Phú Thọ: Phát hiện gà nhiều cựa như trong truyền thuyết Hùng Vương
25/10/2006 15:11 GMT+7


Đầu tháng 9 năm nay, loài gà nhiều cựa quý hiếm được phát hiện sống tập trung ở xã Xuân Sơn (Thanh Sơn, Phú Thọ). một kế hoạch bảo vệ loài gia cầm này cũng được các nhà khoa học tiến hành. Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Phú Thọ, đến thời điểm này mới chỉ phát hiện được loài gà có 6 cựa. Trong khi đó, người dân khẳng định ở đây có gà 7 cựa.



Theo bà Nguyễn Thị Bích Phượng - cán bộ UBND xã Xuân Sơn - gà nhiều cựa sống tập trung ở xóm Cỏi, xóm Lấp, xóm Dù, số lượng lên đến gần 100 con. Trong đó, con có nhiều cựa nhất là của gia đình anh Lý Phúc Lâm ở xóm Cỏi, với 7 cựa.

Ông Đặng Văn Hạnh (xóm Cỏi) cho biết, số gà nhiều cựa mà gia đình nuôi chủ yếu sống trên vùng đồi, tối thì vào chuồng ngủ. Đặc biệt, loài gà này có khả năng chống chịu bệnh rất cao, màu sắc đẹp, thịt thơm. Anh Bàn Xuân Lâm (xóm Dù) nuôi hơn 10 con gà loại này, cho biết giống gia cầm này rất lạ, đàn gà của anh mỗi chân có ba cựa, cựa của gà không cứng như ngón chân mà mềm hơn. Chúng rất dễ nuôi và ít bệnh tật. Thịt gà này rất ngon, khả năng chống chịu bệnh của gà cũng rất tốt. Điều đặc biệt là cả gà trống và gà mái đều có cựa.

Trong một đợt khảo sát mới đây (tại Xuân Sơn) của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Phú Thọ cho thấy, đặc điểm của loại gà này có màu sắc là hoa mơ pha với tím sẫm, hình dáng giống gà bình thường. Trọng lượng gà trưởng thành khoảng 1,5 – 1,8kg. Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Phú Thọ Ngyuễn Khắc Khôi cho biết, tại thời điểm khảo sát ở Xuân Sơn, đàn gà mà dân nuôi chỉ có 6 cựa.



Theo ông Khôi, gà thông thường chỉ có hai cựa (mỗi chân 1 cựa), nhưng gà ở Xuân Sơn có đến 6 cựa (mỗi chân 3 cựa). Tuy nhiên, cách gọi gà “nhiều cựa” chỉ xuất phát từ dân gian, những đặc điểm của “cựa” gà hiện nay các nhà khoa học cũng đang phân vân không biết nên gọi là “cựa” hay là “ngón”. Ông Khôi cho rằng, cựa gà ở đây không cứng như cựa gà đá mà gần giống như ngón chân. “Chúng tôi cũng thống nhất xác định ngón chân gà ngoài chuyện di chuyển thì còn để bới, bấu vào cây. Nhưng “ngón chân” đeo vào chân của gà Xuân sơn lại không làm nhiệm vụ ấy, và như vậy có thể coi như là “cựa”. Nhưng nếu khẳng định đó là “cựa” thì cũng “bí” vì nó không cứng như cựa gà đá” - ông Khôi cho hay. Trong hội thảo mới đây về bảo tồn loài gà “9 cựa” được tổ chức tại Phú Thọ, các nhà khoa học đã thống nhất gọi gà ở Xuân Sơn là gà nhiều cựa.

Truyền thuyết “gà 9 cựa” cũng được các chuyên gia đưa ra mổ xẻ dưới cái nhìn khoa học. Ông Khôi cho rằng, truyền thuyết có gà 9 cựa mà bây giờ chỉ còn 6 cựa như ở Xuân Sơn thì cũng phải xem xét vấn đề thoái hóa về di truyền, hoặc xem vấn đề ổn định của tính di truyền, cũng như các biến đổi khác.

“Trong thời gian tới, một kế hoạch chi tiết về loài gà “lạ” này sẽ được tiến hành, trong đó sẽ có điều tra sự phân bố của loài gà này, điều kiện phát sinh, phát triển của nó, điều tra về đặc điểm ngoại hình xem nó có đồng nhất ngoại hình không... Bên cạnh đó, các nghiên cứu về đặc điểm sinh lý, sinh hoá, di truyền, giống đặc tính gene cũng sẽ được tiến hành” - ông Khôi khẳng định.

V.Hưng