ANH GIÁO

Tiếp theo

Đặc điểm


Trong cộng đồng Cơ Đốc giáo, Anh giáo được biết đến với tính đa dạng về thần học và giáo nghi. Các cá nhân, nhóm, giáo xứ, giáo hạt hay giáo hội quốc gia có thể chọn lựa hoặc nối kết với truyền thống và thần học Công giáo hoặc chọn hướng ngược lại, đồng hành với các nguyên tắc của cuộc Cải cách.

Một số tín hữu Anh giáo tuân giữ các nghi thức sùng kính của Công giáo La mã như lần hạt cầu kinh, cầu khấn với các thánh. Một số khác đặt tin tưởng vào các sách thứ kinh (deuterocanonical) trong Kinh Thánh, mặc dù giáo lý Anh giáo dạy rằng những sách này nên được đọc trong nhà thờ vì mục đích giáo huấn đạo đức, nhưng không nên dùng cho việc lập thuyết.

Về phần mình, những tín hữu Anh giáo nhấn mạnh đến bản thể Kháng Cách của giáo hội, tập chú vào các tiêu chí của cuộc Cải cách về sự cứu rỗi bởi ân điển của Thiên Chúa qua đức tin của tín hữu, hai thánh lễ của Phúc Âm (Báp têm và Tiệc Thánh), và Kinh Thánh chứa đựng mọi điều cần thiết cho sự cứu rỗi.

Sự phân hóa bên trong giáo hội lên đến đỉnh điểm trong thế kỷ 19 khi phong trào Công giáo Anh (Anglo-Catholic) nhấn mạnh vào khía cạnh Công giáo, và phong trào Tin Lành (Evangelical) tập chú vào phương diện Cải cách của giáo hội. Hai nhóm này thường được gọi là “Thượng giáo hội” và “Hạ giáo hội”, ngụ ý về cung cách hành lễ của mỗi nhóm trong nghi thức thờ phụng (“Thượng giáo hội” quan tâm đến tính uy nghiêm, trang trọng của nghi thức, trong khi “Hạ giáo hội” thích chọn lựa các nghi thức đơn giản, và xem nghi thức là một cách biểu trưng cho tấm lòng).

Tuy nhiên, hầu hết tín hữu Anh giáo quyết định tự giữ mình để không bị lôi cuốn vào hai cực này, họ thường nhấn mạnh rằng, Anh giáo, cần được hiểu theo ý nghĩa chính xác, là con đường trung dung của Cơ Đốc giáo, đi giữa Công giáo và Kháng Cách

nguồn Wikipedia
còn tiếp