kết quả từ 1 tới 9 trên 9

Ðề tài: Khám phá "suối xương" giữa Thủ đô (kỳ I)

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Người thám hiểm "suối xương" bí ẩn (Kỳ III)

    Bên cạnh con suối, dưới lòng suối, trên vách đá, tóm lại là khắp nơi chỉ toàn xương người trắng phau. Điều lạ là sau hàng ngàn năm, xương người vẫn còn nguyên vẹn, rất chắc chắn.
    Trong câu chuyện với người đàn bà tên Tuyết, bán hàng ở cửa Thần Quang Động, tôi được biết chuyện về ông Phạm Văn Thịnh, ở xóm Chợ, người đã từng “mất hút” trong lòng núi mấy ngày trời để thám hiểm “suối xương”.
    Nhà ông Thịnh lúp xúp bên đường vào chùa Thầy. Ông Thịnh mới 55 tuổi, song gầy còm, ốm yếu, có vẻ bệnh tật nặng, ngồi thu lu trong góc nhà.

    Chen chúc xem xương cốt trong bể
    Trước khi vào nhà, tôi được người dân quanh xóm đồn đại rằng, sau chuyến thám hiểm xuống “suối xương”, người ta thấy ông có vẻ ốm yếu dần, ít ra ngoài, không thấy lên núi Sài Sơn nữa.
    Tôi hỏi chuyện thám hiểm hang động, mắt ông chợt sáng lên. Tuy nhiên, ông không công nhận mình là người hiểu biết nhiều nhất về hệ thống hang động trong lòng núi Sài Sơn. Người nắm nhiều thông tin nhất phải là ông cụ Như, ở thôn Đồng Mạc. Nhân dân quanh núi gọi ông là ông Như “sâu hang”, vì ông rất giỏi thám hiểm hang động.
    Ông cụ Như là người từng có một chuyến đi 7 ngày trong động, gần như hết mọi ngóc ngách hang. Nhưng ông đã chết cách nay mấy chục năm rồi.
    Con cụ Như là cụ Thứ, cũng từng dành nhiều ngày khám phá hang động, song theo lời kể của người dân, sau khi khám phá “suối xương”, ông trở nên trầm tính, ít giao du, rồi mất lặng lẽ cách nay mấy năm, thọ 70 tuổi.

    Thắp hương khấn vái trên bàn thờ tướng và quân Lữ Gia
    Tôi đã gặp con dâu cụ Thứ, người chụp hình ở chùa Thầy. Chị bảo, bố chồng chị không kể gì cho con cháu nghe chuyện ông khám phá hang động thế nào, nên chị cũng chả biết gì.
    Tuy nhiên, ông cụ Như lại kể chuyện thám hiểm hang động rất rõ với ông Thịnh, vì ngày còn bé, ông Thịnh thường theo cụ Như lên núi Sài Sơn lấy củi.
    Sống ngay dưới chân núi, ngày nào cũng thấy bóng núi sừng sững, lại được thấm nhuần bởi những huyền thoại về Thần Quang động từ tấm bé, nên cũng như những thanh niên lớn lên dưới chân núi, ông ước một lần được thám hiểm xuống “suối xương” cũng như khám phá những hang động bí ẩn trong lòng núi.
    Năm 1980, Thịnh cùng hai thanh niên nữa trong làng tên Tuấn và Minh, chuẩn bị một balô bánh mì, lương khô, một balô dưa hấu, nước… Ngoài ra, còn mang theo 15 cây nến, mỗi cây to bằng bắp tay, dài 40cm, 100 cuộn dây nhỏ, dùng để dẫn đường, cùng nhiều dây thừng làm thang dây.
    Mỗi người một balô lên đường. Hàng chục thanh niên đứng ngoài cửa động tiễn đưa. Ba người bắt đầu xuống hang trong ánh mắt thán phục của các cô gái làng.

    Hành động "bố thí" cho các oan hồn đã biến bể xương thành bể rác
    Theo sơ đồ hướng dẫn của cụ Như, mọi người chăng dây ở cửa hang (tránh lạc đường), rồi bắt đầu đi. Theo cụ Như, nếu thuộc đường, chỉ đi một ngày đến “suối xương”, nhưng nhóm của Thịnh phải đi mất 2 ngày vì bị lạc rất nhiều. Thịnh và hai người bạn đã tìm đến được “suối xương”, nơi mà mọi người chỉ được nghe nhắc đến trong huyền thoại về “9 tầng địa ngục”.
    Đoàn thám hiểm của ông Thịnh đi vào mùa khô nên suối nước trong lòng động khá cạn, nước trong vắt, lạnh lẽo. Suối chảy dưới nền một bãi rộng mênh mông. “Tôi không thể ước chừng nó rộng đến cỡ nào, vì ánh nến chỉ soi được mặt người” – ông Thịnh kể.
    Theo cụ Như, vào mùa mưa, dòng suối biến thành một cái hồ lớn trong lòng núi. Ông Thịnh cho biết: “Chúng tôi không rõ độ sâu của suối so với cửa hang là bao nhiêu mét, không biết “suối xương” nằm trong lòng núi hay dưới lòng đất. Nhưng “suối xương” là thật chứ không phải truyền thuyết. Bên cạnh con suối, dưới lòng suối, trên vách đá, tóm lại là khắp nơi chỉ toàn xương người trắng phau. Điều lạ là sau hàng ngàn năm, xương người vẫn còn nguyên vẹn, rất chắc chắn”.

    Xương cốt có khắp nơi trong hang động của núi Sài Sơn
    Đoàn thám hiểm của ông Thịnh đi dọc con suối và thấy ven suối rất lạ, với những đụn cát vàng sùi lên thành đống. Điều lạ hơn nữa là bên suối có những con thuyền gỗ nhỏ. Mỗi bên mạn thuyền chỉ to bằng cánh cửa, nửa nổi nửa chìm trong cát.
    Bên cạnh những con thuyền vẫn còn mái chèo, nhưng đã mục ruỗng. Chỉ có thành thuyền còn khá nguyên vẹn, gỗ rất cứng và được sơn màu đen. Theo kinh nghiệm của ông Thịnh thì nhiều khả năng những con thuyền này được quét bởi một loại sơn của người xưa hoặc nước cốt lá khoai nước. Ông Thịnh đã dùng dao cạo vào thành thuyền, nhưng thấy sơn bám rất chắc và gỗ thì cứng như thép.
    Ông Thịnh cho biết: “Theo tôi dự đoán, mùa mưa, nước ngập biến lòng hang thành hồ, nên họ mang thuyền vào để đi. Họ không thể vận chuyển cả chiếc thuyền vào được, vì nhiều ngách hang rất nhỏ, nên có thể họ đóng ở ngoài từng phần, vận chuyển vào rồi mới ghép lại để tiện di chuyển trong mùa nước ngập. Nước trong hang rất lạnh, nên việc di chuyển bằng thuyền là điều dễ hiểu”.

    Thạch nhũ trong động Sài Sơn
    Nhóm thám hiểm của ông Thịnh còn phát hiện khá nhiều ký tự lạ trên vách đá, một số chữ rõ ràng là chữ Hán. Trong số những ký tự lạ, có hai chữ Hán lớn, khắc sâu vào vách đá, rất rõ nét. Ông Thịnh đã ghi nhớ, rồi vẽ lại cho mấy cụ già trong làng xem, thì các cụ đều khẳng định là chữ “Lữ Gia”. Phải chăng đây là thông tin mà người dân quanh chân núi Sài Sơn tin rằng, những bộ xương cốt tràn ngập trong lòng núi là của nghĩa quân Lữ Gia?
    Theo lời ông Thịnh, dưới dòng suối này có rất nhiều cá, nhưng là một loài cá lạ, mà những người chứng kiến đều không biết nó là cá gì.
    Mình loài cá này chỉ bằng ngón chân cái, giống mình cá trê, nhưng đầu thì bằng nắm tay người lớn. Trên đầu nó có hình thù quái lạ, kỳ dị trông rất khiếp, do đó, không ai dám bắt về ăn.
    “Cũng có thể đây là một loài cá thuộc họ với cá trê, cá nheo, nhưng sống mấy ngàn năm trong hang tối, nước trong, thiếu ôxi, thiếu thức ăn, nên cơ thể teo đi, đầu to ra, biến thành một loài mới. Chúng tôi đặt tên cho giống cá này lá cá đầu bò, vì trông đầu nó giống đầu con bò nhìn từ trên xuống” – ông Thịnh phán đoán.
    Theo hiểu biết của tôi và qua lời mô tả của ông Thịnh, thì có thể đây chỉ là loài cá suối thông thường. Ở những con suối trên vùng cao, vào mùa lạnh, thường xuất hiện loài cá này. Nó có mình giống cá nheo, song lại có cái đầu to tướng. Loài cá này có hình thù khá giống với nòng nọc. Đây là loài cá ăn rong rêu và thịt rất thơm, là món ăn được người dân miền núi ưa chuộng.
    Theo 24h
    Còn tiếp...

  2. #2

    Mặc định Ai là chủ nhân của hàng ngàn bộ hài cốt? (Tiếp theo và Hết)

    Phần lớn truyền thuyết đều nói rằng những bộ hài cốt trong hang là của nghĩa quân Lữ Gia, song lại có người bảo là quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc.
    Điều khá đặc biệt mà nhóm thám hiểm của ông Thịnh biết được, đó là, trên các vách hang có rất nhiều giáo mác, dao kiếm. Tuy nhiên, ông chỉ nhìn thấy hình thù mà thôi, vì han gỉ hết rồi, động vào là vỡ vụn.
    Trong chuyến khám phá hang động và “suối xương” năm ấy, nhóm ông Thịnh mất tổng cộng 3 ngày đêm. Thời gian khám phá dài như thế, song vẫn chưa đi được hết các ngóc ngách. Trước kia, cụ Như từng đi 7 ngày đêm trong động vẫn chưa thấy đáy hang đâu. Cụ đi sâu đến nỗi bị lạc đường, hết cả dầu thắp. Cũng may, đến ngày thứ 7 thì có lễ hội chùa Thầy. Tiếng trống hội lọt vào hang, cụ cứ theo âm thanh của tiếng trống mà lần mò ra ngoài mới thoát chết.

    Liệu hàng ngàn bộ xương trong bể và trong lòng núi có phải của quân Lữ Gia?
    Theo lời ông Thịnh, không phải ở “suối xương” mới có xương người mà hầu hết các ngách hang đều có hài cốt. Nhiều bộ xương nằm theo thế co quắp. Tóm lại, toàn bộ hang động trong lòng núi là một huyệt mộ khổng lồ chưa được khai quật.
    Có một chuyện mà tôi dò hỏi mãi, ông Thịnh mới kể, đó là chuyện ông cùng đoàn thám hiểm nhặt được rất nhiều đồ cổ trong chuyến khám phá hang động. Cứ chỗ nào thấy có tro than, đào lên kiểu gì cũng có hài cốt và cạnh bộ hài cốt là một số loại đồ cổ, chủ yếu là bát đĩa.

    Cát và khoáng chảy ra từ vách đá là một trong những chuyện lạ trong núi Sài Sơn
    Những cái bát ăn to như bát tô bây giờ, còn đĩa thì có đường kính tới 40-50cm, to như cái mâm. Ông Thịnh đã bán một số món đồ cổ, được bao nhiêu thì ông không nói. Hiện ông Thịnh còn giữ khoảng chục món nữa, nhưng nhờ người khác cất giữ. Tôi bày tỏ ý định muốn xem những thứ đồ cổ ấy, nhưng ông từ chối. Ông cũng từ chối việc chụp ảnh chân dung ông.
    Trong những câu chuyện dưới chân núi Sài Sơn, tôi được nghe rất nhiều tấn bi kịch liên quan đến việc xâm phạm “suối xương”, đào bới đồ cổ. Có cậu thanh niên đào bới hài cốt, lấy đồ cổ, đột nhiên bị thần kinh, điên khùng. Có người xuống hang nghịch ngợm, giẫm đạp vào hài cốt, bị tai nạn giao thông chết ngay khi ra khỏi hang.

    Xương cốt nhiều vô kể trong lòng núi Sài Sơn, nên người dân gọi là "suối xương"
    Gần đây nhất, theo lời đồn, một thanh niên tên T, là con trai của một người bán hàng ở chùa Thầy, sau khi lấy được 20 món đồ cổ trong “suối xương”, liền đâm hư, rồi mắc nghiện. Hiện T đang nằm ở trại cai nghiện. Mẹ T hoảng quá, đem một số đồ cổ nộp cho chùa.
    Những câu chuyện hư thực về sự xâm phạm nơi yên nghỉ của hàng ngàn nghĩa quân Lữ Gia khiến nhiều người nhụt chí không còn dám khám phá “suối xương” nữa.

    Xương cốt có ở rất nhiều ngóc ngách
    Trao đổi về chuyện bể xương và “suối xương” bí ẩn trong lòng núi Sài Sơn, bà Nguyễn Thị Thu Chung, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quốc Oai cho biết: Bà đã làm việc ở Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch 20 năm nay, song chưa thấy có nhà khoa học nào thông qua huyện để nghiên cứu về vấn đề này nên không nắm được bất cứ thông tin gì.
    Ông Đặng Văn Tu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) cũng cho biết, từ trước đến nay, tỉnh cũng chưa có dự án hay ý tưởng nào nghiên cứu về những bộ xương trong núi Sài Sơn. Thông tin duy nhất mà ông biết được cũng chỉ qua lời kể của nhà chùa rằng đó là xương cốt của nghĩa quân Lữ Gia. Còn nhà chùa thu thập những thông tin đó từ đâu thì ông cũng không nắm được.

    Những đồ gốm vỡ vẫn còn nhiều trong hang động, cạnh những bộ xương
    PGS-TS. Nguyễn Lân Cường cho biết: “Từ 20 năm trước, tôi đã vào hang trong núi Sài Sơn để tìm hiểu về những bộ hài cốt bí ẩn này, song không có tư liệu gì cả. Những truyền thuyết mà nhân dân quanh vùng kể lại cũng không hoàn toàn thống nhất. Phần lớn truyền thuyết đều nói rằng những bộ hài cốt trong hang là của nghĩa quân Lữ Gia, song lại có người bảo là quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc (thế kỷ 19).
    Tôi đã đề xuất với nhà chùa cho khai quật, song nhà chùa không cho nên thôi. Sau đó, tôi mải ngược xuôi Nam - Bắc với mồ mả, xương cốt nên rất bận, không có thời gian nghĩ đến cái bể xương với suối xương ấy nữa”.

    Chụp ảnh kỷ niệm với xương cốt trong động
    Theo ông Đặng Bằng - Trưởng Ban quản lý di tích chùa Thầy, cố GS. Trần Quốc Vượng cũng đã từng vào hang Cắc Cớ nghiên cứu sơ lược về bể xương và ông nói ngay rằng: “Khó có thể tin đây là xương cốt của quân Lữ Gia chống Hán. Bởi vì, với thời gian hơn 2.000 năm, xương cốt phải hóa thạch rồi!”.
    GS. Trần Quốc Vượng chỉ nói mỗi câu như vậy, rồi không có ý kiến gì thêm nữa nên nhà chùa và Ban quản lý di tích chùa Thầy cũng chỉ biết tin vào truyền thuyết mà thôi.
    Những người trong Ban quản lý di tích chùa Thầy cũng đã chú tâm tìm hiểu chuyện này, song chưa tìm được bất cứ tài liệu chính thống, bia đá nào nói về bể xương, “suối xương” và nghĩa quân Lữ Gia.
    Chỉ có một tài liệu duy nhất có tên “Sơn Tây tỉnh địa chí”, xuất bản năm 1938, của Phạm Xuân Độ nói về những bộ hài cốt trong hang động núi Sài Sơn. Tuy nhiên, bộ sách này cũng chỉ dẫn lời truyền thuyết y như lời kể của nhân dân trong vùng…
    Có ý kiến cho rằng, để xương cốt hóa thạch, phải cần thời gian lên đến cả triệu năm. Xương cốt phải chìm xuống đáy biển, được lớp trầm tích bao phủ, rồi quá trình vận động tạo sơn, đáy biển dâng lên thành núi, mới có hóa thạch, chứ một vài ngàn năm chưa thể hóa thạch được. Do đó, ý kiến của GS. Vượng cho rằng, nếu xương trong núi Sài Sơn có niên đại 2.000 năm thì đã hóa thạch, chưa hẳn đã đúng.

    Công chúng và người dân quanh núi Sài Sơn rất cần câu trả lời của các nhà khoa học
    Phần lớn ý kiến khác lại khẳng định, nếu quân Lữ Gia chết trong lòng núi từ 2.000 năm trước, thì xương cốt đã tan thành đất. Tuy nhiên, lại có người phản biện, không hẳn trải qua 2 ngàn năm xương cốt đã tan biến, mục ruỗng. Bởi vì, nếu những bộ xương này nằm trong điều kiện môi trường đặc biệt nào đó, không có sự xâm hại của vi khuẩn, thì có thể tồn tại lâu bền. Thực tế, các nhà khoa học đã từng khai quật mộ thuyền 2.500 năm ở Hưng Yên vẫn còn nguyên xương cốt.
    Vậy là bể xương, “suối xương” cùng những bộ hài cốt rải rác khắp hang động trong lòng núi Sài Sơn vẫn chìm trong bức màn bí ẩn.
    Công chúng và người dân quanh núi Sài Sơn rất cần câu trả lời của các nhà khoa học.
    HẾT

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Luân Thêm Về Địa Không VÀ Địa Kiếp
    By soul_master in forum Tử Vi
    Trả lời: 46
    Bài mới gởi: 27-02-2014, 05:09 PM
  2. Chuyện lạ ở một khu di tích giữa thủ đô
    By Bin571 in forum Chuyện thời sự, xã hội
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 10-11-2010, 03:14 PM
  3. Quốc kỳ Việt Nam
    By Bin571 in forum Lịch sử VN từ năm 1945 đến nay
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 15-09-2010, 12:52 PM
  4. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 30-07-2010, 07:21 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •