Chiếc áo kì bí và 3 phát đạn "bắn chệch" ở Quảng Bình


Ba phát nổ chát chúa liên tiếp phát ra khiến mọi người đinh tai nhức óc.
Thế nhưng, lạ kì thay, chiếc áo mà ông Lâm treo trên cây gậy vẫn chẳng
hề lay động.


Người bí hiểm

Theo Chủ tịch UBND xã Đinh Hợp, ở thung lũng Ma Coong (Tân Trạch, huyện
Bố Trạch, Quảng Bình), nhiều người đã dùng những biện pháp kỳ quái để
chữa bệnh. Họ là những người được người dân ca tụng, săn đón. Tuy nhiên,
có một người cực kỳ quái đản ở đất này thì lại rất ít người biết đến.
Theo ông Đinh Hợp, cao nhân ẩn tích đó la ông Đinh Ngọc, hiện đang sống ở
bản Cà Roòng 1. Ông Hợp bảo, ông học các phương pháp chữa bệnh bí
truyền cũng chính từ ông Đinh Ngọc.

Một sáng, theo chân ông Đinh Hợp, chúng tôi xuống bản Cà Roòng 1 để tìm
gặp vị cao nhân bí ẩn ấy. Nhà ông Đinh Ngọc ở cuối bản, nằm ngay dưới
chân đồi, nơi có những cây săng lẻ to cỡ mấy người ôm. Theo chủ tịch xã
Đinh Hợp thì năm nay, sư phụ Đinh Ngọc đã tròm trèm 100 tuổi, ông không
có con, đang sống cùng một người cháu gái.


Ông Đinh Hợp với thầy của mình, cao nhân ẩn tích Đinh Ngọc.

Từ lâu lắm rồi chẳng ai thấy ông không ra khỏi ngôi nhà sàn vắng lặng
tiếng người ấy. Khi chúng tôi đến, ông Đinh Ngọc đang ngồi bệt dưới bếp,
ngậm cái tẩu được cắt gọt cầu kì, bóng nhoáng. Ông để dâu dài, trông
đạo mạo, bí hiểm như một đạo sĩ tu luyện lâu năm. Thấy chúng tôi đến,
ông ngồi thẳng dậy, mắt nhìn vô tư lự, nét mặt chẳng biểu hiện bất cứ
cảm xúc gì. Cung cách ấy càng khiến chúng tôi tò mò. Chủ tịch xã Đinh
Hợp hỏi chuyện ông, ông cũng chẳng nói, cứ ngồi im, đưa ánh mắt vô hồn
quan sát hành động của mọi người. Ông Đinh Hợp bảo, thầy ông vốn kiệm
lời và cũng có khi đến cả chục năm nay, ông không nói chuyện với bất cứ
ai. Ông cứ ngồi trong bếp, ai cho gì thì ăn nấy không thì chỉ ngồi không
và hút thuốc lá xèo xèo.

Ông Đinh Hợp kể, trước đây, thầy ông đã dạy cho các môn đồ rất nhiều
những ngón nghề kì lạ. Ngậm dao nung đỏ chữa bệnh chỉ là một phép đơn
giản trong số ấy. Thế nhưng, theo ông Hợp, tất thẩy các học trò của thầy
mà ông từng biết, chẳng ai lĩnh hội được hết các bài phép mà thầy đã
dậy. Có thể họ không đủ kiên nhẫn để theo học và cũng có thể họ không có
căn duyên. Mỗi người chỉ học được một môn, chỉ làm được một loại bùa
phép nhất định. Như trường hợp của ông chẳng hạn, ông chỉ biết cách làm
chú để chữa bệnh, đuổi ma bằng từ việc ngậm dao nung đỏ. Còn anh Đinh
Pàm, liên lạc viên của UBND xã thì chỉ giỏi mỗi phép chữa bệnh bằng cách
hút đá.

Ông Hợp bảo, ông đã cố gắng học phép thuật lạ lùng này, thế nhưng học
mãi mà vẫn không thể làm được. Nhiều lần tận mắt thấy Đinh Pàm chữa bệnh
cho mọi người, được mọi người đưa rước đi khắp nơi, ông thán phục lắm
bởi chẳng hiểu bằng cách nào Đinh Pàm lại có khả năng kì diệu đó. Gặp
người đau ốm, Đinh Pàm chỉ cần "đọc chú" rồi chum miệng hút ở ngay sát
chỗ đau thì chỉ trong giây lát, mọi sự cơn đau nhức, mệt mỏi sẽ tan. Nếu
những điều ông Hợp kể là đúng thì quả những câu chuyện này hết sức kỳ
quái.

"Bài thuốc" diệu kì

Ông Đinh Hợp bảo, thầy Đinh Ngọc còn có một bài chú chữa xương khác vô
cùng kì diệu mà đến giờ vẫn chưa có môn đệ nào có thể kế thừa. Sử dụng
bài chú này, người bệnh sẽ không có cảm giác đau đớn, sợ hãi. Theo đó,
khi có người bị gẫy chân tìm đến nhờ chữa, thầy Đinh Ngọc sẽ vào núi bắt
một con ếch đá ở tuổi trưởng thành. Sau đó, thầy sẽ niệm chú, làm phép
và nếu người bệnh bị gẫy chân phải thì thầy sẽ bẻ chân trái con ếch và
cho con “vật tế thần” ấy vào trong một chiếc chum đã được đổ đầy nước.
Cứ thế, mỗi ngày người bệnh chỉ việc múc nước từ chiếc chum đó ra rửa
vết thương. Xương ếch nhanh liền nên chỉ trong một tuần, chân ếch lành,
có thể nhảy nhót trong chum. Và, cũng trong một tuần ấy, xương chân của
người cũng khỏi. Ông Hợp bảo, dùng liệu pháp kì lạ này, thầy ông chưa
đầu hàng trước bất cứ ca gẫy xương nguy hiểm nào.



Cao nhân Đinh Ngọc.

Cũng theo ông Hợp, thầy ông còn rất giỏi trong việc bào chế các bài
thuốc nam. Với thầy ông thì rừng Trường Sơn là một kho thuốc với những
vị thuốc báu vật mà không nơi nào có được. Có lẽ nhờ sự uyên thâm của
ông cùng nhiều thế hệ pháp sư ở đất này mà người Ma coong ở đây rất giỏi
trong việc sử dụng thuốc, đặc biệt là các bài thuốc giải độc. Ông Hợp
từng bị rắn hổ chúa cắn cách đây hơn hai chục năm, may mà có bài thuốc
đặc biệt của thầy chứ không cũng khó bảo toàn tính mạng.

Suốt buổi gặp gỡ, ông Đinh Ngọc chẳng mấy khi cất nhời. Hỏi gì ông chỉ
gật và nói bằng tiếng dân tộc. Ông Hợp phải phiên dịch những lời nói và
cả những cử chỉ của thầy mình. Theo đó, ông Đinh Ngọc bảo, pháp thuật lạ
kì mà ông có được là do học của một tiền nhân đi trước. Vị sư phụ này
đã mất được cả nửa thế kỉ rồi. Ngày trước, nghe thầy mình nói là học
được của một pháp sư ở vùng biên giới nước Lào.

Cao nhân ẩn tích như ông Đinh Ngọc ở thung lũng nhiều điều kì bí này,
theo ông Đinh Hợp, còn nhiều lắm. Họ không xuất hiện không đồng nghĩa
với việc họ không có khả năng mà trái lại, sự siêu phàm của họ khiến cả
những pháp sư cao tay ấn cũng run rẩy sợ hãi.

Giải thưởng không có chủ nhân

Trước khi viếng thăm cao nhân ẩn tích Đinh Ngọc, chúng tôi có cuộc trò
chuyện với mấy cán bộ xã cùng những giáo viên lên đất này công tác ở
ngay trước sân UBND xã. Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về bùa
chú, pháp thuật đang tồn tại trong cộng đồng người Arem, Macoong ở thung
lũng này, tất thảy họ đều bảo, đó là chuyện có thực, cho dù rất khó
tin. Những cán bộ, giáo viên ấy khuyên tôi nên tìm gặp ông Tùng Lâm, 70
tuổi, hiện đang sống ở bản Pan, cách trung tâm xã mấy giờ đi bộ. Sở dĩ
họ có lời khuyên ấy là bởi ông Tùng Lâm chưa bao giờ xuất hiện trước mọi
người với tư cách là người tinh thông bùa phép. Thế nhưng, cách đây
chừng 3 năm, ông đã khiến mọi người thất kinh, hoảng hốt.

Theo những nhân chứng này thì buổi ấy, không biết uống rượu ở đâu, ông
Lâm ngất ngưởng về trung tâm xã. Khi ấy, cũng trong một buổi chuyện
phiếm như thế này, ông Lâm bảo, về pháp thuật, ở đất này, tài nghệ của
ông chẳng thua kém bất cứ ai. Chẳng thấy ông làm phép bao giờ nên mọi
người chẳng tin. Nghe mọi người nói vậy, ông cởi phăng chiếc áo mình
đang mặc vứt xuống đất và bảo sẽ có cách khiến mọi người phải tin.



Anh
Đinh Pàm, liên lạc của UBND xã Thượng Trạch, (người ngồi ngoài cùng từ
trái sang) người có khả năng chữa bệnh bằng cách hút đá.


Theo đó, ông Lâm bảo, ông sẽ treo chiếc áo của ông lên, nếu ai dùng súng
(kể cả súng quân dụng) mà bắn xuyên áo khi đứng ở khoảng cách 15 thước
thì ông sẽ thưởng lớn. Phần thưởng mà ông Lâm đưa ra là 2 con lợn nít và
20 triệu đồng. Còn nếu ai bắn mà không xuyên được áo thì chỉ phải mất
cho ông phân nửa số tài sản trên.

Lời thách được đưa ra thế nhưng chẳng ai dám cược. Sau cùng, một anh bộ
đội biên phòng tên Liêm không tin vào chuyện hoang đường ấy đã nhận lời
thách đố. Tất thảy kéo nhau ra bìa rừng. Chiếc áo của ông Lâm được treo
trên một chiếc gậy giống như người ta vẫn treo để doạ chim phá lúa. Ba
phát nổ chát chúa liên tiếp phát ra khiến mọi người đinh tai nhức óc.
Thế nhưng, lạ kì thay, chiếc áo mà ông Lâm treo trên cây gậy vẫn chẳng
hề lay động. Kiểm tra, mọi người đã tá hoả bởi không biết những viên đạn
đó bắn đi đâu, dù anh lính tên Liêm ấy vốn là một tay súng cừ…

Mặc lại chiếc áo, ông Lâm bảo, phần thưởng ông treo vẫn vậy, ai có khả
năng thì cứ đến bản Pan gặp ông mà lấy. Lời thách đố của ông Lâm nhanh
như thác đổ, vọt về tận đồng bằng. Nhiều người đã ngược rừng lên đây tìm
gặp ông Lâm để “kiếm phần thưởng” nhưng tất thảy đều phải về không.
Không những thế, khi rời bản Pan, xuống núi ai nấy đều thất kinh, thảnh
thốt. Họ không hiểu tại sao lại có điều lạ lùng đến vậy. Trò chuyện với
chúng tôi, một lái buôn tên Thu, sống ở ngay trước UBND xã bảo, khi mới
lên đây, ông cũng định tìm ông Lâm để… kiếm tí vốn làm ăn. Tuy nhiên, ở
đây được vài tuần, chứng kiến nhiều chuyện không thể tin vào mắt mình,
ông đã từ bỏ ngay ý định đó…

Mấy ngày ăn ở với người Arem, người Macoong trong thung lũng thẳm sâu
giữa đại ngàn Trường Sơn ấy, chúng tôi đã đi hết ngạc nhiên này đến ngạc
nhiên khác. Những chuyện, những việc tưởng như không có thật ấy lại tồn
tại một cách rất đỗi bình thường ở nơi đây. Bởi thế, khi rời khỏi mái
rừng già kì bí ấy, chúng tôi ai cũng ngỡ tưởng, mình vừa trở về từ cõi
mơ, bến mộng.

Theo Tuệ Linh (Tuổi trẻ thủ đô)