Việt Nam và những người bạn

Craig Thomas - một người Mỹ mê tranh Việt

TT - Bảy tháng trước, trước khi triển lãm cá nhân “Hóa thạch” của họa sĩ trẻ Lương Lưu Biên diễn ra nhiều ngày, Craig Thomas - một luật sư người Mỹ - vì mê tranh của Lương Lưu Biên đã lặn lội nhiều lần từ quận 1 xuống xưởng vẽ nhỏ như hộp quẹt của họa sĩ ở quận Thủ Đức, TP.HCM kể cả lúc kẹt đường nóng nực, bụi bặm và ngạt khói xăng.


Chính Craig là người sau đó đứng ra tổ chức triển lãm cho Biên từ khâu chuẩn bị đến phòng tranh.



Craig Thomas, một người Mỹ đã quyết định chọn Việt Nam làm quê hương thứ nhất - Ảnh: Thuận Thắng



Trong phòng ngủ, phòng làm việc của Craig chật kín tranh của nhiều họa sĩ Việt Nam như Lương Lưu Biên, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Doãn Hoàng Lâm, Lã Huy, La Như Lân, Mạc Hoàng Thượng... Anh nói nửa đùa nửa thật: “Tranh vừa mua vừa mượn đấy. Phải mua để họa sĩ còn sống nữa chứ. Tôi không giàu có gì nhưng cũng mơ sau này không phải mượn nữa”.

15 năm trước. Khi xách vali đến Việt Nam, trong đầu Craig Thomas không hề có ý định sẽ ở lại đất nước này lâu đến thế. Khi đó, chàng trai người Mỹ làm việc tại một văn phòng luật sư đại diện của Pháp tại Hà Nội với dự định ở chỉ một hoặc hai năm. Khi Craig nói sõi tiếng Việt với giọng Hà Nội đặc sệt thì đã ba năm trôi qua.

* Anh làm nhiều người ngạc nhiên đấy, khi dám từ bỏ công việc luật sư với mức lương tốt, ổn định để mở một phòng tranh ngay tại nhà.



- Khi còn ở Hà Nội, tôi giúp một người bạn mở phòng tranh (Hà Nội Studio). Sau đó người bạn mời tôi làm quản lý. Lúc đầu tôi chỉ làm chơi cho vui thôi. Làm một thời gian thấy thích quá, khi vào Sài Gòn làm việc, tôi luôn nghĩ mình sẽ có một phòng tranh như thế. Công việc của một luật sư rất áp lực, căng thẳng. Còn môi trường nghệ thuật làm mình dễ thở hơn. Tiếp xúc với giới họa sĩ, tôi thấy như tìm được chính con người mình. Họ rất hiền, vui vẻ, thoải mái và thoáng trong suy nghĩ.

Sài Gòn chưa có một không gian nghệ thuật đúng nghĩa, về chiều sâu, bề rộng và lượng ánh sáng trong phòng. Nhiều họa sĩ trẻ muốn giới thiệu tác phẩm của mình cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm một gallery tin cậy để tổ chức triển lãm cho mình. Họ rất cần sự trao đổi, tiếp xúc, cơ hội được thể hiện mình và sự hỗ trợ.

* Nhiều họa sĩ thừa nhận anh là dân tay ngang nhưng khả năng thẩm định tranh khá tốt.

- Tôi đã đi thăm nhiều bảo tàng mỹ thuật ở châu Âu và đọc nhiều sách về hội họa. Tôi cũng chịu học hỏi, nói chuyện với nhiều họa sĩ nổi tiếng và cả họa sĩ trẻ để có cái nền tương đối về hội họa.

* Tôi thấy anh không xuất thân từ nghệ thuật nhưng có mối quan hệ rất thân thiết với nhiều họa sĩ trẻ.

- Tôi thường đến các phòng tranh xem triển lãm và lân la làm quen với nhiều họa sĩ. Tôi đi uống cà phê, ăn quán vỉa hè, nói chuyện về nghệ thuật với họ như những người Việt Nam với nhau. Tôi thích họa sĩ trẻ Việt Nam vì họ không bảo thủ, dám phá cách, dám bứt phá và thể hiện tiếng nói riêng, lạ trong tác phẩm của mình.

* Công việc khá bận rộn nhưng anh còn dành thêm thời gian dạy tiếng Anh cho một số họa sĩ.

- Tôi chỉ dạy tiếng Anh vào tối thứ tư và thứ bảy. Lý do quan trọng nhất là tôi muốn họ tự tin hơn khi giới thiệu tác phẩm của mình đến với công chúng, nhất là người nước ngoài. Không biết tiếng Anh, họ sẽ mất đi không ít cơ hội.

* Craig Thomas Gallery hoạt động từ tháng 1-2010 nhưng chỉ có một vài triển lãm diễn ra. Có vẻ như anh không sốt sắng lắm trong việc quảng bá cho phòng tranh của mình?


- Làm nghệ thuật mà nghĩ đến tiền bạc nhiều quá là hỏng ngay. Tôi thích đếm tiền nhưng không thích thuyết phục người khác mua tranh. Tôi muốn người ta đến với nghệ thuật bằng tấm lòng, bằng cảm nhận của họ. Khi nhìn tranh của một họa sĩ nào đó, dù chưa có tiếng tăm gì, nếu thấy tranh của họa sĩ này có thể bán được tôi mới nhận lời hoặc mời họ triển lãm tranh ở chỗ mình.

* Điều gì đã khiến anh gắn bó với Việt Nam 15 năm nay?


Sao không chịu xem tôi là “người ở đây”?

Đôi khi tôi cũng buồn lắm. Tôi đã sống ở Việt Nam 15 năm nhưng trong mắt người Việt tôi vẫn là người nước ngoài chứ không phải là “người ở đây”. Họ làm như tôi không phải là một phần dân cư ở thành phố này vậy. Ở Mỹ, một người nước ngoài sống 15 năm và nói tiếng Mỹ được coi như là một người Mỹ. Lúc người ta xây nhà ở đầu hẻm, người ta đi nói với tất cả hộ dân trong con hẻm này là: “Sắp tới tôi xây nhà, hơi bụi bặm mong bà con thông cảm”. Còn nhà tôi thì họ bỏ qua!

- Trước khi đến Việt Nam, tôi đã đi chơi, học và làm việc ở nhiều quốc gia khu vực châu Âu. Lúc đầu vì công việc, tôi chỉ nghĩ sẽ ở lại làm 1 - 2 năm rồi chuyển qua quốc gia khác. Nhưng sau một thời gian sống, làm việc ở Hà Nội, tôi có nhiều mối quan hệ, biết tiếng Việt và cảm thấy ở Việt Nam dễ xin việc hơn, sống dễ thở hơn nên quyết định ở lại. Việt Nam bây giờ không phải là quê hương thứ hai của tôi mà là quê hương thứ nhất rồi.

* Thật ra người nước ngoài ở Việt Nam không cần biết tiếng Việt vẫn có thể sống ngon lành. Tại sao anh học tiếng Việt, một ngôn ngữ được nhiều người nước ngoài đánh giá là “khó xơi”?

- Người ta nói vậy là do lười thôi. Ngữ pháp của tiếng Pháp, tiếng Nhật... làm sao dễ hơn tiếng Việt? Tôi học tiếng Việt vì lý do rất... dở hơi. Khi tôi mới sang Việt Nam, làm việc ở Hà Nội, nhân viên người Việt nói tiếng Pháp rất giỏi. Mà tôi thì không giỏi tiếng Pháp lắm nên quyết tâm phải học cho được tiếng Việt để nói chuyện bằng tiếng Việt với họ. Tôi thuê một cô giáo người Việt dạy riêng. Cô không bao giờ khen nên tôi tức lắm, càng quyết tâm học. Buổi sáng học, buổi chiều và tối tôi lân la đi nói chuyện với một cô gái làm ở bar gần nhà mà tôi rất thích.

* Tại sao anh lấy tên Việt của mình là Minh?

- Minh là minh mẫn, thông minh, văn minh. Tôi rất thích cái tên này.

* Sống ở Việt Nam 15 năm, điều gì làm anh hạnh phúc nhất?

- Tôi thích cái cảnh lúc 6g tối ra hẻm, thấy mấy em bé chơi đùa còn người lớn thì ngồi trên ghế nhựa hóng gió, nói chuyện. Đặc biệt, tôi đi đâu người ta cũng nhớ tên tôi là Minh. Đi taxi, vừa lên xe, tài xế đã hỏi ngay: “Anh Minh đi 3A Tôn Đức Thắng đúng không?”, “Anh Minh về 27I Trần Nhật Duật phải không ạ?”. Tôi luôn ngồi ghế trên với tài xế, nói chuyện với họ bằng tiếng Việt vì biết họ cũng rất thích nói chuyện. Tôi còn chỉ cho họ đi đường nào nhanh nhất, tiện nhất, ít bị kẹt xe nhất và tránh được “lô cốt’... Nhưng điều làm tôi cảm động nhất là một vài lần hết tiền, tôi ra tiệm tạp hóa mua đồ. Họ sẵn sàng cho ký sổ nợ. Chỉ ở Việt Nam mới như thế. Tôi có cảm giác như ở nhà mình vậy.

* Vậy điều làm anh thất vọng nhất?

- Giao thông và “lô cốt”. Một chỗ làm hai lần! Hồi trước tôi cũng lạng lách y như người Việt Nam nhưng sau vụ tai nạn giao thông của người bạn, tôi sợ quá, đi taxi thôi. Tôi không muốn chết trên xe máy đâu. Nhưng điều làm tôi thất vọng nhất là nhiều người cứ nghĩ tôi không biết tiếng Việt nên nói nhiều câu rất không hay. Tôi rất ngạc nhiên và khó chịu khi nhiều lúc gặp khách hàng, đối tác là người Việt Nam, tôi nói tiếng Việt họ không đồng ý và bắt phải nói bằng tiếng Anh!

* Anh thích từ nào trong ngôn ngữ Việt Nam?

- Tôi rất khoái hai từ “hãm tài” và “củ chuối”. Không một ngôn ngữ nào hay, thâm thúy và tinh tế đến vậy. Tôi sống ở Sài Gòn nhưng lại thích tiếng lóng của Hà Nội, giọng điệu của người Hà Nội.

MY LĂNG thực hiện