính chất lừa gạt, dối trá v.v... Thực ra, thầy mo chỉ là một người mang lấy trách nhiệm thực hiện một số công việc liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của cá nhân, của cộng đồng, và do vậy, họ phải có một vài bí quyết nhất định do tiền nhân truyền lại. Có một điểm rất rõ ràng mà không phải ai cũng hiểu: thầy mo không phải là thầy thuốc!

Một số thầy mo cũng có biết những loại thuốc chữa bệnh nhất định, nhưng việc họ biết tìm thuốc hoàn toàn độc lập với việc họ làm mo. Theo quan niệm của người Thái, việc làm mo chỉ có thể khôi phục được sức mạnh của “linh hồn”, còn sức mạnh của “thể xác” (sức khoẻ) thì hoàn toàn phụ thuộc vào tác dụng của thuốc thang. Tục ngữ Thái có câu: “Hướn mỏ bo mí phả, Ná mỏ bo mí hộ” có nghĩa là: “Nhà của thầy mo không có vách. Ruộng của thầy mo không có rào”. Có nhiều người lầm tưởng câu tục ngữ này mang ý nghĩa: Do thầy mo có phép thuật nào đó, mà nhà của thầy mo không cần phải thưng vách (không sợ bị trộm), và ruộng của thầy mo không cần phải làm hàng rào (không lo trâu bò vào phá). Thực chất, câu này chỉ mang một ý nghĩa giản đơn rằng: người làm nghề mo phải tuân thủ những quy tắc nhất định- một trong những quy tắc đó là không được phép chối từ mỗi khi có người đến cậy nhờ việc mo- vậy nên thầy mo thường không thể làm chủ được quỹ thời gian của mình, do đó mà phải bỏ bê việc sửa sang nhà cửa, rào chắn ruộng vườn. Làm việc mo cũng có nghĩa là đồng hành với các chai rượu, với việc uống rượu nên đa phần các ông mo là những người có vấn đề về sức khoẻ, nhất là các bệnh liên quan đến dạ dày, tim mạch, tiêu hoá... ông mo Q bị đột quỵ do chủ quan về sức khoẻ, may được đưa đến bệnh viện cứu chữa kịp thời mới giữ được mạng sống. Ông mo X trong lúc say rượu và tranh luận quá hăng về thủ thuật, để lấy “oai” đã lấy dao tự cứa vào đùi, không kịp cứu chữa nên đã phải thiệt mạng lại còn bị mang tiếng. Ông mo T cũng thiệt thân vì bệnh tật do quá ưu ái với ma men...

Khi bị đau ốm, ngay cả các thầy mo cũng phải đi đến trạm xá hoặc bệnh viện để chữa trị. Chính các ông thầy này là những người hiểu rõ nhất: việc làm mo của họ không thể thay thế được thuốc men. Người dân ở quê tôi cũng đã hiểu ra điều đó nên mỗi khi đau ốm, họ đều đi đến khám và điều trị ở trạm y tế chứ chẳng mấy ai lại cậy đến thầy mo...

Sầm Văn Bình