"Thần y" chữa bách bệnh bằng... "sờ, nắn, bóp"!
07:29' 19/01/2008 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đến thành phố Pleiku, Gia Lai hỏi bà Nhang "chữa bệnh bằng tay" chắc ai cũng biết. Vì thời gian gần đây nhiều người đồn thổi bà có đôi tay "cảm nhận", chữa được bách bệnh (?). Và hằng ngày có tới từ 40-50 người ở các miền quê trên cả nước đến đây để được bà khám, chữa bệnh.

"Thần y" chữa bệnh bằng tay!


Nghe tin đồn đã lâu, hẹn mãi, cuối cùng những ngày đầu năm 2008 chúng tôi mới quyết định tìm đến thăm và tìm hiểu thêm về “thần tài”, người mà tin đồn thổi là chỉ dùng đôi bàn tay “cảm nhận” để chữa bệnh cho nhiều người. Và kỳ lạ hơn, là chữa được nhiều bệnh mà các thầy thuốc tài giỏi ở các bệnh viện phải bó tay chào thua!


Bà H’Hom đang khám bệnh cho bệnh nhân



"Thần y" là bà Ksor H’Hom – người dân địa phương gọi là bà Nhang, sinh năm 1947, dân tộc Jrai, hiện đang cư trú tại làng Kép, phường Thống Nhất, TP Pleiku, Gia Lai. Mới hơn 8 giờ sáng, bà H’Hom đã khám và điều trị cho hơn 30 người bệnh. Bà đang chuẩn bị để khám và điều trị cho những người tiếp theo với phương pháp thật đơn giản: “sờ, nắn, bóp”.

Tranh thủ lúc vắng khách, giải lao, trao đổi cùng chúng tôi bà H’Hom bảo rằng, công việc của bà lúc nào cũng bận rộn, có lúc bệnh nhân đông bà phải dậy từ 3-4 giờ sáng để “khám, điều trị” cho họ. Nhà bà có truyền thống chữa bệnh cổ truyền, từ nhỏ bà H’Hom đã được bà nội chỉ cho cây lá thuốc để chữa bệnh. Sau khi bà nội mất, thì chỉ một mình bà đã được bà nội truyền lại cho đôi bàn tay “cảm nhận” để chữa bệnh!.

Truyền lại bằng cách nào? Bà H’Hom "không tài nào nhớ" và "diễn tả" được, đành chịu. Bà chỉ nhớ lại mấy hôm sau đám ma của bà nội, bà nằm mơ thấy bà hiện về và... bày cho cách chữa bệnh… Từ đó, bà chữa bệnh cho mọi người. Lúc đầu chỉ những người trong gia đình, sau đó lan ra trong làng, trong xã. Và cứ thế, hiện nay với "tài" chữa bệnh bằng đôi tay “cảm nhận” với hình thức nắn, bóp… của bà H’Hom đã lan ra cả nước. Ban đầu, bà chỉ chữa bệnh cho những người bị bệnh bướu cổ, mỗi ngày bà bóp vào nơi bị đau hai lần, mỗi lần khoảng 10 – 15 phút và cho “bệnh nhân” uống thêm chén lá thuốc mà bà đã nấu sẵn. Hỏi mãi bà mới cho biết, đó là cây lá ngăi ở trong rừng. Lá này do chính tay bà hái về, "sao vàng hạ thổ” và nấu cho người bệnh uống mới hiệu quả, còn nếu ai đó, kể cả trong gia đình bà đi hái về thì lại không hiệu quả (!)

Lâu sau thì bà H’Hom đã chữa thêm bệnh “hiếm muộn con” cho những đôi vợ chồng đã nhiều năm cưới nhau mà lại không có con. Tiếp đến là bệnh “tai biến mạch máu não”; bệnh động kinh, bệnh u xơ tử cung và nhiều bệnh căn bệnh khác mà hiện nay các thầy thuốc có khi chào thua, như “ung thư” chẳng hạn! Bà H’ Hom quả quyết với chúng tôi, bệnh ung thư ban đầu bà có thể chữa khỏi (?) nếu như người bệnh tuân thủ nghiêm túc theo những điều cấm trong chế độ ăn uống, sinh hoạt mà bà đã đưa ra như cấm ăn những thức ăn là loài cây có nhựa, thịt heo, thịt chó… Và đặc biệt, phải vững tin vào “tài chữa bệnh” của bà và chấp nhận điều trị lâu dài.


Ông Nhang chồng bà H’Hom giới thiệu cuốn album ảnh bệnh nhân chữa lành bệnh đến cảm ơn

Khi chúng tôi hỏi: Bà làm thế nào để biết bệnh nặng, bệnh nhẹ và bệnh nhân đã lành bệnh. Bà H’Hom cười tươi và trả lời rất “đơn giản”: Đó là sự cảm nhận của đôi tay (!)

Chúng tôi lại hỏi: Thế bà chữa bệnh lâu chưa và chữa lành cho bao nhiêu người thì bà H”Hom không nhớ nổi. Bà chỉ nhớ lại là đã chữa bệnh từ khi còn nhỏ và không nhớ hết là đã chữa lành cho bao nhiêu người! Theo bà thì nhiều, nhiều lắm (không ghi hết và cũng không nhớ hết trong cái đầu đâu!). Trong quá trình chữa bệnh bà H’Hom không ghi bất cứ một thứ giấy tờ gì, vì bà không được đi học và không biết chữ nên có muốn ghi cũng đành chịu.

Như một minh chứng, ông Rơ Châm Nhang - chồng bà H’Hom đưa cho chúng tôi xem một album ảnh, trong đó theo ông thì có rất nhiều người lành bệnh đã đến thăm, cảm ơn và hậu tạ gia đình bà. Hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh đã có trên 10 cặp vợ chồng “hiếm muộn con” đã đến đây khám, điều trị. Còn các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên thì quá nhiều.

Ông Rơ Châm Nhang còn kể cho chúng tôi nghe thêm chuyện cô Trần Thị Vân – hiện đang làm kế toán cho một cơ quan ở huyện Ia Grai (Gia Lai) bị bệnh “sưng lá lách” đi nhiều viện, uống nhiều thuốc mà không lành. Đến điều trị tại nhà bà H’Hom đã lành và bà H’ Hom còn chữa bệnh “muộn con” cho cô Vân, chỉ sau 2 tháng cô Vân đã mang bầu và hiện nay đã có em bé…

Quá trình chữa bệnh cho “bệnh nhân” với bà H’Hom là chỉ bóp, sờ, thoa nơi bị đau và bệnh gì cũng chỉ uống một thứ thuốc “gia truyền” duy nhất, đó là cây lá ngăl được phơi khô, nấu lấy nước để uống.

Vượt qua cả y học và bác sĩ tài ba?

Phòng khám bệnh của bà H’Hom thật đơn giản, chỉ một tấm riđô che khum lại bên một góc, nơi hàng ngày bà “khám bệnh”. Phòng bệnh rộng khoảng 30m2 nhưng có đến trên 30 người thường trú để hằng ngày đợi bà “xoa, đấm, bóp”. Mỗi người được chủ nhà trang bị một chiếc chiếu để trải nằm ngủ nghỉ.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Phạm Thị Ngân – 67 tuổi đến từ Quảng Tân, Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết: “Bà bị bệnh bướu ác tính (Bazađô), đã đi điều trị nhiều bệnh viện nhưng không khỏi, đi lại khó khăn. Nghe tin thầy thuốc H’Hom chữa được nhiều bệnh. Năm 2004, bà đã vào đây hai lần để được bà H’Hom khám chữa bệnh, nay bà lại vào lần thứ 3 được hơn 10 ngày. Hằng ngày “thầy thuốc” H’Hom vẫn hai lần bóp nắn và cho uống thêm thuốc lá gia truyền...". Theo bà Ngân thì hiện nay bà đã đi lại bình thường, tay đỡ run và người cũng đỡ đau, ngủ được!


Bệnh nhân tại nhà bà H’Hom

Hiện nay ở trọ và đang điều trị tại nhà bà H’Hom có trên 30 người bị bệnh bướu cổ và nhiều người đến chữa trị bệnh “hiếm muộn con”.

Anh Thơl – 47 tuổi, dân tộc Jrai đến từ làng Ngo, xã Ia Le, huyện Chư Sê (Gia Lai). Anh bị tai biến mạch máu não, bị câm, chân tay tê liệt, đi lại khó khăn.. Anh đã đi điều trị ở bệnh viện nhưng không khỏi. Được bà H’Hom điều trị nay đã cười được, đang tập đi lại và tay cũng cử động được. Theo bà H’Hom thì đây là trường hợp đầu tiên người mang căn bệnh này đến đây và được bà chữa trị hiệu quả đến nay đạt được hơn 50%.

Cũng như những người trên là chị Châu Thị Diệp đến từ xã Đoàn Kết, thị xã Kon Tum (Kon Tum). Chị bị bệnh u độc cũng đã đi nhiều viện nhưng không khỏi. Đến đây chị được bà H’Hom tận tình “chăm sóc” nên bệnh cũng đã thuyên giảm trên 20%. Chị có số thời gian điều trị lâu nhất tại đây. Chị còn cho biết thêm, thời gian “nằm viện” điều trị với chị có anh Lê Quang Tình cùng vợ là chị Hoàng Thị Tình ở ChưMnga (Đăk Lăk) lấy nhau đã được hơn 9 năm nhưng không có con, đi bệnh viện khám, bác sĩ kết luận tinh “trùng loãng”, yếu (25%).

Về đây được bà H’ Hom “xoa bóp” và uống thuốc nay chị Tình đã có bầu được hai tháng. Anh Bùi Văn Hương cùng vợ là chị Lê thị Nhung ở phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh cũng lấy nhau hơn 10 năm mà không có em bé, họ đã ra đây và được bà H’Hom chữa trị, nay vợ chồng anh đã có em bé. Đầu tháng 7/2007 vừa rồi hai vợ chồng đã ra đây “tạ ơn” gia đình và hậu tạ 5 triệu đồng. Và còn rất nhiều, nhiều trường hợp khác…

Tìm hiểu của chúng tôi, mọi người điều trị ở bà H’Hom chỉ trao đổi lại là “đỡ bệnh”, trong đó không có ai lành bệnh cả và đã có những người điều trị ở đây cả 2-3 năm. Còn những người đã được bà H’Hom chữa lành bệnh thì chỉ là nghe ông, bà Nhang kể lại (?).

Do nhiều người “công nhận” tài chữa bệnh của người thầy thuốc H’Hom thì chị Trần Thị Thái ở thị xã An Khê (Gia Lai) bị bệnh bướu cổ đã đến đây và nhờ bà H’Hom chữa bệnh như “tin đồn”. Nhưng sau 3 tuần điều trị, mất cả triệu bạc nhưng không thấy lành. Chị đã đi viện 13 ở TP Quy Nhơn điều trị nay đã khỏi. Vợ chồng chị Hương ở TP. Pleiku muộn con đến nhờ bà thầy thuốc "tài ba" này cuối cùng cũng tiền mất, tật mang. Cùng cảnh như chị Thái, chị Hương chỉ ở xung quanh TP. Pleiku cũng không phải là ít.

“Điều thần bí” cần được quản lý!

Với bà H’Hom - người chữa bệnh bằng đôi tay “cảm nhận” thì không có gì là bắt buộc. Bởi theo bà, ai có bệnh thích thì đến chữa, không thích thì thôi, bà không lôi kéo, lừa mị. Tiền “thù lao” thì cứ một đợt 10 ngày là 400 - 500 ngàn, điều trị đợt hai, đợt hai, ba thì tiền chỉ bằng một nửa…


Bà H’Hom chữa bệnh bằng... tay cho một bệnh nhân bị tai biến mạch máu não



Biết bà chữa bệnh như thế, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng chẳng có ý kiến gì!

Theo chúng tôi, hiện tương bà H’Hom chữa bệnh bằng đôi tay “cảm nhận” và một thứ lá thuốc “thần dược” tìm được ở trong rừng là điều mang tính chất “thần bí”.

Người dân quanh vùng đang mong muốn Sở Y tế Gia Lai có một cuộc kiểm tra để đánh giá kết quả và tài năng chữa bệnh thần kỳ của “thần y” này. Khi những căn bệnh nghiệt ngã mà thế giới y học và các thầy thuốc tài ba bó tay chịu thua thì với bà H’Hom là… chuyện nhỏ!

Hân Minh