Nguồn: vietlyso.com
Ngưởi gởi: AVYE


Xin cám ơn AVYE và xin phép được đăng lại tư liệu này.

--------------------------------------------------------------

KHÁM PHÁ NHỮNG BÍ MẬT CỦA BÀN TAY
Josef Ranald

Lời tác giả

Trong một ngày nào đó, thoạt tiên người của một vòm trời quả địa cầu được chứng kiến hiện tượng nhật thực.

Thế là người ta bắt đầu để ý một cuộc nghiên cứu. Hay nói một cách tế nhị hơn, người ta tìm hiểu hiện tượng nhật thực qua các ống kính, nghĩa là trên phương diện khoa học. Tuyệt nhiên người ta không nghĩ gì về chiêm tinh, người ta chỉ nghĩ về thực trạng đương nhiên xảy ra mà không cho là do mái huyền vi của tạo hoá. Hay nói một cách thông thường hơn, người ta quan niệm chỉ có hành tinh này hay hành tinh khác, mà không có may mảy nào có thể gọi là thiêng liêng là tạo hoá.

Người ta phủ nhận thiêng liêng trước sức bành trướng mãnh liệt của khoa học. Những dụng cụ được bày ra, những vị trí quan sát được sắp đặt, mà hiện tượng sẽ phải xảy ra đúng theo thước tấc của thời gian đo được.

Vô tình người ta quên mất nhật thực hay nguyệt thực, từ trước, đã được "tiên tri" rất lâu trước khi các nhà bác học, môn đệ trung thành của khoa học, chào đời .

Phải chăng đây là một trường hợp quán thông, hay thấu triệt vị lai mà một nhà "tiên tri" nào đó đã nói ra. Và lời nói ấy được coi như một lẽ quá đầy đủ để hướng dẫn các nhà bác học hiện tại trải qua hàng vạn cây số đến nơi quan sát?

Không phải như thế đâu.

Những người sống trong thời đại ống kính và công thức học này chỉ muốn có những lời giải đáp của hiện tượng ấy qua ống viễn kính mà tuỵệt nhiên không bằng lòng để người ta gán cho mình danh từ "bốc đồng". Họ, tất cả đều không thể và không khi nào coi quan trọng lời tiên liệu của những người mà họ xem là "bốc đồng" là quàng xiên, nhất là khi được nghe một lời tiên tri về ngày tận thế.

Tuy nhiên, những vị này cũng như hàng triệu vị khác đều đã phải chấp nhận sự tiên liệu chính xác và đầy đủ chi tiết về phần bóng tối do mặt trăng gây ra để đem lại hiẹn tượng nhật thực hay nguyệt thực.

Do đó, trong những phạm vi khác của khoa học, sự tiên liệu (hay tiên tri cũng thế) đã nghiễm nhiên trở thành sự việc thông thường.

Cho nên người ta thừa nhận hết đêm thì sang. Người ta cũng đồng chấp nhận khí hơi sẽ bốc cháy, nếu ta để diêm quẹt cháy gần ngọn khí hơi đã vặn mở. Người ta cũng không lấy làm lạ khi cây viết chì của ta trừ trên tay sẽ rơi xuống đất nếu ta buông thả nó.

Như thế, có nghĩa là mọi người trong chúng ta, không riêng gì những nhà bác học hay những nhà tiên tri,đều lập lại một sự việc xảy ra theo sự tiên liệu về tính cách liên tục hẳn nhiên của nó.

Người khoa học vẫn không thể đi xa hơn thế. Những lời tiên liệu của họ căn cứ trên những phép toán phức tạp, những phép toán ấy cũng phải dựa vào những sự đã quan sát.

Về mặt lý thuyết, ngay nhà bác học hay nhà thiên văn học cũng không hơn gì chúng ta, họ vẫn không có một ước đoán dứt khoát về ngày mai của mặt trời sẽ ra sao, có mọc đúng như hôm nay, hay trái lại. Vì rằng những công thức số học của họ, chỉ diễn tả sự có thể có của một sự việc gì sẽ xảy ra mà tuyệt nhiên không xác nhận một cách chắc chắn một việc gì đó sẽ phải xảy ra đúng hay sai với sự việc đã xảy ra.

Những con số thống kê của họ chỉ cho phép họ chấp nhận hay bác bỏ mà thôi.

Tuy nhiên, về thực hành, nhà bác học hay nhà thiên văn học có thể căn cứ vào quỹ đạo hôm trước, tưởng tượng những thay đổi chính xác, vừa trong không gian vừa trong thời gian, mà theo đó mặt trời hôm sau mọc khác hôm trước.

Điều mà tôi đang cố gắng chứng minh ở đây là nhà khoa học hiên nay có thể tiên liệu hàng ngày, những lời tiên liệu ấy được các đồng nghiệp của nhà khoa học và toàn thể chúng ta chấp nhận là có giá trị.

Có điều khá kỳ dị là có một vấn đề duy nhất mà những nhà khoa học không giải quyết đúng theo những con số trung bình của thống kê: đó là bản thân con người.

Con người không thể tiên liệu tương lai của mình. Những hoạt động riêng của con người, những phản ứng của con người, những tư tưởng của con người, những yếu tố phức tạp đủ thứ đã kết cấu thành cái tôi của con người, tất cả những điều ấy, hiện nay ít người biết đến, khônng như bất cứ hiện tượng thiên nhiên nào khác.

Về điều này, khắp mọi nơi, ai cũng chỉ theo một con đường, con đường ấy đã có những hậu quả rõ rệt: Con người không biết gì về con người cả. Vì thế mới đưa con người đến một chánh tri, một tác phong ích kỷ.

Con người không còn sợ sấm sét nữa bắt đầu từ lúc con người biết sấm sét là gì. Cái mà con người sợ nhất ngày nay chính là đồng loại với con người, chính là con người.

Tôi tin rằng lúc con người biết rõ con người, sự sợ đó cũng biến mất.

Lẽ tất nhiên khoa học phải nổi lên chống lại sự ép buộc khoa học phục vụ cho tàn bạo, tham lam mà sẽ hiến dâng tất cả để phục vụ loài người. Các bạn thử tưởng tượng một đại hội nghị các nhà bác học chuyên lo nghiên cứu con người để mưu tìm hạnh phúc cho con người! Người ta đã thấy những nhà bác học như Carrel, Jeans, Eddington, Einstein, Huxley, Rostand, Russel đã lo lắng cho tương lai của con người, sự kiện này đủ hứa hẹn một hội nghị như thế một ngày kia có thể thực hiện được. Tôi tin rằng trong sự hứa hẹn đó, đối với đa số con người, sẽ có sự giải phóng thật sự con người khỏi ách khống chế của đồng loại.

Tất nhiên, ngày xưa đã có những người nghiên cứu con người, nhưng tới ngày nay, họ chia đề tài nghiên cứu của họ ít nhất ra làm hai phần riêng biệt. Phần thứ nhất, gồm có thể chất con người, đã tiến bộ nhiều lắm tuy rằng đối với các bộ môn khoa học khác chưa được chính xác lắm, nên có thể nói nó hãy còn ấu trĩ lắm. Phần thứ hai, phần con người nghiên cứu tinh thần của con người, nhân cách của con người, lương tâm của con người, linh hồn của con người - muốn gọi sao cũng được- phần này mới khai sanh không bao lâu.

Một lý do của sự sai biệt ấy, theo tôi trưởng là sự phân chia làm hai phần tinh thần và thể chất, là một sự phân chia giả tạo. Con người là một trọn vẹn, nó hành động và phản động như một. Không có một thầy thuốc nào chối cãi không có liên quan giữa tinh thần của người bệnh với sự chữa khỏi một bệnh hiểm nguy. Không có một nhà tâm lý học nào không chấp nhận ảnh hưởng của một bệnh thần kinh đối với hành động của người bệnh. Tại sao trong trường hợp này lại để cho những danh từ tâm lý học, sinh lý học, sinh vật học ngăn cản chúng ta không được coi con người như một thực thể?

Nhưng thay vì nhìn tinh thần và thể chất như hai sự khác biệt, nhiều nhà bác học hiện thời đang tìm cách hiệp cả hai lại làm một. Những nhà lãnh tụ tin tưởng khoa học, nhìn hai trạng thái của con người như những bộ phận của một sự trọn vẹn đầy đủ mà người ta phải nghiên cứu, sự nghiên cứu có nhiều người gọi là tâm lý sinh vật học, khoa học hỗn hợp thể chất và tinh thần của con người. Họ đã đem vào trong khoa học mới này những phương pháp đo lường khách quan thường dùng trong các phòng thí nghiệm. Nếu trong khoa hoá học và vật lý người ta lấy sự gom góp những thống kê làm nền tảng, cái phương pháp đặc biệt vô tư ấy cũng có thể ích dụng trong khoa học về con người.

Tuy nhiên, còn có một sự khác mà chúng ta có thể học ở khoa số học, trong những kết luận số học, những nhà bác học chỉ biết có toàn thể những sự kiện mà họ thấu rõ. Trong sự nghiên cứu con người, nhiều nhà lý thuyết của chúng ta đã sáng lập những môn phái triết học chung quanh những xâu chuỗi hiện tượng lẻ loi. Những nhà bác học không chịu nhận rằng người ta có thể nghiên cứu một việc khác ngoài những hoạt động và phản động của thể chất. Freud đặt tất cả chúng ta vào trong phân nửa số con người chế ngự bởi những dục tính bị dồn ép. Có những nhà bác học lại chỉ cho sự dinh dưỡng là duy nhất đã làm ra con người. Tại sao lại không nhìn toàn thể các sự kiện ấy?

Chính với ý tưởng ấy mà tôi đã bắt đầu viết cuốn sách này nghiên cứu về bàn tay con người. Trong một sự nghiên cứu triệt để về con người, tôi dám chắc rằng sự nghiên cứu bàn tay của con người phải có một phần đóng góp không nhỏ.

Tôi xin nói rõ với các bạn trường hợp nào đã đưa tôi đến việc nghiên cứu khoa học quan sát này, khoa học coi tay, mà đã từ lâu quá, những bậc trí thức nông cạn coi như là một sự bói toán huyền hoặc, không đúng đắn mấy, chẳng khác nào sự ước đoán tương lai với một cái bầu bằng thuỷ tinh.

Lúc đó vào năm 1917, giữa thế chiến thứ nhất. Một người bạn thân của tôi và tôi, cả hai đều là sĩ quan trẻ tuổi trong quân đội Áo. Chúng tôi được nghỉ phép ở hậu phương.

Bạn tôi đề nghị, để giết thời gian, đưa tôi lại nhà một giáo sư đại học có tật kỳ cục là coi chỉ tay. Tôi cho đó là ý tưởng hay để khuây lãng và chúng tôi lại nhà giáo sư.

Những tiếng đầu tiên, hay gần như thế, của nhà giáo sư coi tay này là nhận thấy trong bàn tay của bạn tôi dấu hiệu sợ chết và dấu hiệu ấy lại ở cả hai tay, ông liền đoán cho bạn tôi sẽ chết một ngày gần đây.

Tự nhiên tôi giận dỗi, bảo:

- Cụ, vì cụ không phải là kẻ bị động viên, cụ sống yên ổn tại nhà. Còn chúng tôi ở trong chiến hào ai là người không sợ chết? Thế thì trong chúng tôi, có bao nhiêu người mà cụ có thể đoán phải chết trong một thời gian ngắn ngủi như thế? Và ngay tôi, chắc cụ sẽ đoán chỉ còn sống trong một thời tuần lễ nữa thì phải?

Ông lão nhếch hàm râu, cười khà. Ông lật bàn tay tôi ra, ngắm nghía:

- Ông thì trái lại, ông sẽ sống lâu, mặc dù ông sẽ thấy chết nhiều phen mà ông vẫn thoát chết như thường, và ông sẽ trải qua nhiều phen phiêu lưu. Ông sẽ gặp nhiều vĩ nhân trên thế giới.

Trở về đồn tiền tuyến, tôi hãy còn bực tức vì những lời của ông giáo sư ấy nói về bạn tôi. Thật sự trong sự đoán già đoán non ấy cahngwr có gì phải bận tâm. Nhưng ông già cũng kỳ cục! Tại sao ông lại đi nói với một chàng trai trẻ 18 tuổi đầu trên đường trở về hoả ngục của chiến tranh rằng sẽ chết trong ít ngày? Nhưng quả nhiên hai ngày sau, bạn tôi chết. Còn tôi, thì thoát chết trong nhiều trường hợp gần như phép lạ, không những một lần ấy mà còn biết bao nhiêu lần khác. Sau khi lành vết thương tại mặt trận Galicie tôi được bổ nhiệm vào quân đội Áo chiếm đóng một thành phố biên giới nước Ukraine.

Nhưng không được bao lâu. Trong những tháng lịch sử của năm 1918, các quân đội và các đế quốc (Đức, Nga) bị tan rã, tôi đã bị quan lính tôi bỏ rơi, tuyệt đối cắt đứt liên lạc với bộ tham mưu. Tình cảnh ấy không thể hợp với tuổi thọ mà giáo sư đã tiên đoán cho tôi, ấy thế mà tôi cũng cứ làm những gì phải làm để sống. Nhờ những người dân quê tản cư cho đi nhờ trên chiếc xe bò, tôi ra đi để tìm đến thành phố có bộ tham mưu sư đoàn đóng. Con đường đầy nguy hiểm. Dọc đường đầy bọn côn đồ du đãng, đào binh, chán cảnh tàn sát có tổ chức, lang thang đây đó cổ võ cách mạng. Bộ quân phục sĩ quan của tôi không thể đảm bảo mạng sống của tôi. Những toán thổ phỉ thì cướp phá. Miền này là miền đã hoàn toàn bị tàn phá nên chúng cướp bóc luôn những kẻ lánh nạn.

Chiếc xe của chúng tôi qua lọt vài nhóm thổ phỉ nhưng cuối cùng cũng rơi vào tay một đoàn thổ phỉ khác. Họ lôi tôi xuống xe và dẫn tôi vào rừng. Lúc tôi viết những dòng chữ này tôi còn nhớ rõ cảm giác đầu tiên tôi bị họ đánh. Lúc đó tôi chỉ mong bị họ đánh mãi cho tôi bất tỉnh, như vậy tôi sẽ không biết đau đớn quá trước khi bị giết.

Họ đánh đã rồi họ bỏ mặc tôi dựa vào một gốc cây. Tôi chán quá, chán cả hy vọng được chết mau. Họ để lại một người canh giữ tôi, còn thì họ rút đi ăn tối. Mặt trời đã ngả bong từ lâu chung quanh tôi, bóng cây ngả dài thườn thượt, chim đã bắt đầu bay về ổ. Tôi không nhớ là tôi có sợ hay không. Tôi không quan tâm đến số phận tôi nữa. Tôi như chìm vào đê mê lẫn lộn với khó chịu của thể xác.

Tôi đưa tay lên lau dòng máu chảy từ chân mày xuống. Màu đỏ của mặt trời chiều tối pha lộn với màu đỏ của máu nơi bàn tay tôi, và mỗi đường chỉ, mỗi dấu vết trong lòng bàn tay tôi hiện rõ rệt như một bản khắc nhuộm đỏ. Tôi giơ bàn tay lên và ngắm nghía những nét đó. Tôi chợt nhớ tới lời tiên đoán sống lâu của vị giáo sư. Thật là một giễu cợt.

Tôi nhìn bọn người ngồi chung quanh đám lửa, đinh ninh rằng lúc này chúng đang bàn cách giết tôi. Tự nhiên tôi phá lên cười.